Ngày 7/5/2025, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, thời gian góp ý đến hết ngày 6/7/2025.[1]
Hiện nay, quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh đang thực hiện theo quy định của Thông tư 08/TT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 21 tháng 3 năm 1988.[2]
So với Thông tư 08/TT có 7 hình thức khen thưởng thì Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh chỉ có 5 hình thức khen thưởng.
Hình thức khen thưởng Thông tư số 08/TT |
Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh năm 2025 |
1. Khen trước lớp: 2. Khen trước toàn trường: 3. Được tặng danh hiệu “học sinh khá”. 4. Được tặng danh hiệu “học sinh giỏi”. 5. Được ghi tên vào bảng danh dự của trường. 6. Được tặng danh hiệu học sinh xuất sắc. 7. Được khen thưởng đặc biệt. |
1. Tuyên dương trước lớp. 2. Tuyên dương trước toàn trường. 3. Giấy khen của Hiệu trưởng. 4. Thư khen. 5. Hình thức tuyên dương, khen thưởng khác. |
Thông tư 08/TT có 5 hình thức kỷ luật thì Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh chỉ có 3 hình thức kỷ luật.
Hình thức kỷ luật Thông tư số 08/TT |
Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh năm 2025 |
1. Khiển trách trước lớp 2. Khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường 3. Cảnh cáo trước toàn trường 4. Đuổi học một tuần lễ 5. Đuổi học 1 năm |
1. Biện pháp kỷ luật Nhắc nhở 2. Biện pháp kỷ luật Phê bình 3. Biện pháp kỷ luật Yêu cầu viết bản tự kiểm điểm |
Người viết nhận thấy Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh rất nhân văn bảo đảm tính giáo dục, vì sự tiến bộ của học sinh, tôn trọng học sinh.

Cô giáo Vũ Thị Loan ở Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Tôi thấy Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh phù hợp với quan điểm giáo dục của Chương trình 2018.
Giáo dục vì sự tiến bộ của con người, khen thưởng, kỷ luật cũng phải tôn trọng và vì sự tiến bộ của học sinh. Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh đã phản ánh đúng mong muốn của giáo viên chúng tôi khi khen thưởng, kỷ luật của học sinh.
Tôi là giáo viên tiểu học, rất đồng ý với hình thức kỷ luật với học sinh tiểu học nhắc nhở, yêu cầu xin lỗi khi học sinh khi vi phạm. Các em học sinh tiểu học còn nhỏ, bị kỷ luật không lưu hồ sơ và học bạ của học sinh là rất hợp lý, phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, tôi đề xuất Bộ nên có phụ lục quy định mẫu Giấy khen của Hiệu trưởng, Thư khen của Hiệu trưởng, Thư khen của giáo viên, Thư khen của nhân viên.
Việc thống nhất mẫu Giấy khen của Hiệu trưởng, Thư khen của Hiệu trưởng, Thư khen của giáo viên, Thư khen của nhân viên trên cả nước sẽ làm cho giấy khen, thư khen của học sinh trở nên có giá trị tinh thần cao hơn, có tính giáo dục hơn; phụ huynh học sinh khi đọc thư khen, giấy khen của con em mình sẽ cảm thấy được trân trọng. Tránh mỗi nơi một kiểu”.
Thầy Đặng Văn Tuân ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh rất phù hợp thực tế và mang tính giáo dục.
Việc bỏ đi ba hình thức kỉ luật Cảnh cáo trước toàn trường, Đuổi học một tuần lễ, Đuổi học một năm là rất nhân văn, tôn trọng học sinh, vì sự tiến bộ của học sinh, phù hợp với Chương trình 2018”.
Một giáo viên khác góp ý: “ Tôi thấy Khoản 3 Điều 15 Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh ghi: "Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học không lưu hồ sơ và học bạ của học sinh".
Thế nhưng trong Điều 16. Áp dụng biện pháp kỷ luật đối với học sinh ngoài đối tượng học sinh tiểu học, không có nội dung này.
Cho nên có thể hiểu các biện pháp kỷ luật đối với học sinh ngoài đối tượng học sinh tiểu học có lưu hồ sơ và học bạ của học sinh.
Tôi đề nghị Bộ làm rõ vấn đề này: Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh ngoài đối tượng học sinh tiểu học có lưu hồ sơ và học bạ của học sinh hay không; nếu có lưu hồ sơ và học bạ của học sinh thì phải bổ sung quy định: Các biện pháp kỷ luật lưu hồ sơ và học bạ của học sinh. Việc quy định rõ sẽ thống nhất trong cách hiểu và áp dụng”.
Thực tế, gần 40 năm dạy học, người viết nhận thấy hình thức kỷ luật hiệu quả với học sinh là giáo viên, nhà trường làm cho học sinh nhận thấy lỗi lầm của mình, giúp đỡ, tạo điều kiện cho học sinh sửa chữa.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1690
[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-08-TT-1988-huong-dan-khen-thuong-thi-hanh-ky-luat-hoc-sinh-113885.aspx