Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bỏ hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Giáo dục năm 2019, nhiều địa phương đã phản ánh thực trạng hội đồng trường ở các trường mầm non và phổ thông công lập hoạt động hình thức, thiếu thực quyền, trùng vai và không tạo ra giá trị quản trị thực chất.
Tuy nhiên, việc bỏ hội đồng trường trong các trường mầm non và phổ thông công lập đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Hội đồng trường đang chồng chéo về chức năng và vai trò
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Bùi Duy Quốc – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: “Trước đây, trong hoạt động của các trường phổ thông, việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giữ vai trò hết sức quan trọng. Hội đồng trường được xem là bộ phận đại diện góp phần giám sát hoạt động của nhà trường.
Sự tham gia của đại diện các phòng, ban cấp quận/huyện trước đây như phòng Nội vụ, phòng Giáo dục và Đào tạo, thanh tra, tài chính… không chỉ hỗ trợ chuyên môn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động giáo dục. Ở góc độ thúc đẩy tính dân chủ trong trường học, việc chính quyền địa phương tham gia vào hội đồng trường cũng góp phần nâng cao vai trò giám sát, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý giáo dục.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mô hình này phù hợp hơn với các trường đại học hoặc trường tư thục, còn tại các trường mầm non và phổ thông công lập là không cần thiết. Thực tế, khi phát sinh những vấn đề quan trọng, hiệu trưởng hoàn toàn có thể chủ động mời các thành phần như: đại diện chi bộ, công đoàn, tổ trưởng chuyên môn, ban thanh tra nhân dân và chính quyền địa phương để thảo luận, xin ý kiến và đưa ra quyết định kịp thời. Cách làm này giúp đảm bảo sự dân chủ trong quản lý nhà trường, đồng thời rút gọn quy trình, tránh chồng chéo vai trò và thủ tục không cần thiết.
Việc duy trì và vận hành hội đồng trường kéo theo nhiều yêu cầu phức tạp như bổ sung hồ sơ, nhân sự và các nhiệm vụ mới, gây áp lực hành chính cho nhà trường. Đặc biệt, một số thành viên trong hội đồng trường không có chuyên môn sâu về giáo dục dẫn đến sự thiếu đồng thuận và hiệu quả hoạt động không cao. Điều này làm giảm khả năng ra quyết định nhanh chóng, linh hoạt, ảnh hưởng đến việc triển khai các chính sách, kế hoạch phát triển nhà trường một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, hoạt động của hội đồng trường tại nhiều cơ sở giáo dục phổ thông vẫn còn mang tính hình thức. Các cuộc họp được tổ chức chủ yếu để hoàn tất quy trình hành chính, thay vì thực sự đóng góp vào quá trình đổi mới cũng như nâng cao chất lượng quản lý nhà trường.
Không chỉ vậy, hội đồng trường tại các trường phổ thông không có đủ thẩm quyền quyết định như ở các trường đại học hay trường tư thục. Đặc biệt, trong xu thế sáp nhập các đơn vị hành chính, xóa bỏ hội đồng trường là hợp lý, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và tối ưu hóa nguồn lực phục vụ phát triển giáo dục".

Thầy Quốc cho biết thêm, mỗi năm hội đồng trường họp khoảng ba lần, tần suất này chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình điều hành nhà trường. Trong thực tế, nhiều quyết định quan trọng liên quan đến giảng dạy, cơ sở vật chất hay nhân sự cần được giải quyết nhanh chóng. Việc chờ đợi cuộc họp của hội đồng trường để thống nhất ý kiến có thể gây chậm trễ, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Trong khi đó, khi không còn hội đồng trường, những chủ trương hay kế hoạch cần xử lý gấp hiệu trưởng sẽ trực tiếp triệu tập nhóm thành viên chủ chốt như phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, đại diện các bộ phận liên quan và có thể mời đại diện chính quyền địa phương để trao đổi và quyết định ngay. Việc này giúp rút ngắn quy trình, giảm thủ tục hành chính và nâng cao tính chủ động trong quản lý. Nhờ đó, các hoạt động của nhà trường có thể diễn ra linh hoạt, kịp thời và hiệu quả hơn.
Cùng bàn về vấn đề này, một vị hiệu trưởng trường trung học phổ thông tại Thái Nguyên nêu quan điểm: “Hội đồng trường tại các trường trung học phổ thông hiện nay thường bị chồng chéo về chức năng và vai trò nên hoạt động gần như không có hiệu quả, không có ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định cũng như sự phát triển chung của nhà trường. Điều này khiến cho vai trò giám sát, tư vấn và hỗ trợ của hội đồng trường bị hạn chế, làm giảm tính minh bạch, sự đồng thuận trong quản lý giáo dục.
Ở các trường mầm non, phổ thông công lập, việc thành lập hội đồng trường là không cần thiết. Bởi vì cơ cấu lãnh đạo nhà trường bao gồm hai bộ phận chủ chốt: tổ chức Đảng và ban giám hiệu. Tổ chức Đảng là nhóm cán bộ, đảng viên trong trường có vai trò giám sát và định hướng chính trị cho các hoạt động của nhà trường. Ban giám hiệu gồm hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lý và điều hành công việc hàng ngày của trường. Nếu có thêm hội đồng trường sẽ dẫn đến sự chồng chéo về vai trò và trách nhiệm, gây khó khăn trong công tác quản lý".

