Tài liệu ôn giống đề kiểm tra: Tại sao các địa phương không làm ngân hàng đề?

12/05/2025 08:38
LÊ VĂN MINH

GDVN - Việc lập ngân hàng kiểm tra chung; ngân hàng đề thi chung ở các địa phương là một việc quan trọng, cần thiết nhằm hướng đến việc dạy thật, học thật.

Ngày 10/5/2025, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Xuất hiện tài liệu ôn giống đề kiểm tra, Hiệu trưởng THCS Võ Trường Toản nói gì? đã nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả, trong đó có nhiều thầy cô giáo đang dạy học môn Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở.

Bản thân người viết bài cũng là một giáo viên Ngữ văn cấp trung học cơ sở nên khi đọc bài này thấy nhiều trăn trở. Nói thẳng ra, tình trạng đề kiểm tra định kỳ ở nhiều trường học giống với nội dung ôn tập ở các lớp học thêm hiện nay không hiếm.

Sau mỗi lần kiểm tra định kỳ như vậy, học trò được điểm cao, thầy cô dạy thêm có “uy tín” vì ôn trúng đề nhưng những cái mất, sự giả dối thì ai cũng có thể nhìn thấy được.

Nếu như, các địa phương tập trung làm một ngân hàng đề kiểm tra (việc này không khó) thì tránh được tình trạng mớm đề, tránh được tình trạng đề khó, đề dễ và điều quan trọng là chất lượng giáo dục của các nhà trường sẽ được bộ phận chuyên môn của ngành giáo dục địa phương nắm được. Không phải đợi đến kỳ thi tuyển sinh 10 mới biết.

gdvn-1037-4154-6781.jpg
Ảnh minh họa: Ngọc Mai

Làm ngân hàng đề kiểm tra chung sẽ triệt tiêu được tình trạng mớm đề, lộ đề

Thực ra, sự việc đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ giống nội dung dạy là học ở lớp dạy thêm như Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) không hiếm và cũng không phải là xuất hiện lần đầu trên báo chí. Vấn đề là phụ huynh, học sinh có lên tiếng hay không mà thôi.

Mỗi khi đến kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ), các tổ chuyên môn sẽ thảo luận nội dung kiến thức ôn tập và phân công cho giáo viên trong tổ ra đề ở mỗi khối. Nếu giáo viên đó không dạy thêm, đề kiểm tra có thể tạm yên tâm, nếu dạy thêm không ai dám chắc chắn giáo viên đó không ôn trước cho học trò của mình ở lớp học thêm.

Bản thân người viết bài đã chứng kiến rất nhiều sự việc tương tự. Mỗi lần gác kiểm tra định kỳ luôn có những tệp tài liệu học sinh học thêm để trên bục giảng nên vẫn có thói quen lật vài tệp xem thử.

Trong khi, đề kiểm tra bao giờ nhà trường cũng sẽ photo dư một đề/phòng. Vì thế, so sánh đề kiểm tra với “tài liệu này” dễ dàng nhận ra vấn đề.

Nhiều học sinh sau khi được phát đề không kiềm được cảm xúc vì “trúng đề” bởi đã được thầy cô ôn tập. Vì thế, điểm kiểm tra thường rất cao (nếu học sinh tham gia đi học thêm với thầy cô ra đề khối đó).

Những bất cập này cũng tồn tại nhiều năm. Nguyên nhân cơ bản là bệnh thành tích, và cơ chế quản lý, giám sát không được chặt chẽ từ nhiều khâu khác nhau.

Muốn hạn chế được tình trạng này, không có giải pháp nào tối ưu hơn là các bộ môn của từng địa phương cần lập một ngân hàng đề kiểm tra chung. Việc lập một ngân hàng đề chung, theo quan điểm của người viết bài không khó.

Bởi lẽ, năm học 2024-2025 này đã là năm cuối cùng trong lộ trình cuốn chiếu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, hội đồng cốt cán từng môn học sẽ phân công cho các nhà trường xây dựng ngân hàng đề kiểm tra khá thuận lợi.

Thứ nhất: trưởng hội đồng bộ môn của sở chỉ đạo, hướng dẫn các thành viên cốt cán thuộc môn mình phân công cho các trường học trên địa bàn biên soạn ngân hàng đề kiểm tra, đáp án và thang điểm (nếu có) đối với từng đơn vị kiến thức trong chương trình học ở mỗi lớp.

Trước khi nộp về cho một cá nhân phụ trách (thành viên cốt cán huyện, cụm) thì tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường giám sát, kiểm tra mức độ, kiến thức.

Sau đó, thành viên cốt cán trong huyện (cụm) kiểm tra lại một lần nữa trước khi gửi về sở. Hội đồng cốt cán của sở sẽ là nơi kiểm duyệt cuối cùng về mức độ chính xác của từng đơn vị kiến thức.

Thứ hai: ngân hàng đề kiểm tra cần được biên soạn theo hướng “phủ kín” chương trình môn học trong từng cấp học. Mỗi đơn vị kiến thức, mỗi bài học, mỗi chủ đề cần ấn định bao nhiêu câu hỏi cụ thể và phân công nhiều trường cùng thực hiện.

Nội dung mỗi đề, mỗi câu hỏi trong ngân hàng đề kiểm tra phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ. Lời văn, câu chữ phải tường minh, rõ ràng, mạch lạc, đúng văn phạm. Mỗi năm học đi qua, hội đồng cốt cán cấp tỉnh có thể thay đổi, bổ sung nội dung câu hỏi cho phù hợp với đặc trưng bộ môn của mình.

Thứ ba: sở giáo dục sẽ tổ chức kiểm tra đề chung đối với những môn đánh giá bằng điểm số để tránh tình trạng manh mún mỗi trường mỗi kiểu. Từ ngân hàng đề kiểm tra chung, tổ trưởng hội đồng cốt cán (chuyên viên sở) lựa chọn một mẫu đề trong ngân hàng đề cho khối đó kiểm tra chung.

Đề kiểm tra được bảo mật và chuyển qua hộp thư điện tử cho phó hiệu trưởng chuyên môn các trường học. Phó hiệu trưởng sẽ tổ chức in ấn và đảm bảo tính bảo mật theo quy định của pháp luật.

Thứ tư: lịch kiểm tra của từng tỉnh, thành sẽ thực hiện theo lịch chung. Trường nào để xảy ra sự cố, trường đó, cá nhân đó chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng.

Sau kỳ kiểm tra định kỳ, sở sẽ tạo một file báo cáo trực tuyến về điểm số đối với từng khối lớp. Khi thực hiện xong, sở sẽ gửi về trường để so sánh, đối chiếu. Những trường dạy tốt, có chất lượng hoặc những trường yếu kém sẽ được thể hiện trên điểm số. Từ đó, sở giáo dục, hội đồng cốt cán từng bộ môn sẽ có giải pháp đối với bộ môn.

Cái lợi của ngân hàng đề kiểm tra chung

Khi xây dựng ngân hàng đề chung sẽ có nhiều cái lợi cho ngành giáo dục ở từng địa phương. Những yếu tố tiêu cực, hạn chế trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả học lực học sinh sẽ được đẩy lùi.

Thứ nhất: khi có ngân hàng đề chung, những “lợi thế” của người ra đề, duyệt đề ở các nhà trường sẽ không còn. Giáo viên dạy tốt, không tốt cũng được phát hiện kịp thời. Tình trạng “mớm đề”, “nhá đề” trước sẽ được triệt tiêu.

Thứ hai: chấm dứt được tình trạng dạy thêm, học thêm chỉ để có lợi thế về điểm số. Khi thành lập ngân hàng đề kiểm tra chung, giáo viên nếu có dạy thêm cũng sẽ tập trung vào chất lượng thật chứ không hướng vào điểm số đơn thuần như hiện nay.

Lúc đó, phụ huynh sẽ nhìn nhận thấy việc học thêm, không học thêm đều bình đẳng. Họ có những lựa chọn thông minh cho con em mình, không phải lo sợ những chuyện này nọ khi giáo viên dạy chính khóa đang dạy thêm tại nhà, tại trung tâm.

Học sinh cần kiến thức, cần kiến thức, cần nâng cao hiệu quả học tập thì đăng ký học thêm, không phải học thêm chỉ để đối phó với điểm số, danh hiệu học tập ảo.

Thứ ba: khi có ngân hàng đề kiểm tra chung và thực hiện kiểm tra chung thì những trung tâm dạy thêm tiêu cực, chất lượng thấp cũng đồng nghĩa với việc tự giải tán. Việc quản lý dạy thêm cũng cũng giản đơn hơn.

Thứ tư: bộ phận chuyên môn của ngành giáo dục ở từng địa phương sẽ nắm được chất lượng giáo dục ở từng địa bàn, từng trường học. Cuối năm đánh giá chất lượng giáo viên, nhà trường cũng dễ dàng nhìn thấy giáo viên nào dạy hiệu quả. Việc đánh giá, xếp loại giáo viên sẽ có tính định lượng rõ ràng, không mập mờ, chung chung như hiện nay.

Thiết nghĩ, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến phát triển, phẩm chất, năng lực nên Bộ cũng có những chỉ đạo nhằm tránh tình trạng học sinh khi kiểm tra tái hiện lại kiến thức học thuộc lòng theo bài mẫu. Tuy nhiên, đâu đó vẫn chưa được triệt tiêu, vẫn chưa có những thay đổi cụ thể so với chương trình 2006.

Vì thế, việc lập một ngân hàng kiểm tra chung; ngân hàng đề thi chung ở các địa phương cho các cấp học cũng là một việc quan trọng, cần thiết nhằm hướng đến việc dạy thật, học thật, tránh đi những bất cập vốn đã tồn tại ở nhiều trường học hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH