Làm gì để thầy cô không còn “ngơ ngác” trước tiền lương của mình?

12/05/2025 06:40
HƯƠNG GIANG

GDVN - Hy vọng, một ngày không xa nữa, lương của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và lương nhà giáo nói riêng được trả theo vị trí việc làm.

Mỗi khi các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến tiền lương giáo viên thì bao giờ cũng nhận được những ý kiến trái chiều. Có người vẫn nói rằng lương giáo viên thấp so với nhiều ngành nghề khác nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng lương giáo viên cao hơn nhiều ngành nghề khác vì có một số phụ cấp.

Thực tế, phần nhiều công chức, viên chức nhà nước hiện nay đang hưởng lương theo hệ số và bậc lương chung của Nhà nước quy định. Vì thế, về cơ bản thì những người có bằng đại học đều phải trải qua 12 tháng tập sự và bắt đầu hưởng lương từ hệ số 2,34 như nhau.

Giáo viên có phụ cấp ưu đãi và từ năm thứ 6 sẽ có thêm phụ cấp thâm niên (mỗi năm 1%). Nhiều ngành nghề khác không có những loại phụ cấp này nhưng một số ngành nghề có thêm phụ cấp khác và cũng có ngành nghề không có thêm phụ cấp gì.

Nhưng, phải thắng thắn một điều, nhiều ngành nghề khác có thêm thu nhập ngoài lương còn giáo viên nếu không dạy thêm sẽ không có thêm khoản thu nhập nào khác mà số lượng giáo viên không dạy thêm hiện nay nhiều hơn giáo viên dạy thêm.

Vì thế, phát biểu xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội vào sáng 6/5 vừa qua, Đại biểu Bế Trung Anh trăn trở: “khi nhiều ngành nghề đã vượt lên, để lại các thầy cô ngơ ngác với đồng lương ổn định ở mức không đủ trang trải”. [1]

nhung-buc-tranh-de-thuong-ve-ngay-nha-giao-viet-nam-2011-990011a71d23442c90d1a446d9a1a139-8381-3275.jpg
Ảnh minh họa

Thầy cô giáo có đang “ngơ ngác” về tiền lương của mình?

Một giáo viên trung học cơ sở đang công tác tại một tỉnh phía Nam chia sẻ rằng, người này bắt đầu vào ngành từ tháng 9/ 2007, lúc đó lương cơ sở 450 ngàn đồng và hệ số 2,34 nên mỗi tháng sau khi trừ các loại bảo hiểm và quỹ bắt buộc thì nhận được khoảng trên dưới 1,2 triệu đồng, tương đương 1 chỉ vàng.

Hiện nay, người này là giáo viên hạng II, hưởng lương bậc 1, hệ số 4,0, và lương cơ sở 2.340 ngàn nên mỗi tháng sau khi trừ các loại bảo hiểm, công đoàn và các loại quỹ khác còn lại khoảng 12 triệu đồng/ tháng.

Nếu như so sánh với gần 18 năm về trước, thu nhập hiện nay đã tăng lên 10 lần nhưng quy ra vàng thì cơ bản vẫn “ổn định” mỗi tháng lương tương đương với 1 chỉ vàng mà thôi.

Một phó hiệu trưởng chuyên môn một trường trung học cơ sở chia sẻ: tôi phấn đấu từ giáo viên lên tổ trưởng rồi được cử đi học lớp cán bộ quản lý. Mấy năm sau được bổ nhiệm phó hiệu trưởng trường loại I. Sau 2 lần tăng lương trước hạn, năm 2023, lương của tôi hưởng là bậc 6, hệ số 3,99.

Cũng năm 2023, Bộ ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Vì thế, vị này được chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới với mức lương bậc 1, hệ số 4,0, chênh lệch giữa lương cũ và lương mới là 19 ngàn đồng.

Trong khi, nhiều nhà giáo đang hưởng lương bậc 4, hệ số 3,33 và bậc 5 cũ, hệ số 3,66 cũng được chuyển sang hạng II mới, hưởng lương bậc 1, hệ số 4,0 giống với người đang hưởng lương bậc 6, hệ số 3,99 như vị này.

Vì thế, lương của một phó hiệu trưởng chuyên môn 16 năm công tác lúc đó chỉ cao hơn lương của những giáo viên 10 năm công tác vài trăm ngàn từ phụ cấp chức vụ và mấy phần trăm phụ cấp thâm niên.

Một tổ trưởng chuyên môn thì chia sẻ: mỗi lần nhìn bảng lương kế toán nhà trường gửi mà bản thân họ cũng không khỏi chạnh lòng. Trong trường, ban giám hiệu giao việc cho tổ trưởng, nhiều việc khó tổ trưởng phải gánh, phân công giáo viên thì một số thầy cô thoái thác.

Một số thầy cô lớn tuổi thì phân công chủ nhiệm, thao giảng chuyên đề, động viên tham gia các phong trào thi đua thì họ xin không làm vì lớn tuổi. Số tiết giảng dạy thì theo định mức giống nhau.

Nhưng, lương có khi chênh lệch mỗi tháng gần cả gần chục triệu đồng. Bởi, hiện nay lương giáo viên cơ bản đang tính theo năm công tác, cứ 3 năm 1 bậc lương (trừ những thầy cô được chuyển hạng từ hạng II cũ sang hạng II mới) thì càng lớn tuổi lương càng nhiều.

Làm sao để thầy cô không còn “ngơ ngác” trước tiền lương của mình?

Bản thân người viết bài là giáo viên nên cũng khá tâm tư với ý kiến của Đại biểu Bế Trung Anh trăn trở: “khi nhiều ngành nghề đã vượt lên, để lại các thầy cô "ngơ ngác với đồng lương ổn định ở mức không đủ trang trải". Con chúng ta và tương lai đất nước được quyết định bởi những con người mà chúng ta đang xây dựng luật để bảo vệ - các thầy cô giáo". [1]

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, chúng ta dễ dàng nhìn thấy lương giáo viên hiện nay không chỉ có đồng lương “ổn định” đều đều mà còn có nhiều bất cập, rất khó lý giải.

Công việc của giáo viên giao theo định mức số tiết/ tuần, nghĩa là giáo viên cùng cấp học thì số tiết được quy định như nhau không kể già hay trẻ, không kể thâm niên ít hay nhiều nhưng thu nhập hàng tháng đang có sự chênh lệch khá lớn.

Những thầy cô đang hưởng lương bậc 2, hạng III (8 năm công tác) sẽ hưởng hệ số 2,67 có tổng thu nhập mỗi tháng hiện nay khoảng 8 triệu đồng, những thầy cô đang hưởng lương bậc 6, hạng II mới (32 năm công tác) sẽ có hệ số 5,70, tổng thu nhập khoảng trên 21 triệu.

Trong một tổ chuyên môn, người giỏi, tích cực có thể thấp lương hơn người làm việc cầm chừng nhiều triệu đồng vì kém năm công tác. Lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng chuyên môn cũng nhiều người thấp hơn lương không kiêm nhiệm chức vụ cũng vì…thua năm công tác.

Chính sách tiền lương hiện nay của giáo viên còn những bất cập nên rất khó khích lệ được động lực phấn đấu của nhiều thầy cô giáo. Suy cho cùng, nếu không bị kỉ luật thì ai cũng như ai, 3 năm tăng một bậc lương. Việc xét tăng lương trước thời hạn thì 5 năm mới được xét 1 lần khiến cho giáo viên cũng không thực sự xem đó là động lực chính.

Hy vọng, một ngày không xa nữa, lương của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và lương nhà giáo nói riêng được trả theo vị trí việc làm. Những người làm việc khó, phức tạp được trả lương xứng đáng, những người thiếu động lực phấn đấu, làm việc kém hiệu quả cần có những chế tài đánh giá, xếp loại, trả lương phù hợp với năng lực.

Nếu vẫn cứ duy trì chính sách tiền lương, cách đánh giá, xếp loại một cách cảm tính chung chung như hiện nay có lẽ sẽ có nhiều thầy cô tiếp tục “ngơ ngác” vì có nhiều điều bất cập đã và đang tồn tại.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/nhieu-nganh-nghe-vuot-len-de-lai-giao-vien-voi-dong-luong-khong-du-trang-trai-4882243.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG