Tư vấn du học "vàng thau lẫn lộn": Học sinh nên cẩn trọng, tìm hiểu kỹ lưỡng

21/05/2025 09:02
Trân Ni

GDVN - Phụ huynh và học sinh nên kiểm tra chất lượng của dịch vụ tư vấn du học trước khi ký hợp đồng.

Thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có bài viết phản ánh về tình trạng dịch vụ tư vấn du học “vàng thau lẫn lộn”, người nhận tư vấn phải trả nhiều loại phí mà kết quả nhận lại không đúng như cam kết. Điều này khiến học sinh, sinh viên đang có mong muốn du học nước ngoài không khỏi hoang mang, lo lắng.

Cẩn trọng trước lời quảng cáo “du học không cần bằng cấp”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Vũ Anh Phương - Thạc sĩ tại Đại học Purdue (Hoa Kỳ) cho biết, hiện nay, không ít phụ huynh Việt Nam có khát khao mãnh liệt đưa con em ra nước ngoài học tập, ngay cả khi các em chưa đủ năng lực để vào những cơ sở giáo dục uy tín quốc tế.

"Có ba lý do chính thôi thúc phụ huynh đưa con đi du học. Thứ nhất, quan niệm rằng trường học ở nước ngoài chắc chắn tốt hơn trường trong nước. Đặc biệt, họ nhắm tới các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Úc vì cho rằng môi trường giáo dục ở đây vượt trội so với châu Á. Thứ hai, họ mong muốn con cái sớm trải nghiệm cuộc sống tự lập, tích lũy thêm kỹ năng xã hội khi vừa học vừa làm. Thứ ba, họ kỳ vọng rằng con em sẽ cải thiện trình độ tiếng Anh nhờ học tập và sinh sống trong môi trường quốc tế" – chị Phương phân tích.

d64538dc-bdd7-47c2-96c7-35263fdfebc7.jpg
Chị Vũ Anh Phương tốt nghiệp thạc sĩ ngành Thực vật học tại Đại học Purdue. Ảnh: NVCC.

Nắm bắt tâm lý này, nhiều trung tâm tư vấn du học đã không ngần ngại đưa ra những lời chào mời hấp dẫn. Chị Phương chia sẻ, chị đã từng chứng kiến trường hợp gia đình sẵn sàng chi 300 triệu đồng mỗi năm để con em du học tại Úc dù học sinh chỉ đạt IELTS 5.5 - mức điểm chưa đủ cao để đảm bảo theo kịp chương trình học tại các trường quốc tế chất lượng cao.

Trung tâm sẽ đưa học sinh đến các trường đại học có chất lượng đào tạo thấp ở nước ngoài. Những trường này thường tập trung vào việc thu học phí thay vì đảm bảo chất lượng học thuật, thậm chí sẵn sàng chấp nhận cả những học sinh có trình độ học vấn và ngoại ngữ thấp.

Với nền tảng kiến thức và kỹ năng hạn chế, nhiều sinh viên khó tìm được công việc làm đúng chuyên ngành và thường phải làm các công việc lao động phổ thông như phục vụ nhà hàng, quán ăn. Nhiều sinh viên còn phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động, làm việc không hợp đồng, bị trả lương thấp hoặc làm quá giờ.

Bên cạnh đó, không ít trung tâm tư vấn du học hay các "cố vấn" săn học bổng đưa ra những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn như cam kết xét duyệt hồ sơ kỹ lưỡng, đảm bảo vào trường danh tiếng hoặc săn học bổng giá trị. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy nhiều nơi sau khi nhận tiền của học viên lại tỏ ra thiếu trách nhiệm, tư vấn một cách hời hợt hoặc không thực hiện đúng những gì đã cam kết.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể bắt nguồn từ việc nhiều trung tâm nổi tiếng thường xuyên nhận số lượng học viên vượt quá khả năng phục vụ. Đặc biệt, tư vấn 1:1 đòi hỏi nhiều thời gian để trao đổi, chỉnh sửa bài luận và kiểm tra hồ sơ, trong khi đó, các trung tâm lại chú trọng đến việc tối đa hóa lợi nhuận bằng cách nhận số lượng lớn học viên, dù biết rằng chất lượng dịch vụ cá nhân sẽ bị giảm sút.

Không chỉ dừng lại ở việc hứa hẹn, một số trung tâm tư vấn du học còn sử dụng các chiêu trò tinh vi để thu hút học viên. Các trung tâm còn tận dụng hình thức marketing gây hiểu lầm bằng cách đăng tải hình ảnh của học sinh đã giành được học bổng kèm logo của trung tâm, khiến người xem lầm tưởng rằng đó là thành quả từ dịch vụ của họ.

Đáng chú ý, những người đứng đầu trung tâm thường xây dựng hình ảnh cá nhân mạnh mẽ qua việc chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng trên mạng xã hội, tạo dựng niềm tin với cộng đồng. Tuy nhiên, khi học viên đăng ký khóa học, công tác giảng dạy lại được giao cho những người ít kinh nghiệm hơn, còn người đứng đầu chỉ xuất hiện ở một vài buổi hiếm hoi.

Ngoài ra, chị Phương cũng cảnh báo về tình trạng một số trung tâm tư vấn thu phí hàng chục triệu đồng để "cam kết" xin học bổng, dù thực tế, việc nhận học bổng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thành tích học tập, chỉ tiêu và nguồn lực của từng trường đại học.

"Không có chuyện chắc chắn nhận được học bổng từ một trường đại học nào đó, trừ khi hồ sơ của học sinh thực sự xuất sắc. Việc tư vấn học bổng với mức phí cao trong khi không đảm bảo chất lượng là điều rất vô lý" - chị Phương khẳng định.

Cùng chia sẻ về chủ đề này, chị Đặng Ngọc Lan - Thạc sĩ tại Đại học Northeastern (Hoa Kỳ) cho biết: “Du học là một hành trình dài và đầy thách thức, đòi hỏi sự chuẩn bị nghiêm túc cả về học thuật lẫn tài chính. Bản thân tôi từng gặp một vài học sinh là nạn nhân của các trung tâm lừa đảo. Các chiêu trò lừa đảo thường được thiết kế tinh vi và nhắm đến sự thiếu hiểu biết hoặc tâm lý nóng vội của các bậc phụ huynh và học sinh”.

d8047de4-cabd-490a-a785-9c9b0edf0623.jpg
Chị Đặng Ngọc Lan - Thạc sĩ Quản lý dự án tại Đại học Northeastern (Hoa Kỳ). Ảnh: NVCC.

Chị Lan chỉ ra ba chiêu trò phổ biến nhất. Đầu tiên là "Bảo đảm visa 100%". Đây là điều không trung thực, vì quyết định cấp visa hoàn toàn phụ thuộc vào lãnh sự quán, không một đơn vị nào có thể "bảo đảm" được.

Thứ hai, "Trường không yêu cầu ngoại ngữ, học bạ xấu vẫn đậu". Học sinh được giới thiệu vào những trường chất lượng thấp, không được kiểm định quốc tế, dẫn đến hệ quả là không được chuyển tiếp lên các bậc học cao hơn, bằng cấp không được công nhận bởi các nhà tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Điều này còn khiến học sinh mất nhiều thời gian và tiền bạc khi phát hiện ra bằng cấp không có giá trị thực tế, phải học lại hoặc chuyển trường.

“Ngoại ngữ luôn là điều kiện tiên quyết để có thể học tập và hòa nhập tốt tại các quốc gia nói tiếng Anh. Nếu không đủ trình độ tiếng Anh như IELTS hoặc TOEFL, sinh viên sẽ khó lòng theo kịp bài giảng, hoàn thành các bài luận và giao tiếp với giảng viên hay bạn bè. Thực tế, với những trường hợp chưa đủ điều kiện tiếng Anh, sinh viên bắt buộc phải tham gia các chương trình tiếng Anh học thuật như ESL hoặc EAP trước khi được phép vào học chính khóa. Điều này không chỉ kéo dài thời gian học tập mà còn làm tăng chi phí đáng kể.

Ngoài ra, thành tích học tập yếu cũng là một yếu tố gây áp lực lớn cho sinh viên khi du học. Tại các trường đại học quốc tế, áp lực học tập không nhỏ và nếu không đủ nền tảng học thuật, sinh viên dễ rơi vào tình trạng nợ môn hoặc thậm chí phải thôi học” – chị Lan bày tỏ.

Thứ ba, làm giả hồ sơ tài chính, học thuật, hoạt động ngoại khóa hoặc viết luận hộ. Đây là hình thức gian lận phổ biến nhưng vô cùng nguy hiểm. Một số chiêu trò như: tự ý chỉnh sửa học bạ để nâng điểm, cung cấp sổ tiết kiệm giả hoặc cam kết tài chính không có thực, viết bài luận cá nhân (personal statement) cho học sinh thay vì hướng dẫn tự viết. Những hành vi này không chỉ là gian lận mà còn có thể gây ra hậu quả pháp lý nghiêm trọng nếu bị phát hiện.

