Muốn nắm chắc cơ hội trúng tuyển, HS nên đặt nguyện vọng theo chiến lược "3 tầng"

07/07/2025 11:05
Khánh Hòa

GDVN - Để tăng khả năng trúng tuyển, thí sinh cần có chiến thuật đăng ký nguyện vọng khoa học và phù hợp với năng lực của bản thân cũng như điều kiện tài chính.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh sẽ đăng ký và sắp xếp nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025 trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ, trong khoảng thời gian từ ngày 16/7 đến 17 giờ ngày 28/7.

Việc áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau mang lại lợi thế lớn cho thí sinh. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ thông tin hoặc chủ quan trong việc đăng ký nguyện vọng, thí sinh có thể đánh mất cơ hội vào ngành học mong muốn.

Cần nắm chắc kế hoạch chung và tuân thủ đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Công Thuật – Trưởng phòng, Phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết, năm 2025 có 6 điểm mới về tuyển sinh mà thí sinh và phụ huynh cần đặc biệt lưu ý. Cụ thể:

Một là, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đào tạo không được tổ chức xét tuyển sớm. Tất cả thí sinh, bao gồm cả thí sinh xét tuyển thẳng phải đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ.

Hai là, để tăng cơ hội xét tuyển, đảm bảo công bằng với thí sinh ở các vùng miền khác nhau, Bộ không giới hạn các tổ hợp xét tuyển. Vì vậy, ngoài tổ hợp xét tuyển truyền thống như trước đây, các cơ sở đào tạo có thể có thêm những tổ hợp xét tuyển mới tương ứng với các ngành/chuyên ngành đào tạo. Mỗi tổ hợp xét tuyển phải gồm ít nhất 3 môn phù hợp với ngành học; trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc Ngữ văn và môn này phải chiếm tối thiểu 25% trọng số trong tính điểm xét tuyển.

Ba là, thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển học bạ cần lưu ý quy định mới năm nay sẽ sử dụng kết quả học tập cả năm học lớp 12, thay vì chỉ lấy điểm học kỳ 1 như những năm trước.

Bốn là, hệ thống đăng ký của Bộ sẽ không phân biệt phương thức xét tuyển nên thí sinh chỉ cần đăng ký vào cơ sở đào tạo và ngành xét tuyển thí sinh mong muốn. Hệ thống sẽ tự động sử dụng phương thức thí sinh có điểm cao nhất để xét tuyển.

Năm là, nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, tất cả phương thức xét tuyển sẽ được quy đổi điểm tương đương về cùng một thang điểm. Các cơ sở đào tạo sẽ có phương án quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển và công bố cho thí sinh trước khi đăng ký xét tuyển.

Sáu là, tổng điểm cộng của thí sinh bao gồm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng, điểm thưởng, khuyến khích... sẽ không vượt quá 10% thang điểm xét tuyển. Ngoài ra, tổng điểm xét tuyển của thí sinh không vượt quá điểm tuyệt đối của thang điểm xét tuyển.

Ví dụ, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng sử dụng thang điểm 30 để xét tuyển. Mỗi thí sinh có thể được cộng tối đa 3 điểm ưu tiên. Tuy nhiên, tổng điểm xét tuyển cuối cùng, gồm điểm thi và điểm ưu tiên sẽ không được vượt quá 30 điểm. Nếu thí sinh đạt 29 điểm và được cộng thêm 3 điểm ưu tiên, thì tổng điểm chỉ được tính là 30 khi xét tuyển.

thay-thuat.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Công Thuật – Trưởng phòng, Phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NVCC.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Công Thuật, kỳ tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 đánh dấu bước tiến quan trọng trong cải tiến quy trình xét tuyển. Vì vậy, thí sinh cần sắp xếp nguyện vọng theo đúng mức độ ưu tiên của bản thân. Các em nên đặt ngành học thực sự yêu thích, gắn với mục tiêu nghề nghiệp lâu dài lên đầu. Đặc biệt, cần tránh tâm lý "chắc chắn đỗ đại học, ngành mơ ước tính sau", vì khi đỗ ở nguyện vọng đầu tiên, các em sẽ mất cơ hội vào ngành mong muốn dù đủ điểm.

Trong bối cảnh hiện nay, các ngành kỹ thuật, công nghệ đang dịch chuyển mạnh theo hướng liên ngành, sáng tạo và toàn cầu hóa nên việc lựa chọn ngành học đúng định hướng có ảnh hưởng trực tiếp đến lộ trình phát triển của cá nhân trong 5-10 năm tới.

