Chiều 23/5, Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự thảo Nghị định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương trong lĩnh vực giáo dục theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và dự thảo Nghị định về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo một số đơn vị, bộ, ngành liên quan.
Về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giao Sở Giáo dục và Đào tạo toàn quyền quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bao gồm: tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, đánh giá, điều động - thống nhất toàn tỉnh. Chuyển toàn bộ thẩm quyền tổ chức lại cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trung học cơ sở), mầm non và các mô hình giáo dục cộng đồng về Ủy ban nhân dân cấp xã, bao gồm quyền thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ, giải thể, sáp nhập, chuyển đổi loại hình. [1]

Tán thành Sở Giáo dục tuyển dụng, sử dụng, điều động thống nhất toàn tỉnh
Hiện nay, việc tuyển dụng được phân cấp Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng giáo viên trung học phổ thông, đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì việc tuyển dụng được phân cấp cho cấp huyện.
Giao cho cấp huyện tuyển dụng giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở cũng có một số thuận lợi như tuyển dụng nhanh chóng, giảm áp lực cho Sở Giáo dục, tuyển theo địa bàn,…
Nhưng cũng có rất nhiều bất lợi như tình trạng thừa, thiếu trong tỉnh giữa 2 địa bàn huyện không giải quyết được, khó điều động giáo viên khác địa bàn huyện, luân chuyển, biệt phái cũng gặp nhiều khó khăn,…nên dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ như hiện nay.
Sắp tới, khi bỏ cấp huyện thì việc tuyển dụng, điều động, biệt phái, luân chuyển,…giao Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện trong toàn tỉnh là hợp lý, thống nhất.
Khi có nơi thừa, nơi thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo có thể điều động, luân chuyển hoặc biệt phái kịp thời, giải quyết bài toán thừa thiếu cục bộ, thống nhất.
Việc tuyển dụng giao Sở Giáo dục thực hiện cũng hoàn toàn phù hợp vì khi Sở tuyển dụng sẽ tạo điều kiện cho các trường sớm có đủ giáo viên.
Trước đây, khi cấp huyện tuyển dụng, các địa phương ở vùng thuận lợi thì thường tuyển được giáo viên, các trường ở vùng khó khăn hơn thì việc tuyển dụng rất khó.
Có giáo viên đăng ký tuyển dụng ở 2,3 địa bàn cấp huyện, khi trúng tuyển huyện này thì bỏ huyện kia, khiến việc sắp xếp gặp nhiều khó khăn, loay hoay vẫn không tuyển đủ giáo viên.
Nên, việc tuyển dụng, điều động, biệt phái, luân chuyển giao Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện là hợp lý, phù hợp.
Nên phân cấp và giao việc bổ nhiệm cho các xã thực hiện bổ nhiệm, đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng
Hiện nay, theo quy định về đánh giá viên chức, tại các trường mầm non, phổ thông hiệu trưởng đánh giá phó hiệu trưởng và giáo viên, còn đối với hiệu trưởng mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ do Ủy ban nhân huyện đánh giá, hiệu trưởng trường trung học phổ thông sẽ do phân cấp cho Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá.
Khi bỏ cấp huyện, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giao cho cấp xã/phường quản lý (gọi chung là cấp xã), nên người viết cho rằng việc đánh giá giáo viên, phó hiệu trưởng vẫn do hiệu trưởng đánh giá, còn đối với việc đánh giá hiệu trưởng nên phân cấp cho cấp xã đánh giá dựa trên những tiêu chí, quy định để phù hợp về quản lý, không nhất thiết phải để Sở Giáo dục đánh giá, giảm bớt áp lực cho Sở Giáo dục và tăng tính chịu trách nhiệm của cấp xã trong quản lý trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Bên cạnh đó, người viết cho rằng việc bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cũng nên giao cho cấp xã thực hiện, ký quyết định bổ nhiệm theo quy trình quy định chung.
Việc bổ nhiệm theo hình thức thi chức danh hoặc theo quy trình bổ nhiệm đảm bảo theo quy định của pháp luật, cấp xã hoàn toàn có thể thực hiện được, không cần thiết phải giao Sở Giáo dục thực hiện.
Sau sáp nhập, có nơi làm trung tâm hành chính cách xa các huyện hàng trăm km, xa xôi việc lấy phiếu tín nhiệm, thực hiện quy trình bổ nhiệm sẽ rất nhiều khó khăn, nếu giao Sở Giáo dục thực hiện dễ dẫn đến việc chậm trễ trong bổ nhiệm, đánh giá,..
Mỗi đơn vị cấp tỉnh sau sáp nhập (bỏ cấp huyện) khoảng trên dưới 100 đơn vị xã/phường với hàng ngàn trường mầm non, phổ thông công lập nên nếu Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn, khó định lượng chính xác mức độ tín nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ,...
Giao cấp xã thực hiện bổ nhiệm và đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo người viết là phù hợp, phân cấp phân quyền phù hợp khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính, thuận lợi trong công việc.
Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cấp xã sẽ được giao nhiều nhiệm vụ và quyền hạn hơn, tập trung vào việc phục vụ người dân và giải quyết các vấn đề trực tiếp liên quan đến người dân. Cấp xã sẽ là nền tảng của nền hành chính, nơi trực tiếp gắn bó với đời sống người dân và thực hiện chính sách từ trung ương và cấp tỉnh.
Vì vậy, nên mạnh dạn giao thêm nhiều quyền cho cấp xã thực hiện việc bổ nhiệm, đánh giá để phù hợp, kịp thời.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/de-xuat-giao-so-gddt-toan-quyen-quan-ly-nha-giao-va-can-bo-quan-ly-giao-duc-post251558.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.