GV ý kiến về du lịch, lãnh đạo THCS Chi Lăng nói: "Tour xịn, giá rẻ làm gì ở đâu có"

02/07/2025 06:36
Việt Dũng

GDVN - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Chi Lăng giải đáp các ý kiến thắc mắc của giáo viên về chất lượng tour dành cho người lao động của trường.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của bạn đọc nêu nhiều ý kiến về chất lượng tour du lịch hàng năm dành cho giáo viên của Trường trung học cơ sở Chi Lăng (phường Khánh Hội, Thành phố Hồ Chí Minh).

Thắc mắc về chất lượng tour dành cho giáo viên

Bạn đọc viết: “Các tour nằm trong tiêu chuẩn của giáo viên hàng năm thường cao giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường, kể cả giá áp dụng của các công ty du lịch có uy tín”.

Theo bạn đọc, việc thiếu minh bạch trong quá trình lựa chọn đối tác cung cấp tour, cùng với việc hủy bỏ các tour có chi phí hợp lý do giáo viên đề xuất, khiến giáo viên của trường đặt ra câu hỏi về sự thiếu cạnh tranh lành mạnh và nguy cơ lãng phí.

gdvn-thcs-chi-lang.jpg
Trường trung học cơ sở Chi Lăng, phường Khánh Hội, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: V.D

Cụ thể, bạn đọc đưa ra ví dụ: "Trong năm học 2023-2024, tour Phú Yên – Quy Nhơn – Nha Trang được lựa chọn với mức giá hơn 8 triệu đồng, nhưng mỗi giáo viên vẫn phải đóng thêm gần 3 triệu đồng sau khi đã được hỗ trợ từ nguồn tiền của trường.

Trong năm học 2024-2025 nhà trường tổ chức hai tour. Một là Điện Biên – Sơn La – Mai Châu – Hà Nam với giá hơn 9 triệu đồng (chưa bao gồm vé máy bay). Hai là tour Đà Lạt (giá hơn 6 triệu đồng). Đáng chú ý là trong lần đăng ký ban đầu, nhiều giáo viên đã chọn đi tour Phú Quốc (3 ngày 2 đêm với giá từ 4,9 đến 5,5 triệu đồng, chưa bao gồm vé máy bay), nhưng nhà trường đã tự ý hủy bỏ tour này và yêu cầu đăng ký lại theo hai tour nói trên".

Cũng theo bạn đọc: “Quy trình lựa chọn tour mang tính áp đặt, giáo viên không có quyền tham gia góp ý thực chất. Nhà trường không tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, mà cũng không tiến hành khảo sát nhu cầu theo cách thức khách quan, minh bạch, và tự quyết định một vài tour nhất định, rồi sau đó thông báo cho giáo viên chỉ với hai lựa chọn là đăng ký tham gia hay không tham gia. Việc này đã khiến cho đội ngũ giáo viên không có quyền thực chất trong việc lựa chọn tour phù hợp với nhu cầu, điều kiện tài chính, hoàn cảnh cá nhân”.

Thời gian mà nhà trường tổ chức tour không hợp lý, vào giữa mùa hè nắng nóng, dễ gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là với các giáo viên lớn tuổi và có con nhỏ.

Đồng thời, bạn đọc còn cho rằng, trong nhiều năm qua, tại Trường trung học cơ sở Chi Lăng chỉ dùng duy nhất một nhà cung cấp dịch vụ tour dành cho giáo viên là Công ty An Lạc Việt, không tổ chức đấu thầu hay lấy báo giá từ các công ty khác. Việc này khiến thiếu cạnh tranh, có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc giá tour cao bất thường trong nhiều năm qua.

Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Chi Lăng trả lời ra sao?

Để có thông tin khách quan, ngày 30/6, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Lê Ngọc Hải – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Chi Lăng về những vấn đề mà bạn đọc phản ánh.

Theo thầy Lê Ngọc Hải: Các tour nhà trường lựa chọn cho giáo viên đa phần đều là các tour có chất lượng cao, có khi nơi ở là resort 5 sao, nên làm sao có thể so sánh giá cả với một tour có chất lượng bình thường được.

“Tour xịn, tốt mà giá rẻ thì làm gì ở đâu có”, thầy Lê Ngọc Hải chia sẻ.

Theo thông tin do thầy Lê Ngọc Hải cung cấp, quy chế chi tiêu nội bộ được nhà trường thông qua vào đầu năm học, giáo viên sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/người khi đi du lịch. Nếu đi tour mà tiền còn thiếu thì giáo viên sẽ bù thêm vào đó.

Nói về quy trình lựa chọn tour du lịch dành cho giáo viên hàng năm, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Chi Lăng Lê Ngọc Hải cho biết, vào tháng 4, tháng 5 hàng năm, trường giao cho công đoàn trường triển khai đến các tổ chuyên môn đề xuất các tour du lịch.

“Tour nào đông giáo viên lựa chọn thì trường sẽ chọn đi tour đó, chứ trường không tự đưa ra tour. Từ tổ chuyên môn đề xuất lên, sau đó hiệu trưởng và công đoàn trường sẽ họp, thống nhất rồi mới cho giáo viên đăng ký. Giáo viên đăng ký xong, trường mới thống nhất cách chi tiền và cách tổ chức. Tóm lại là chọn đi tour nào chính là từ sự lựa chọn của giáo viên trong trường”, thầy Lê Ngọc Hải nhấn mạnh.

Về thời gian tổ chức tour đi cho giáo viên, thầy Lê Ngọc Hải giải thích, theo biên chế năm học thì phải cuối tháng 5 mới kết thúc, sau đó là thi tuyển sinh lớp 10, chấm thi lớp 10, rồi tới tuyển sinh học sinh lớp 6, rồi tới thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thầy Lê Ngọc Hải nói rằng, trường phải tính tới thời gian nào giáo viên không bị vướng bận bởi công việc thì mới có thể tổ chức tour được (trong tháng 7). Sau khi đi tour xong, trong tháng 9, khi họp hội đồng sư phạm trường xong, công đoàn trường mới lấy ý kiến góp ý của giáo viên về tour đã tổ chức, để rút kinh nghiệm cho lần tổ chức tới.

Về lý do không tổ chức đấu thầu tour du lịch của giáo viên, thầy Lê Ngọc Hải cung cấp thông tin là tổng giá trị tour dưới 300 triệu đồng nên không phải đấu thầu, mà thực hiện chỉ định thầu. (Theo quy định của Luật Đấu thầu: từ 15/1/2025, hạn mức chỉ định thầu dưới 300 triệu đồng, trước thời điểm này thì hạn mức để chỉ định thầu là dưới 100 triệu đồng - phóng viên).

Nói về nguyên nhân sử dụng dịch vụ của Công ty An Lạc Việt, thầy Lê Ngọc Hải nhấn mạnh, trường đã sử dụng dịch vụ công ty này từ 10 năm về trước, đã qua 2 đời hiệu trưởng trước đây, thầy Hải là đời hiệu trưởng thứ 3 của trường sử dụng dịch vụ công ty này, lý do là công ty cung cấp dịch vụ tốt, quan tâm và chu đáo với giáo viên của trường trong suốt chuyến đi.

Việt Dũng