Hội đồng trường có còn cần thiết trong bối cảnh hiện nay?
Cùng bàn về việc nên duy trì hay loại bỏ hội đồng trường ở bậc mầm non, phổ thông, thầy Lưu Hồng Phong – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lam Sơn (Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Theo tôi, hội đồng trường đã đóng vai trò hỗ trợ khá hiệu quả trong công tác tham mưu và hoạch định chiến lược của nhà trường. Thông qua các cuộc họp định kỳ, ban lãnh đạo nhận được nhiều ý kiến đóng góp có tính định hướng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển nhà trường theo hướng bền vững.
Chẳng hạn, trong quá trình hợp tác với các đối tác như doanh nghiệp, tổ chức giáo dục hay đơn vị tài trợ, nếu phát hiện những điểm chưa phù hợp, nhà trường sẽ đưa vấn đề ra thảo luận tại hội đồng trường để cùng phân tích, nhận diện rõ các hạn chế. Từ đó, ban lãnh đạo có cơ sở để góp ý, đề xuất điều chỉnh với phía đối tác. Trong trường hợp đối tác không thể hiện thiện chí thay đổi, nhà trường sẽ chủ động cân nhắc việc tìm kiếm đơn vị thay thế phù hợp hơn. Thực tiễn cho thấy, hội đồng trường đóng vai trò nhất định trong việc tư vấn, giám sát và hỗ trợ nhà trường đưa ra các quyết định mang tính chiến lược, kịp thời và hiệu quả.
Về thủ tục, giấy tờ liên quan đến hội đồng trường, tôi cho rằng quy trình hiện nay không quá rườm rà. Các bước triển khai đều diễn ra suôn sẻ, không phát sinh vướng mắc, phiền hà. Nhờ đó, quá trình tổ chức các cuộc họp, xây dựng kế hoạch, ra quyết định hay thực hiện các nghị quyết của hội đồng trường đều diễn ra khá thuận lợi, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo yêu cầu.
Vì vậy nên giữ lại hội đồng trường để đảm bảo vai trò tư vấn, giám sát trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, có thể xem xét điều chỉnh cơ cấu thành viên, cụ thể thay đổi đại diện chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả trong hoạt động”.

Theo thầy Phong, hiện nay, chính quyền địa phương đang dần chuyển sang mô hình hai cấp nên thành viên hội đồng trường cũng cần xem xét lại cho phù hợp. Trên thực tế, đại diện đến từ ủy ban nhân dân phường thường bận rộn với công tác tại địa phương nên khó tham gia đầy đủ trong các phiên họp của hội đồng trường. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến, do đó có thể cân nhắc thay thế đại diện chính quyền địa phương bằng một thành viên khác.
Ngược lại, theo vị hiệu trưởng trường trung học phổ thông tại Thái Nguyên, vai trò giữa các bộ phận trong nhà trường đang bị chồng chéo, khi cùng một cá nhân hoặc tổ chức đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ dẫn đến sự lặp lại trong quy trình ra quyết định. Ví dụ, hiệu trưởng đưa nội dung cần thông qua lên hội đồng trường, sau đó hội đồng trường lại do hiệu trưởng làm chủ tịch và phê duyệt. Việc này tạo ra quy trình mang tính hình thức, không những không cần thiết, làm giảm hiệu quả quản lý mà còn khiến vai trò của hội đồng trường trở nên mờ nhạt và khó phát huy trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, hoạt động của hội đồng trường ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức. Các cuộc họp thường chỉ diễn ra từ 3-4 lần/năm, chủ yếu để thông qua các nội dung đã được chuẩn bị trước, không thể hiện rõ vai trò tư vấn hay giám sát độc lập. Thành phần hội đồng trường chủ yếu là cán bộ quản lý nội bộ, trước đó đã tham gia vào quá trình xây dựng nội dung, dẫn đến tình trạng “vừa xây, vừa duyệt”, thiếu khách quan và minh bạch.
Việc bỏ hội đồng trường được xem là một bước đi nhằm giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết trong hệ thống giáo dục công lập. Thay vì duy trì một bộ phận mang tính hình thức, nhà trường có thể tập trung vào cơ chế điều hành trực tiếp, rõ ràng và hiệu quả hơn.
Khi toàn bộ công tác quản lý và điều hành nhà trường được giao trực tiếp cho ban giám hiệu sẽ tạo ra sự thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các quyết định được ban hành nhanh chóng, sát với thực tế, hạn chế tình trạng chồng chéo chức năng với các tổ chức khác. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trong các cơ sở giáo dục công lập.