Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm học thêm đã có hiệu lực từ ngày 14/02/2025, đến thời điểm này cơ bản các nội dung triển khai và thực hiện được đánh giá, đồng thuận cao của dư luận, tuy vậy vẫn còn 1 bộ phận nhỏ giáo viên do mất nguồn thu hoặc chưa hiểu rõ chính sách quy định về Thông tư 29 nên còn phản ứng trái chiều, chưa đồng thuận. Tuy vậy, qua thực tế triển khai không thể phủ nhận nhiều giá trị tốt đẹp, tích cực mà Thông tư 29 mang lại cho giáo dục.

Cải thiện, chuyển biến tích cực sau thời gian triển khai Thông tư 29
Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, địa phương cơ bản bám những quy định của Thông tư 29 ban hành quy định dạy thêm trong đơn vị tỉnh/thành mình quản lý, có địa phương bổ sung thêm những khung giờ được dạy thêm, đối tượng, quy định quản lý dạy thêm,…
Và gần như đa số các địa phương đều đánh giá cao các nội dung của Thông tư 29, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực như:
Môi trường giáo dục tốt lên, Thông tư 29 đã cho thấy hiệu quả khá tích cực, được đánh giá cao cả về pháp lý (không cấm dạy thêm, chỉ cấm dạy thêm tiêu cực) và cả xây dựng được môi trường giáo dục công bằng, bình đẳng, giáo viên yêu thương và dạy học sinh hết mình trên lớp (cấm dạy thêm học sinh chính khóa), hạn chế học thêm để học sinh có thời gian tự học, trải nghiệm (hạn chế dạy thêm trong nhà trường),...
Giáo viên đoàn kết hơn, hạn chế tranh luận hay mất đoàn kết do việc dạy thêm học sinh này học sinh khác.
Việc ra đề kiểm tra đánh giá định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) công tâm, khách quan hơn do không còn việc dạy học sinh chính khóa, hạn chế dạy tủ, dạy mớm đề,…
Học sinh đỡ bị phân biệt đối xử hơn, do không học với giáo viên chính khóa, có thêm thời gian để tham gia văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động trải nghiệm,… Khả năng tư duy, tự học của học sinh tốt hơn
Khi Thông tư 29 có hiệu lực, một số ý kiến lo ngại sau khi triển khai chất lượng sẽ giảm sút, tuy nhiên, theo người viết khảo sát ở nhiều trường, kết quả năm học 2024-2025, chất lượng 2 mặt giáo dục (kết quả học tập và rèn luyện), kết quả học sinh xuất sắc, giỏi đều tăng so với năm 2023-2024, học sinh giảm học thêm nhưng do giáo viên chú tâm dạy tốt, môi trường giáo dục tốt, chất lượng học tập và nền nếp của học sinh sẽ tăng lên đáng kể, tin cậy hơn.
Tại trường trung học cơ sở nơi người viết công tác, cả chất lượng bộ môn, kết quả rèn luyện, học sinh giỏi đều tăng, kết quả học sinh chưa đạt giảm so với năm trước.
Trong bài viết: “Sau một học kỳ, GV chia sẻ ưu điểm của Thông tư 29 với học sinh, thầy cô” của tác giả Trần Văn Tâm đã có những nhìn nhận và đánh giá cơ bản những mặt tích cực của Thông tư 29, kết quả cũng tăng so với trước khi có thông tư 29 ra đời.
Đối với phụ huynh thì giảm được một số tiền lớn do việc dạy thêm chỉ ở các em có nhu cầu, không còn dạy thêm thu tiền trong nhà trường và phụ huynh đỡ tốn thời gian, công sức, đưa rước con, các em có ý thức tốt hơn.
Do đó, đến thời điểm hiện nay, sau một thời gian Thông tư 29 triển khai đã mang lại nhiều giá trị tích cực, hiệu quả, một số ý kiến chưa đồng thuận là do mất quyền lợi hoặc hiểu chưa đúng quy định của Thông tư.
Địa phương thực hiện nghiêm, Thông tư 29 sẽ
Tuy vậy, đến thời điểm này có một số ý kiến băn khoăn cho rằng hiệu quả của Thông tư 29 chưa cao, người viết cho rằng hiểu như vậy chưa đúng, hiệu quả chưa cao chủ yếu do các địa phương làm chưa tốt, chưa nghiêm quy định của Thông tư 29.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận để một chính sách của một ngành có thể thực hiện được hiệu quả khi ban hành không chỉ là câu chuyện câu chữ trong một văn bản mà còn cần sự thực hiện từ trung ương đến địa phương, cả ngành cấp tỉnh, cấp xã.
Nếu một văn bản tốt mà các cấp thực hiện không đầy đủ chức trách của mình thì hiệu quả chắc chắn không được như mong muốn.
Theo Bộ trưởng, Thông tư 29 đã đề cập đến trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo, trách nhiệm cấp tỉnh, huyện và xã, các trường học, giáo viên và các đối tượng có liên quan.
Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương tích cực vào cuộc kiểm tra, triển khai. Ngay sau khi thông tư có hiệu lực, bộ cũng đã cử đoàn đi kiểm tra, nhiều nơi thực hiện tốt.
"Nên nếu nói một cách phổ quát rằng thông tư đó không được thực hiện tốt trên cả nước là oan cho một số tỉnh, thành", Bộ trưởng nêu quan điểm. [1]
Là giáo viên người viết cho rằng, một số vướng mắc hay vẫn còn dạy thêm lén lút, dạy chui, o ép học sinh học thêm, dạy thêm tiêu cực không phải đến từ quy định của Thông tư 29 mà đa phần do địa phương thiếu kiểm tra, giám sát hoặc sau khi có phản ánh thì xử lý chưa nghiêm.
Thời gian qua, rất nhiều trường hợp phát hiện dạy thêm trái phép, dạy chui được báo chí, người dân phản ánh nhưng có nơi xử lý chưa nghiêm.
Vì xử lý của địa phương chưa nghiêm, còn nể nang và thu nhập từ dạy thêm quá lớn nên vẫn còn một số giáo viên bất chấp, lén lút dạy thêm trái phép, dạy thêm tiêu cực,…
Do đó, người viết cho rằng, quy định tại Thông tư 29 đã rõ, hợp tình, hợp lý, giai đoạn này chưa nhất thiết phải điều chỉnh, bổ sung gì thêm.
Có thể tiến tới không cho phép giáo viên công lập dạy thêm học sinh giờ hành chính để đảm bảo phù hợp thời gian làm việc của viên chức và cấm giáo viên giáo viên trường trung học cơ sở (nơi tổ chức dạy 2 buổi/ngày) để học sinh có thêm thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý.
Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là các địa phương phải quyết liệt kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm giáo viên cố tình vi phạm dạy thêm học thêm theo Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi giáo viên không còn vi phạm quy định tại Thông tư 29, thầy tận tâm trên lớp, trò học tập cố gắng, không phụ thuộc vào học thêm. Lúc đó, hiệu quả của Thông tư 29 mang lại sẽ rõ ràng như môi trường giáo dục tốt hơn, học sinh tích cực hơn, giáo viên đoàn kết hơn, phụ huynh đỡ áp lực hơn, đỡ tốn kinh phí, thời gian hơn,…
Hiện nay, còn giáo viên dạy thêm trái phép, dạy chui chính là những cá nhân cố tình phá hoại những ưu điểm tốt đẹp, ý nghĩa nhân văn của Thông tư 29 nên cần được xử lý nghiêm minh.
Giáo viên vi phạm dạy thêm có 2 hành vi đáng lên án đó chính là cố tình vi phạm pháp luật và thu tiền trái phép, trái đạo đức, pháp luật.
Tôi cho rằng chỉ cần xử lý nghiêm khắc giáo viên vi phạm. Giáo viên vi phạm thì xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Viên chức nếu cố tình chây ỳ, vi phạm quy định dạy thêm thì phải buộc thôi việc. Địa phương, nhà trường làm nghiêm thì giáo viên sẽ không dám vi phạm. Lúc đó, việc đánh giá hiệu quả của Thông tư 29 sẽ đầy đủ và rõ ràng.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://nld.com.vn/noi-thong-tu-29-ve-day-them-hoc-them-khong-hieu-qua-la-oan-cho-mot-so-tinh-thanh-196250619154124926.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.