Bị nhắn tin tin xin điểm, giáo viên không khỏi "ái ngại"
Năm học khép lại. Trong lúc thầy cô đang miệt mài hoàn thiện những bảng điểm cuối cùng – những con số phản ánh sự nỗ lực suốt cả một năm học – thì cũng là lúc những tin nhắn, cuộc gọi “xin điểm” bắt đầu đổ về.
“Cô ơi, nâng giúp cháu 0,1 để đủ giỏi…”; “Thầy ơi, thiếu đúng môn của thầy thôi, thiếu 0,1… giúp con với…”; “Thầy ơi, con xin 0,1 điểm thôi, con đội ơn thầy suốt đời…”

Những câu từ nhẹ nhàng, đôi khi đầy tha thiết, đôi khi có phần trách móc – nhưng tất cả đều mang một áp lực vô hình đè nặng lên vai người giáo viên. Nó là bắt đầu một chuỗi giằng xé – giữa lý trí và tình cảm, giữa nguyên tắc nghề nghiệp và mong muốn làm hài lòng người khác.

0,1 điểm – thay đổi giữa giá trị thật bằng “thành tích ảo”
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Tại điểm a, khoản 1, điều 15 quy định về khen thưởng nêu, hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh cuối năm có các mức như sau: "Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn cuối năm đạt từ 9,0 điểm trở lên.
Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt".
Trong khi đó, mức Tốt quy định tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt. Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cuối năm từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cuối năm từ 8,0 điểm trở lên.
Vì vậy, nếu một môn thiếu 0,1 điểm – là bắt đầu có những cuộc thương lượng âm thầm, đôi khi rất dai dẳng.
Học sinh có 5 môn đạt được 9,0 và một môn đạt 8,9 sẽ xin thêm 0,1 điểm để đạt "Học sinh Xuất sắc". Học sinh có 5 môn 8,0 và 1 môn 7,9 cũng muốn xin thêm 0.1 điểm để đạt học sinh giỏi.
Nếu một học sinh được nâng 0,1 điểm, thì đồng nghĩa danh hiệu này không còn là kết quả của sự phấn đấu, mà là phần thưởng cho sự khéo léo trong việc “xin xỏ”.
Bất công sẽ xảy ra khi những học sinh học thật, rèn luyện thật bị tước mất công bằng. Và người giáo viên – từ người giữ lửa đạo đức – bị kéo vào vòng xoáy thỏa hiệp, tiếp tay cho sự gian dối.
Giáo viên bị đẩy vào tình huống phải đứng giữa hai lựa chọn
Không ít thầy cô giáo bị đưa vào thế khó. Nếu nâng điểm cho học sinh nào đó, đồng nghĩa với việc tiếp tay cho sự gian dối. Nhưng nếu từ chối sẽ bị quy chụp là cứng nhắc, thiếu tình cảm, thậm chí phải đối mặt với sức ép từ đồng nghiệp, phụ huynh hay cấp trên.
Nâng điểm, giáo viên có thể giúp học sinh có được thành tích mong muốn để làm vui lòng phụ huynh lúc đó. Nhưng trong lòng, những thầy cô giáo ấy mang một nỗi day dứt: “Làm như thế đã đúng chưa? Làm như vậy có phải gian dối trong giáo dục?”, “Làm như thế có bất công với một số học sinh trung thực khác?”.
Còn nếu không nâng điểm, thầy cô sẽ giữ được nguyên tắc, nhưng lại đứng trước nguy cơ mất lòng, bị gièm pha, thậm chí bị “phản ứng ngược” từ chính học sinh hay người lớn.
Hơn ai hết, người thầy luôn mong muốn học trò của mình tiến bộ, nhưng đó phải là sự tiến bộ bằng nỗ lực chân chính, bằng thực lực, bằng quá trình phấn đấu bền bỉ qua từng ngày – không phải là một danh hiệu đến từ sự “nâng đỡ” trong im lặng.
Giáo dục không phải là nơi để "xin – cho", càng không phải là chiếc bàn cân để đổi chác những con số lấy sự hài lòng ngắn hạn. Đó là hành trình của sự trung thực, của lòng kiên trì, và của niềm tin vào những giá trị không thể vay mượn.
Đừng vì một chút thành tích cá nhân để đẩy những người thầy vào tình huống phải chọn giữa nguyên tắc hay chiều lòng, phải đứng giữa cái đúng hay “cả nể"?
Nếu chúng ta cứ tiếp tục “xin thêm một chút”, “nới một lần thôi”, thì rồi sẽ có ngày, học sinh không cần cố gắng – chỉ cần mối quan hệ, và giáo viên không còn dạy bằng đam mê – mà dạy bằng sự miễn cưỡng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.