Vừa qua, Đại học Huế đã công bố danh sách thành viên của 4 Hội đồng Giáo sư cơ sở năm 2025. Theo Quyết định số 650/QĐ-ĐHH ngày 9/5/2025, các Hội đồng Giáo sư cơ sở Đại học Huế năm 2025 có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo các quy định hiện hành.
Theo đó, 4 Hội đồng Giáo sư cơ sở Đại học Huế năm 2025, bao gồm: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nông nghiệp - Sinh học, Y - Dược học. Mỗi hội đồng có 9 thành viên.

Đáng chú ý, sau khi danh sách này được công bố, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của độc giả băn khoăn liên quan đến một thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở về lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn của Đại học Huế.
Theo thông tin độc giả phản ánh cho rằng, một thành viên trong Hội đồng này từng vướng phải một số lùm xùm trong quá khứ, khó đảm bảo theo các tiêu chuẩn của Quyết định 37. Độc giả cũng bày tỏ băn khoăn "vì sao người từng bị kỷ luật mà Đại học Huế vẫn đưa vào danh sách thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở?" Trong khi đó, các thành viên của Hội đồng này đóng vai trò quan trọng trong việc xét giáo sư, phó giáo sư lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn của Đại học Huế.
Đáng nói, ngày 16/5, khi truy cập website Đại học Huế, tại tiểu mục "Xét chức danh GS, PGS", danh mục "Khoa học Công nghệ", phóng viên chỉ tìm thấy dữ liệu đến năm 2023. Các dữ liệu xét chức danh giáo sư, phó giáo sư của năm 2024, 2025 không còn hiển thị.

Để tìm hiểu, làm rõ những phản ánh nêu trên, sáng ngày 16/5, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ đến Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Giang - Trưởng ban, Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ quốc tế, Đại học Huế.
Tại cuộc trao đổi, phóng viên băn khoăn vì sao danh sách Hội đồng Giáo sư cơ sở Đại học Huế năm 2024 và năm 2025 không còn hiển thị trên website, thầy Giang cho biết: "Vẫn hiển thị danh sách bình thường, không có vấn đề gì. Hoặc có thể là đang bảo trì website, chúng tôi sẽ kiểm tra lại".
Về phản ánh liên quan đến một thành viên trong Hội đồng lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn từng vướng phải những lùm xùm trong quá khứ, dư luận cho rằng người này không đáp ứng tiêu chuẩn theo Quyết định 37, vì sao Đại học Huế vẫn đưa vào danh sách thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở?
Thầy Giang chia sẻ: "Đối với thành viên Hội đồng cơ sở được thực hiện theo đúng quy trình, các thầy cô trong Hội đồng Khoa học Đào tạo giới thiệu, đủ tiêu chuẩn tiêu chí rồi sau đó trải qua các bước, công khai danh sách. Sau đó sẽ có các cuộc trao đổi với Ban Giám đốc, chọn ra các thầy cô đúng chuyên ngành, phù hợp.
Tất cả các thầy cô được lựa chọn (danh sách đề cử - PV) đều đáp ứng các tiêu chí, để Hội đồng (Hội đồng lĩnh vực - PV) được gọn thì Đại học Huế lựa chọn 9 thành viên. Chúng tôi chỉ nắm thông tin theo danh sách các thầy cô Hội đồng Khoa học Đào tạo giới thiệu, sau đó các thầy cô được chọn sẽ nộp CV, lý lịch khoa học có xác nhận của đơn vị...".
Đối với trường hợp có ý kiến trái chiều liên quan đến một thành viên Hội đồng nêu trên, thầy Giang cho rằng: "Có thể là họ (độc giả phản ánh - PV) băn khoăn vì những thông tin cũ. Chúng tôi luôn công khai các thông tin, nếu có băn khoăn trong thời gian đó thì chúng tôi sẽ xem xét xử lý, còn sau đó không có vấn đề thì sẽ tiến hành các bước bình thường. Thầy này cũng đã tham gia Hội đồng nhiều năm rồi, không phải riêng năm nay".
Theo tìm hiểu, thành viên này đã từng tham gia Hội đồng Giáo sư cơ sở Đại học Huế năm 2024.
Việc thành lập và hoạt động của các Hội đồng Giáo sư cơ sở được thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg) cùng với Thông tư số 04/2019/TT-BGDĐT ngày 28/3/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư nhà nước, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở (gọi chung là Hội đồng Giáo sư).
Theo Điều 17 của Quyết định 37, thành viên các Hội đồng Giáo sư phải là giảng viên cơ hữu hoặc thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục đại học, hoặc các cơ sở thực hành thuộc nhóm ngành sức khỏe trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Các thành viên cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe, bao gồm: có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng; trung thực và có uy tín chuyên môn khoa học cao, thể hiện qua kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế hoặc nhà xuất bản có uy tín trong vòng 5 năm gần nhất.
Ngoài ra, họ phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ chuyên môn, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, có trách nhiệm trong công việc, đủ điều kiện sức khỏe và thời gian để đảm nhiệm nhiệm vụ được giao.