Từ nhiều năm nay, việc phát triển sinh viên một cách toàn diện, không chỉ về tri thức học thuật mà còn về trải nghiệm thực tiễn và trách nhiệm xã hội đã luôn là mục tiêu mà Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra.
Trên thực tế, các chương trình tình nguyện dành cho sinh viên chính là môi trường lý tưởng để rèn luyện tinh thần cống hiến, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng thích ứng và lòng nhân ái. Chính vì vậy, việc khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện không chỉ góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, mà còn tạo nền tảng vững chắc để hình thành những con người năng động, trách nhiệm và sẵn sàng hội nhập với quốc tế.
Tạo sự vững vàng về cả kiến thức và kỹ năng cho sinh viên
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang - Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin, chương trình tình nguyện của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập với sứ mệnh phục vụ cộng đồng, gắn với giá trị cốt lõi nhà trường đã đề ra.
Thông qua hoạt động tình nguyện, nhà trường mong muốn tạo ra các hoạt động trải nghiệm thực tế, giúp sinh viên hiểu hơn về những vấn đề của xã hội. Từ đó, hình thành tư duy chủ động, biết sẻ chia và sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là nơi rèn luyện kỹ năng cho sinh viên, giúp các em ứng dụng một số kiến thức đã được học của chuyên môn ngành học vào thực tế.
Có thể nói, chương trình tình nguyện của nhà trường tạo sự vững vàng về cả kiến thức và kỹ năng cho sinh viên để sau khi tốt nghiệp thuận lợi gia nhập vào thị trường lao động.

Theo Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang, hàng năm, số lượng sinh viên tham gia chương trình tình nguyện của nhà trường là khá đông, chiếm khoảng 80 – 90% tổng số sinh viên.
Chia sẻ về lý do thu hút được đông đảo sinh viên tham gia chương trình tình nguyện, thầy Khang cho hay, các hoạt động tình nguyện của trường rất đa dạng và trải đều ở nhiều thời gian khác nhau xuyên suốt năm học, từ các chiến dịch tình nguyện lớn có thời gian tham gia dài ngày như Mùa Hè Xanh, Xuân Tình Nguyện, Trung thu đến các chương trình tình nguyện ngắn ngày như Chủ nhật Xanh, thứ 7 tình nguyện, …
Bên cạnh đó, các địa điểm tổ chức cũng linh hoạt từ nội thành Thành phố Hồ Chí Minh đến nhiều địa phương khác. Tùy theo nhu cầu cá nhân của bản thân, sinh viên có thể sắp xếp tham gia tình nguyện theo mong muốn của bản thân.
Đặc biệt, so với nhiều cơ sở giáo dục đại học khác, tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, việc đa dạng ngành học đã tạo nên sự phong phú về nội dung hoạt động trong các đội hình tình nguyện.
Theo đó, ở chiến dịch tình nguyện Mùa Hè Xanh, nhà trường thành lập các đội hình tình nguyện gọi là Đội hình chuyên – đội hình ứng dụng chuyên môn ngành học vào hoạt động tình nguyện.
Đơn cử như Đội hình Tuyên truyền pháp luật gắn với sinh viên Khoa Luật; Đội hình Công nghệ số gắn với sinh viên khoa Công nghệ thông tin; Đội hình Văn hóa – Kỹ năng gắn với sinh viên khoa Xã hội học – Công tác xã hội – Đông Nam Á; Đội hình Môi trường gắn với sinh viên khoa Công nghệ sinh học; Đội hình Ngoại ngữ cho thiếu nhi gắn với sinh viên khoa Ngoại ngữ; … Tất cả các đội hình chuyên đều hướng đến việc sử dụng chuyên môn ngành học để làm hoạt động, tổ chức lớp học, các buổi báo cáo chuyên đề, sân chơi thiếu nhi lồng ghép với kiến thức ngành học. Nhờ vậy, giúp sinh viên nâng cao được cả về mặt kiến thức và mặt kỹ năng.
