Trường ĐH khó thu hút GS, PGS ở nước ngoài vì khi về nước phải xét lại học hàm

26/05/2025 06:30
Nguyễn Huệ

GDVN - Đề xuất GS, PGS là người nước ngoài, Việt kiều về nước không bắt buộc phải công nhận lại nếu đã có đầy đủ hồ sơ xác thực uy tín và chất lượng học thuật.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập và phát triển, nhất là đối với các ngành công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, việc xây dựng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước đang được đặc biệt chú trọng.

Tuy nhiên, một số quy định đang khiến không ít giáo sư, phó giáo sư ở nước ngoài, Việt kiều cảm thấy nản lòng dù rất muốn trở về nước.

Nguồn ảnh minh họa: Trường Đại học Hoa Sen
Nguồn ảnh minh họa: Trường Đại học Hoa Sen

Cần ghi nhận đóng góp đặc biệt trong NCKH thay vì quy định cứng nhắc về số giờ giảng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khoá XIII, nguyên Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội cho rằng, các quy định liên quan đến ngoại ngữ, công bố quốc tế, biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo, số giờ giảng dạy... được đưa ra trong là nhằm nâng cao chuẩn mực học thuật trong đội ngũ giảng viên, nhà khoa học. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn chỉ ra việc lượng hóa tiêu chuẩn theo hướng cứng nhắc đang dẫn đến những biểu hiện hình thức, thiếu thực chất trong xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Phó Giáo sư Bùi Thị An chia sẻ, thực tế để hoàn thiện một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc thường cần rất nhiều thời gian, công sức và kiểm chứng. Thế nhưng, đâu đó có ứng viên chỉ trong thời gian ngắn đã có thể công bố hàng loạt kết quả nghiên cứu. Điều này đặt ra dấu hỏi lớn về chất lượng thật sự của các công bố, cũng như tính minh bạch, khách quan trong quá trình xét công nhận chức danh khoa học hiện nay.

Cùng chung quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, không thể phủ nhận những điểm tiến bộ của Quyết định số 37 so với các văn bản trước đó, đặc biệt là việc nâng cao yêu cầu về công bố quốc tế và số giờ giảng.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, khi đặt trong bối cảnh hội nhập và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Quyết định số 37 vẫn cần được rà soát, điều chỉnh để đảm bảo vừa phù hợp với hoàn cảnh trong nước, vừa tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế trong xây dựng và phát triển đội ngũ tinh hoa giáo sư, phó giáo sư, theo hướng thực chất và phát triển bền vững.

Phân tích cụ thể hơn, từ góc độ cơ sở giáo dục đại học, hiệu trưởng một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một số quy định tại Quyết định số 37 trong nhiều trường hợp dẫn đến hệ quả tiêu cực, đặc biệt là tình trạng chạy thành tích, gian lận học thuật.

Quyết định số 37 cần có sự điều chỉnh để phản ánh đúng năng lực sử dụng ngoại ngữ trong môi trường học thuật quốc tế. Nên nghiên cứu chuyển yêu cầu về ngoại ngữ từ các hình thức chứng chỉ sang năng lực sử dụng thực tế, đặc biệt là năng lực đọc-hiểu, viết bài và trình bày khoa học bằng ngoại ngữ hay giảng dạy bằng tiếng Anh. Có thể tổ chức đánh giá thông qua các bài báo quốc tế, hội thảo chuyên ngành hoặc phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh. Điều này sẽ khuyến khích sự phát triển năng lực thật sự của ứng viên hơn.

Ngoài ra, theo vị này, nên chuyển yêu cầu về số lượng bài báo khoa học sang đánh giá chất lượng bài báo. Việc chạy theo số lượng đã và đang dẫn đến những hệ lụy như sự xuất hiện của các tạp chí “săn mồi”, tình trạng đạo văn… ngày càng tinh vi. Nếu không kiểm soát tốt về chất lượng, việc chỉ dựa vào số lượng sẽ khó đánh giá thực chất. Do vậy, cần xây dựng hệ thống đánh giá bài báo khoa học dựa trên các tiêu chí chất lượng rõ ràng, ví dụ như chỉ số ảnh hưởng của tạp chí, số lượt trích dẫn và các chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, quy trình xét công nhận bài báo cũng cần được thiết kế theo hướng độc lập, minh bạch và có cơ chế thẩm định khách quan hơn.

