Tiếng thở dài sau những căn hộ chục tỷ ở Keangnam

06/12/2011 10:36
Khởi Sự
(GDVN) - Liên tục đấu tranh, sống trong tình trạng căng thẳng... là những gì mà cư dân Keangnam đang gánh chịu từ khi bỏ ra hàng chục tỷ tậu nhà tại đây.

Mệt mỏi vì chủ tịch Keangnam quá "kiệm lời"

“Có thể nói rằng, chủ đầu tư luôn “trốn” chúng tôi, không chịu tiếp dân và cũng không tôn trọng người dân. Bao giờ cũng vậy, khi xảy ra sự cố tại tòa nhà, công an, chính quyền vào cuộc hoặc cư dân phải đâm đơn kiện lên các cấp, các ban ngành có những yêu cầu ràng buộc thì Chủ tịch Ha mới đứng ra tổ chức cuộc họp, cam kết xử lý vụ việc”, chị Lê Minh Thảo - đại diện cộng đồng cư dân sống tại tòa nhà cao nhất Việt Nam nói về hành động hiếu thiện chí, hợp tác của chủ đầu tư Keangnam Vina, ông Ha Jong Suk.

Chị Thảo cho biết: Công ty quản lý Chesnut Vina đặt văn phòng ngay tại tầng 1 của tòa nhà Keangnam, tuy nhiên, khi người dân kéo nhau xuống phản ánh bức xúc, hầu như đều không được xử lý luôn, ngược lại, họ yêu cầu dân phải gửi bằng công văn, tất cả những kiến nghị, thắc mắc phải được giải trình và giải quyết thông qua văn bản.

“Tuy nhiên phía Keangnam Vina lại rất kiệm lời. Bằng chứng là đại diện khu dân cư đã gửi 22 công văn tới chủ đầu tư nhưng chỉ nhận được 2 công văn trả lời. Và thời gian chờ đợi cho mỗi công văn là rất lâu, Keangnam Vina gần như không trả lời gì cả”, chị Minh Thảo cho biết.

Khó có thể tưởng tượng cảnh người dân phải đem bếp than ra đun nấu tại tòa nhà hiện đại vào bậc nhất Việt Nam (Ảnh: Hoàng Lan).
Khó có thể tưởng tượng cảnh người dân phải đem bếp than ra đun nấu tại tòa nhà hiện đại vào bậc nhất Việt Nam (Ảnh: Hoàng Lan).

Sự kiện cắt cầu thang máy, tắt điện vừa qua cũng có thể coi là một minh chứng cho thái độ coi thường cư dân của chủ đầu tư Keangnam Vina.

Có người cho rằng: Liệu đó có phải là do sự vênh nhau trong văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc và người Việt Nam. Khi đem vấn đề này trao đổi với các chuyên gia tâm lý, những nhà kinh doanh và cả những người trực tiếp lãnh đạo các dự án Bất động sản lớn, họ đều cho rằng: Keangnam Vina là một ông lớn nhưng lại thiếu cái tâm của một chủ đầu tư, của một người cung cấp dịch vụ.

“Hình như Keangnam Vina cho rằng: Họ không cần khách mà khách đang cần họ”, đó là phán đoán  mà bất cứ ai cũng có thể viện dẫn trong lúc này.

Chưa một ngày bình yên vì mãi đấu tranh đòi quyền lợi

Cuối tháng 5/2011, Ban đại diện lâm thời do cộng đồng cư dân khu chung cư cao cấp Keangnam Hanoi Landmark Tower đã nhờ Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự khiếu nại Công ty Keangnam. Theo văn bản khiếu nại ngày 13/6/2011, cư dân kịch liệt phản đối với mức phí là 0,99 USD/m2/tháng, tương đương với 21.000 đồng/m2/tháng mà Công ty Keangnam đã yêu cầu người dân nộp trước 3 tháng ngay sau khi bàn giao căn hộ.

Trước làn sóng phản đối dữ dội của người dân, chủ đầu tư đã nhanh chóng xoa dịu bằng một thông báo về cuộc họp "Hội nghị cư dân Keangnam" vào hồi 17h00 ngày 24/6/2011.

Nhưng thông báo này lại quá gấp gáp, lại tổ chức trong một phòng họp có sức chứa đối đa không quá 100 người, điều đặc biệt là không mời Ban đại diện lâm thời dân cư và luật sư, tất cả báo chí tới tham dự đều bị “đuổi khéo” ra ngoài.  Chính sự thiếu tôn trọng này, người dân đã buộc đại diện Keangnam Vina chuyển cuộc họp sang ngày hôm sau.

Hàng trăm hộ dân sống tại tòa nhà hiện đại nhất Việt Nam cảm thấy mệt mỏi vì suốt ngày phải đấu tranh đòi quyền lợi.
Hàng trăm hộ dân sống tại tòa nhà hiện đại nhất Việt Nam cảm thấy mệt mỏi vì suốt ngày phải đấu tranh đòi quyền lợi.

Như đã hẹn, cuộc họp giữa ban đại diện cư dân lâm thời và chủ đầu tư Keangnam Vina diễn ra, tuy nhiên, sự cố chấp của Chủ tịch Keangnam Vina, ông Ha Jong Suk khiến nhiều người dân mệt mỏi. Cuộc tranh luận, bàn bạc ngày 27/6 diễn ra hơn 6h đồng hồ, kéo dài tới tận 12h đêm nhưng quyết định cuối cùng về việc có giảm mức phí trông giữ xe và mức phí quản lý hay không, chủ tịch Ha Jong Suk chỉ khẳng định: Phải chờ thêm 2 tuần nữa.

Tuy nhiên, sau đó, với nhiều lần trì hoãn vì lý do bận việc, gần 2 tháng trôi qua, chủ đầu tư Keangnam Vina vẫn chưa thống nhất được phí dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của các hộ dân cư tòa nhà chung cư cao nhất Việt Nam này.

Keangnam Vina mới chỉ chấp nhận miễn phí quản lý cho toàn bộ cư dân trong 3 tháng: tháng 5, tháng 6 và tháng 7/2011. Để tính chi phí cho thời gian sau tháng 8/2011, cư dân Keangnam đồng ý đóng 18.600 vnd/m2 như mức giá Keangnam Vina đưa ra nhưng với điều kiện: phải đáp ứng đầy đủ tiện ích và chất lượng dịch vụ tương đương như Golden Westlake (Tây Hồ, Hà Nội).

Tuy nhiên, những nhu cầu của cư dân như gia tăng tiện ích cho khu chung cư và miễn phí các dịch vụ phòng tập, bể bơi đều bị chủ đầu tư kiên quyết từ chối, vì vậy, sau gần 2 tháng, Keangnam và người dân vẫn "vênh" nhau phí dịch vụ "cắt cổ".

Cuối tháng 9/2011, khi mức giá trần dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội được UBND TP. Hà Nội đưa ra với mức cao nhất là 4.000 đồng/m2 và thấp nhất là 2.400 đồng/m2, chủ đầu tư Keangnam Vina vẫn không chịu “xuống nước”.
Tháng 9/2011, tòa nhà Keangnam đã thu 20.000 đồng/xe máy/lượt, cao gấp nhiều lần so với quy định của Nhà nước.
Tháng 9/2011, tòa nhà Keangnam đã thu 20.000 đồng/xe máy/lượt, cao gấp nhiều lần so với quy định của Nhà nước.

Với lý do lỗ khủng, Keangnam Vina đã yêu cầu khách hàng của mình đóng mức phí quản lý 18.843 đồng/m2/tháng (bao gồm 10% VAT), cao gấp gần 5 lần so với quy định của Nhà nước mà không có sự thỏa thuận của cư dân. “Do vậy, người dân luôn bị đe dọa cắt điện, nước nếu không đóng mức phí dịch vụ ở mức vô căn cứ này, gây nên sự bất ổn trong tâm lý và xáo trộn cuộc sống của cư dân” – ông Trạch - cư dân sống ở Keangnaam cho biết.

Mới đây nhất, trong công văn gửi các ban ngành liên quan, đại diện cộng đồng cư dân đã tố cáo những sai phạm trong công tác quản lý sử dụng nhà chung cư của công ty Keangnam Vina. Trong đó có nêu rõ: Tòa nhà chung cư Keangnam đã được bán đến hơn 70% số căn hộ và các chủ sở hữu đã chuyển tới sinh sống tại đây được gần 8 tháng nhưng Keangnam Vina vẫn chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp theo qui định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư.

Thêm vào đó, bức xúc lớn nhất hiện nay là việc Keangnam Vina đã tự ý cho thuê mặt bằng thuộc phần diện tích sử dụng chung trong nhà chung cư như tầng hầm, sân chơi trẻ em làm địa điểm kinh doanh mà chưa có sự đồng thuận của tập thể cư dân, trái với các cam kết trong hợp đồng bán nhà. Điều này đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật về hợp đồng dân sự.

Vô số đơn tố cáo. kêu cứu đã được cư dân Keangnam gửi tới các cơ quan ban ngành với mong muốn có được cuộc sống bình yên ở nơi đây.
Vô số đơn tố cáo. kêu cứu đã được cư dân Keangnam gửi tới các cơ quan ban ngành với mong muốn có được cuộc sống bình yên ở nơi đây.

Ngoài ra, trong ngày 03/12/2011, Công ty Keang Nam có hành vi dừng hoạt động thang máy, ngăn chặn người dân ở Chung cư có thể tiếp cận căn hộ thuộc quyền sở hữu của mình tại khu Chung cư được thiết kế trên 48 tầng. Hành động ngăn chặn người dân sử dụng thang máy nói trên đã gây ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến đời sống của người dân tại chung cư.

Hiện tại, cộng đồng cư dân Keangnam lại một lần nữa gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Keang Nam tới UBND TP. Hà Nội, buộc Công ty Keang Nam phải cung cấp các dịch vụ thiết yếu của nhà chung cư và thu phí quản lý phù hợp với Quyết định số 4520/QĐ-UBND là 4.000 đồng/m2/tháng.

Sau những ngày dài "mất ăn mất ngủ" vì trật tự an ninh không đảm bảo, chất lượng dịch vụ "trời ơi", những "thượng đế" đã phải bỏ ra hơn 10 tỷ để mua căn hộ tại tòa nhà Keangnam không khỏi thở dài thất vọng.

“Chúng tôi thèm biết bao một ngày sống được yên ổn” – Đó là mong muốn, là tâm sự rất thật của rất nhiều người dân sống tại khu chung cư cao tầng nhất Việt Nam này.

Khởi Sự