GS, PGS ở nước ngoài nhưng về nước phải xét để được công nhận, làm giảm động lực

24/05/2025 06:30
Ngọc Mai

GDVN - Giáo sư, phó giáo sư nước ngoài, Việt kiều về nước phải xét hồ sơ để được công nhận dẫn đến nhiều thiệt thòi không đáng có. 

Sau một thời gian triển khai, nhiều nội dung và cách thức thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư đã và đang dần bộc lộ một số bất cập, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo chia sẻ của một số lãnh đạo cơ sở giáo dục, những bất cập trong xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện nay có thể ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu trong nước, tạo ra những rào cản trong việc thu hút giáo sư, phó giáo sư nước ngoài muốn tham gia vào môi trường học thuật ở Việt Nam.

Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến việc tạo điều kiện thu hút giáo sư, phó giáo sư nước ngoài, cũng như người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc và gắn bó lâu dài. Trong đó, nên công nhận học hàm của giáo sư, phó giáo sư nước ngoài, Việt kiều về nước thay vì phải xét lại với thủ tục rườm rà, lãng phí.

Đề xuất cải tiến mạnh mẽ quy định xét công nhận và bổ nhiệm GS, PGS

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một nữ giảng viên hiện đang công tác tại trường đại học ở miền Trung được công nhận và bổ nhiệm chức danh phó giáo sư năm 2024 chia sẻ, quy trình xét công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cần được cải tiến mạnh mẽ, hướng đến thực chất, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đội ngũ nhà khoa học là giáo sư, phó giáo sư người nước ngoài, Việt kiều về nước.

Nhìn lại thời gian làm hồ sơ ứng viên phó giáo sư, cô cho biết, thủ tục khiến cho cô cảm thấy phiền hà trong cả quá trình triển khai là ứng viên phải vừa nộp hồ sơ bản cứng và bản mềm. Trong khi đó, hồ sơ này hoàn toàn có thể nộp trực tuyến và xét duyệt hồ sơ online.

Ngoài ra, theo Quyết định số 37 thì một số yêu cầu cần nộp văn bản công chứng, xác nhận thủ công,... khiến cứng viên gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm dữ liệu lưu trữ từ nhiều năm trước đó để làm minh chứng.

“Có hệ thống hồ sơ điện tử cũng sẽ giúp ứng viên tiết kiệm chi phí in ấn, các thành viên hội đồng kiểm tra chéo dễ hơn, từ việc tra cứu bài báo trên các cơ sở dữ liệu, xác minh bằng cấp, thống kê hướng dẫn nghiên cứu sinh, thậm chí là đối chiếu tính trung thực của hồ sơ ứng viên. Bên cạnh đó, việc nộp hồ sơ online, xét duyệt online là điều kiện tốt để thu hút giáo sư, phó giáo sư người Việt Nam ở nước ngoài hoặc chuyên gia quốc tế muốn đóng góp cho giáo dục đại học Việt Nam mà không phải “bay về” chỉ để nộp hồ sơ bản cứng”, nữ phó giáo sư chia sẻ.

Giờ thực hành của sinh viên USTH. Ảnh minh họa (nguồn: website nhà trường)
Giờ thực hành của sinh viên USTH. Ảnh minh họa (nguồn: website nhà trường)

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cho rằng, một trong những điểm tích cực của Quyết định số 37 là yêu cầu cao về công bố khoa học. Tuy nhiên, cách làm của chúng ta đang thiên về hành chính hóa, dẫn tới việc đánh giá nặng về hình thức.

Cũng cần nhìn nhận rằng, quy định về số giờ giảng đang chưa phù hợp với đặc thù chức năng nhiệm vụ của giáo sư, phó giáo sư. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, giáo sư, phó giáo sư là vị trí nghiên cứu chuyên sâu, gắn với phát triển học thuật, không bắt buộc phải đảm nhận một khối lượng giờ giảng nhất định như các giảng viên không mang học hàm giáo sư, phó giáo sư. Vì vậy, nếu vẫn duy trì yêu cầu về số giờ giảng, thì giáo sư, phó giáo sư nước ngoài, Việt kiều về nước khi xét hồ sơ ứng viên sẽ khó đáp ứng được yêu cầu số giờ giảng.

Một điểm chưa phù hợp nữa hiện nay là dù ứng viên đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn nhưng khi ra hội đồng vẫn phải được đánh giá bằng hình thức bỏ phiếu. Thầy Đăng cho rằng, nếu hồ sơ đã hoàn chỉnh, thỏa mãn mọi điều kiện, thì tại sao vẫn có thể bị trượt chỉ vì thiếu số phiếu? Điều này có thể gây tâm lý bất ổn cho người làm hồ sơ, dẫn tới hệ quả tiêu cực trong toàn bộ quy trình xét duyệt.

GS, PGS nước ngoài về nước phải xét lại mới được công nhận, gây thiệt thòi

Việc xét công nhận ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện nay trải qua ba vòng bỏ phiếu kín từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước. Có ý kiến đề xuất nên trao quyền cho các trường thực hiện xét và bổ nhiệm. Chia sẻ về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đồng tình cho rằng, việc xét duyệt và công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư nên giao cho các cơ sở giáo dục, chẳng hạn như đại học quốc gia nên là đơn vị tiên phong.

Việc xét duyệt hồ sơ qua ba vòng hội đồng như trong Quyết định số 37 có phần nặng về thủ tục hành chính. Và cũng có ứng viên không thể hiểu hết về quy trình do sự chồng chéo dẫn đến tình trạng “án tại hồ sơ” - nghĩa là chỉ cần thiếu một văn bản chứng minh nào đó, dù là nhỏ thì hồ sơ cũng coi như bị loại, trong khi trình độ học thuật của ứng viên đạt yêu cầu.

Còn theo thầy Đăng, cách đánh giá hiện nay còn máy móc. Thực tế, có hội đồng yêu cầu ứng viên phải cung cấp các bằng tốt nghiệp công chứng của học viên, nghiên cứu sinh mà ứng viên từng hướng dẫn để làm minh chứng. Điều này không hề đơn giản khi có học viên, nghiên cứu sinh đã đi làm xa xứ, du học nước ngoài. Khi đó, chỉ vì một loại giấy tờ không thể công chứng do những nguyên nhân khách quan, hồ sơ ứng viên lại bị loại...

Ngoài ra, từ lúc nộp hồ sơ đến khi có quyết định công nhận mất tới 8 tháng, làm gián đoạn tiến độ tuyển dụng, bổ nhiệm của các trường; cá nhân ứng viên cũng bị động, phải chờ đợi thời điểm tuyển dụng phù hợp mới được bổ nhiệm, dù đã đạt chuẩn.

Với những bất cập kể trên, thầy Đăng đề xuất nên rút gọn quy trình xét duyệt trong khoảng thời gian 1 tháng. Bên cạnh đó, nếu trao quyền xét công nhận và bổ nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học thì cần có khung tiêu chuẩn tối thiểu do Nhà nước quy định. Trường nào muốn bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư thì phải chứng minh đủ điều kiện, có thể bổ sung thêm yêu cầu riêng phù hợp với đặc thù đơn vị (nhưng không được dưới chuẩn chung của Nhà nước).

“Quyết định số 37 cần có những điều chỉnh để tạo ra một không gian học thuật linh hoạt hơn, đồng thời tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các cơ sở giáo dục”, thầy Đăng bày tỏ.

Hiện nay, các giảng viên là giáo sư, phó giáo sư nước ngoài, Việt kiều khi về Việt Nam vẫn phải xét công nhận lại học hàm. Chia sẻ về nội dung này, thầy Thắng cho hay, nguyên nhân chính nằm ở sự khác biệt về cách thức phong học hàm giữa Việt Nam và một số quốc gia khác.

Tại phần lớn các cơ sở giáo dục nước ngoài, học hàm giáo sư, phó giáo sư là do chính cơ sở giáo dục xét và phong. Vì thế, học hàm này gắn liền với đơn vị công tác, và có thể coi là "giáo sư, phó giáo sư của trường". Khi giáo sư, phó giáo sư chuyển sang làm việc tại một cơ sở khác, việc có tiếp tục được công nhận học hàm mà trước đó người này được bổ nhiệm hay không là do đơn vị mới chuyển đến quyết định.

Mặt khác, ở nước ngoài, nếu một người đã là giáo sư, phó giáo sư và có uy tín học thuật, từng công tác tại một đơn vị danh tiếng thì khi chuyển đến một cơ sở khác, học hàm của họ thường được công nhận ngay mà không cần trải qua quy trình xét duyệt lại.

"Vì quy trình xét công nhận ở Việt Nam có sự khác biệt, nên giáo sư, phó giáo sư nước ngoài hoặc Việt kiều khi về nước thường không được công nhận luôn chức danh, dẫn đến những thiệt thòi cho bản thân giáo sư, phó giáo sư nước ngoài, Việt kiều", thầy Thắng bày tỏ.

Đồng tình với những chia sẻ trên, nữ phó giáo sư cũng đề xuất nên nghiên cứu việc không cần xét công nhận lại chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đã được bổ nhiệm chức danh này tại các cơ sở đào tạo quốc tế uy tín khi về Việt Nam công tác.

Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội chia sẻ, ở nhiều nước, học hàm giáo sư, phó giáo sư là vị trí nghề nghiệp gắn liền với trách nhiệm và quyền lợi cụ thể, và được công nhận ngay khi giáo sư, phó giáo sư đến trường mới công tác nếu đủ điều kiện. Còn tại Việt Nam chưa có quy định công nhận tương đương học hàm đối với các nhà khoa học đã là giáo sư, phó giáo sư ở nước ngoài về nước. Đây cũng được coi là một “thiếu sót” cần tham khảo thông lệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang cố gắng thu hút chất xám là những giáo sư, phó giáo sư từ nước ngoài.

“Nếu chỉ coi giáo sư, phó giáo sư tương đương giảng viên cao cấp thì sẽ không tạo ra động lực phấn đấu hay thu hút nhân lực chất lượng cao. Chính vì thế, cần xây dựng theo hướng xem giáo sư, phó giáo sư là một vị trí việc làm có tiêu chuẩn, nhiệm vụ, và quyền lợi rõ ràng. Khi ấy, việc bổ nhiệm không chỉ là thủ tục hành chính mà là một phần của chiến lược phát triển đội ngũ tại cơ sở”, thầy Đăng bày tỏ.

Ngọc Mai