Bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ HS là nhân văn nhưng tiềm ẩn nhiều hệ quả tiêu cực

21/05/2025 06:32
Lưu Diễm

GDVN - Không có hình thức đình chỉ sẽ có thể gửi tín hiệu tới học sinh cá biệt rằng vi phạm nghiêm trọng không bị xử lý nghiêm túc, làm xói mòn văn hóa kỷ luật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh để lấy ý kiến từ nay đến hết ngày 6/7/2025. Thông tư mới sẽ thay thế Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh.

Theo đó, đối với học sinh ngoài đối tượng học sinh tiểu học, có 3 hình thức gồm: nhắc nhở; phê bình; yêu cầu viết bản tự kiểm điểm. Bên cạnh đó, các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học không gồm lưu hồ sơ và học bạ của học sinh. Như vậy, so với Thông tư 08/TT và các quy định trước đó, các hình thức kỷ luật như tạm dừng học, đình chỉ học tập bị bãi bỏ.

Trên thế giới hiện nay chưa có nước nào bỏ hoàn toàn hình thức đình chỉ học sinh?

Dự thảo Thông tư mới thu hút sự quan tâm của nhiều giáo viên và chuyên gia giáo dục. Theo ý kiến của các trường, điều này thể hiện tinh thần nhân văn trong giáo dục nhưng cũng lo ngại về nguy cơ kỷ luật trong trường học bị lung lay, gây khó khăn cho công tác quản lý và giáo dục toàn diện. Chia sẻ về vấn đề này, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên môn Toán tại Hà Nội cho biết, theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, tại Điều 38 quy định: "Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo". Lưu ý, theo quy định này, học sinh bị tạm dừng học ở trường nhưng nhà trường vẫn có trách nhiệm giáo dục, dạy học cho học sinh.

Ngày 7/5/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Theo đó, tại Điều 13, Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh về biện pháp kỷ luật học sinh được đề xuất như sau: Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học bao gồm nhắc nhở, yêu cầu xin lỗi; Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh ngoài đối tượng học sinh tiểu học bao gồm nhắc nhở, phê bình, yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.

Ảnh minh hoạ: giaoduc.net.vn.
Ảnh minh hoạ: giaoduc.net.vn.

Theo thầy Tùng tìm hiểu, hiện nay chưa có nước nào bỏ hình thức đình chỉ học sinh. Tham khảo hình thức đình chỉ học sinh đang được áp dụng ở một số quốc gia khác nhau, tùy theo từng khu vực nhưng nhìn chung hệ thống giáo dục có các hình thức xử lý vi phạm kỷ luật như: Trung Quốc áp dụng biện pháp cảnh cáo, ghi nhận kỷ luật, đình chỉ, buộc thôi học; Nhật Bản áp dụng biện pháp nhắc nhở, kiểm điểm, cảnh cáo, đình chỉ học, đuổi học; Mỹ áp dụng biện pháp nhắc nhở, cảnh cáo, đình chỉ, lao động công ích, đuổi học; Hàn Quốc áp dụng biện pháp nhắc nhở, cảnh cáo, đình chỉ, đuổi học; Singapore áp dụng biện pháp nhắc nhở, cảnh cáo, giam giữ (tại trường), đình chỉ, buộc chuyển trường, đuổi học; Phần Lan áp dụng biện pháp nhắc nhở, cảnh cáo, giam giữ (tại trường), đình chỉ, cải tạo; Anh áp dụng biện pháp nhắc nhở, cảnh cáo, đình chỉ, đuổi học.

Có thể thấy, các nước đều hướng đến “kỷ luật tích cực”, song, đều vẫn còn hình thức đình chỉ học tập có thời hạn (từ vài ngày đến vài tháng), có những nước vẫn còn hình thức “đuổi học”. Thầy Mạnh Tùng đồng tình với những nguyên tắc cơ bản của "kỷ luật tích cực" đối với học sinh được các nước đang áp dụng, đồng thời một số trường học của Việt Nam cũng đã và đang áp dụng cụ thể như sau.

Thứ nhất, tôn trọng và giữ gìn phẩm giá của học sinh; không dùng phạt thể chất, nhục mạ hay hạ thấp nhân phẩm; giao tiếp tôn trọng, lắng nghe ý kiến học sinh.

Thứ hai, tập trung vào hành vi, không phán xét con người; phân biệt rõ hành vi sai và cá nhân học sinh; giúp học sinh nhận ra hành vi sai và hậu quả của nó.

Thứ ba, dạy kỹ năng thay vì chỉ phạt lỗi; hướng dẫn học sinh các kỹ năng như tự kiểm soát, giải quyết xung đột, giao tiếp hiệu quả, biết chịu trách nhiệm; xây dựng thói quen tốt, hành vi tích cực.

Thứ tư, tạo môi trường an toàn, hỗ trợ và nhất quán; thiết lập quy tắc rõ ràng, công bằng và áp dụng nhất quán. Giáo viên và học sinh cùng tham gia xây dựng nội quy.