Sách chuyên khảo và bằng độc quyền sáng chế cần được đánh giá theo hội đồng chuyên môn, bởi vì, không phải ngành nào cũng có điều kiện thuận lợi để phát triển sáng chế hoặc xuất bản sách. Một bằng sáng chế có giá trị thật sự thì nên được đánh giá cao hơn nhiều so với hàng loạt sáng chế không/thiếu tính ứng dụng.

"Có thể thiết kế tiêu chí mở, theo đó ứng viên có thể chọn nhiều hình thức khác nhau để thể hiện năng lực học thuật và đóng góp thực tiễn", hiệu trưởng chia sẻ.

Bên cạnh đó, quy định về số giờ giảng có thể tạo áp lực cho giảng viên phải đảm bảo đủ định mức nên đôi khi dẫn đến việc nhận thêm giờ giảng ngoài chuyên môn, giảm thời gian cho nghiên cứu khoa học hoặc chuẩn bị bài giảng chưa đảm bảo chất lượng dẫn đến việc giảng dạy dàn trải, không chuyên sâu, ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Số giờ giảng không nên là tiêu chí cứng nhắc, trở thành rào cản, mà chỉ nên là minh chứng cho sự gắn bó và cống hiến trong giảng dạy; cần ghi nhận những trường hợp có đóng góp đặc biệt về nghiên cứu khoa học và/hoặc quản lý học thuật mặc dù giờ giảng có thể không nhiều nhưng hiệu quả rất cao.

“Điều quan trọng là cần tăng cường các cơ chế bảo đảm liêm chính học thuật. Việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư phải đặt chất lượng, uy tín, đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu. Đồng thời, cần có chế tài mạnh hơn đối với hành vi gian dối trong hồ sơ; có cơ chế thẩm định, phản biện và kiểm tra độc lập, kể cả sau khi đã bổ nhiệm để đảm bảo rằng những người được công nhận thật sự xứng đáng và có khả năng dẫn dắt học thuật”, vị hiệu trưởng chia sẻ.

Có thể thấy, mặc dù tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đã được quy định cụ thể nhưng việc một ứng viên có được công nhận đạt chuẩn chức danh hay không còn phụ thuộc vào quá trình xét duyệt qua ba vòng bỏ phiếu kín của ba cấp hội đồng (hội đồng giáo sư cơ sở, hội đồng giáo sư ngành/liên ngành và hội đồng giáo sư nhà nước). Tại mỗi vòng, ứng viên phải đạt từ hai phần ba (2/3) đến ba phần tư (3/4) số phiếu đồng ý. Chỉ cần không đạt tỷ lệ phiếu ở bất kỳ hội đồng nào là bị loại.

Trước thực tế đó, có ý kiến cho rằng, Nhà nước chỉ cần đưa ra tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, còn nên trao quyền cho cơ sở giáo dục đại học thực hiện xét công nhận và bổ nhiệm. Chia sẻ về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo bày tỏ, trong bối cảnh thúc đẩy tự chủ đại học, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục thì cũng nên xem xét đến việc trao quyền chủ động nhiều hơn cho cơ sở giáo dục (đặc biệt là những đơn vị đã được kiểm định, có năng lực nghiên cứu mạnh) trong việc xét công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Và để đảm bảo chất lượng, minh bạch, Nhà nước nên xây dựng một chuẩn chung. Chuẩn này sẽ làm cơ sở để các đơn vị căn cứ vào đó đưa ra các chuẩn cao hơn (nếu có) trong xét, công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

"Về lâu dài, cần cân nhắc giảm từ ba hội đồng xuống còn một hội đồng xét duyệt tập trung với chuẩn quốc gia do Nhà nước ban hành và giám sát, nhằm nâng cao hiệu quả và tính thống nhất trong công nhận chức danh học thuật”, Phó Giáo sư Bảo cho biết.

Còn theo vị hiệu trưởng, quy trình xét duyệt qua 3 vòng cho thấy một số bất cập như: thời gian dài, gây chậm trễ trong bố trí, bổ nhiệm nhân sự; thiếu minh bạch và khó dự đoán kết quả xét duyệt khi ứng viên đạt đủ tiêu chuẩn vẫn có thể không được công nhận chỉ vì không đủ phiếu tín nhiệm; nguy cơ tồn tại những yếu tố thiên kiến cá nhân hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình bỏ phiếu. Do vậy, việc Nhà nước quy định khung tiêu chuẩn, còn các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền xem xét, công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư là xu hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đề xuất GS, PGS nước ngoài, Việt kiều không cần xét lại nếu đủ xác thực uy tín học thuật

Hiện nay giáo sư, phó giáo sư người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài phải trải qua quá trình đặc thù tại Việt Nam khi về làm việc là vấn đề đã và đang gây nhiều khó khăn trong giới học thuật.

Về nội dung này, các chuyên gia cho rằng, giáo sư, phó giáo sư người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về nước phải xét công nhận lại là một vướng mắc hành chính không cần thiết trong việc thu hút nhân tài quốc tế, Việt kiều.

Theo Phó Giáo sư An, việc thu hút giáo sư, phó giáo sư là người nước ngoài hoặc Việt kiều về nước cần có cách tiếp cận vừa tôn trọng luật pháp quốc tế, vừa linh hoạt theo hướng phù hợp với bối cảnh hội nhập. Mỗi quốc gia đều có hệ thống pháp luật và chuẩn mực riêng về học hàm. Trong khi đó, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặt ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng nhân lực và thu hút nhân tài phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, việc nghiên cứu các chính sách công nhận học hàm tương đương là cần thiết. Tuy nhiên, cần làm rõ tiêu chí công nhận đối với giáo sư, phó giáo sư từ các trường, các quốc gia cụ thể, những trường hợp nào có thể được thừa nhận học hàm ngay mà không cần trải qua quy trình xét duyệt lại.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng, chúng ta đang áp dụng nguyên tắc "nhập gia tùy tục" trong việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với các trường hợp từ nước ngoài về Việt Nam. Nghĩa là dù cá nhân đó đã đạt chuẩn ở nước ngoài thì khi muốn được công nhận trong hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn phải trải qua bước thẩm định. Tuy nhiên, nếu thẩm định bằng cách phải xét lại theo 3 vòng hội đồng như các ứng viên giáo sư, phó giáo sư trong nước thì mất quá nhiều thời gian, lãng phí.

Còn theo vị hiệu trưởng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh nguồn lực chất lượng cao, việc “bắt buộc xét lại" đôi khi tạo cảm giác thiếu coi trọng đối với thành tựu học thuật và uy tín cá nhân/tổ chức mà giáo sư, phó giáo sư nước ngoài công tác trước đó, nhất là những đơn vị có uy tín. Thực tế cũng có trường hợp giáo sư, phó giáo sư người ngoài, Việt kiều đã từ chối làm việc lâu dài tại Việt Nam chỉ vì lý do này.

Hơn nữa, quy trình xét công nhận lại chức danh thường dài, đòi hỏi nhiều thủ tục và hồ sơ, trong khi không phải lúc nào cũng phản ánh đúng năng lực học thuật vốn đã được khẳng định tại các trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng toàn cầu.

Ngoài ra, việc xét lại có thể khiến giáo sư, phó giáo sư nước ngoài hoặc trí thức người Việt đang công tác ở nước ngoài nản lòng, bỏ lỡ cơ hội làm việc tại Việt Nam, nhất là khi họ có nhiều lựa chọn quốc tế thuận lợi hơn cả về điều kiện làm việc lẫn quy trình công nhận.

