Giá cầu thủ Việt lên, chất lượng đội tuyển đi xuống

06/12/2011 14:32
Nguyễn Nguyên (TTVH)
Hôm qua, có thông tin cho biết giá của Quang Thanh đã lên đến con số 11 tỷ. Quang Thanh đã phá kỷ lục các giá trị chuyển nhượng.
Trước mùa giải mới, giá cầu thủ thì cứ lên vùn vụt nhưng chất của đội U23 VN thì cứ đi xuống. Hôm qua, có thông tin cho biết giá của Quang Thanh đã lên đến con số 11 tỷ (gồm 7 tỷ bồi thường 2 năm và 4 tỷ cho 1 năm tiếp theo). Nếu đúng như thế thì Quang Thanh đã phá kỷ lục các giá trị chuyển nhượng.

Giá của cầu thủ giờ cứ được kích cầu bởi những đại lý và bởi chính các ông bầu chơi chiêu với nhau.

Có một điều rất lạ là chưa ông bầu nào dám khẳng định nuôi một đội bóng có thể kiếm được lời thế mà họ cứ đổ tiền vào những cái máy xay tiền như thế.
Giá cầu thủ Việt không tương xứng với chất lượng.
Giá cầu thủ Việt không tương xứng với chất lượng.

Giá lên, tiền bỏ ra nhiều nhưng cũng có cái xuống đó là túi đen vào túi trắng hoặc tay trái vào tay phải. Nó cũng giống như như dự án lớn từ các địa phương được ưu tiên cho những ông chủ đội bóng để làm ăn và có tiền nuôi lại đội bóng rồi tièn đó mua cầu thủ giá cao còn chất lượng bóng đá ở cấp ĐT thì cứ đi xuống.


Cũng chuyện lên xuống này nhiều người đang lo cho cái Công ty VPF được định giá là lên như diều khi được tiền hô hậu ủng và được xây dựng từ kế hoạch của các ông bầu. Thế nhưng cũng có những tư tưởng lo cái Công ty đấy xuống, nhất là nó lại được “cơ cấu” cho những vị trí chủ chốt toàn là những người cũ của VFF từng quản bộ máy ì ạch nhưng nay lại phải gánh vác trọng trách ở cái Công ty được dự báo là năng động và đổi mới.

Cái Công ty này chưa ra đời nhưng nhiều người lại nghi ngờ ở đấy sẽ là miếng bánh lớn và nghi ngờ cả những người rút lui ở các tổ chức xã hội địa phương để đảm bảo quyền ngồi vào vị trí cốt cán của cái Công ty đấy dù nói như các ông bầu là họ thuê được thì có quyền truất.

Quả bóng mùa 2012 chưa lăn nhưng chắc chắn đấy sẽ là quỹ đạo khó bởi những sự đổi mới chưa triệt để và chuyện tự quản của các CLB đang bị xem là những mối hoài nghi cho việc đổi mới đồng bộ và sạch đồng bộ.

Cổ phần ở VPF sẽ chia đều cho các CLB nhưng cuộc chơi ở V-Luegue lại không thể là cuộc chơi sòng phẳng từ túi tiền của mỗi ông bầu và tham vọng lẫn cách làm của từng ông chủ.

Thế nên kêu gọi sự tự giác của các CLB “góp gạo thổi cơm chung” ở VPF chỉ là lý thuyết. Cứ nhìn các ông bầu ngồi với nhau ở Hội nghị VFF với các ông bầu thì đồng thuận 100% nhưng lúc ra “sàn cầu thủ” thì mua tranh bán giật và chơi chiêu chơi trò thì đã nói lên được phần nào rồi.

Giảm quyền lực và giảm sự độc quyền của VFF để tăng tính tự chủ của các CLB là một tín hiệu tích cực nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu sự đổi mới đấy không đi đúng với tiêu chí sạch mà lại phục vụ cho một nhóm người thì vô cùng nguy hiểm.

Nó cũng giống nhìn vào các CLB thì có cảm tưởng bóng đá VN lên nhưng đưa đội U23 đi chơi với khu vực thì lại thất vọng không biết ta đang xuống ở mức nào ở phần đáy.
Nguyễn Nguyên (TTVH)