Mỗi khi tháng 5 về, những người làm khoa học, những nhà giáo, những người lao động trong lĩnh vực công nghệ lại có dịp chiêm nghiệm về sứ mệnh, vai trò và hành trình đổi mới của chính mình trong dòng chảy thời đại. Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 năm nay diễn ra trong một bối cảnh thế giới đầy biến động: một thế giới đang thay đổi nhanh hơn cả tốc độ mà tri thức từng dự đoán; một thế giới mà những thành quả công nghệ vĩ đại lại đặt ra những câu hỏi căn bản về an ninh, an toàn và đạo lí sống còn.
Nhìn ra thế giới để thấy mình, nhìn vào mình để nhận diện con đường
Thế giới hôm nay không chỉ đang thay đổi, mà là đang biến dạng. Không còn là những thay đổi tuyến tính, tuần tự, tuần hoàn mà là những chuyển hóa bất thường, có phần trái quy luật phổ quát của xã hội cận hiện đại. Công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đang khuấy đảo mọi lĩnh vực từ sản xuất, giáo dục đến chính trị và văn hóa. Nó không chỉ tác động vào phương thức hoạt động của các thiết chế xã hội mà còn len sâu vào chính tư duy, cảm xúc và hành vi của con người.
Trong khi các nền tảng số mở ra không gian vô tận cho giao tiếp, học tập, hợp tác thì chính những nền tảng ấy cũng đang đặt ra vô vàn rủi ro tiềm ẩn về quyền riêng tư, về thao túng thông tin, thậm chí về sinh tồn văn hóa và nhân bản. Điều này đòi hỏi chúng ta không thể chỉ hào hứng với cái mới mà phải tỉnh táo, lắng nghe chiều sâu các nguyên lí nền tảng để “đọc vị” các xu thế và hoạch định con đường phát triển.

Đổi mới sáng tạo – lời đáp của thời đại
"Đổi mới sáng tạo" (innovation) đã trở thành một từ khóa xuyên suốt trong chiến lược phát triển quốc gia, từ quản trị nhà nước, thiết kế chính sách đến nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một sự thật cần được nhìn nhận là đổi mới sáng tạo không thể chỉ dựa trên việc cập nhật thông tin, học lỏm công nghệ hay sao chép mô hình. Đổi mới không đến từ sự bắt chước, mà đến từ sự thấu hiểu các quy luật và nguyên lí vận hành sâu xa của tự nhiên và xã hội.
Nếu không được gắn kết với tri thức nền tảng và giá trị căn cốt, đổi mới sáng tạo dễ trở thành cái bóng của sự bắt chước, cái vỏ của sự hoa mĩ mà thiếu linh hồn của sự sống động và bền vững. Trong một thế giới phức tạp và bất định, việc quay trở lại với các nguyên lí nền tảng để tìm đường đi mới là lựa chọn khôn ngoan và bền vững.
Khi công nghệ không còn là cứu cánh duy nhất
Trong hơn một thập niên qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào khoa học ứng dụng, vào AI, big data, công nghệ gen… Nhưng cùng với sự phát triển đó, khoảng trống giữa ứng dụng và triết lí ngày càng lớn. Khi rủi ro AI bắt đầu hiện hình không chỉ trong kinh tế, việc làm mà còn cả đạo đức, an ninh, thậm chí là hòa bình, thì người ta mới bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có đang xây lâu đài công nghệ trên nền đất yếu?
Câu trả lời dẫn chúng ta trở lại với những giá trị cơ bản, đó là các nguyên lí nền tảng, những “công nghệ lõi” của trí tuệ loài người: triết học, toán học, vật lí lí thuyết, vũ trụ học, tư tưởng Đông phương, các nguyên lí về âm dương - ngũ hành, nguyên lý quân bình - tương sinh - tương khắc của tự nhiên… Những tri thức tưởng chừng xưa cũ đó lại đang gợi mở những cách hiểu mới về thế giới, về con người, về mối tương quan giữa hữu hình và vô hình, giữa năng lượng và vật chất, giữa sinh học và ý thức.
Chúng ta cần những “hệ điều hành mới” cho tư duy - những nền tảng tri thức giúp chúng ta không chỉ chạy theo sự đổi mới mà còn kiến tạo được đổi mới.
Trường đại học – nơi ươm mầm sáng tạo trên nền nguyên lí
Trong bối cảnh đó, vai trò của các trường đại học không chỉ là nơi chuyển giao tri thức mà còn là nơi kiến tạo tri thức. Cần một cách tiếp cận mới trong đầu tư phát triển đại học, không chỉ trang bị cơ sở vật chất hiện đại mà còn nuôi dưỡng hệ sinh thái tri thức nền tảng. Trường đại học không thể chỉ chạy theo số lượng bài báo quốc tế hay số lượng hồ sơ sở hữu trí tuệ, mà phải là nơi các nguyên lí nền tảng được nghiên cứu, kiểm chứng, phát triển và ứng dụng sáng tạo vào thực tiễn.
Đặc biệt, với các trường đại học sư phạm - nơi đào tạo những người thầy tương lai - việc kết hợp giữa nghiên cứu khoa học cơ bản với khoa học giáo dục cần được coi là chiến lược trung tâm. Người thầy trong kỉ nguyên mới không thể chỉ là người truyền đạt mà phải là người khai sáng; không thể chỉ dạy kĩ thuật mà còn dạy tư duy; không thể chỉ bám vào giáo trình mà phải biết kết nối nguyên lí với ứng dụng, khoa học với nhân văn, truyền thống với hiện đại.
Đổi mới trong đào tạo giáo viên không nên dừng lại ở phương pháp giảng dạy, mà phải bắt đầu từ triết lí giáo dục, từ việc tái cấu trúc nội dung đào tạo theo hướng tích hợp giữa khoa học cơ bản - công nghệ - nhân văn - giáo dục. Đó là nền móng để đào tạo những giáo viên vừa là nhà giáo dục, vừa là nhà khoa học, vừa là người biết ứng dụng công nghệ trong quản lí và sáng tạo tri thức.
Từ nguyên lí đến công nghệ, từ giáo dục đến tương lai
Chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên mà công nghệ không còn là lựa chọn, mà là điều tất yếu. Nhưng không phải công nghệ nào cũng đưa con người tới hạnh phúc. Muốn phát triển công nghệ ứng dụng, chúng ta phải làm chủ công nghệ lõi. Muốn có công nghệ lõi, chúng ta phải hiểu các quy luật nền tảng. Và để thấu hiểu các quy luật đó, chúng ta phải học cách quay về với những điều tưởng như đã cũ nhưng thực ra là cội nguồn của sáng tạo.
Sự phát triển đột phá trong tương lai sẽ không đến từ các sản phẩm công nghệ đơn lẻ, mà đến từ sự hợp nhất giữa nguyên lí - công nghệ - giáo dục - con người. Đó là sự kết nối xuyên ngành, xuyên thời gian, xuyên biên giới tư duy. Đó là nơi triết học đối thoại với kĩ thuật, khoa học cơ bản đồng hành với sáng chế, giáo dục bắt tay với đổi mới xã hội.
Nhân Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam, chúng ta có thể nhìn rộng ra về tương lai với một tâm thế mới - tâm thế của người hiểu mình, hiểu quy luật của thế giới, hiểu rằng muốn vươn cao phải bắt đầu từ gốc rễ. Từ đó, chúng ta có thể góp phần vào tri thức nhân loại, không chỉ bằng sản phẩm mà còn bằng tư tưởng; không chỉ bằng thiết bị mà còn bằng nguyên lí; không chỉ bằng sáng tạo mà còn bằng tầm nhìn nhân văn.
Khoa học không chỉ là công cụ để giải quyết vấn đề, nó là cách để hiểu thế giới. Công nghệ không chỉ là phương tiện để tăng năng suất, nó là biểu hiện của năng lực tư duy và kiến tạo. Khi những điều kiện xung quanh trở nên bất định, bất ổn, thì chính là lúc cần quay về với những điều rất căn bản và chắc chắn, đó chính là các nguyên lí nền tảng.
Nếu chúng ta biết nuôi dưỡng một nền khoa học dựa trên nền tảng triết lí sâu sắc, phát triển công nghệ từ tri thức lõi, đào tạo giáo viên từ tinh thần nhà khoa học, thì Việt Nam có thể vững vàng bước vào kỉ nguyên mới. Một kỉ nguyên mà đổi mới sáng tạo không chỉ là khẩu hiệu, mà là năng lực nội sinh; một tương lai nơi tri thức là nhịp cầu dẫn lối tới hòa bình, phát triển và khai mở chân giá trị của con người.