Một số ý kiến góp ý xung quanh đề thi tiếng Anh tốt nghiệp trung học phổ thông

02/07/2025 09:00
Trần Trang

GDVN - Với những học sinh có nền tảng tốt, chẳng hạn đã từng luyện thi IELTS, CAE… hoặc có trải nghiệm đọc hiểu đa dạng tiếng Anh học thuật, thì đề này khả thi.

Sau khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 khép lại, một số ý kiến cho rằng đề thi môn tiếng Anh có độ khó cao, mang nhiều tính học thuật. Các chuyên gia có đánh giá, đề thi cần có sự điều chỉnh để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các thí sinh, đặc biệt là đối tượng vùng nông thôn, miền núi.

Đề thi có câu hỏi chưa phù hợp với năng lực học sinh trung học phổ thông

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo – Phó trưởng khoa, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, đề thi tốt nghiệp môn tiếng Anh năm nay có nội dung khó, vượt ngưỡng đánh giá năng lực ngoại ngữ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. Tỉ lệ này chiếm khoảng 10-15% tổng số câu hỏi.

Cấu trúc đề thi tiếng Anh năm 2025 theo ba cấp độ tư duy: biết, hiểu, vận dụng, với tỉ lệ lần lượt là 4:3:3. Trong đó, khoảng 70% câu hỏi ở mức biết và hiểu nhằm phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp, còn 60% câu hỏi ở mức hiểu và vận dụng được thiết kế để đảm bảo phân hóa, từ đó phục vụ mục tiêu tuyển sinh.

Như vậy, sự xuất hiện của các câu hỏi khó trong đề thi vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Dù vậy, để đạt điểm cao trong bài thi không dễ, thí sinh phải có ý thức tự học, chủ động ôn luyện và tích cực nâng cao năng lực ngôn ngữ.

Cô Thảo bày tỏ, cần nhất quán xác định rõ rằng mục đích chính của kỳ thi vẫn là đánh giá năng lực học tập của học sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, từ đó xét công nhận tốt nghiệp. Những năm sau, nên có sự cân nhắc và điều chỉnh đề thi để phù hợp hơn với mục tiêu này.

z4903930437131-5334e4d378b87921a21eb4fde5f34cf2-683x1024-9538.jpg
Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo - Phó trưởng khoa, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) nêu quan điểm: "Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông đúng như tên gọi của nó là dành cho tất cả học sinh. Mục tiêu để đánh giá mức độ đạt được của học sinh sau 12 năm học phổ thông so với yêu cầu cần đạt của chương trình. Do đó, các câu hỏi bài thi này phải theo sát chương trình học, trải dài từ dễ đến trung bình rồi trên trung bình. Dù trên trung bình cũng không có nghĩa là vượt lên chương trình".

ms-huyen-9318.jpg
Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền – thành viên nhóm biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt 2 và Tiếng Việt 3 bộ Chân trời sáng tạo. Ảnh: NVCC.

Cô Huyền chỉ ra, mặc dù đề chính thức có hình thức câu hỏi tương tự đề thi tham khảo, nhưng phần bài đọc lại sử dụng từ vựng khó và cấu trúc phức tạp hơn rất nhiều. Vậy học sinh chỉ học theo chương trình trên lớp và sách giáo khoa liệu có đủ khả năng làm bài?

Tiến sĩ cũng dẫn chứng, tháng 5/2025, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã công bố các số liệu thống kê về kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh của các cán bộ quản lý, giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.

Kết quả thống kê: 9,45% giáo viên đạt trình độ A1, 11,35% giáo viên đạt trình độ A2, 35,09% giáo viên đạt trình độ B1, 13,63% giáo viên đạt trình độ B2, 3,69% giáo viên đạt trình độ C1, C2 là 0,29% giáo viên và các trình độ khác là 26,5%.[1]

"Nếu giáo viên còn không đạt trình độ C1 mà yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi trình độ C1 thì học sinh phải học ở đâu? Học online hay ra trung tâm? Cách nào thì cũng không đúng với bản chất của học tập ở phổ thông. Đó là tại thành phố Hồ Chí Minh, chưa nói đến các tỉnh thành xa xôi" - cô Huyền bày tỏ.

Cùng bàn luận về chủ đề này, thầy Lê Hoàng Phong - nhà sáng lập kiêm Giám đốc học thuật Tổ chức giáo dục YOUREORG cho hay: "Tôi tin rằng, nếu được triển khai đúng cách, đề thi có thể tạo ra tác động ngược tích cực (positive washback) tức ảnh hưởng ngược tích cực đến việc dạy và học. Khi những năng lực thiết thực được đưa vào bài kiểm tra, thì cả giáo viên và học sinh sẽ có xu hướng điều chỉnh phương pháp để phát triển đúng những kỹ năng đó.