“Quá trình sửa đổi các văn bản cần có sự phân biệt rõ ràng và linh hoạt trong cách tiếp cận. Cụ thể, đối với giáo sư, phó giáo sư tại các cơ sở uy tín, nằm trong các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín như QS, THE, ARWU… thì nên áp dụng cơ chế công nhận tương đương hoặc miễn xét lại, chỉ cần xác thực hồ sơ gốc để đảm bảo tính pháp lý và hiệu lực.

Đối với những trường hợp thuộc các cơ sở chưa có thông tin rõ ràng về uy tín, có thể áp dụng quy trình thẩm định linh hoạt, nhưng không nhất thiết phải trải qua toàn bộ các bước như ứng viên trong nước.

Cũng cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học, cho phép các cơ sở có đủ điều kiện chủ động công nhận chức danh khoa học từ nước ngoài trong khuôn khổ kiểm soát chất lượng nội bộ, đồng thời báo cáo cơ quan chủ quản để theo dõi”, vị hiệu trưởng bày tỏ.

Chia sẻ thêm về thực tiễn thu hút giảng viên là giáo sư, phó giáo sư nước ngoài, Việt kiều của nhà trường, vị hiệu trưởng cho biết, mặc dù nhu cầu và tiềm năng hợp tác lớn nhưng nhà trường gặp không ít rào cản. Xuất phát từ thực tiễn cơ sở giáo dục đại học, vị hiệu trưởng đề xuất một số điều chỉnh:

Thứ nhất, cần công nhận tương đương chức danh giáo sư, phó giáo sư từ nước ngoài. Cho phép các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là những trường đã được kiểm định chất lượng hoặc trực thuộc các đại học quốc gia được chủ động công nhận chức danh khoa học tương đương cho các nhà khoa học đến từ những cơ sở có uy tín quốc tế. Thay vì quy trình xét duyệt qua 3 cấp hội đồng, chỉ cần thực hiện xác minh hồ sơ, báo cáo và hậu kiểm để bảo đảm tính pháp lý và chất lượng.

Thứ hai, tăng quyền tự chủ trong tuyển dụng và bổ nhiệm. Mở rộng quyền cho các trường trong việc tuyển dụng và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư là người nước ngoài hoặc Việt kiều mà không bắt buộc phải qua quy trình công nhận lại nếu đã có đầy đủ hồ sơ xác thực uy tín và chất lượng học thuật.

Thứ ba, gắn bổ nhiệm với chiến lược phát triển đội ngũ và quốc tế hóa giáo dục. Cho phép các trường áp dụng tiêu chuẩn học thuật quốc tế làm căn cứ bổ nhiệm chức danh khoa học, đồng thời tích hợp việc này trong chiến lược nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy và quốc tế hóa đội ngũ.

“Thời gian qua, nhà trường nhận được sự quan tâm và thiện chí hợp tác từ nhiều trí thức người Việt cũng như các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt trong các chương trình giảng dạy ngắn hạn, trao đổi học thuật và nghiên cứu chung, chương trình giáo sư thỉnh giảng,... Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tiên phong thực thi những chính sách phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục đại học thế giới. Nhờ đó, nhà trường đã chủ động xây dựng các chính sách cởi mở, sẵn sàng hỗ trợ về thủ tục hành chính, nơi ở và điều kiện làm việc nhằm tạo môi trường thuận lợi cho giảng viên quốc tế yên tâm công tác.

Tuy nhiên, để góp phần tạo đòn bẩy thu hút nhân tài, Quyết định số 37 nên được sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn, trao quyền nhiều hơn cho cơ sở giáo dục đại học, thừa nhận giá trị toàn cầu của đội ngũ trí thức quốc tế, Việt kiều”, vị hiệu trưởng chia sẻ.

Nguyễn Huệ