Sắp tới sẽ có giáo viên giỏi cấp xã: Làm sao để đảm bảo khách quan, chất lượng?

06/07/2025 07:29
Thuận Phương

GDVN - Điều khiến nhiều người băn khoăn là cấp xã liệu có đủ chuyên môn sâu để đánh giá chính xác năng lực chuyên môn của giáo viên đứng lớp?

Từ ngày 01/7/2025, cả nước thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, cấp huyện đã được xóa bỏ. Và từ năm học 2025-2026 tới đây sẽ không còn thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện nữa, thay vào đó cấp xã (phường) sẽ tổ chức hội thi này.

Vì thế, từ năm học 2025-2026 , giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ có hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp xã- đây là điểm mới được hướng dẫn trong Thông tư số 12/2025/TT-BGDĐT ngày 12/6/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4-4766-9882-6137-3851.png
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Thực tế hiện nay, sau quá trình sáp nhập và tinh giản bộ máy, các địa phương đã không còn phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện. Chính vì vậy, quy định mới giao cho cấp xã tổ chức hội thi là phân quyền tối đa cho địa phương. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là cấp xã liệu có đủ chuyên môn sâu để đánh giá chính xác năng lực chuyên môn của giáo viên đứng lớp? Ai đảm bảo chất lượng chuyên môn để hội thi được đánh giá đúng và công bằng?

Ngay tại địa phương người viết, một số phường, xã phó chủ tịch phụ trách mảng văn hóa, y tế, giáo dục hay trưởng (phó) phòng văn hóa xã hội xã, phường mới không phải người có chuyên môn về giáo dục. Theo đó, cán bộ đảm nhận vị trí này là phó trưởng phòng nông nghiệp và môi trường, phó phòng nội vụ, phó chánh văn phòng ủy ban, phó chủ tịch ủy ban xã cũ…chuyển qua đảm nhận.

Vì thế có e ngại, nếu không có giải pháp hợp lý, “giáo viên giỏi cấp xã” khó đảm bảo chất lượng chuyên môn cần thiết của một hội thi đúng chất.

Người viết, là giáo viên công tác hơn 30 năm trong ngành giáo dục đề xuất một số giải pháp để góp phần giúp hội thi giáo viên giỏi xã tổ chức hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục, chuyên môn của giáo viên.

Thứ nhất, thành lập hội đồng thi có chuyên môn đảm bảo tinh gọn, chất lượng. Cấp xã chủ trì tổ chức, nhưng giám khảo Hội thi phải là những cán bộ quản lý giáo dục có năng lực chuyên môn thực sự. Theo đó, ủy ban nhân dân cấp xã, phường sẽ chủ trì tổ chức Hội thi như lập kế hoạch, thông báo, chuẩn bị cơ sở vật chất, ra quyết định thành lập hội đồng thi gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học trong hoặc ngoài địa bàn xã, phường được lựa chọn theo tiêu chí minh bạch có kinh nghiệm chuyên môn, có uy tín sư phạm trong ngành và đạo đức nghề nghiệp. Có thể mời giáo viên cốt cán, giáo viên từng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh tham gia phản biện, góp ý hoặc làm giám khảo. Đảm bảo mỗi tiết dạy có từ 3 người dự giờ trở lên. Mục tiêu của giải pháp này là tránh được tình trạng “người không rành chuyên môn lại là người cho điểm”.

Thứ hai, áp dụng quy trình tổ chức rõ ràng, minh bạch. Thông báo kế hoạch thi sớm, công khai các tiêu chí đánh giá, hình thức thi, thời gian chấm điểm. Đảm bảo đúng các yêu cầu về tổ chức Hội thi theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT.

Thứ ba, tổ chức tập huấn trước hội thi. Tập huấn ngắn cho cán bộ xã, thành viên hội đồng thi và các giáo viên dự thi về: Tiêu chí đánh giá tiết dạy giỏi theo chương trình GDPT 2018. Kỹ năng quan sát – đánh giá – góp ý tiết dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Mục tiêu của giải pháp này là đồng bộ hóa cách hiểu, cách nhìn – tránh “mỗi người một kiểu”.

Thứ tư, ghi hình, lưu trữ và phản biện độc lập. Tiết dạy tham dự hội thi sẽ được ghi hình và lưu trữ minh chứng, để phòng ngừa tiêu cực, đồng thời làm tài liệu bồi dưỡng sau thi. Đồng thời, cho phép thành viên hội đồng xem lại video nếu có tranh luận về kết quả.

Việc phân cấp khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là cần thiết, nhưng càng cấp cơ sở thì càng cần minh bạch, rõ ràng và có chuyên môn vững.

Hội thi giáo viên dạy giỏi phải được điều tiết để đảm bảo chất lượng thật, góp phần nâng cao năng lực của giáo viên. Và muốn vậy, hãy để người trong nghề đánh giá người trong nghề. Theo người viết, vấn đề nằm không phải ở “ai tổ chức”, mà là “tổ chức như thế nào”. Nếu làm đúng, thi giáo viên giỏi cấp xã có thể là cú hích để giáo viên địa phương tỏa sáng ngay tại chính ngôi trường mình đang công tác.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương