Việc khen thưởng, kỷ luật học sinh hiện nay đang được các cơ sở giáo dục thực hiện theo Thông tư 08/TT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông; Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường tiểu học và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Để đáp ứng những thay đổi của giáo dục hiện đại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh để lấy ý kiến rộng rãi.
Theo đó, dự thảo bỏ các hình thức kỷ luật học sinh mang tính chất công khai như đuổi học, tạm dừng học có thời hạn, khiển trách hoặc cảnh cáo trước lớp, trước toàn trường.
Kỷ luật công khai có thể ảnh hướng đến tâm lý của học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Hữu Quốc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thái Dương (thành phố Huế) bày tỏ: “Tôi ủng hộ đề xuất bỏ các hình thức kỷ luật học sinh mang tính công khai như đuổi học, tạm dừng học có thời hạn hoặc khiển trách trước lớp, trước trường. Riêng đối với học sinh tiểu học, việc áp dụng các hình thức kỷ luật quá nặng là không cần thiết, thay vào đó tập trung vào giáo dục tích cực để các em có thể nhận thức được hành vi sai, tự điều chỉnh và tiến bộ trong sự tôn trọng, thấu hiểu từ thầy cô.
Học sinh ở bậc tiểu học còn nhỏ, rất hiếu động và chưa đủ khả năng phân biệt rõ ràng giữa đúng và sai. Các em rất dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh nên có thể không tránh được những lúc sai lầm. Nếu phê bình công khai hay đình chỉ học có thể gây tổn thương tâm lý và ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh, thậm chí học sinh có thể có những phản ứng tiêu cực ngoài ý muốn.
Thay vì phê bình công khai, giáo viên nên lựa chọn hình thức góp ý riêng. Việc đồng hành, hỗ trợ và định hướng học sinh với tinh thần xây dựng sẽ mang lại hiệu quả giáo dục bền vững hơn là các biện pháp mang tính trừng phạt. Ngoài ra, giáo viên có thể trao đổi với phụ huynh để cùng phối hợp uốn nắn, giáo dục các em một cách hiệu quả và nhân văn”.
Tuy nhiên theo thầy Huỳnh Quốc Hữu, bên cạnh những thuận lợi mang ý nghĩa nhân văn, dự thảo bỏ các hình thức xử phạt mang tính răn đe mạnh cũng tạo ra không ít thách thức cho giáo viên trong việc duy trì kỷ cương. Khi không còn những hình thức này, giáo viên cần tìm kiếm phương pháp xử lý vi phạm hiệu quả để không ảnh hưởng đến nề nếp chung của cả tập thể nhưng vẫn đảm bảo sự tôn trọng với học sinh.
Truyền thống giáo dục của chúng ta vốn đề cao tinh thần “tôn sư trọng đạo”, nhưng hiện nay, không chỉ học sinh cần tôn trọng giáo viên, mà ngược lại, giáo viên cũng phải tôn trọng của học sinh của mình. Điều này đòi hỏi giáo viên phải thay đổi cách tiếp cận, kiểm soát cảm xúc và thể hiện sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng trong xử lý các tình huống.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Bùi Văn Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thụy Phúc (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) nêu quan điểm: “Tôi đồng tình với việc bỏ các hình thức kỷ luật công khai học sinh vì các biện pháp có thể khiến học sinh tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý các em. Trong giáo dục, chúng ta cần ưu tiên việc giúp học sinh nhận ra lỗi sai, điều chỉnh hành vi bằng các phương pháp tích cực thay vì làm các em xấu hổ trước tập thể.
Trên thực tế, những hình thức kỷ luật công khai có thể vô tình làm tổn thương tâm lý học sinh, khiến các em xấu hổ, tự ti. Ngoài ra, việc này cũng dễ khiến học sinh bị "dán nhãn" trong tập thể, thậm chí có thể sẽ khiến học sinh bị bạn bè trêu chọc.
Thay vì xử phạt công khai, giáo viên và phụ huynh cần trao đổi trực tiếp với học sinh, chỉ ra những sai phạm và hướng dẫn cách khắc phục. Ví dụ, tại nhà trường đang thực hiện trao đổi qua nhóm zalo riêng với phụ huynh, hoặc gặp mặt trực tiếp để cùng thống nhất hướng giáo dục, giúp các em hiểu được lỗi và sửa đổi.
Riêng đối với biện pháp cho học sinh tạm dừng học có thời hạn có thể khiến quá trình học tập của học sinh bị gián đoạn, khiến các em bỏ lỡ cơ hội tiếp cận kiến thức. Nguy hiểm hơn, nhiều học sinh nổi loạn sau khi bị đình chỉ học có thể có hành vi lệch chuẩn ngoài nhà trường, thậm chí không quay lại trường học”.
Tuy nhiên, thầy Giang cũng cho rằng, việc loại bỏ hoàn toàn các hình thức kỷ luật mang tính công khai cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho nhà trường và giáo viên. Một trong những khó khăn lớn nhất là trường học thiếu biện pháp răn đe, kỷ luật cao với những học sinh vi phạm nhiều lần hoặc có hành vi nghiêm trọng.
“Mỗi học sinh đều cần được tôn trọng, nhưng nếu không có giải pháp thay thế hiệu quả, thầy cô rất khó xử lý những trường hợp tái phạm, ảnh hưởng đến môi trường học tập chung”, thầy Giang bày tỏ.
Trong khi đó, thầy Bùi Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (tỉnh Yên Bái) cho rằng, các hình thức kỷ luật trong dự thảo quy định đối với học sinh tiểu học gồm 2 biện pháp là nhắc nhở và xin lỗi, đối với học sinh ngoài đối tượng học sinh tiểu học gồm 3 biện pháp là nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe.
Mặc dù các hình thức kỷ luật mang tính giáo dục tích cực, nhân văn là rất cần thiết và phù hợp với xu hướng hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều học sinh ý thức học tập, tu dưỡng kém, thường xuyên vi phạm nề nếp, nội quy ảnh hưởng đến lớp, đến trường, đã áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực nhưng vẫn tái phạm cần phải có thêm biện pháp kỷ luật cao hơn để có tính răn đe.
Với những trường hợp học sinh vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần, việc bỏ hình thức kỷ luật như tạm đình chỉ học tập sẽ khiến nhà trường gặp khó khăn trong việc xử lý. Đây là biện pháp giáo dục nhằm giúp học sinh nhận thức được hậu quả hành vi của mình, từ đó thay đổi tích cực hơn.
Thầy Xuân cho rằng, cần xem xét việc đánh giá hạnh kiểm của học sinh để nâng cao hiệu quả giáo dục. Việc kỷ luật gắn liền với đánh giá hạnh kiểm là một biện pháp răn đe quan trọng đối với học sinh để nhà trường có thể duy trì kỷ cương.
Các hình thức kỷ luật nên được áp dụng một cách nghiêm túc, đồng thời có thể cân nhắc bổ sung những biện pháp mạnh hơn khi cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh và hiệu quả trong công tác giáo dục.
“Không thể chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, phê bình hay tự viết bản kiểm điểm rồi lại tái phạm mà không có biện pháp kỷ luật tiếp theo. Nếu các biện pháp chỉ xoay quanh những biện pháp nhẹ như vậy thì sẽ không đủ sức răn đe chính bản thân học sinh vi phạm và những học sinh khác trong trường”, thầy Xuân cho hay.

Cần xây dựng các biện pháp kỷ luật thay thế nhân văn hơn nhưng vẫn phải đủ sức răn đe
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thái Dương cho biết, để xử lý những học sinh thường xuyên tái phạm hoặc mắc lỗi nghiêm trọng, cần một cơ chế đồng bộ giữa ba yếu tố: nhà trường, gia đình và xã hội. Sự chung tay giữa các bên sẽ tạo ra quá trình giáo dục đồng bộ, xuyên suốt và liên tục.
Nhà trường là nơi cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản, đồng thời cũng là môi trường hình thành nhân cách của học sinh. Gia đình là nền tảng giáo dục đầu tiên của mỗi học sinh. Cha mẹ và người thân không chỉ là người chăm sóc mà còn là người hướng dẫn, định hình các giá trị đạo đức và thói quen sống cho con cái. Sự đồng hành của xã hội sẽ giúp củng cố giá trị giáo dục mà học sinh nhận được từ nhà trường và gia đình, đồng thời khuyến khích các em tham gia vào các hoạt động có ích, từ đó rèn luyện nhân cách và trách nhiệm.
Khi nhà trường, gia đình và xã hội phối hợp chặt chẽ, học sinh sẽ có một nền tảng vững chắc để phát triển, không chỉ về kiến thức mà còn về phẩm chất và hành vi, từ đó trở thành những công dân có trách nhiệm và đóng góp tích cực cho xã hội.
Đồng tình với quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thụy Phúc cho rằng, việc thay đổi các hình thức kỷ luật học sinh theo hướng tích cực là một bước tiến đáng ghi nhận trong tư duy quản lý giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, để chủ trương này thực sự đi vào thực tiễn, rất cần những hướng dẫn cụ thể, đồng thời xây dựng sự phối hợp thực chất giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Chỉ khi ba trụ cột này cùng chung tay, môi trường giáo dục mới trở nên an toàn, thân thiện và giúp học sinh phát triển toàn diện.
Nhà trường không thể đơn độc trong việc uốn nắn hành vi học sinh. Gia đình phải chủ động cùng giáo viên theo sát con em, kịp thời phối hợp để uốn nắn, điều chỉnh hành vi. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội cũng cần có vai trò hỗ trợ, nhất là trong những trường hợp học sinh có biểu hiện lệch chuẩn kéo dài.

Theo thầy Bùi Văn Giang, khi bỏ các hình thức kỷ luật nghiêm khắc như tạm dừng học hay phê bình công khai, điều tất yếu là ngành giáo dục cần xây dựng các biện pháp thay thế nhân văn hơn nhưng vẫn phải đủ sức răn đe và điều chỉnh hành vi học sinh. Bởi lẽ, trong thực tiễn giáo dục, không phải học sinh nào cũng giống nhau về nhận thức, tâm lý và mức độ tiếp thu. Có những em chỉ cần một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, một bản tự kiểm điểm là đã đủ thức tỉnh và điều chỉnh hành vi. Nhưng cũng có không ít học sinh, đặc biệt là các em vi phạm lặp đi lặp lại hoặc có hành vi nghiêm trọng, đòi hỏi những biện pháp mạnh mẽ và mang tính kỷ cương hơn.
Nếu thiếu một cơ chế kỷ luật phù hợp, nhà trường sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý vi phạm, giáo viên dễ bị mất uy tín trước tập thể lớp và môi trường giáo dục có nguy cơ bị xáo trộn. Do đó, cùng với việc thay đổi, cơ quan quản lý cần ban hành các hình thức kỷ luật mới có tính linh hoạt, phân loại theo mức độ và hoàn cảnh vi phạm, đồng thời trao cho nhà trường quyền chủ động kết hợp các biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh.