Xét viên chức GD hoàn thành xuất sắc đã chọn được những cá nhân tiêu biểu?

26/05/2025 09:17
NHẬT DUY

GDVN - Những cá nhân đề nghị mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ báo cáo nhiệm vụ của mình và đưa ra được những minh chứng vượt trội trước hội đồng sư phạm nhà trường.

Việc xét viên chức đối với các trường học trong 2 năm nay đã không còn cảm tính, chung chung như trước đây mà thay vào đó đã có tính định lượng cao hơn. Những cán bộ, giáo viên, nhân viên tích cực trong mỗi nhà trường được xét loại viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phần lớn là những cá nhân tích cực, tiêu biểu trong mỗi đơn vị.

Việc siết lại chỉ còn 20% cá nhân xếp mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã tạo ra sự cạnh tranh tích cực cho các nhà trường. Những giáo viên được xếp ở mức này không chỉ hoàn thành tốt các công việc được giao ở đầu năm học mà họ còn thường xuyên tham gia tích cực các phong trào của ngành và đạt được thành tích cao.

Những cá nhân được đề nghị cũng được nâng lên, hạ xuống và phải chứng minh trước hội đồng trường về những chỉ tiêu vượt mức của mình. Những chỉ tiêu vượt mức phải được minh chứng cụ thể, thuyết phục. Chính vì tính cạnh tranh cao nên phần nhiều những cá nhân được đề nghị Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là những người xứng đáng.

bo-suu-tap-tranh-ve-co-giao-va-hoc-sinh-1.jpg
Ảnh minh họa

Không còn cảm tính trong xếp loại viên chức cuối năm học

Những năm trước đây, việc viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoặc Hoàn thành tốt nhiệm vụ không có tính cạnh tranh cao vì đa phần quyền lợi không có. Chỉ có một số ít địa phương có chi thu nhập tăng thêm mới làm kĩ việc này.

Tuy nhiên, 2 năm nay thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 23 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 quy định Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”.

Theo đó, điều kiện cơ bản là “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận”.

Chính vì viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và cuối năm được chi thu nhập theo Nghị định 73 của Chính phủ. Đặc biệt, mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã bị khống chế còn 20% tổng số viên chức xếp loại Hoàn thành tốt nhiệm vụ nên tính cạnh tranh rất lớn.

Các trường học cũng thực hiện khoa học và khách quan hơn trước đây rất nhiều. Yếu tố chủ quan, thiên vị chủ quan gần như đã không còn. Bởi, nếu cá nhân đề nghị mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì trước tiên phải hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao, trong đó có 50% vượt mức.

Điều này có nghĩa, những nhiệm vụ mà hiệu trưởng giao cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường thì viên chức phải hoàn thành tốt. Từ ngày công, giờ giấc lên lớp; tỉ lệ chất lượng giảng dạy; hồ sơ chuyên môn; tham gia hội họp, tập huấn…

Nhưng, như thế vẫn chưa đủ vì phần lớn viên chức trong trường đều có thể hoàn thành như vậy.

Vì thế, những chỉ tiêu vượt mức là những người tích cực, hoàn thành sớm, chất lượng tốt hơn. Đặc biệt, cá nhân đó phải tham gia nhiều phong trào của ngành, của trường, như: thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp đạt giải; bồi dưỡng học sinh thi học sinh giỏi văn hóa, các cuộc thi của ngành đạt giải; viết sáng kiến kinh nghiệm đạt giải; tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao đạt giải…

Mỗi thành tích mà viên chức trong trường đạt được thường được quy về 1 chỉ tiêu vượt mức.

Vậy nên, khi Hội đồng nhà trường tổ chức xét viên chức cuối năm, những cá nhân đề nghị mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải báo cáo nhiệm vụ của mình và đưa ra được những minh chứng vượt trội. Hiệu trưởng nhà trường sẽ lấy ý kiến của tập thể rồi mới ra quyết định cuối cùng.

Chính vì phải qua nhiều bước và cá nhân đề nghị Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải minh chứng bằng những thành tích vượt trội cụ thể nên hiệu trưởng nhà trường sẽ cân nhắc lấy từ trên xuống dưới cho đến khi đủ tỉ lệ.

Nếu hiệu trưởng làm không khách quan, giáo viên sẽ thắc mắc, phản đối vì đó là danh dự và quyền lợi của họ. Vậy nên, những cá nhân được hiệu trưởng ra quyết định công nhận Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là những gương mặt tiêu biểu nhất của nhà trường.

Khi thành tích đã gắn liền với quyền lợi của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường

Một khi việc xét loại viên chức của nhà trường được gắn liền với quyền lợi của từng cá nhân nên cán bộ, giáo viên, nhân viên trong từng nhà trường cũng tích cực tham gia các phong trào, các hội thi mà ngành phát động.

Họ tham gia và có đầu tư để hướng đến thành tích cao nên hiệu quả công việc cũng được nâng lên. Nhiều giáo viên trong các nhà trường đã vượt được 50% chỉ tiêu vượt mức để xét Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chính vì thế, các phong trào như bồi dưỡng học sinh giỏi nhiều giáo viên đã đầu tư rất lớn. Họ dạy nhiều hơn định mức của nhà trường giao nhằm trang bị kiến thức tốt nhất cho học sinh của mình. Theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, việc bồi dưỡng học sinh giỏi mỗi tuần không quá 2 tiết nhưng phần nhiều giáo viên dạy hơn định mức này.

Một số cuộc thi khác của học sinh cũng được giáo viên bồi dưỡng kĩ lưỡng bởi ai cũng hiểu thành tích của học trò cũng là thành tích của mình. Khi học trò có thành tích, được khen thưởng thì không chỉ uy tín người thầy được nâng lên mà quyền lợi của người thầy cũng nhiều hơn.

Các hội thi của ngành phát động, giáo viên cũng tích cực tham gia để có thêm chỉ tiêu vượt mức. Nhiều hội thi nhà trường không cần phải giao chỉ tiêu, động viên như trước đây mà giáo viên tự nguyện tham gia nhiều khi quá số lượng được giao.

Rõ ràng, những thay đổi trong việc xét loại viên chức theo hướng dẫn của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 đã có những chuyển biến tích cực tại các nhà trường.

Ai muốn phấn đấu, có thêm quyền lợi cho cá nhân sẽ tự nguyện dấn thân để vươn lên khẳng định mình. Ai không muốn phấn đấu, ngại khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ sẽ chấp nhận mới mức xếp loại thấp hơn và quyền lợi cũng ít hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY