Bỏ xếp hạng GV: Lương giữa các thầy cô cùng làm một nhiệm vụ sẽ công bằng hơn

24/05/2025 06:42
Cao Nguyên

GDVN - Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất dự kiến sẽ bỏ phân hạng I, II, III với chức danh giáo viên.

Nhiều năm qua, câu chuyện chia hạng giáo viên luôn thu hút sự quan tâm và ý kiến của giáo viên. Và những quy định liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn từng hạng chức danh cũng luôn là đề tài gây nhiều tâm tư.

Vì thế, dự thảo Luật Nhà giáo không quy định chia hạng chức danh được giáo viên kỳ vọng sẽ chấm dứt được những băn khoăn thời gian vừa qua.

hs-330.jpg
Ảnh minh họa: Lã Tiến

Không quy định chức danh giáo viên theo các hạng I, II, III

Cụ thể tại Điều 12 dự thảo Luật Nhà giáo quy định về chức danh nhà giáo như sau:

1. Chức danh nhà giáo là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo trong từng cấp học, trình độ đào tạo.

2. Chức danh nhà giáo được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp trong từng cấp học, trình độ đào tạo.

3. Việc bổ nhiệm, thay đổi chức danh nhà giáo được thực hiện phù hợp với loại hình cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

4. Các chức danh nhà giáo trong từng cấp học, trình độ đào tạo được xác định tương đương khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Trong khi đó theo quy định hiện hành thì nhà giáo được phân thành các hạng I, II, III với các hệ số lương của từng hạng khác nhau.

Chẳng hạn, căn cứ Điều 8 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT quy định thì hiện nay giáo viên mầm non được chia làm 3 hạng với hệ số lương tương ứng mỗi hạng cụ thể như sau:

- Giáo viên mầm non hạng III, mã số V.07.02.26, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89;

- Giáo viên mầm non hạng II, mã số V.07.02.25, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Giáo viên mầm non hạng I, mã số V.07.02.24, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.

Như vậy, theo nội dung nêu trên thì dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất đã không còn quy định chức danh giáo viên theo các hạng I, II, III mà sẽ được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp của từng cấp học, trình độ đào tạo.

Phân hạng giáo viên - mất và được

Việc phân giáo viên làm 3 hạng như hiện nay, theo người viết, vẫn có một số ưu điểm nhất định. Trước hết, việc chia hạng giúp giáo viên thấy rõ con đường phát triển trong sự nghiệp của mình, từ đó thầy cô có mục tiêu phấn đấu rõ ràng hơn.

Ví dụ, giáo viên hạng 2 thì sẽ có khả năng được hiệu trưởng bổ nhiệm giữ chức vụ tổ trưởng/tổ phó chuyên môn, thầy cô sẽ có thêm phụ cấp trách nhiệm. Hoặc giáo viên giữ hạng cao hơn cũng có thể được quy hoạch hiệu trưởng/phó hiệu trưởng.

Cùng với đó, không ít giáo viên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chủ yếu là hạng 2, được nhận tiền lương và đãi ngộ tương xứng với năng lực và kinh nghiệm giảng dạy.

Ví dụ, theo Điều 8 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT, viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

Còn giáo viên trung học phổ thông hạng II, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38;

Ngoài ra, việc phân loại giáo viên theo hạng giúp hiệu trưởng các nhà trường có cái nhìn tổng quan hơn về chất lượng đội ngũ để có kế hoạch bồi dưỡng, điều động phù hợp.

Tuy vậy, theo Luật Giáo dục, nhiệm vụ chủ yếu của giáo viên là giảng dạy và giáo dục học sinh - nghĩa là giáo viên cơ bản cùng làm một nhiệm vụ giống nhau, cho nên việc phân hạng giáo viên là bất cập, có thể để lại những hệ luỵ khác nhau.

Thứ nhất, việc phân hạng giáo viên sẽ tạo ra sự so sánh giữa các thầy cô giáo, ảnh hưởng đến tâm lý dạy học, giáo dục học sinh.

Khi giáo viên được phân thành các hạng khác nhau, điều dễ thấy nhất là sự khác biệt về mức lương và các khoản phụ cấp theo lương.

Cùng thực hiện công việc như nhau nhưng giáo viên ở hạng thấp hơn sẽ cảm thấy bất công, bị đánh giá thấp hơn về năng lực và đóng góp so với đồng nghiệp ở hạng cao hơn.

Như thế, sự so sánh về tiền lương và vị thế sẽ dẫn đến tâm lý chán nản, giảm động lực làm việc ở những giáo viên chưa được thăng hạng. Giáo viên cảm thấy không được trân trọng và giảm sút động lực giảng dạy.

Chưa kể, việc phân hạng có thể tạo ra rào cản vô hình giữa các nhóm giáo viên, làm giảm sự đoàn kết, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chuyên môn nói riêng và tập thể sư phạm nói chung.

Thứ hai, việc phân hạng giáo viên gây khó khăn trong việc đánh giá vì thiếu khách quan và sự công bằng.

Việc xây dựng các tiêu chí đánh giá để phân hạng giáo viên sao cho khách quan và công bằng là việc rất khó khăn.

Thường thì các tiêu chí sẽ thiên về thâm niên công tác, bằng cấp, chứng chỉ, thành tích, hoạt động phong trào mà không thực sự đánh giá được hiệu quả giảng dạy và khả năng sư phạm thực tế của giáo viên trong suốt quá trình dạy học.

Vì vậy, để đạt được các tiêu chí của hạng cao hơn, không ít giáo viên chỉ tập trung vào việc hoàn thành hồ sơ "đẹp" thay vì tìm cách nâng cao chất lượng giảng dạy. Điều này dẫn đến hình thức hóa trong công tác đánh giá.

Hơn nữa, mỗi giáo viên có những điểm mạnh và phong cách, phương pháp giảng dạy riêng. Việc áp dụng một bộ tiêu chí cứng nhắc là chưa ghi nhận những đóng góp khác nhau của từng cá nhân thầy cô giáo.

Thứ ba, việc phân hạng giáo viên sẽ tăng thêm gánh nặng hành chính. Bởi vì, việc xây dựng và thực hiện quy trình đánh giá phân hạng giáo viên thường phải qua nhiều khâu, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của cả giáo viên và cán bộ quản lý.

Cùng với đó, việc tổ chức các kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên cũng tốn kém về nguồn lực tài chính và nhân lực.

Mong rằng, khi dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, Luật Viên chức được sửa đổi thì giáo viên sẽ không còn phân biệt hạng. Khi đó, giáo viên sẽ có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực để thầy cô giáo yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên