Trong bất cứ thời kỳ phát triển nào, giáo dục đại học luôn cần đi trước một bước. Chính sách học bổng – nếu được thiết kế đúng – không chỉ hỗ trợ cá nhân người học, mà còn góp phần định hướng cơ cấu nhân lực quốc gia và tạo lực đẩy cho những lĩnh vực nền tảng, đột phá hoặc đang bị suy giảm.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành Khoa học cơ bản, Kỹ thuật then chốt và Công nghệ chiến lược để lấy ý kiến là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, chính vì đây là một chính sách “chiến lược quốc gia” – sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước nên càng cần sự thận trọng, có chọn lọc trong tiếp cận.
Bài viết này đề xuất một số định hướng cụ thể cho chính sách học bổng nêu trên, với mong muốn góp phần hoàn thiện chính sách từ góc nhìn quản trị đại học và chiến lược phát triển nhân lực khoa học – công nghệ.
Chọn đúng ngành
Dự thảo Nghị định hiện nay có hai phương án: (1) mô tả các ngành một cách định tính (ví dụ: “các ngành khoa học cơ bản”, “công nghệ chiến lược”); hoặc (2) liệt kê hàng loạt mã ngành 7 chữ số ở cấp độ rất cụ thể.
Ở đây, cần thống nhất một nguyên tắc rằng: ngân sách nhà nước phải được đầu tư theo định hướng chiến lược quốc gia, chứ không nên “rải đều” hay mở rộng quá mức chỉ vì mong muốn bao phủ nhiều nhóm ngành.

Do đó, kiến nghị cần xác định danh mục ngành ở cấp mã ngành cấp IV (chỉ dùng 5 chữ số), ví dụ: Toán học – 74601, Sinh học ứng dụng – 74202, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông – 75103... tương ứng với 7-XXXX (đại học), 8-XXXX (cao học), 9-XXXX (nghiên cứu sinh). Danh mục này cần:
Một là “được khóa cố định” trong Nghị định (hoặc phụ lục kèm theo), tránh diễn giải mơ hồ.
Hai là chỉ tập trung vào 3 “cụm ngành”: (a) Khoa học cơ bản: Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học, Khoa học môi trường, Khoa học máy tính; (b) Công nghệ chiến lược: sinh học, nano, năng lượng tái tạo, dữ liệu lớn, AI, vật liệu mới… (c) Kĩ thuật then chốt: cơ điện tử, tự động hóa, kĩ thuật năng lượng, hàng không, kĩ thuật số…
Đây là những ngành “cần đầu tư công” vì hoặc (1) ít người học, khó tuyển, nhưng cần thiết cho nền tảng khoa học quốc gia; hoặc (2) là ngành “công nghệ lõi” của chuyển đổi số, công nghiệp mới và đổi mới sáng tạo.
Đầu tư đúng nơi
Một chính sách tốt không chỉ nằm ở “đối tượng được hỗ trợ”, mà còn nằm ở năng lực tổ chức thực thi và giám sát tại các cơ sở đào tạo.
Do đó, đề xuất quan trọng là: chỉ cấp học bổng theo Nghị định này cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh theo học chính quy tại các trường sau:
Thứ nhất, với “cụm ngành” khoa học cơ bản dành cho người học tại các trường thành viên thuộc 2 Đại học Quốc gia (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) và 3 Đại học Vùng (Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên). Đây là những nơi được quy hoạch đầu tư công phát triển các ngành khoa học cơ bản của vùng và quốc gia.
Thứ hai, với “cụm ngành” công nghệ chiến lược và kĩ thuật then chốt dành cho người học tại các trường đại học kĩ thuật trọng điểm quốc gia như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)…
Các cơ sở giáo dục đại học này đều có các nhóm ngành khoa học cơ bản và kĩ thuật chiến lược tương đối mạnh, đội ngũ nghiên cứu có năng lực và mạng lưới hợp tác quốc tế rộng – tức là có thể chuyển học bổng thành năng lực thực chất cho người học.
Ngoài ra, các cơ sở này là công lập, thuận lợi hơn trong việc phối hợp liên bộ cấp ngân sách cũng như công tác tổ chức xét tuyển học bổng minh bạch, và giám sát sử dụng hiệu quả sau tốt nghiệp.
