Ngày 22/5, trên website Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải văn bản số 21/KL-TTr ngày 16/5 kết luận thanh tra về việc thanh tra hoạt động tuyển sinh và đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đối với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
Thanh tra chỉ rõ một số thiếu sót, hạn chế tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh
Theo kết luận thanh tra, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định về hoạt động tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học của trường này còn có hạn chế, thiếu sót, vi phạm, tập trung vào nhóm vấn đề sau đây.
Về việc ban hành văn bản theo thẩm quyền, trước thời điểm áp dụng Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 (Quyết định số 136/QĐ-ĐHSKĐAHCM), trường áp dụng Quy chế tuyển sinh liên thông cao đẳng lên đại học chính quy ban hành kèm theo Quyết định số 162/QĐ-ĐHSKĐA (từ năm 2016) là chậm sửa đổi, bổ sung cập nhật quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học tại Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định số 346/QĐ-ĐHSKĐA ngày 11/12/2019 ban hành Quy chế in và quản lý văn bằng, chứng chỉ của Trường căn cứ vào Thông tư số 19/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT, chưa cập nhật, sửa đổi theo quy định của Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT ngày 29/11/2019 và Thông tư số 27/2019/TT-BGDĐT ngày 30/12/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Quyết định số 266/QĐ-ĐHSKĐA ngày 28/10/2020 ban hành Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên căn cứ vào Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014, chưa cập nhật, sửa đổi theo Quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học ban hành kèm theo Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/7/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thanh tra nêu rõ, trách nhiệm để xảy ra hạn chế, thiếu sót nêu trên thuộc về hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; các phòng: Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Phòng Hành chính - Tổng hợp, các tổ chức và các cá nhân có liên quan.

Về xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện trách nhiệm của Hội đồng trường trong công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh do Hội đồng trường được thành lập sau thời điểm thực hiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nên trong các năm 2022, 2023 hiệu trưởng quyết định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Diện tích sàn xây dựng khai báo trong xác định chỉ tiêu 2023 (4282.4 m²) và diện tích sàn theo Báo cáo thống kê cơ sở vật chất năm 2024 của Trường (tổng diện tích sàn là 3832.4 m², không bao gồm kí túc xá) là không trùng khớp; chưa có cơ sở đối chiếu do năm 2022, 2023, trường không thực hiện cải tạo, xây dựng các hạng mục công trình; không có minh chứng về sự thay đổi các tiêu chí cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, đề án tuyển sinh năm 2022, 2023 về các chính sách ưu tiên dẫn chiếu “theo quy chế tuyển sinh năm 2022, 2023" là chưa cụ thể theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT.
Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào năm 2022, 2023 tại đề án tuyển sinh và thông báo tuyển sinh không kèm theo Biên bản họp của Hội đồng tuyển sinh đại học chính quy các năm 2022, 2023.
Tuyển sinh liên thông năm 2023: Chưa có Quyết định kèm Biên bản họp của Hội đồng tuyển sinh về việc phê duyệt thí sinh phải học các môn chuyển đổi đối với từng đối tượng; phiếu chấm điểm lớp học chuyển đổi chuyên ngành Đạo diễn điện ảnh, môn học Phân tích tác phẩm điện ảnh thiếu chữ ký của 03 thí sinh; môn công tác diễn viên thiếu chữ ký của giám thị và 03 thí sinh.
Trách nhiệm để xảy ra hạn chế, thiếu sót nêu trên thuộc về hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; các phòng: Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục; các tổ chức và các cá nhân có liên quan.
Về quản lý tổ chức đào tạo, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh chưa triển khai thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục.
Năm học 2022 - 2023, trường chưa thực hiện tuyển sinh đào tạo theo Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030"; chậm triển khai ban hành quy định xây dựng, thẩm định, ban hành, áp dụng chương trình đào tạo mới; rà soát, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo, chậm tổ chức xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình giảng dạy riêng về lĩnh vực tài năng (thực hiện đào tạo từ năm học 2019 - 2020 nhưng đến tháng 5/2024 mới ban hành); chưa có kế hoạch mời các chuyên gia, giảng viên là người nước ngoài, người Việt Nam đang giảng dạy ở các cơ sở đào tạo, đơn vị nghệ thuật có uy tín của nước ngoài tham gia hướng dẫn giảng dạy; chưa đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nghiên cứu trong đào tạo và phát triển tài năng.
Ngoài ra, trường chưa có bộ phận thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nội bộ; chưa ban hành quy định về công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và kế hoạch kiểm tra nội bộ năm học 2022 - 2023, năm học 2023 - 2024.
Việc thành lập Ban thanh tra tuyển sinh thuộc hội đồng tuyển sinh và thực hiện nhiệm vụ theo phân công của chủ tịch hội đồng tuyển sinh chưa đảm bảo tính độc lập và mục đích hoạt động thanh tra.
Việc thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh năm 2022, 2023 chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 6, 7, 8, 9 Thông tư 23/2016/TT-BGDĐT quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra các kỳ thi. Năm 2022, 2023, hoạt động kiểm tra nội dung tổ chức quản lý đào tạo được Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng làm đầu mối tham mưu tổ chức thực hiện, xây dựng kế hoạch dưới hình thức dự giờ chuyên môn.
Trách nhiệm để xảy ra hạn chế, thiếu sót nêu trên thuộc về hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; các phòng: Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục; các tổ chức và các cá nhân có liên quan.
Nhiều vi phạm được công bố qua thanh tra
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ rõ một số vi phạm tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc ban hành văn bản theo thẩm quyền của trường, Quy chế tuyển sinh đại học năm 2023 của trường chưa chưa bám sát để cụ thể hóa các nội dung chủ yếu của Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo khoản 1 Điều 26 Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT.
Về quy chế đào tạo của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh: Chậm sửa đổi, bổ sung cập nhật và chưa cụ thể hóa một số nội dung Quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT). Quy định về phương thức tổ chức đào tạo tại Điều 3 chưa tương ứng với quy định tại khoản 3, Điều 3 Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT.
Thiếu các quy định về: Trách nhiệm và quyền hạn của giảng viên được phân công giảng dạy hoặc hướng dẫn sinh viên; trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn và các đơn vị quản lý, hỗ trợ liên quan, trách nhiệm và quyền hạn của sinh viên khi tham dự các lớp học, tham gia thí nghiệm, thực hành hoặc khi được giao thực tập, đồ án, khoá luận và các hoạt động học tập khác...; chưa quy định cụ thể về quy trình, thủ tục xét và công nhận tốt nghiệp, thời gian và số lần xét tốt nghiệp trong năm theo quy định.
Trường không quy định về học lại, về thi tốt nghiệp mà mới được quy định tại Quyết định số 89/QĐ-ĐHSKĐAHCM ngày 16/4/2024 (quy định tổ chức học lại) và Quyết định số 120/QĐ-ĐHSKĐAHCM ngày 15/5/2023 (quy định tổ chức thi tốt nghiệp).
Về Quyết định số 103/QĐ-ĐHSKĐAHCM định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học: Điều 11 chưa quy định cụ thể Điều 12 Thông tư số 35/2021/TT-BGDĐT, trong đó có các quy định về trình độ đào tạo từ thạc sĩ trở lên đối với thẩm định giáo trình đại học; thành viên đã tham gia biên soạn giáo trình không tham gia hội đồng thẩm định giáo trình đã biên soạn; việc thẩm định đánh giá và kết luận cụ thể các mức độ đáp ứng yêu cầu của giáo trình; trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng thẩm định, các thành viên hội đồng thẩm định và các bên có liên quan. Điều 12 chưa quy định cụ thể về thẩm định và lựa chọn sách đã xuất bản làm giáo trình theo khoản 1, 2 Điều 13 Thông tư số 35/2021/TT-BGDĐT.
Về xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh, việc xác định chỉ tiêu đại học chính quy năm 2023 tăng so với năm 2022 không vượt năng lực nhưng không phù hợp với quy định tại điểm b khoản 4 Điều 4 Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT do trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định.
Bên cạnh đó, đề án tuyển sinh năm 2022 thiếu thông tin về chính sách học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính quy định; thiếu các phương án xử lý rủi ro khi triển khai công tác tuyển sinh và cam kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo.
Đề án tuyển sinh năm 2023 cũng thiếu thông tin về các phương án xử lý rủi ro khi triển khai công tác tuyển sinh và cam kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo.
Trách nhiệm để xảy ra vi phạm nêu trên thuộc về hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; các phòng: Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục; các tổ chức và các cá nhân có liên quan.
Về quản lý tổ chức đào tạo, trường chưa thực hiện rà soát, đánh giá, cập nhật chương trình đào tạo theo Điều 19 Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT đối với các ngành: Đào tạo chính quy ngành quay phim; 02 chương trình liên thông cao đẳng - đại học chính quy ngành Đạo diễn sân khấu; ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình; 02 chương trình đại học vừa làm vừa học ngành Đạo diễn sân khấu; ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình.
Đội ngũ giảng viên thực hiện chương trình đào tạo của trường chưa bảo đảm quy định: Các ngành Đạo diễn sân khấu, Quay phim không có tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo; cả 04 ngành không có đủ số lượng tiến sĩ có chuyên môn phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì giảng dạy chương trình. Trường chủ yếu bố trí giảng viên có trình độ thạc sĩ và cử nhân để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, chủ trì giảng dạy chương trình.
Trường chưa thành lập hội đồng thẩm định và tổ chức việc thẩm định trước khi lựa chọn, phê duyệt giáo trình, tài liệu để giảng dạy theo quy định mà giao cho Hội đồng Khoa học và Đào tạo cấp Khoa và cấp Trường thẩm định lựa chọn tài liệu, giáo trình.
Trách nhiệm để xảy ra vi phạm nêu trên thuộc về hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các phòng: Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục; các tổ chức và các cá nhân có liên quan.
Kết luận thanh tra nêu các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã áp dụng: Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi không đảm bảo điều kiện có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học của các ngành khác; có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo ngành Đạo diễn sân khấu và ngành Quay phim theo khoản 1, Điều 4 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT.
Các hành vi nêu trên vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 127/2021/NĐ-CP).
Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 37/QĐ-TTr ngày 14/5/2025 xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực giáo dục đối với các hành vi vi phạm hành chính đã nêu trên.