Tình hình tuyển sinh hệ 9+ qua chia sẻ của lãnh đạo trường nghề

24/05/2025 06:35
Mạnh Dũng

GDVN - Mặc dù nhu cầu nhân lực có tay nghề trên thị trường lao động ngày càng cao, nhưng công tác tuyển sinh hệ đào tạo 9+ vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

Tuyển sinh trường nghề gặp khó với hệ 9+

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Việt Mười - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng cho biết, mặc dù công tác tuyển sinh hệ 9+ trong những năm gần đây của nhà trường đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn đó không ít thách thức và bất cập, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, việc học nghề thường chỉ được phụ huynh và học sinh xem xét đến khi học sinh không trúng tuyển vào trường trung học phổ thông công lập. Mặc dù quan niệm này đang có những chuyển biến tích cực khi chương trình đào tạo hệ 9+ đã tích hợp dạy văn hóa, nhưng tâm lý lo ngại việc học nghề sớm sẽ gây thiệt thòi, không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và gặp khó khăn trong việc học lên cao vẫn còn khá phổ biến.

Thứ hai, những năm gần đây, việc nhiều trường đại học mở rộng chỉ tiêu cùng phương thức tuyển sinh đa dạng, giúp cơ hội vào đại học trở nên dễ dàng hơn. Nhiều học sinh thay vì chọn học nghề có xu hướng chuyển sang học đại học, làm thu hẹp đáng kể nguồn tuyển của trường nghề.

Thứ ba, công tác hướng nghiệp ở bậc trung học cơ sở chưa được chú trọng đồng đều, khiến nhiều học sinh lớp 9 và phụ huynh chưa hiểu rõ mô hình 9+. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, việc tuyên truyền mô hình 9+ vẫn gặp khó do địa bàn rộng, phụ huynh khó tiếp cận thông tin, dẫn đến hiểu lầm về chương trình và làm giảm động lực lựa chọn học nghề sớm.

Thứ tư, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chọn đi học nghề thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn so với nhóm học sinh vào học trường trung học phổ thông. Nhiều em ở nông thôn phải sớm phụ giúp gia đình, nên dù được miễn học phí vẫn đắn đo về chi phí sinh hoạt. Đặc biệt, học sinh dân tộc thiểu số, còn gặp rào cản ngôn ngữ, văn hóa, dễ dẫn đến tâm lý ngại học xa.

Thứ năm, đặc thù của hệ 9+ là tuyển học sinh từ 15–16 tuổi, khi tâm sinh lý còn chưa ổn định và khả năng tự định hướng nghề nghiệp còn hạn chế. Việc vừa học văn hóa, vừa học nghề đòi hỏi ý thức tự giác và nỗ lực cao, trong khi nhiều học sinh còn ham chơi, thiếu mục tiêu rõ ràng. Thực tế ghi nhận một tỷ lệ không nhỏ học sinh 9+ bỏ dở giữa chừng do chưa thích nghi với môi trường học tập kép hoặc thiếu động lực học khi so sánh với bạn bè học trường trung học phổ thông.

Thứ sáu, so với yêu cầu mở rộng mô hình 9+, nhiều trường nghề vẫn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị thực hành và đội ngũ giáo viên dạy văn hóa. Bởi chương trình 9+ tích hợp cả văn hóa trung học phổ thông hoặc văn hoá rút gọn, các trường phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy học trong khi nhiều trường còn thiếu nguồn lực giáo viên giảng dạy.

thay-muoi-cao-dang-nghe-soc-trang.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Việt Mười - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng. (Ảnh NVCC)

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Hoàng Ngọc Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa cho biết, năm học 2024-2025, nhà trường chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu đối với học sinh hệ 9+ so với chỉ tiêu đặt ra đầu năm học. Mặc dù đã nỗ lực tư vấn, làm rõ những ưu điểm vượt trội của việc học nghề như cơ hội việc làm ngay với mức lương hấp dẫn sau khi tốt nghiệp, cùng lộ trình liên thông rộng mở, nhưng sự ủng hộ từ gia đình đối với học sinh theo học hệ 9+ vẫn còn hạn chế, dẫn tới việc tuyển sinh của nhà trường vẫn gặp khó khăn.

“Học sinh sau khi được tư vấn tại trường đã hiểu rõ về các cơ hội, nhưng khi trở về nhà, nhiều em vẫn không nhận được sự chấp thuận từ phụ huynh. Trong đó, theo thống kê của trường khi tuyển sinh, có tới 60% phụ huynh vẫn giữ quan niệm cho rằng học nghề là một lựa chọn không hấp dẫn nên thường định hướng cho học sinh theo học các trường trung học phổ thông hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên”, thầy Dũng bày tỏ.

Cũng theo thầy Dũng, việc tâm lý, tư tưởng của phụ huynh đối với trường nghề còn nhiều băn khoăn tạo ra rào cản lớn nhất trong công tác tuyển sinh của trường. Đặc biệt, trong bối cảnh trường đã thực hiện tự chủ tài chính, việc không đạt đủ chỉ tiêu tuyển sinh sẽ gây ra những khó khăn không nhỏ trong việc duy trì các hoạt động, cũng như các kế hoạch phát triển của trường.

thay-hoang-ngoc-dung.jpg
Thầy Hoàng Ngọc Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa (tỉnh Khánh Hoà). Ảnh: NVCC.

Còn theo Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết, theo thống kê tại thành phố Hà Nội, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở lựa chọn con đường học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện chỉ đạt khoảng 18%, so với mục tiêu đạt 30 % số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp theo kế hoạch số 363/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 260-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo thầy Ngọc, một trong những khó khăn đối với việc tuyển sinh của trường nghề, đặc biệt ở hệ 9+ là sự chênh lệch giữa năng lực đào tạo của trường nghề và nhu cầu thực tế ngày càng cao của người học. Trong bối cảnh thị trường lao động liên tục có những thay đổi, các trường nghề buộc phải không ngừng đầu tư, cập nhật chương trình đào tạo để trang bị cho học sinh những kỹ năng và kiến thức đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các doanh nghiệp. Nếu không giải quyết được bài toán này, việc thu hút học sinh theo học sẽ trở thành một nhiệm vụ ngày càng nan giải.

Cùng với đó, việc chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tại các trường trung học phổ thông công lập ở các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh tăng lên cũng tạo ra một áp lực với các trường nghề trong việc tuyển sinh hệ 9+. Tâm lý ưu tiên lựa chọn trường trung học phổ thông công lập của phần lớn phụ huynh và học sinh có thể dẫn đến giảm số lượng học sinh đăng ký vào các trường nghề sau khi hoàn thành bậc trung học cơ sở. Trước tình hình này, thầy Ngọc cho rằng, các trường nghề cần phải chủ động xây dựng các phương án linh hoạt và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong chiến lược tuyển sinh của mình.

thumb-truong-nghe-cd-dien-lanh.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội.

Trường nghề phải thay đổi để thu hút học sinh lựa chọn ngay từ đầu

Theo thầy Trần Xuân Ngọc, trường nghề cần phát huy những lợi thế và có những sự thay đổi tích cực để khắc phục những khó khăn về nguồn tuyển. Chẳng hạn như việc học sinh theo học trường nghề trong những năm trở lại đây có tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông luôn đạt kết quả cao. Cùng với đó, học sinh không chỉ có cơ hội nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, mà còn được trang bị kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp thực tế từ sớm. Điều này cộng với thời gian học ngắn hơn, giúp các em sớm làm quen với công việc yêu thích, tích lũy kinh nghiệm và có lợi thế lớn trong việc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội nhấn mạnh, để thu hút được tuyển sinh và thu hút người học, chính trường nghề cũng cần phải chủ động thay đổi.

Không chỉ dừng lại ở việc trang bị kỹ năng nghề, môi trường đào tạo của trường nghề cần chú trọng phát triển toàn diện cho học sinh, sinh viên, bao gồm cả văn hóa chuyên môn lẫn kỹ năng mềm và các hoạt động giáo dục toàn diện, từ đó xây dựng một môi trường giáo dục uy tín.

Cùng với đó, trường nghề cũng cần chú trọng nâng cao chiến lược phát triển về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên hay mở rộng hợp tác, liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho người học.

Đặc biệt, khi chương trình đào tạo nhà trường đã được nâng cao, trường nghề cần có những công cụ truyền bá, đổi mới cách tiếp cận tuyển sinh. Chẳng hạn như ứng dụng việc tuyển sinh thông qua các trang mạng xã hội, website để có thể tiếp cận được với người học và cung cấp sớm thông tin rộng rãi, kịp thời, phù hợp với mọi đối tượng, nhu cầu.

tran-xuan-ngoc-cd-dien-tu-dien-lanh.jpg
Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Cùng chia sẻ về những giải pháp nhằm thu hút người học, đặc biệt là học sinh hệ 9+ với trường nghề, thầy Nguyễn Việt Mười cho biết, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, với phương châm “tuyển sinh là nhiệm vụ của toàn trường” nên ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường tổ chức đồng bộ các hoạt động tư vấn hướng nghiệp sâu rộng trên toàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh tư vấn trực tuyến qua các kênh như hotline, Zalo, Facebook, liên tục cập nhật thông tin tuyển sinh và giải đáp hàng ngàn lượt thắc mắc mỗi năm. Từ đó, đưa mô hình đào tạo 9+ đến gần hơn với học sinh và phụ huynh, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn.

Cùng với đó, nhà trường thường xuyên cập nhật chuẩn đầu ra, điều chỉnh nội dung giảng dạy cho phù hợp với đặc điểm học sinh trung cấp. Lịch học văn hóa và thực hành nghề được sắp xếp linh hoạt nhằm tránh quá tải, đồng thời tích hợp các nội dung rèn luyện kỹ năng mềm và kỷ luật học tập.

Bên cạnh đó, việc phát triển mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng được trường chú trọng. Nhà trường đã ký kết nhiều chương trình phối hợp đào tạo và tuyển dụng với các đối tác lớn như Tập đoàn GreenFeed Việt Nam, Hòa Phát, Tín Quang, THACO, Việt Úc, ESHUHAI, VinFast... Doanh nghiệp tham gia từ khâu góp ý chương trình, tiếp nhận học sinh thực tập, đến ưu tiên tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp. Nhờ đó, học sinh hệ 9+ được tiếp cận thực tế nghề nghiệp ngay trong quá trình học và có cơ hội việc làm rõ ràng sau khi ra trường.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương khuyến khích phân luồng sau bậc trung học cơ sở, nhà trường miễn 100% học phí cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học hệ trung cấp. Đồng thời, trường vận dụng các nguồn quỹ để cấp học bổng cho học sinh hệ 9+ có thành tích học tập tốt hoặc hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, học sinh có thể yên tâm học tập mà không lo gánh nặng tài chính.

Thầy Mười cũng nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác phân luồng sau trung học cơ sở. Cụ thể, cần tăng thời lượng giáo dục hướng nghiệp trong chương trình trung học cơ sở, đồng thời tạo điều kiện để các trường nghề uy tín tham gia ngày hội tuyển sinh lớp 10 nhằm giới thiệu trực tiếp mô hình 9+ đến học sinh và phụ huynh.

Đi kèm với đó, truyền thông đại chúng cũng cần lan tỏa các câu chuyện thành công từ học sinh 9+ và những mô hình đào tạo hiệu quả, từng bước thay đổi định kiến xã hội về học nghề sớm.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh cần tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách cho các trường nghề trọng điểm để đầu tư nâng cấp xưởng thực hành, phòng học văn hóa, ký túc xá và các hạng mục thiết yếu phục vụ đào tạo học sinh hệ 9+. Đồng thời, cần mở rộng các chính sách học bổng và trợ cấp dành cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa và xem xét hỗ trợ chi phí học tập hằng tháng cho học sinh nhằm tăng sức hấp dẫn theo học hệ 9+ đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, cần xây dựng chính sách khuyến khích và khen thưởng đối với các trường trung học cơ sở làm tốt công tác phân luồng sau trung học cơ sở, chẳng hạn đưa tỷ lệ học sinh vào học nghề vào tiêu chí thi đua của các đơn vị.

Đặc biệt, về mặt chuyên môn, Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cần nghiên cứu ban hành khung chương trình đào tạo 9+ theo hướng tích hợp giữa nội dung văn hóa và nghề nghiệp, giảm trùng lặp, rút ngắn thời gian học nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức và kỹ năng. Đồng thời, cần tăng cường các nội dung giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng sống và định hướng thái độ nghề nghiệp cho học sinh hệ 9+, giúp học sinh được phát triển toàn diện và sẵn sàng làm việc với môi trường thực tế.

Mạnh Dũng