Theo chị Lan, những hậu quả của các chiêu trò này rất nghiêm trọng. Khi bị phát hiện, học sinh có thể bị từ chối visa, bị cấm nộp hồ sơ trong nhiều năm, hoặc thậm chí bị trục xuất sau khi nhập học. Đây còn là hành vi làm mất công bằng với các học sinh khác làm hồ sơ trung thực, đồng thời gây tổn hại đến uy tín của du học sinh Việt Nam nói chung trong mắt các trường và đại sứ quán.

Là chuyên gia tư vấn du học độc lập có chứng chỉ của Hiệp hội quốc gia về tư vấn tuyển sinh đại học Hoa Kỳ (NACAC), chị Trần Thị Ngọc Hoài cho hay: “Nắm bắt được tâm lý phụ huynh thích sự cam kết, chắc chắn, một số công ty tư vấn du học sẽ hứa hẹn rất nhiều điều trước khi ký hợp đồng. Ví dụ như phải vào được trường đại học mong ước của học sinh với mức học bổng cao nhất.

Ngoài ra, các gia đình Việt Nam thường rất thích những hợp đồng trọn gói chủ yếu để họ an tâm hơn do họ không có kiến thức trong lĩnh vực này. Nhưng thực tế không như họ nghĩ vì kết quả tuyển sinh nhập học hay mức học bổng là do trường đại học quyết định, chứ không phải là trung tâm tư vấn. Hơn nữa, thường các gia đình sẽ không đủ hiểu biết để nhận ra hợp đồng cài cắm những điều khoản bất lợi nào.

Vì vậy, khi các gia đình chọn công ty tư vấn du học nào thì cũng nên gửi hợp đồng cho một bên tư vấn độc lập để kiểm tra lại. Đáng tiếc rằng tại Việt Nam, chỉ một số đơn vị đáp ứng nhu cầu chính đáng này của phụ huynh”.

z6584218883587_092c6768dbabdc94853095fc135c8f5a.jpg
Chị Trần Thị Ngọc Hoài. Ảnh: NVCC.

Học sinh và phụ huynh cần làm gì để tránh “mất tiền oan”?

Theo chị Trần Thị Ngọc Hoài, học sinh và gia đình nên đánh giá kỹ các trung tâm tư vấn để tránh không rơi vào tình huống bất lợi.

Đầu tiên, với loại hình trung tâm tư vấn du học tự túc, trung tâm có kí hợp đồng với các trường đại học trên thế giới để làm đại diện tuyển sinh. Vì vậy, phụ huynh cần kiểm tra giấy chứng nhận trung tâm hợp tác với trường đại học đó và đã gửi bao nhiêu học sinh sang trường đó. Việc xem thư làm việc hay trao đổi gần nhất của trung tâm với các trường đại diện cũng là một cách giúp phụ huynh kiểm tra. Phụ huynh có thể cùng trung tâm hẹn họp trực tuyến với đại diện của trường nước ngoài mà con mình muốn học.

Ngoài ra, phụ huynh cần kiểm tra giấy phép hoạt động và số năm thành lập trung tâm. Hãy cân nhắc chọn đơn vị trên 5 năm kinh nghiệm làm lĩnh vực này và tham khảo thêm khoảng 5 trung tâm khác nhau. Điều này sẽ giúp phụ huynh nhìn ra rất nhiều góc cạnh của lĩnh vực tư vấn này.

Một cách khác, hãy sử dụng Linkedin để tìm ra những người đang học ở những trường phụ huynh quan tâm và kết nối để được trò chuyện giúp gia đình có được các hiểu biết thực tế.

Cuối cùng, phụ huynh nếu được hãy nhờ một người cố vấn có hiểu biết để đọc hợp đồng tư vấn và cùng theo dõi tiến trình với mình. Điều này giúp tránh sai sót nhất có thể cho tương lai của các bạn trẻ. Với bất kì một lời hứa nào của trung tâm tư vấn đưa ra trong hợp đồng, phụ huynh rất cần phải hỏi cơ sở nào để có thể thực hiện lời hứa này.

Đối với trung tâm tư vấn học bổng và du học độc lập, đây là loại hình xuất hiện từ năm 2015. Các trung tâm này sẽ tập trung hỗ trợ hướng dẫn viết hồ sơ (college applications) nộp vào các trường để săn các học bổng (scholarship application) giá trị cao nhất có thể đáp ứng nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh.

“Với loại hình này, phụ huynh cần kiểm tra các bằng cấp về tư vấn học bổng và du học độc lập, tốt nhất là từ nước ngoài, của các trung tâm này. Vì đơn cử tại Mỹ, để hoạt động theo mô hình tư vấn độc lập, người tư vấn cần có chứng chỉ chuyên nghiệp Independent Educational Consultants (IEC).

