Hội thảo quốc gia về hoa, cây cảnh quy tụ hơn 300 chuyên gia, nghệ nhân

10/05/2025 18:38
ĐÀO HIỀN

GDVN - Hội thảo được kỳ vọng sẽ mở ra những định hướng chiến lược, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị và nâng tầm vị thế hoa, cây cảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Hội thảo quốc gia “Phát triển bền vững ngành Hoa, cây cảnh Việt Nam” nằm trong chuỗi sự kiện Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam chính thức diễn ra vào chiều ngày 10/5.

Hội thảo là diễn đàn khoa học uy tín quy tụ hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà vườn và sinh viên để cùng chia sẻ những kết quả nghiên cứu, mô hình sản xuất, xu hướng thị trường và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh hoa và cây cảnh.

Tham dự hội thảo có đại diện của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Cục Lâm nghiệp và Vụ Khoa học và Công nghệ.

Về phía các Viện nghiên cứu, Trường Đại học có sự tham dự của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp, Hội sinh vật cảnh Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Hà Nội. Đồng thời là sự góp mặt của lãnh đạo của các Sở Nông nghiệp và Môi trường, Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và đại diện nhiều doanh nghiệp trên toàn quốc.

Bên cạnh đó là sự hiện diện của Ban Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại diện các khoa, trung tâm trực thuộc học viện.

z6587777752809_61c140e9d500bf02881785fb9944795f.jpg
Toàn cảnh Hội thảo quốc gia “Phát triển bền vững ngành Hoa, cây cảnh Việt Nam”

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, ngành hoa, cây cảnh Việt Nam đã có những bước phát triển đầy ấn tượng, trở thành một trong những ngành kinh tế có tiềm năng lớn, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch và văn hóa đô thị.

Tính đến năm 2024, cả nước có gần 45.000 ha trồng hoa, cây cảnh – tăng gấp 8 lần so với năm 2000. Giá trị sản lượng toàn ngành đạt trên 45.000 tỷ đồng mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu hoa vượt mốc 100 triệu USD, với các sản phẩm chủ lực như hoa lan, hoa hồng, hoa cúc… Điều đó cho thấy vị thế ngày càng được khẳng định của ngành hoa, cây cảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

z6587777384613_12b05cfb69a483b0a07b8d57a811c027.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc hội thảo.

Bên cạnh những kết quả tích cực, thầy Cường cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mà ngành hoa, cây cảnh đang phải đối mặt. Điển hình như thực trạng thiếu quy hoạch vùng chuyên canh hợp lý, công nghệ sản xuất và bảo quản còn hạn chế, năng lực cạnh tranh chưa cao và chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu.

“Những thách thức này đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ, đột phá để phát triển ngành theo hướng hiện đại, bền vững và hiệu quả”, Giáo sư Cường cho hay.

Từ đó, Phó Giám đốc Học viện cũng kỳ vọng Hội thảo “Phát triển bền vững ngành Hoa, cây cảnh Việt Nam” sẽ là diễn đàn học thuật và thực tiễn quan trọng, nơi quy tụ các ý tưởng, sáng kiến, kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn từ các nhà khoa học, nghệ nhân, nhà quản lý và doanh nghiệp.

Thông qua các tham luận và tọa đàm sẽ tiến tới đề xuất các giải pháp thiết thực, đồng bộ nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành hoa cây cảnh một cách bền vững.

Tham dự hội thảo, bà Dương Thị Ngà – Phó Giám đốc Trung tâm Trồng trọt và Bảo thực vật phía Bắc (Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã trình bày hiện trạng sản xuất và định hướng phát triển ngành hoa, cây cảnh Việt Nam. Theo báo cáo, ngành hoa cây cảnh là ngành kinh tế có giá trị hàng hóa cao, đang phát triển mạnh ở nhiều vùng, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2024, diện tích trồng hoa toàn quốc đã tăng từ 24,6 nghìn ha năm 2015 lên 37,0 nghìn ha, với các loại hoa chủ lực gồm hoa cúc, hoa hồng, lan, ly, lay ơn... Trong đó, Đồng bằng sông Hồng chiếm khoảng 13 nghìn ha – dẫn đầu cả nước. Ở mảng cây cảnh, tổng diện tích năm 2024 đạt gần 19,5 nghìn ha, với các loại phổ biến như hoa mai, đào, quất.

Tuy nhiên, ngành hoa cây cảnh còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Trước tiên là thực trạng thiếu nguồn lao động kỹ thuật tay nghề chất lượng cao. Hiện nay, lao động trẻ ít tham gia vào hoạt động sản xuất, trong khi lực lượng lao động hiện tại chủ yếu là người lớn tuổi, dẫn đến những hạn chế trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất. Chưa kể, số lượng cán bộ kỹ thuật chuyên trách, các nhà nghiên cứu về hoa, cây cảnh, số cán bộ nghiên cứu khoa học đầu ngành còn rất ít, chủ yếu là cán bộ khoa học trẻ, chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có nhiều kinh nghiệm.

z6587802075156_24a5b62f3fd0e1e646b9ae1c810335c5.jpg
Ngành hoa cây cảnh còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.

Hơn nữa, các mô hình sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, chưa đảm bảo giảm thiểu được ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu bất thuận đến sản xuất. Ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt... còn hạn chế.

Thứ hai là những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, thị trường tiêu thụ hoa cây cảnh không ổn định, nhu cầu tiêu thụ còn mang tính mùa vụ khi chủ yếu tập trung vào các dịp lễ Tết, cưới hỏi…Mặt khác, lĩnh vực này còn thiếu thương hiệu và chiến lược tiếp thị, quảng bá, khiến giá trị sản phẩm không được nâng cao dù chất lượng rất tốt.

Trên thực tế, các mặt hàng hoa cây cảnh phần lớn tiêu thụ qua chợ đầu mối, chợ dân sinh hoặc bán trực tiếp tại vườn. Hiện thị trường Việt Nam vẫn thiếu các trung tâm phân phối, sàn giao dịch hoa, hệ thống logistics chuyên biệt cho ngành hoa.

Thứ ba, quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, diện tích trồng phân tán, nhỏ lẻ nên khó hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy mô lớn. Đồng thời quy hoạch vùng trồng chưa được đẩy mạnh dẫn đến sản phẩm bị dàn trải, thiếu tập trung, khó kiểm soát chất lượng và dịch bệnh. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào phân phối sản phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng còn ít về số lượng và yếu về năng lực, trình độ, thiếu chuyên nghiệp nên dẫn đến tình trạng hoa sản xuất nhiều nhưng vẫn chưa đến tay người tiêu dùng; các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại thiếu thông tin về thị trường và tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả sản xuất không cao.

Thứ tư là vấn đề về vốn và cơ chế hỗ trợ. Theo đó, việc đầu tư vào hoa cây cảnh đòi hỏi nguồn vốn lớn, rủi ro cao do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh. Trong khi đó các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện nay còn thiếu đồng bộ hoặc chưa sát thực tế khiến người nông dân khó tiếp cận vốn vay ưu đãi.

z6587777384584_2d400a2311f6a6d764159bf9f21f2284.jpg
Bà Dương Thị Ngà – Phó Giám đốc Trung tâm Trồng trọt và Bảo thực vật phía Bắc (Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật).

Từ thực trạng đó, đại diện Cục trồng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng ngành hoa, cây cảnh phát triển bền vững, hiện đại, thân thiện với môi trường, có khả năng cạnh tranh cao và góp phần quan trọng vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, bà cũng đề xuất các nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, chính sách tín dụng, phát triển thị trường, tổ chức sản xuất và đào tạo nhân lực nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng cho toàn chuỗi sản xuất hoa, cây cảnh Việt Nam.

Báo cáo về tổng quan thị trường hoa và cây cảnh, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trụ - Khoa Kế toán và Quản trị Kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh thị trường hoa và cây cảnh là lĩnh vực năng động, có tính thời vụ cao, ngày càng mở rộng về quy mô và ứng dụng trong các lĩnh vực như bất động sản, khách sạn – nhà hàng, chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Năm 2023, quy mô thị trường hoa tươi Việt Nam ước đạt khoảng 1,2 tỷ USD, với tổng giá trị sản xuất và tiêu thụ nội địa lên tới 45.000 tỷ đồng và diện tích canh tác khoảng 36.000 ha. Tuy nhiên, ngành vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như định hướng phát triển vùng sản xuất còn bất cập, kỹ thuật sản xuất lạc hậu và vấn đề bản quyền giống cây trồng.

Trên thế giới, quy mô thị trường hoa và cây cảnh năm 2023 đạt khoảng 58–60 tỷ USD, tăng trưởng dự báo 5–6%/năm giai đoạn 2024–2028. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm 77% tổng diện tích sản xuất toàn cầu, trong khi châu Âu, Mỹ và Nhật Bản là những thị trường tiêu thụ chính.

Về nhập khẩu, Hoa Kỳ dẫn đầu với giá trị 2,57 tỷ USD, tiếp theo là Đức và Hà Lan. Các dịp lễ như Valentine, Giáng sinh và Ngày của mẹ đóng vai trò quan trọng, chiếm trên 70% doanh thu bán hoa toàn cầu.

z6587777384579_755d4cdfc8abb9e98b12d4fa193ded8c.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trụ - Khoa Kế toán và Quản trị Kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày tham luận.

Từ bức tranh toàn cảnh đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trụ đề xuất Việt Nam cần định hướng phát triển vùng trồng hợp lý, hiện đại hóa kỹ thuật sản xuất, xây dựng hệ thống giống bản quyền và tăng cường liên kết chuỗi giá trị để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hoa, cây cảnh trên thị trường quốc tế.

Chia sẻ về kỹ thuật tạo tác bonsai cây trên đá, nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng đã giới thiệu chi tiết quy trình tạo nên một tác phẩm bonsai nghệ thuật từ nguyên liệu phôi gốc cây tán tầng đã mất giá trị sử dụng. Nội dung tập trung vào việc tái sinh những gốc cây tưởng chừng như bỏ đi thành các tác phẩm bonsai độc đáo và giàu giá trị thẩm mỹ bằng kỹ thuật đưa cây lên đá.

Theo chia sẻ của ông Dũng, quá trình này không chỉ đòi hỏi kiến thức sinh lý thực vật, mà còn yêu cầu cảm quan nghệ thuật tinh tế và sự kiên nhẫn trong chăm sóc cây sau khi tạo hình. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh vai trò của đá không chỉ là giá thể mà còn là yếu tố tạo hình quan trọng, giúp nâng tầm giá trị của cây bonsai, thể hiện sự gắn kết giữa thiên nhiên và nghệ thuật. Đây là một hướng tiếp cận sáng tạo và bền vững trong nghệ thuật bonsai, góp phần tái chế tài nguyên, đồng thời mang đến những giá trị thẩm mỹ và sinh thái sâu sắc.

z6587759154022_efb9a2a1d9661a5bca5f4dc2639a1f98.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ về kỹ thuật tạo tác bonsai cây trên đá.

Công ty Cây cảnh Ngọc Bảo Đại là đơn vị chuyên cung cấp dịch chăm sóc cây cảnh các loại trồng trong các khu văn phòng, nhà hàng , khách sạn, nhà biệt thự, Công trình công cộng như Vườn hoa, công viên,... Tại hội thảo, nghệ nhân Đỗ Khắc Nô - Giám đốc Công ty đã báo cáo mô hình kinh doanh cây cảnh làng nghề trong bối cảnh thương mại điện tử.

Theo đó, nghệ nhân Đỗ Khắc Nô đã chia sẻ về quá trình khởi nghiệp với nhiều khó khăn, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng kinh tế châu Á giai đoạn cuối những năm 1990. Trong bối cảnh đó, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nhân giống như giâm cành và chiết cành, ông đã nhân rộng vườn cây và từng bước vượt qua khó khăn, tạo ra giá trị kinh tế bền vững.

Đặc biệt, ông còn nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc đổi mới tư duy kinh doanh, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện qua việc tích cực ứng dụng nền tảng thương mại điện tử như website và mạng xã hội (Facebook) để tiếp cận khách hàng, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó với nghề, Giám đốc Công ty Cây cảnh Ngọc Bảo Đại đã nhìn nhận được xu hướng và nhu cầu thị trường, cũng như tiềm năng phát triển của ngành cây cảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Bài tham luận của nghệ nhân Đỗ Khắc Nô không chỉ mang tính thực tiễn cao mà còn gợi mở hướng đi phù hợp cho các doanh nghiệp và cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực hoa cây cảnh, đặc biệt là tại các làng nghề truyền thống, trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số hiện nay.

Chương trình đào tạo ngành Nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng dựa trên cách tiếp cận mới trong đào tạo đại học ở các nước Châu Âu và các nước phát triển trên thế giới, tăng thời lượng thực hành và trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp, trang trại sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Trong quá trình đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thường xuyên mời các cán bộ có kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật của các viện nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, trao đổi kinh nghiệm và giảng dạy

https://tuyensinh.vnua.edu.vn

ĐÀO HIỀN