Trước hết, các em nên xác định rõ đam mê, sở trường và định hướng nghề nghiệp. Tiếp theo là thu thập và phân tích kỹ các yếu tố như chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, khả năng liên thông quốc tế... của các trường dự định đăng ký xét tuyển.

Sau khi biết điểm thi, thí sinh cần đối chiếu với phổ điểm cả nước và cộng thêm điểm ưu tiên (nếu có). Từ đó, mạnh dạn đăng ký một vài nguyện vọng có điểm chuẩn cao hơn điểm của mình khoảng 1–2 điểm để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích ở trường top đầu. Ngoài ra, thí sinh có thể chia các nguyện vọng thành ba tầng rõ rệt, như sau:

Tầng 1 là nguyện vọng 1-3 sẽ gồm các ngành thí sinh yêu thích, đam mê và có nhiều cơ hội phát triển. Đây có thể là các ngành mũi nhọn, điểm chuẩn cao và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Tầng 2 là nguyện vọng 4-8 sẽ gồm các ngành phù hợp với năng lực thực tế, có tính ứng dụng cao cũng như cơ hội nghề nghiệp rõ ràng.

Tầng 3 là từ nguyện vọng 9 trở đi sẽ gồm các ngành có điểm chuẩn thấp hơn với khả năng trúng tuyển cao. Đây là tầng đóng vai trò đảm bảo thí sinh chắc chắn đỗ đại học khi các nguyện vọng trước chưa đủ điểm.

Bên cạnh chiến lược sắp xếp nguyện vọng, thí sinh cần chủ động sử dụng tất cả các nguồn điểm hợp lệ được phép xét tuyển, gồm điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm học bạ lớp 12, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hoặc tư duy, các giải thưởng học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Hệ thống xét tuyển sẽ chọn điểm cao nhất cho từng nguyện vọng. Do đó, việc sử dụng linh hoạt các kênh xét tuyển sẽ giúp thí sinh tăng xác suất trúng tuyển, đồng thời mở rộng cánh cửa vào các ngành học tốt hơn.

tuyen-sinh-dai-hoc-bach-khoa-da-nang-1.jpg
Giảng viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trong một buổi tư vấn tuyển sinh cho các em học sinh. Ảnh: website nhà trường.

Cùng tư vấn về cách đặt nguyện vọng cho thí sinh, Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: "Năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng trên hệ thống tuyển sinh chung. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp và chỉ được xét trúng tuyển vào nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện.

Đặc biệt, năm nay, thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển nào cũng phải đăng ký trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường hợp cơ sở đào tạo có tổ chức các hình thức đăng ký xét tuyển riêng, thí sinh nộp hồ sơ và các minh chứng trực tiếp hoặc trực tuyến tại cơ sở đào tạo, nhưng vẫn phải đăng ký trên hệ thống để được xét tuyển chung với tất cả thí sinh khác.

Ví dụ như thí sinh thi năng khiếu vẽ vào ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Mở Hà Nội vẫn cần đăng ký nguyện vọng vào ngành này của trường trên hệ thống tuyển sinh chung".

thay-ngoc-anh-5582.jpg
Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Mở Hà Nội.
Ảnh: NVCC.

Thí sinh cần có chiến lược sắp xếp nguyện vọng thông minh, tránh đăng ký nhiều mà vẫn trượt

Theo Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Mở Hà Nội, hàng năm, đều có thí sinh trượt tất cả các nguyện vọng. Do vậy, các em cần phải lên chiến lược đặt nguyện vọng thông minh, gồm cả những ngành có điểm chuẩn năm trước cao hơn, thấp hơn và bằng điểm thí sinh đạt được.

Trong đó, nguyện vọng 1 nên là ngành thí sinh yêu thích nhất, bởi nếu đủ điểm, đây là nguyện vọng có khả năng trúng tuyển cao nhất. Các ngành an toàn nên đặt ở vị trí sau để đề phòng rủi ro. Nếu đặt ngành an toàn lên đầu vì lo lắng trượt, có thể thí sinh sẽ mất cơ hội vào ngành bản thân mong muốn kể cả có đủ điểm.

Ngoài ra, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp, học phí, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, môi trường học tập và những chính sách hỗ trợ sinh viên của nhà trường. Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý về phương thức xét tuyển để biết rõ bản thân đủ điều kiện tham gia phương thức nào và có nên sử dụng đồng thời nhiều phương thức hay không.