Cấp đúng người
Một trong những thách thức lớn nhất khi thực hiện các chính sách học bổng diện rộng là khó kiểm soát dự toán, dễ phát sinh lạm dụng, và khó đánh giá hiệu quả đầu tư. Nếu mở rộng cho tất cả sinh viên ở mọi loại hình trường – kể cả trường tư thục, đào tạo liên kết, đào tạo từ xa thì e rằng ngân sách sẽ phân tán, hiệu quả giảm sút.
Do đó, cần mạnh dạn giới hạn:
Một là chỉ cấp học bổng cho người học chương trình chính quy, tập trung (không áp dụng cho đào tạo văn bằng hai, liên kết, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa).
Hai là chỉ áp dụng cho lần học đầu tiên với ngành học chính, không hỗ trợ nếu người học đã hưởng chính sách học bổng khác.
Ba là chỉ cấp học bổng cho một cơ sở đào tạo duy nhất đối với từng cá nhân.
Một khi học bổng được coi là “trợ cấp xã hội” thì mục tiêu chiến lược sẽ bị lu mờ. Nhưng nếu học bổng được tổ chức theo nguyên lý “đầu tư có điều kiện”, kèm theo cam kết học tập – nghiên cứu – đóng góp thì sẽ có tính lan tỏa và chuyển hóa cao.
Gắn với chiến lược quốc gia và đi kèm cam kết
Học bổng, xét cho cùng, không phải là “phúc lợi” đơn thuần, mà là một cam kết hai chiều: người học nhận hỗ trợ để học tốt, và sau đó cần đóng góp trở lại cho xã hội – qua giảng dạy, nghiên cứu hoặc khởi nghiệp sáng tạo.
Trong tương lai gần, có thể xem xét tích hợp các chính sách học bổng này với:
Một là với các chương trình học bổng gắn với nghiên cứu (như Nafosted, Quỹ đổi mới sáng tạo quốc gia);
Hai là với các chương trình tuyển dụng nhân tài vào các viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ;
Ba là với chính sách thu hút nhân lực về địa phương (đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, miền Trung – Tây Nguyên).
Đây là cách để chuyển học bổng từ “chi phí” thành “đầu tư sinh lợi lâu dài”.
Gợi ý kĩ thuật để hoàn thiện Nghị định
Thứ nhất, về danh mục ngành: Nên ban hành kèm theo phụ lục mã ngành cấp IV (5 chữ số) cho từng nhóm ngành; cập nhật định kỳ 3–5 năm/lần.
Thứ hai, về nguồn kinh phí: Nên nêu rõ nguồn kinh phí cấp từ chương trình thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; trong đó phân ngân sách trung ương, địa phương và phần xã hội hóa (doanh nghiệp công nghệ đặt hàng, tài trợ học bổng).
Thứ ba, về giám sát và báo cáo: Nên có yêu cầu định kỳ 2 năm/lần đánh giá tác động của chính sách theo các chỉ số như: số người học duy trì học bổng; tỷ lệ học tiếp lên trình độ cao hơn; tỷ lệ làm việc đúng chuyên ngành sau tốt nghiệp; hiệu quả nghiên cứu…
Thứ tư, về truyền thông: Cần truyền thông rõ, học bổng không phải để tạo bình đẳng tuyệt đối giữa các ngành/trường, mà là để ưu tiên đầu tư vào các ngành chiến lược mà thị trường chưa đủ sức hấp dẫn người học.
Không thể san đều
Việc xây dựng nghị định về chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, công nghệ chiến lược và kĩ thuật then chốt là một bước tiến rất đáng khích lệ. Nhưng để chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, bền vững và tạo ra tác động thực sự, thì cần đảm bảo 4 chữ: chọn đúng – đầu tư trúng – giám sát chặt – cam kết rõ.
Nếu làm được như vậy, chúng ta không chỉ hỗ trợ một vài cá nhân, mà đang vun bồi lớp nhân lực tinh hoa – những người sẽ giữ vai trò hạt nhân cho sự phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam trong tương lai. Đầu tư cho người học là đầu tư cho tương lai. Nhưng phải đầu tư đúng người, đúng ngành, đúng nơi – thì mới sinh ra hiệu quả đột phá.