Có 2 nguyên tắc rất quan trọng mà một người làm tư vấn độc lập phải lấy làm tôn chỉ: một là không viết hộ hay làm giả hồ sơ học viên và hai là không được cam kết về kết quả tuyển sinh. Bên cạnh đó, phụ huynh hãy cân nhắc chọn đơn vị trên 5 năm kinh nghiệm làm lĩnh vực này và tham khảo khoảng 3 trung tâm khác nhau.

Ngoài ra, năng lực của người tư vấn và hỗ trợ được thể hiện rất rõ qua bằng cấp tối thiểu thường là bằng Thạc sĩ tốt nghiệp tại nhóm các nước G7. Một trung tâm tư vấn du học & học bổng độc lập đáng tin cậy là trung tâm sở hữu 3 yếu tố trên” – chị Hoài bày tỏ.

Chị Hoài cũng bày tỏ, sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình du học sẽ bao gồm tổng hợp rất nhiều yếu tố từ chọn quốc gia, chọn ngành, chọn trường phù hợp khả năng tài chính trong 3-4 năm và kỹ năng sống xa gia đình. Một gia đình cần dành thời gian 3-4 năm để đồng hành tìm hiểu và chuẩn bị cùng các con.

Thạc sĩ Đặng Ngọc Lan cho hay, chính học sinh cần chủ động tìm hiểu kỹ về yêu cầu du học như điều kiện tuyển sinh, ngôn ngữ, chi phí, visa và thông tin trường học, thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào trung tâm tư vấn để tránh rủi ro bị lừa đảo và chuẩn bị tốt hơn cho hành trình du học.

Nếu muốn tự chuẩn bị hồ sơ du học, học sinh cần nâng cao ngoại ngữ và hoàn tất các chứng chỉ cần thiết như IELTS, TOEFL,…; đồng thời tìm hiểu kỹ về đất nước, trường học, học phí, học bổng và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Việc lên kế hoạch tài chính rõ ràng, chuẩn bị hồ sơ cá nhân chỉnh chu (SOP, CV, thư giới thiệu) từ sớm, cùng với việc rèn luyện kỹ năng sống tự lập như nấu ăn, quản lý chi tiêu và xử lý giấy tờ, sẽ giúp quá trình du học suôn sẻ và hiệu quả hơn.

Nếu muốn tìm cố vấn, trung tâm uy tín học sinh cần tìm cố vấn có uy tín, chuyên môn rõ ràng, có chứng chỉ tư vấn du học hoặc giấy phép của Sở Giáo dục và Đào tạo, có kinh nghiệm du học thực tế tại các nước phát triển. Phụ huynh, học sinh cần tìm hiểu đơn vị tư vấn có kết quả học sinh đi thành công thực tế không? Trường họ giới thiệu có được công nhận bởi chính phủ nước sở tại hay không? Cố vấn trực tiếp xử lý hồ sơ cho học sinh là ai? Họ có chứng chỉ tư vấn du học không, đã có nhiều năm kinh nghiệm hoặc từng đi du học chưa?

Trong trường hợp phát hiện ra đơn vị tư vấn có dấu hiệu lừa đảo, cần ngừng việc liên hệ cung cấp hồ sơ, thông tin hoặc tiền bạc cho trung tâm đó. Học sinh thu thập toàn bộ bằng chứng (hợp đồng, biên lai chuyển tiền, email, tin nhắn, ghi âm cuộc gọi nếu có), trình báo công an tại nơi bạn cư trú hoặc nơi trung tâm đặt trụ sở và gửi phản ánh đến Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh nếu liên quan đến hồ sơ du học.

Thạc sĩ Vũ Anh Phương đưa ra lời khuyên: "Không có gì sai khi mong muốn con cái được học tập trong môi trường quốc tế, nhưng phụ huynh cần tỉnh táo và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định. Nếu học sinh chưa có năng lực ngoại ngữ và học thuật đủ mạnh, nên tập trung nâng cao kiến thức tại Việt Nam thay vì đầu tư hàng trăm triệu mỗi năm để học ở những trường kém chất lượng”.

Đối với học sinh, chị Phương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự tìm hiểu, tham khảo kinh nghiệm từ các du học sinh đi trước và không quá phụ thuộc vào các trung tâm tư vấn. "Các bạn cần chủ động trong việc xây dựng hồ sơ du học, nghiên cứu kỹ về trường học và chương trình học để tránh những rủi ro không đáng có" - chị Phương nhắn nhủ.

Trân Ni