"Một số trường hợp thường lựa chọn ngành học theo phong trào, không xuất phát từ năng lực và sở thích cá nhân. Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh sắp xếp nguyện vọng thiếu chiến lược, đặt các ngành có mức điểm tương đương gần nhau ở nhiều vị trí hoặc chỉ dồn vào một vài trường "top" đầu mà không có thêm phương án dự phòng. Đây là lỗi có thể dẫn tới việc thí sinh không đỗ bất cứ nguyện vọng nào hoặc đỗ vào ngành học không phù hợp", thầy Ngọc Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Thí sinh sẽ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất vào một trường đại học, nên phải có chiến lược đặt nguyện vọng hợp lý để tăng cơ hội vào ngành, trường bản thân yêu thích.

Nếu chỉ tập trung vào mục tiêu “trúng tuyển đại học” mà không chọn đúng ngành nghề yêu thích sẽ dẫn đến “học đại”. Thậm chí, trong quá trình học sau này, các em có thể mất động lực học tập hoặc nghỉ học giữa chừng. Do vậy, cần định hướng đúng ngành, đúng nghề, đúng năng lực của bản thân dựa trên sở thích cá nhân, phân tích ngành nghề theo thông tin các trường công bố trên website cũng như tìm hiểu kỹ cơ hội nghề nghiệp trong vòng 3-5 năm tới. Trên cơ sở đó, xác định ngành và trường theo học phải phù hợp với sở thích, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân lực và định hướng phát triển của xã hội".

thay-thuy-1.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi tư vấn tuyển sinh. Ảnh: NVCC.

Theo Trưởng phòng Phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, do vậy điểm chuẩn có thể sẽ có nhiều biến động so với năm trước. Vì vậy, thí sinh nên sử dụng tất cả các phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển đại học.

Những năm trước, không ít thí sinh đăng ký các nguyện vọng có mức điểm chuẩn tương đương nhau, không có sự phân bổ hợp lý giữa nguyện vọng cao và thấp. Điều này dẫn đến việc có thí sinh trượt tất cả các nguyện vọng, đánh mất cơ hội vào đại học. Để tránh rủi ro, thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên giảm dần, từ ngành và trường yêu thích nhất đến những lựa chọn an toàn hơn. Đặc biệt, các em nên xác định ngành học phù hợp trước, sau đó mới cân nhắc chọn trường đào tạo.

Trong khi đó, Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho rằng, việc chọn ngành nghề là quyết định quan trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng cũng như cân bằng giữa đam mê cá nhân và nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Thay vì lựa chọn ngành "hot", thí sinh nên lựa chọn ngành có cơ hội phát triển trong tương lai, đón đầu xu hướng phát triển của xã hội.

Ngoài căn cứ vào điểm chuẩn của những năm trước, thí sinh cần đối chiếu điểm thi với phân vị trong phổ điểm toàn quốc. Việc này cho phép thí sinh đánh giá được xác suất trúng tuyển một cách có cơ sở chính xác hơn.

Bên cạnh đó, cần phân tích biến động về chỉ tiêu tuyển sinh và mật độ hồ sơ đăng ký của từng ngành, từng trường. Những thay đổi như tăng chỉ tiêu 15–20% hoặc giảm hồ sơ 10% có thể khiến điểm chuẩn dao động đến hơn 1 điểm. Ngược lại, với các ngành “nóng” đang thu hút đầu tư mạnh như bán dẫn, năng lượng tái tạo hay trí tuệ nhân tạo, điểm chuẩn có thể tăng dù chỉ tiêu không đổi. Đây là dữ liệu thí sinh cần tra cứu trực tiếp từ thông tin tuyển sinh chính thức của từng trường, không thể ước đoán hoặc làm theo cảm tính.

Đáng lưu ý, thí sinh cần quan tâm đến mức độ gắn kết giữa ngành học và chiến lược phát triển nhân lực quốc gia. Trong giai đoạn 2025–2035, Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực như: bán dẫn – vi mạch; trí tuệ nhân tạo, kinh tế số; năng lượng tái tạo, điện hạt nhân; logistics thông minh... nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Lựa chọn ngành học phù hợp sẽ giúp người học tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường, tiếp cận nhanh với xu hướng nghề nghiệp của kỷ nguyên chuyển đổi số và phát triển xanh.

Cuối cùng, cần cân nhắc đến độ phù hợp giữa ngành học với năng lực học thuật, điều kiện tài chính của gia đình và định hướng cá nhân. Việc chọn ngành vượt ngoài khả năng học tập hoặc vượt quá tiềm lực tài chính dài hạn có thể dẫn tới quá tải, lệch hướng hoặc bỏ học giữa chừng. Thí sinh cần tự đánh giá kỹ năng học tập, năng lực ngoại ngữ, khả năng thích nghi và mức đầu tư học tập trong 4–5 năm để bảo đảm lựa chọn là bền vững và khả thi.

Khánh Hòa