Sở GD&ĐT Sơn La nỗ lực thực hiện xã hội hóa, cải thiện cơ sở vật chất trường lớp

15/05/2025 06:40
Đình Nam

GDVN - Công tác xã hội hóa tại tỉnh Sơn La đã và đang được đẩy mạnh để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong điều kiện các nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế như hiện nay. Thời gian qua, nhiều địa phương đã đạt được kết quả tích cực trong việc thu hút xã hội hóa giáo dục.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, trong 5 năm qua, Nghệ An đã huy động được hơn 900 tỷ đồng và 840.000 ngày công từ phụ huynh, cộng đồng xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. [1]

Nhiều địa phương khác cũng ghi nhận kết quả tích cực từ việc triển khai thực hiện xã hội hóa giáo dục.

Xã hội hóa giáo dục góp phần cải thiện điều kiện cơ sở vật chất cho nhiều cơ sở giáo dục

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Hùng - Trưởng phòng, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết công tác xã hội hóa đã được triển khai trên địa bàn tỉnh và thu về những kết quả tích cực.

“Thực hiện chủ trương của Trung ương và của tỉnh về thực hiện xã hội hóa trong giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 296/KH-UBND ngày 23/12/2021 về kế hoạch xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 nhằm vận động nguồn lực từ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ phát triển giáo dục.

Trong những năm qua, công tác huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần đáng kể vào việc bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác nội trú, bán trú trong các cơ sở giáo dục.

Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Sơn La đã đầu tư, sửa chữa 251 phòng học, xây mới và cải tạo 51 phòng công vụ cho giáo viên, cùng 9 nhà vệ sinh, với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng (64,996 tỷ đồng)”, ông Hùng thông tin.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết thêm, riêng trong năm 2024, Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup đã tài trợ 247 bộ máy vi tính cho các trường tiểu học và trung học cơ sở ở huyện Sốp Cộp và huyện Sông Mã với tổng trị giá gần 2,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, huyện Mộc Châu là điểm sáng khi từ năm 2020 đến nay đã huy động được hơn 25 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị học tập cho học sinh.

unnamed-2025-05-13t133337849-5259.jpg
Trường Trung học cơ sở Chiềng Phung, huyện Sông Mã được trao tặng 40 máy vi tính nhờ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cung cấp.
8547d365-c7a5-4166-8e74-aec01ae4fb4e-1461.jpg
Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup tài trợ phòng tin học cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Nghịu. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cung cấp.

Các tổ chức, cơ quan trên địa bàn cũng đã nhận đỡ đầu 394 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng trong 3 năm. Dự án “Nuôi em Mộc Châu” đã hỗ trợ bữa trưa cho 5.703 lượt trẻ mầm non tại 42 điểm trường khó khăn, trong khi Bộ Quốc phòng tài trợ công trình 3 tầng gồm 12 phòng học, sân chơi 2.000 mét vuông và 30 bộ máy tính cho Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lóng Sập.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập cũng đóng góp tích cực khi xây dựng 14 phòng học, 5 bếp ăn và nhiều hạng mục khác tại các điểm trường vùng biên, với tổng giá trị hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã tích cực vào cuộc.

Hội Khuyến học tỉnh Sơn La nổi bật với hơn 23.300 lượt khen thưởng và cấp học bổng năm 2024, tổng số tiền gần 6,3 tỷ đồng. Hội đã phối hợp tổ chức lễ vinh danh “Học không bao giờ cùng”, trao 202 suất học bổng cho học sinh giỏi quốc gia, người lớn học tập xuất sắc và các nhà giáo ưu tú.

Ngoài ra, Hội còn thực hiện nhiều chương trình thiết thực như “Nuôi em khuyến học”, “Tiếp sức mùa thi”, hỗ trợ mái ấm tình thương, đỡ đầu học sinh khó khăn. Các hội khuyến học cấp xã, huyện và các ban khuyến học cơ quan trực thuộc cũng đóng góp đáng kể, với tổng số tiền hỗ trợ lên đến hàng tỷ đồng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 đã đồng hành cùng các tổ chức khác để hỗ trợ hơn 1.600 suất ăn, hàng nghìn chai nước, sữa và đồ dùng học tập cho thí sinh.

Trong năm, Hội đã hỗ trợ tài chính, quà tặng cho hàng trăm học sinh nghèo, mồ côi và duy trì chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho 333 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, với tổng giá trị trên 457 triệu đồng.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh cũng thể hiện vai trò xung kích qua chương trình “Tiếp sức mùa thi” tại 35 điểm thi, huy động 1.450 tình nguyện viên hỗ trợ hơn 12.600 thí sinh và người nhà, với tổng nguồn lực hơn 920 triệu đồng.

Các đội hình tình nguyện đã phát hàng chục nghìn chai nước, suất ăn, đồ dùng học tập, tổ chức xe ôm miễn phí, phân luồng giao thông và hỗ trợ khẩn cấp cho thí sinh.

Hội Nông dân tỉnh tích cực phối hợp với ngành giáo dục trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về học tập và hỗ trợ học sinh lớp 12 ôn thi hiệu quả. Các cấp Hội đã vận động hội viên quản lý, chăm sóc con em trong mùa ôn thi, hỗ trợ thiết bị học tập, wifi và các điều kiện cần thiết.

unnamed (89).jpg
Một tiết học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Sốp Cộp. Ảnh: website nhà trường.

