Đề xuất doanh nghiệp được trích tối đa 5% thu nhập để lập Quỹ phát triển KHCN

09/05/2025 06:32
Doãn Nhàn

GDVN -Đề xuất, doanh nghiệp được phép trích tối đa 5% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Đây là một trong những điểm mới nổi bật tại Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Theo đó, dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.

z4996010882248-2d21907cddfd66af183261e277fbba01-4764.jpg
Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Nguồn: USTH)

Theo Tờ trình số 262/TTr-CP ngày 23/4/2025, đổi mới sáng tạo được định nghĩa là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý dựa trên đổi mới công nghệ, sáng tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo nâng cao hiệu suất nhằm nâng cao giá trị gia tăng hiệu quả kinh tế, xã hội và chất lượng cuộc sống. Nhấn mạnh đổi mới sáng tạo là nhấn mạnh phần ứng dụng khoa học và công nghệ vào cuộc sống.

Dự thảo Luật dành riêng Chương IV với tiêu đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nền kinh tế”, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ được phép trích lập nhiều hơn cho Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của mình; các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và khởi nghiệp sáng tạo đều được tính vào chi phí hợp lý để khấu trừ thuế (kể cả các dự án khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo).

Cụ thể, Điều 33, khoản 1 quy định: Nhà nước phát triển toàn diện hệ thống đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học - công nghệ và các cơ quan nhà nước.

Khoản 2 của điều này xác định hệ thống đổi mới sáng tạo sẽ được hình thành ở 4 cấp: cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương và cấp ngành.

Đáng chú ý, Điều 38 quy định việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia từ ngân sách nhà nước, và cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm địa phương, và được quyền nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 3 và 4 của điều này, quỹ hoạt động theo nguyên tắc "chấp nhận rủi ro có kiểm soát", trong đó tổng mức tổn thất phát sinh từ hoạt động đầu tư không vượt quá ngưỡng rủi ro đã được xác lập trong chiến lược đầu tư hoặc kế hoạch đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tổ chức, cá nhân quản lý, điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm được miễn trừ trách nhiệm dân sự và hành chính liên quan đến tổn thất đầu tư, nếu tổn thất phát sinh do rủi ro khách quan và họ đã tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc đầu tư, quy định nội bộ của quỹ, và nghĩa vụ minh bạch, trung thực trong quá trình ra quyết định đầu tư

Để kết nối vốn hiệu quả, Điều 39 quy định việc thành lập Sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (khoản 1), hoạt động theo hình thức nền tảng số, do đơn vị chuyên nghiệp quản lý, vận hành.

Khoản 2 và 3 điều này nêu rõ sàn hoạt động dựa trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, và có thể làm căn cứ để doanh nghiệp được xét niêm yết trên sàn chứng khoán theo tiêu chí đặc thù riêng.

Cùng với đó, Điều 36 quy định Nhà nước sẽ thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chương trình, đề án, sự kiện, giải thưởng chuyên biệt.

Điều 37 xác định doanh nghiệp khoa học và công nghệ là lực lượng có năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, được hưởng các ưu đãi vượt trội về thuế, đất đai, tín dụng và hạ tầng trong các khu công nghệ cao, khu công nghiệp.

Đề xuất doanh nghiệp được trích tối đa 5% thu nhập tính thuế để lập Quỹ phát triển khoa học, công nghệ

3N7A4109.jpg
Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn: HUTECH)

Dự thảo cũng đánh dấu sự thay đổi có tính đột phá trong tư duy và phương thức phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này.

Từ chỗ coi ngân sách là nguồn lực cấp phát theo đầu vào, dự thảo luật chuyển mạnh sang nguyên tắc đánh giá kết quả và hiệu quả đầu ra của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm cơ sở phân bổ nguồn lực, được quy định rõ tại Điều 60.

Trong đó, nhà nước bảo đảm chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trung bình ít nhất 2% tổng chi ngân sách nhà nước trong mỗi giai đoạn 5 năm, tăng dần theo yêu cầu phát triển, trong đó chú trọng dành chi ngân sách cho phát triển công nghệ chiến lược.

Việc phân bổ ngân sách chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại trung ương và địa phương phải gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kế hoạch tổng thể khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 5 năm và hằng năm, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và công nghệ ưu tiên.

Ngân sách nhà nước chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải được sử dụng có trọng tâm, trọng điểm căn cứ theo kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, gắn với đề cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, cơ quan địa phương.

Đáng chú ý, nhà nước không còn "bao cấp toàn phần" mà chuyển sang hình thức đồng tài trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, đổi mới công nghệ. Khoản 4, Điều 60 quy định: nhà nước có chính sách chú trọng đến việc sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ một phần, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trực tiếp tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.

Một điểm mới đáng chú ý là việc ưu tiên triển khai các nhiệm vụ thông qua hệ thống quỹ quốc gia và địa phương. Cụ thể, Điều 63 quy định, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia và Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia được thành lập từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ nhiệm vụ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp. Quỹ có thể hỗ trợ qua nhiều hình thức như tài trợ, cấp vốn, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh cho vay,...

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng có thể thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo riêng, được cấp vốn từ ngân sách và các nguồn khác. Các quỹ này phải được đánh giá định kỳ về hiệu quả hoạt động, đảm bảo đúng tiến độ giải ngân và sử dụng hiệu quả. (Điều 64).

Đặc biệt, Điều 65 đề xuất, doanh nghiệp được phép trích tối đa 5% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để mua sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện mua bán, sáp nhập, đầu tư hoặc cùng đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Về mặt tín dụng, Điều 66 quy định, các tổ chức đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có thể được ưu tiên hỗ trợ lãi suất từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Ngân hàng phát triển Việt Nam.

Trong lĩnh vực mua sắm công, nhà nước cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ khi ưu tiên mua sắm sản phẩm từ kết quả nghiên cứu trong nước, đặc biệt nếu sản phẩm đạt chất lượng tương đương hàng nhập và chênh lệch giá không quá 20%, theo Điều 67.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đề xuất quy định: chi phí của doanh nghiệp cho việc trực tiếp thực hiện, thuê, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo ngoài Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được tính vào chi phí để trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Doãn Nhàn