Những chiến dịch tình nguyện đầy tự hào không thể quên
Cũng theo thầy Khang, đến thời điểm hiện tại, chương trình tình nguyện của nhà trường đã và đang tiếp tục sứ mệnh lan tỏa tinh thần xung kích tình nguyện vì cộng đồng đến nhiều địa phương và để lại những dấu ấn nổi bật trong hành trình ấy. Trong đó nổi trội là chiến dịch tình nguyện Mùa Hè Xanh từ năm 2000 – 2002.
Đó cũng là lần đầu tiên tuyến đường Trường Sơn lịch sử có bước chân tình nguyện của sinh viên Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (lúc này còn là Trường Đại học Mở Bán công Thành phố Hồ Chí Minh) và lần đầu tiên phong trào tình nguyện của Thành phố Hồ Chí Minh lan đến những vùng xa.
Tuổi trẻ Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh hăng hái lên đường mở màn cho Chiến dịch Mùa Hè Xanh tại tuyến đường Trường Sơn lịch sử, hòa cùng lực lượng thanh niên xung phong tham gia vào nhiệm vụ xây dựng lại tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Với 7 đội bám đường, 4 đội bám làng, sinh viên đã thực hiện công tác dân vận, đem cái chữ, cái mới, áp dụng những kiến thức đã học được học để thực hiện những công trình thiết thực cho đồng bào dân tộc sống dọc theo tuyến đường. Bên cạnh đó, sinh viên không chỉ khuân đá, làm đường như một công nhân thực thụ mà còn khảo sát và kiểm tra lại các thông số kỹ thuật làm đường, giúp các anh công nhân kiểm tra độ chính xác của công trình.
Nhà trường đã rất tự hào hơn khi các “chiến sĩ tình nguyện” đã cùng nhau thảm mét bê tông đầu tiên sau ba năm thực hiện tình nguyện tại tuyến đường lịch sử này.

Tuy nhiên, quá trình vận hành các công tác tình nguyện cũng không tránh khỏi những khó khăn như khi kêu gọi, vận động được nguồn kinh phí để thực hiện những công trình, phần việc theo nhu cầu của mỗi địa phương mong muốn. Không những vậy, để đảm bảo tính duy trì lâu dài và bền vững của các công trình tại các địa phương cũng khiến công tác này gặp không ít thách thức. Bởi, các công trình được xây dựng và khánh thành tại địa phương, khi đưa vào sử dụng cần có những công tác bảo quản, có nhân sự quản lý và giám sát, có tu bổ thường xuyên để đảm bảo tính sử dụng lâu dài.
Hiện, các chương trình tình nguyện của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang được ấp ủ và tìm đến những phương thức tình nguyện mới hoặc bền vững hơn, gắn với chuyển đổi số, chuyển giao tri thức nhiều hơn. Nhà trường cũng đang nghiên cứu về phương thức tình nguyện trực tuyến trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển như hiện nay.
“Chúng tôi biết lâu nay vẫn có những ý kiến cho rằng hoạt động tình nguyện chỉ mang tính phong trào. Tuy nhiên, thực tế tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, các chương trình tình nguyện đều được tổ chức bài bản, có kế hoạch rõ ràng và hướng tới mục tiêu phục vụ cộng đồng một cách bền vững.
Những chương trình như "Mùa hè xanh", "Xuân tình nguyện", "Trung thu cho em" hay các chương trình hỗ trợ vùng sâu vùng xa, hiến máu nhân đạo... đã thực sự mang lại những tác động thiết thực. Cụ thể, sinh viên của trường đã tham gia xây dựng đường, sửa chữa lớp học, dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo, hỗ trợ người dân trong thiên tai, dịch bệnh, ... Những hoạt động này không chỉ góp phần giải quyết nhu cầu cấp thiết của cộng đồng mà còn giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng và trưởng thành hơn trong nhận thức, hành động.
Mặt khác, nhà trường cũng thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động ở cả địa phương và sinh viên tham gia tình nguyện sau mỗi chương trình để đảm bảo rằng các hoạt động tình nguyện không chỉ là “phong trào” mà thực sự tạo ra giá trị xã hội lâu dài”, thầy Khang thông tin.