Tuy nhiên, khi đặt đề thi này vào bối cảnh thực tế của giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay, tôi không khỏi băn khoăn.

Thực tế, với những học sinh có nền tảng tốt, chẳng hạn đã từng luyện thi IELTS, CAE… hoặc có trải nghiệm đọc hiểu đa dạng tiếng Anh học thuật, thì đề này hoàn toàn khả thi. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: nó không phản ánh được sự đa dạng trong trình độ, hoàn cảnh và điều kiện học tập của học sinh trên toàn quốc".

93e88988-8177-4d0f-ae2f-394241ffa6dd-6165-461.jpg
Thầy Lê Hoàng Phong - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc học thuật Tổ chức giáo dục YOUREORG. Ảnh: NVCC.

Thầy Phong chỉ ra, với học sinh ở thành thị, đặc biệt là các em theo học tại trường chuyên, lớp chọn, có cha mẹ thuộc nhóm có trình độ học vấn cao hoặc có điều kiện kinh tế ổn định, việc tiếp cận với tiếng Anh chất lượng từ sớm, thông qua trung tâm, gia sư, hoặc chương trình tăng cường, thì đề thi năm nay là cơ hội để phát huy năng lực thật sự.

Ngược lại, với học sinh ở vùng nông thôn, miền núi hoặc các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, việc học tiếng Anh nhiều khi chỉ giới hạn trong 3 tiết/tuần theo chương trình chuẩn, đặc biệt là những em không có điều kiện học thêm hoặc tiếp cận tài liệu ngoại ngữ hàng ngày, thì đề thi mang tính học thuật như năm nay có thể trở thành một “cú sốc” thực sự. Chưa kể, chất lượng đội ngũ giáo viên cũng có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền.

Lo ngại học sinh "né" thi tiếng Anh nếu đề khó

Các thầy cô cũng nêu lên một thực tế rằng môn tiếng Anh chỉ là môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nếu đề thi quá khó có thể dẫn đến thí sinh "né" thi, tránh học tiếng Anh.

Thầy Lê Hoàng Phong chia sẻ: "Việt Nam đang thúc đẩy chiến lược hội nhập toàn diện, tiếng Anh không chỉ là một môn học trong nhà trường, mà là một công cụ sống còn giúp học sinh tiếp cận tri thức, nghề nghiệp, và nâng cao vị thế xã hội.

Các văn bản chính sách giáo dục hiện hành cũng đặt mục tiêu: "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học" (Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị). Điều đó có nghĩa tiếng Anh là nền tảng tri thức cho hội nhập, cho thị trường lao động, cho cơ hội phát triển con người, không thể chỉ được nhìn như một lựa chọn phụ.

Cùng với đó, nhiều báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều khẳng định kỹ năng tiếng Anh là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất lao động và khả năng cạnh tranh quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch sang nền kinh tế số và kinh tế tri thức.

Vì vậy, việc học sinh hạn chế điều kiện kinh tế, vùng sâu vùng xa nếu "né" môn tiếng Anh thi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể dẫn đến việc các em sẽ bỏ qua môn học này, không chú trọng nó trong quá trình học phổ thông. Điều này có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy lâu dài.

Chính vì thế, nguyên tắc công bằng dựa trên điều kiện và năng lực, càng cần được đặt làm trung tâm trong mọi khâu xây dựng và đánh giá đề thi".

Theo Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo, nếu không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thí sinh vẫn có thể sử dụng chứng chỉ quốc tế như IELTS để quy đổi thành điểm ngoại ngữ khi nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học.

Tuy nhiên, cô Thảo nhấn mạnh, đây không phải là phương thức phù hợp với số đông. “Việc học và thi lấy chứng chỉ IELTS đi kèm với chi phí cao, từ học phí các khóa luyện thi cho đến lệ phí dự thi không hề nhỏ đối với nhiều gia đình" - cô phân tích.

Chính vì vậy, theo cô Thảo, cần nhìn nhận rõ rằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là một công cụ hữu ích cho một nhóm học sinh có điều kiện kinh tế, chứ không thể trở thành một “xu thế” chung trong học tập.

Chiều ngày 27/6, ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo. Trước câu hỏi của phóng viên về đề thi một số môn như Toán và tiếng Anh có mức độ khó hơn hay không tương đương đề tham khảo, Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết xin ghi nhận và sẽ có xem xét, làm rõ hơn về vấn đề này sau khi công tác chấm thi đã hoàn tất. [2]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/so-gddt-tphcm-cong-bo-ket-qua-khao-sat-nang-luc-tieng-anh-cua-hon-50-nghin-gv-post251150.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/co-y-kien-cho-rang-de-thi-toan-tieng-anh-kho-bo-gddt-neu-quan-diem-post252387.gd

Trần Trang