Thứ năm, khuyến khích và công nhận hành vi tích cực; khen thưởng, động viên thay vì chỉ trừng phạt; sử dụng lời khen cụ thể để củng cố hành vi tốt.

Thứ sáu, giải quyết vấn đề dựa trên hợp tác và thảo luận. Thay vì áp đặt, khuyến khích học sinh tham gia giải quyết mâu thuẫn và sửa sai; thực hiện các cuộc họp hòa giải, trao đổi để tìm cách khắc phục.

Thứ bảy, phát triển ý thức trách nhiệm cá nhân và cộng đồng. Học sinh được khuyến khích chịu trách nhiệm về hành vi của mình; phát triển tinh thần giúp đỡ, tôn trọng người khác.

Thứ tám, hướng đến sự thay đổi lâu dài và phát triển toàn diện. Mục tiêu là giúp học sinh trở thành người tự giác, tự tin, có kỹ năng sống tốt. Kỷ luật là một phần của quá trình giáo dục, không chỉ là phản ứng tức thời với vi phạm.

Mặt khác, một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra hiệu quả và sự cần thiết của kỷ luật nghiêm khắc, trong đó có đình chỉ học sinh. Kỷ luật nghiêm khắc như đình chỉ học tập là cần thiết để xử lý các hành vi cực kỳ nghiêm trọng, bảo vệ an toàn học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, cảnh báo về việc áp dụng quá mức hoặc sai cách sẽ gây hại cho học sinh và hiệu quả học tập, từ đó cần có sự cân bằng giữa trừng phạt và hỗ trợ giáo dục [1]. Đình chỉ có thể là công cụ cuối cùng khi các biện pháp khác không hiệu quả, nhất là để xử lý những hành vi nguy hiểm hoặc lặp lại. Tuy nhiên, cần đảm bảo thủ tục công bằng và hỗ trợ học sinh quay lại học tập. Thực thi kỷ luật nghiêm khắc cần có kiểm soát, có khung pháp lý rõ ràng [2]...

Ảnh minh hoạ: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, Hà Nội.
Ảnh minh hoạ: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, Hà Nội.

Không có hình thức đình chỉ sẽ dồn áp lực sang giáo viên chủ nhiệm và nhân viên tâm lí

Theo thầy Trần Mạnh Tùng, nếu Việt Nam bỏ hoàn toàn hình thức đình chỉ học sinh, dù với mục đích nhân văn, vẫn tiềm ẩn hệ quả tiêu cực cả về mặt quản lý nhà trường lẫn sự phát triển hành vi của học sinh. Một là, giảm tính răn đe và kỷ cương trong trường học bởi vì không có biện pháp kỷ luật mạnh tay, học sinh có hành vi vi phạm nghiêm trọng (như đánh nhau, mang hung khí, xúc phạm giáo viên, rủ rê hút thuốc, quấy rối,...) có thể không thấy hậu quả trực tiếp, dẫn đến gia tăng tái phạm hoặc lan truyền hành vi xấu.

Khi "liều thuốc" nặng nhất là viết bản kiểm điểm thì rất nhanh chóng sẽ bị "nhờn thuốc" và vi phạm sẽ tiếp tục lặp lại. Hiện nay, với những lỗi nhẹ, có những học sinh đã có cả tập bản kiểm điểm nhưng cũng chưa có cải thiện gì. Ngoài ra, các học sinh khác có thể cảm thấy thiếu công bằng, dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống kỷ luật của nhà trường. Hơn nữa, tại Việt Nam, điều kiện đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, số lớp đông, sĩ số đông, nhân lực mỏng... Nếu kỷ luật "dễ dãi" thì công tác dạy học sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là bất lực.

Hai là, gây bất an cho học sinh và giáo viên. Nếu không thể loại học sinh có hành vi đe dọa an toàn người khác ra khỏi môi trường lớp học một thời gian, giáo viên và học sinh khác có thể cảm thấy lo sợ, căng thẳng khi học chung. Một số giáo viên có thể bỏ qua vi phạm, hoặc mất động lực làm việc vì thấy nhà trường thiếu công cụ hỗ trợ để xử lý học sinh cá biệt. Nền nếp không tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập và rèn luyện của học sinh. Nếu sự việc kéo dài, nhiều người sẽ thấy lo ngại với công việc giáo viên.

Ba là, thiếu thời gian để can thiệp sâu, riêng biệt. Đình chỉ giúp tạo khoảng thời gian "tạm ngắt" để học sinh suy nghĩ về hành vi của mình. Còn nhà trường và gia đình có thời gian họp bàn hướng hỗ trợ cụ thể. Chuyên viên tâm lý, quản lý học sinh có thể can thiệp cá nhân. Ngược lại, nếu không có đình chỉ, học sinh vẫn đi học bình thường mà không có cơ chế "tạm dừng" để xử lý nội tâm hay điều chỉnh hành vi.

Bốn là, khó xử lý học sinh có hành vi bạo lực, nguy hiểm. Ví dụ, đối với học sinh đánh nhau nhiều lần, lôi kéo bạn bè gây rối, hút thuốc, dùng điện thoại quay clip bạo lực, tàng trữ hung khí,...; nếu không có biện pháp đình chỉ sẽ khiến trường bị động, chỉ còn lại những hình thức mang tính “giáo dục nhẹ” không phù hợp với mức độ vi phạm.

Năm là, áp lực đổ dồn sang giáo viên chủ nhiệm và nhân viên tâm lí. Nếu học sinh vi phạm vẫn ở trường, việc theo dõi, giám sát và hỗ trợ trở nên quá tải với giáo viên chủ nhiệm và nhân viên tâm lí học đường, nhất là khi số lượng học sinh vi phạm tăng.

Sáu là, hiệu ứng "mất chuẩn" trong văn hóa trường học. Không có hình thức đình chỉ sẽ gửi tín hiệu rằng vi phạm nghiêm trọng không bị xử lý nghiêm túc, làm xói mòn văn hóa kỷ luật và nền nếp. Học sinh tốt có thể cảm thấy thất vọng, giảm động lực vì thấy nỗ lực tuân thủ nội quy không được bảo vệ.

Như vậy, theo thầy Mạnh Tùng, không nên bỏ hình thức đình chỉ học sinh. Việc áp dụng như Thông tư 32 hiện nay đã đảm bảo đầy đủ và nhân văn. Bởi tạm dừng học có thời hạn thì nhà trường vẫn có trách nhiệm giáo dục, dạy học cho học sinh. Đồng thời, cần đẩy mạnh áp dụng kỷ luật tích cực trong trường học và trong gia đình.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Theo ý kiến của thầy Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), chúng ta cần hiểu rõ biện pháp giáo dục và mức độ kỷ luật để tránh nhầm lẫn. Dự thảo đưa ra viết bản kiểm điểm là một trong mức độ kỷ luật là chưa phù hợp, tuy nhiên, viết bản kiểm điểm là để học sinh tường trình, nhìn nhận lại những hành vi vi phạm của mình. Dù là lỗi lớn hay lỗi nhỏ đều phải viết kiểm điểm, đây không phải là mức kỷ luật có tính răn đe.

Mục đích xây dựng các quy định về kỷ luật học sinh nhằm giáo dục, không phải "đày ải" các em. Song, các trường nên có hội đồng kỷ luật để đưa ra mức độ kỷ luật phù hợp, có thể đình chỉ học tập có thời hạn tùy hành vi vi phạm. Đây là khoảng thời gian giáo dục, giúp các em suy nghĩ về lỗi sai và tự đưa ra biện pháp thay đổi.

"Đối với học sinh, trách nhiệm của chúng ta là giáo dục cho các em tuân thủ pháp luật. kỷ luật. Cần làm sao để học sinh nhận thức được trách nhiệm của mình, từ đó, chuẩn bị trở thành những người công dân mẫu mực, chứ không phải vì là ở tuổi vị thành niên nên được miễn trừ mọi thứ. Ví dụ, nhà trường có thể phạt học sinh bằng cách cho lao động công ích, dọn dẹp trường lớp để ghi nhớ thật kỹ về sai phạm của mình", ông Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh. Ngoài kỷ luật, thầy cô giáo, nhà trường nên quy định các hình thức khen thưởng, động viên, khuyến khích học sinh phấn đấu để các em thấy rõ, có khen, có kỷ luật một cách hợp lý.

Tiến sĩ Đinh Thanh Tuyến - Giảng viên Khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng: Việc kỷ luật vi phạm trong học đường cần một giải pháp tổng thể, có thể khái quát thành một hệ thống "kỷ luật tích cực". Trong đó có hệ thống lập kế hoạch cá nhân giúp học sinh tự đánh giá và định hướng lại hành vi của mình; các lớp học kỹ năng xen kẽ các hình thức lao động, rèn luyện, trau dồi, phát triển từ nhận thức, cảm xúc đến thái độ, thói quen.

Kỷ luật học sinh cần đảm bảo ba yếu tố cốt lõi: răn đe, giáo dục và khôi phục. Những hình thức như lao động công ích hay lớp học rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc mang tính thiết thực, góp phần xây dựng nhận thức và tạo cơ hội dạy học sinh biết sửa sai. Dù hình thức có thể thay đổi theo từng trường hợp, nhưng mục tiêu sau cùng là để giúp học sinh hiểu ra lỗi lầm, từ đó thay đổi theo hướng tích cực và trưởng thành hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19086747/

[2] https://files.eric.ed.gov/fulltext/ED534184.pdf

Lưu Diễm