Đặc biệt, hơn 860 học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có hoàn cảnh khó khăn đã được các tổ chức giúp đỡ kịp thời. Trong đợt cao điểm ôn thi, Hội vận động được trên 120 triệu đồng và nhiều thực phẩm an toàn để tổ chức bữa ăn miễn phí cho học sinh. Hội Nông dân thị xã Mộc Châu là điểm sáng khi hỗ trợ hơn 10 triệu đồng cho kỳ thi, giúp các em khởi nghiệp và nhận đỡ đầu 5 học sinh mồ côi.

Những nỗ lực bền bỉ và tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội đã và đang góp phần tạo dựng môi trường giáo dục nhân văn, bền vững cho học sinh Sơn La - nơi vùng cao được thắp sáng bằng tình người và khát vọng tri thức.

Nhiều thách thức trong công tác kêu gọi nguồn đầu tư xã hội hóa

Theo Trưởng phòng, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, trong quá trình triển khai công tác xã hội hóa giáo dục, Sở đã có nhiều thuận lợi góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành.

Trước hết là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và chính quyền các cấp, thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, nhờ tiếp cận thông tin qua kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như các hoạt động truyền thông, đã tích cực tìm hiểu và đồng hành với ngành giáo dục trong việc thực hiện các nội dung xã hội hóa.

Đặc biệt, nhận thức của người dân - đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - về vai trò của giáo dục trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống đã có chuyển biến rõ rệt. Nhiều gia đình, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, vẫn sẵn sàng đóng góp công sức, vật chất để xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị học tập cho con em, thể hiện tinh thần trách nhiệm và niềm tin vào giáo dục.

unnamed-2025-05-13t133420693.jpg
unnamed-2025-05-13t133424106.jpg
Nhà tài trợ khánh thành nhà 2 tầng, 8 phòng học cho Trường Trung học cơ sở Mường Bám. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cung cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, Sở cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong quá trình huy động các nguồn lực xã hội, nhất là tại những khu vực vùng sâu, vùng xa.

Với đặc thù là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn ở mức cao, nên việc đóng góp tài chính hoặc vật chất cho nhà trường còn rất khiêm tốn, chủ yếu dừng lại ở việc hỗ trợ ngày công lao động hoặc cung cấp vật tư sẵn có tại địa phương.

Vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn, hệ thống giao thông chưa đồng bộ và điều kiện thông tin hạn chế khiến việc kết nối với doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm gặp nhiều trở ngại. Không những vậy, một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu đúng về chủ trương xã hội hóa giáo dục, lo ngại bị lạm thu hoặc cho rằng trách nhiệm phát triển giáo dục hoàn toàn thuộc về Nhà nước, dẫn đến tâm lý e ngại khi được vận động đóng góp.

Ở một số địa phương, các cơ sở giáo dục còn thiếu chủ động trong việc kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ; đội ngũ cán bộ quản lý tại một số trường học cũng chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác vận động, dẫn đến kết quả xã hội hóa chưa đạt như kỳ vọng.

Để tiếp tục thúc đẩy công tác xã hội hóa giáo dục trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã đề ra một số định hướng và giải pháp trọng tâm, mang tính chiến lược và toàn diện.

Trước hết, trọng tâm được đặt vào việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của xã hội hóa giáo dục. Xã hội hóa cần được hiểu là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục, từ đó khơi dậy tinh thần đồng hành, sẻ chia và đóng góp từ mọi tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, Sở cùng các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục sẽ chủ động cung cấp thông tin, tăng cường kết nối, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để vận động tài trợ, đầu tư cho giáo dục, nhất là ở những khu vực còn nhiều khó khăn. Đây được xem là giải pháp then chốt nhằm thu hút các nguồn lực xã hội một cách hiệu quả, góp phần cải thiện cơ sở vật chất và điều kiện học tập cho học sinh.

Song song với quá trình huy động, công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực xã hội hóa cũng sẽ được tăng cường, với nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích. Việc này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả đầu tư mà còn tạo dựng được niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ bền vững từ phía cộng đồng.

b65c5c42-6a4b-4c23-a995-d7783567f247.jpg
Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Sơn La tổ chức chương trình tình nguyện “Đông ấm vùng cao” tại xã Tường Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cung cấp.

Từ thực tiễn triển khai công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La kiến nghị một số nội dung quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc huy động nguồn lực xã hội vào giáo dục.

Trước hết, cần sớm ban hành một hệ thống quy định pháp lý đầy đủ, thống nhất và cụ thể về xã hội hóa giáo dục. Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa rõ ràng khái niệm xã hội hóa giáo dục; các hướng dẫn và quy định liên quan còn nằm rải rác trong nhiều văn bản khác nhau, thiếu tính đồng bộ.

Điều này gây không ít khó khăn và lúng túng cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, rất cần một khung pháp lý thống nhất, trong đó quy định rõ danh mục được xã hội hóa, nguồn thu, cơ chế quản lý tài chính, trách nhiệm của các bên liên quan, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cũng đề xuất Nhà nước quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông, điện, nước và công nghệ thông tin tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Đây là những điều kiện thiết yếu để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân có mong muốn tài trợ, đồng hành cùng ngành giáo dục có thể tiếp cận và triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ. Việc cải thiện hạ tầng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn là tiền đề để thu hút nguồn lực xã hội hóa một cách thiết thực và lâu dài.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dantri.com.vn/giao-duc/nghe-an-huy-dong-hon-900-ty-dong-xay-dung-truong-mam-non-20250426145101048.htm

Đình Nam