Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vừa qua đã có bài viết "Nhiều phụ huynh lo lắng kết quả học tập của con, THCS Phương Canh "im lặng" nêu lên những băn khoăn của phụ huynh lớp 9A3 Trường Trung học cơ sở Phương Canh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) về chất lượng giáo dục của nhà trường.
Theo đó phụ huynh cho biết, trong sáng ngày 13/5 phụ huynh của lớp 9A3 nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm gửi trong nhóm Zalo chung về việc bố trí thi vào chiều thứ 4,5,6, tức là vào chiều các ngày 14, 15 và 16/5/2025 đối với 6 học sinh. Lớp này có tổng 42 học sinh, 2 em học sinh khuyết tật được đặc cách xét tốt nghiệp, 34 em được cho là học lực không đủ để thi thử.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cung cấp thêm thông tin về việc, sau khi có thông báo của giáo viên chủ nhiệm về tình trạng học tập của con mình, họ được đề nghị viết cam kết không cho con thi vào lớp 10. Trong bản cam kết này phụ huynh cũng ghi rõ việc, đề nghị nhà trường tổ chức thi lại cho các học sinh này để các em có đủ điều kiện làm hồ sơ vào các trường nghề.
Chia sẻ thêm với phóng viên, nhiều người còn bày tỏ sự bức xúc với kết quả học tập của con và cho rằng, mỗi tháng nhà trường đều thu phụ huynh khoản tiền gọi là "Dịch vụ bồi dưỡng bổ sung kiến thức". Tuy nhiên kết quả thu về lại không như kỳ vọng.
"Khi các con đi học, không phụ huynh nào mong muốn con mình bị điểm kém hay phải thi lại cả. Ngoài năng lực học tập của các con thì giáo viên và nhà trường cũng cần có sự hỗ trợ và dìu dắt để các con tiến bộ hơn. Nếu để tình trạng có đến 34/42 như giáo viên nhắn như vậy thì không hiểu lâu nay ở trên trường các con đã được học tập những gì", phụ huynh bức xúc.

Đáng nói, khi người viết liên hệ với nhà trường để làm rõ các thông tin được phụ huynh phản ánh thì lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Phương Canh lại chọn cách "im lặng". Còn phía đơn vị quản lý trực tiếp là Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm khi trả lời phóng viên Tạp chí lại nêu lý do của việc "không cho hiệu trưởng nhà trường phát ngôn" vì sự việc này chỉ là "những thông tin đồn đoán".
Sau khi bài viết được đăng tải, dư luận dấy lên nhiều luồng ý kiến băn khoăn về cách ứng xử với những thắc mắc, bức xúc của phụ huynh của lãnh đạo nhà trường và chỉ đạo "khó hiểu" của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm về cung cấp thông tin cho báo chí.
Đáng lý ra, như lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm nói đó là "thông tin đồn đoán" thì với tư cách là người đứng đầu nhà trường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phương Canh càng cần liên tiếng làm rõ để phụ huynh và dư luận có thông tin chính xác nhất. Đồng thời, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm phải đốc thúc và yêu cầu nhà trường sớm trả lời để báo chí đăng tải. Đây cũng là kênh khách quan thông tin để đông đảo phụ huynh nắm được.
Sao lãnh đạo nhà trường lại phải "né tránh" trả lời báo chí như thế?. Hay phải chăng còn có điều gì "khó nói" mà người đứng đầu nhà trường không thể phát ngôn?.
Cũng là ở Hà Nội, cách trường học khác nỗ lực để hỗ trợ học sinh kém khiến phụ huynh Trường Trung học cơ sở Phương Canh không khỏi "tủi thân". Bởi có nơi, từ hiệu trưởng nhà trường đến giáo viên họ quan tâm học sinh theo những cách "lạ lắm".
Nhiều trường còn lấy khẩu hiệu "không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau" như một cách để tất cả cùng nỗ lực. Để làm động lực phấn đấu của toàn trường và trước hết là hiệu trưởng nhà trường phải có trách nhiệm với chính học sinh trong trường học mình quản lý.
Đó là câu chuyện được lan tỏa rộng rãi về Chương trình đỡ đầu học sinh yếu kém được Trường Trung học phổ thông Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) thực hiện từ năm 2014. Đáng nói nhất là vào năm học 2023-2024, trường này có tới 19 học sinh yếu kém đặc biệt, có nguy cơ trượt tốt nghiệp.
Nhưng nhờ có nhóm hỗ trợ, khiến tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông của trường được duy trì 100%. Nhóm hỗ trợ này có đầy đủ Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, thường trực hội cha mẹ học sinh nhà trường, giáo viên bộ môn, thầy cô đỡ đầu, 19 em học sinh và cha mẹ của các em. Chính vì điều này nên không có gì là lạ khi một lãnh đạo của nhà trường đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vinh danh là nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024. (1)
Điều đáng buồn là việc hiệu trưởng chọn cách "né tránh" báo chí khi trong nhà trường đang có vấn đề gây bức xúc không chỉ diễn ra ở Trường Trung học cơ sở Phương Canh. Còn nhiều trường học khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, lãnh đạo nhà trường cũng chọn cách im lặng như vậy khi báo chí liên hệ để tìm hiểu thông tin.
Gần đây nhất, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có bài viết ghi nhận chia sẻ của học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh về việc học thêm giáo viên dạy trên lớp ở trung tâm văn hóa tại một con hẻm của ngõ 94 phố Thượng Thanh (phường Thượng Thanh, quận Long Biên).
Trong bài viết cũng nêu lên việc, ngày 8/4, phóng viên Tạp chí cũng đã liên hệ điện thoại với cô Trần Thị Ngọc Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh. Tuy nhiên cô Yến cho hay, cô không nói chuyện này qua điện thoại, phóng viên muốn gì thì qua Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Cùng ngày, phóng viên cũng đã gửi Giấy giới thiệu đến Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên, không có có đơn vị nào phản hồi.
Đến ngày 23/5, hơn một tháng sau đó, phóng viên tiếp tục liên hệ lại với Hiệu trưởng Trung học cơ sở Thượng Thanh thì được phản hồi ngắn gọn là: "Nhà trường sẽ gửi báo cáo cho Tạp chí sau". Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về việc nhà trường sẽ phản hồi cụ thể vào thời gian nào thì cô Yến không phản hồi.
Còn tại Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, ngày 23/5 phóng viên đã đến trường theo đề nghị của Hiệu trưởng để lấy thông tin báo cáo, cũng như nắm rõ quá trình kiểm tra, xử lý thông tin liên quan đến giáo việc dạy thêm được nêu trong bài viết đã đăng.
Tuy nhiên, khi phóng viên một lần nữa đề nghị cô Vũ Thị Hương Lan - Hiệu trưởng nhà trường cung cấp thông tin báo cáo gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về kết quả xử lý vi phạm (nếu có), cô Lan lại từ chối với lý do: "Nhà trường đã báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo, em cứ qua văn phòng Sở để lấy thông tin". (2)
Những sự việc trên gợi cho phóng viên nhớ về việc hơn 700 hiệu trưởng "im lặng" trong cuộc họp trực tuyến sơ kết học kỳ do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức vào năm 2015.
Khi ấy, lãnh đạo Sở này đã dẫn ra một số quy định để các hiệu trưởng nhà trường tham gia đóng góp, trong đó có quy định không dùng điểm số đánh giá thường xuyên đối với học sinh. Thế nhưng, mong đợi của người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là sự đóng góp nhiệt tình của các hiệu trưởng được đổi lại bằng sự im lặng khó hiểu của hơn 700 hiệu trưởng các trường Tiểu học. (3)
Sự việc này sau đó cũng đã được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lên tiếng giải thích là do các hiệu trưởng "chưa quen" với hình thức họp này. (4)
Nhưng điều này cho thấy, báo chí có vẻ không hề "lẻ loi". Bởi lẽ, chính với các cơ quan quản lý trực tiếp của ngành cũng có lúc khiến hiệu trưởng "bối rối" thì với các cơ quan báo chí nhiều lãnh đạo trường chọn cách "im lặng" cũng dễ hiểu.
Dẫu biết, hiệu trưởng nhà trường phải gánh trên vai nhiều trọng trách. Đó không chỉ là về công tác chuyên môn mà còn cả về công tác quản lý, liên quan tới từng nhân sự cụ thể nên việc phát ngôn, chia sẻ với báo chí cần thận trọng. Nhưng thận trọng là kiểm tra và có thông tin chính xác chứ không phải là im lặng như vụ việc không hề xảy ra. Với báo chí, hiệu trưởng còn chọn cách "im lặng" thì phụ huynh cho rằng ý kiến của họ không được lắng nghe, làm rõ cũng là điều không quá khó hiểu.
Tư liệu tham khảo:
(1) https://dantri.com.vn/giao-duc/ngoi-truong-dac-biet-moi-hoc-sinh-yeu-kem-duoc-mot-thay-co-nhan-do-dau-20241115005742646.htm
(2) https://giaoduc.net.vn/thcs-thuong-thanh-thpt-ly-thuong-kiet-ne-cung-cap-bao-cao-ve-vu-gv-day-them-post251560.gd
(3) https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/nhan-xet-hoc-sinh-tieu-hoc-vi-sao-700-hieu-truong-im-lang-kho-hieu-381510.vov
(4) https://giaoducthoidai.vn/hon-700-hieu-truong-truong-tieu-hoc-ha-noi-nhiet-tinh-ap-dung-thong-tu-30-post455081.html