Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, có thể thấy rằng, nếu giáo dục phổ thông đóng vai trò đặt nền móng thì giáo dục đại học chính là bệ phóng, là nơi tăng tốc, chuẩn bị năng lực toàn diện cho người học tham gia vào thị trường lao động.
Chính vì vậy, việc tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người học và từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học như Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đặt ra là trách nhiệm rất quan trọng của mỗi cơ sở giáo dục đại học.
Thực tế cho thấy, việc lồng ghép tiếng Anh vào chương trình giảng dạy ở các trường đại học hiện vẫn còn mang tính phân hóa rõ rệt giữa các chương trình đào tạo. Cụ thể, thường chỉ sinh viên theo học chương trình tiên tiến, chương trình tài năng hoặc các chương trình liên kết quốc tế mới được tiếp cận với môi trường học tập có yếu tố tiếng Anh xuyên suốt. Trong khi đó, phần lớn sinh viên thuộc chương trình đại trà vẫn chưa được tiếp cận nhiều với việc học tập chuyên môn gắn với ngoại ngữ.
Trường đại học thực hiện giải pháp gì để nâng cao tiếng Anh cho sinh viên chương trình đại trà?
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Xuân Trường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, đối với hệ đào tạo đại học chính quy, hiện nay nhà trường đang triển khai 2 loại hình đào tạo: chương trình đại trà và chương trình tiên tiến.

Với chương trình tiên tiến, sinh viên theo học sẽ được học tập trong những điều kiện khác biệt so với chương trình đại trà như địa điểm học, phòng học được đầu tư tốt hơn, sĩ số lớp học nhỏ hơn, đội ngũ giảng viên bên cạnh năng lực chuyên môn phải có năng lực ngoại ngữ, đồng thời được tăng cường nhiều học phần giảng dạy bằng tiếng Anh.
Đặc biệt, trong chương trình tiên tiến có rất nhiều học phần chuyên môn được giảng dạy bằng tiếng Anh, tạo điều kiện để người học phát triển năng lực ngoại ngữ trong quá trình học tập chuyên ngành. Ngoài ra, sinh viên còn được rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế, nghiên cứu khoa học và các hoạt động bổ trợ khác.
Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đang đào tạo chương trình tiên tiến cho 13 ngành học gồm Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán, Luật kinh tế, Công nghệ sinh học, Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Kinh tế.
Một điểm đáng chú ý là nhà trường cũng xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tạo điều kiện cho sinh viên chương trình tiên tiến được tham gia học tập một số học phần trong khuôn khổ chương trình trao đổi sinh viên giữa các trường đại học trong và ngoài nước. Chính vì vậy, chuẩn đầu ra của chương trình tiên tiến cũng được xây dựng ở mức cao hơn.
Có thể thấy, chương trình tiên tiến nổi bật hơn so với chương trình đại trà ở nhiều khía cạnh, và do đó mức học phí của chương trình này cũng cao hơn là điều tất yếu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cũng dành nhiều nỗ lực để nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên chương trình đại trà.
Trước tiên, ngay từ thời điểm sinh viên trúng tuyển và nhập học, nhà trường đã tổ chức làm bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào nhằm phân loại trình độ và xếp lớp phù hợp. Đối với bài thi chuẩn đầu ra tiếng Anh, nhà trường sử dụng ngân hàng đề thi quốc tế như đề thi từ Cambridge, để đánh giá năng lực tiếng Anh của sinh viên một cách khách quan và chuẩn quốc tế.
Không những vậy, chuẩn đầu ra tiếng Anh của sinh viên chương trình đại trà đã và đang được nâng cao dần trong những năm gần đây. Để thực hiện điều này, trong nội dung của nhiều học phần, nhà trường đã tích hợp thêm các yếu tố tiếng Anh nhằm giúp sinh viên từng bước làm quen và cải thiện kỹ năng ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, trong nhiều hoạt động học tập chuyên môn, tùy thuộc vào từng học phần và từng nhóm đối tượng sinh viên, nhà trường cũng khuyến khích sinh viên thực hiện báo cáo bài tập nhóm hoặc bài tập lớn bằng tiếng Anh.
Hơn nữa, nhằm giúp sinh viên tăng cường khả năng ứng dụng tiếng Anh trong thực tế, nhà trường còn tổ chức các buổi học tiếng Anh có sự phối hợp giữa giảng viên bản ngữ và giảng viên Việt Nam trong một số học phần. Điều này giúp tạo ra môi trường học tập song ngữ giúp sinh viên cải thiện đáng kể về năng lực học hiểu tiếng Anh.
Một số học phần chuyên môn cũng được nhà trường lồng ghép tiếng Anh trong quá trình giảng dạy như việc giảng viên sử dụng tài liệu hướng dẫn môn học bằng tiếng Anh, hoặc sinh viên làm bài tập bằng tiếng Anh, đọc và hiểu tài liệu chuyên môn tiếng Anh... Điều này thường xảy ra trong một số học phần những ngành học thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Ngoài ra, nhiều giảng viên nhà trường cũng sử dụng slide bài giảng bằng tiếng Anh và giảng bài hoàn toàn bằng tiếng Anh, hoặc giảng bằng tiếng Anh nhưng kết hợp giải thích bằng tiếng Việt để hỗ trợ người học, ... Việc này vừa giúp sinh viên tiếp cận với thuật ngữ chuyên môn quốc tế, vừa tránh gây quá tải cho người học chưa có nền tảng tiếng Anh tốt.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Trường, việc tích hợp tiếng Anh vào giảng dạy là một trong những định hướng quan trọng của nhà trường. Tuy nhiên, mức độ thực hiện và hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ đầu vào của sinh viên; yếu tố giảng viên, nội dung học phần cũng như đặc thù của từng ngành đào tạo.
Bởi, thực tế cho thấy, mục tiêu và định hướng nghề nghiệp của sinh viên không hoàn toàn giống nhau. Ở một số ngành, sinh viên có xu hướng tập trung nhiều vào kiến thức chuyên môn hơn là năng lực tiếng Anh. Trong khi đó, đối với những ngành học như Công nghệ thông tin, việc sử dụng tiếng Anh trong học tập và công việc là yêu cầu bắt buộc nên nhà trường phải chủ động lồng ghép các nội dung này ngay trong chương trình đào tạo.
Thầy Trường cho rằng, để việc giảng dạy và học tập tiếng Anh trong các trường đại học đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm chung của xã hội. Khi các đơn vị tuyển dụng yêu cầu người lao động sử dụng tiếng Anh, điều đó sẽ tạo ra tác động mạnh mẽ đến ý thức và động lực học tập của sinh viên. Chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy người học rèn luyện ngoại ngữ. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có nhiều điều kiện hỗ trợ và tác động đồng thời.
Tiếng Anh là công cụ quan trọng đối với sinh viên trong bối cảnh hiện nay
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng là một trong những cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo chương trình tiên tiến, chương trình nâng cao.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Nhà trường hiện đang tổ chức đào tạo 4 ngành thuộc chương trình tiên tiến và 4 ngành thuộc chương trình nâng cao. Trong mỗi chương trình, tùy đặc thù của ngành/ chuyên ngành, sẽ có số lượng học phần giảng dạy bằng tiếng Anh nhất định.
Có thể nói rằng, việc triển khai các chương trình tiên tiến và nâng cao cho thấy định hướng rõ ràng của Nhà trường trong việc chú trọng phát triển năng lực ngoại ngữ, không chỉ đối với sinh viên mà cả với đội ngũ giảng viên.
Đối với chương trình đại trà, tiếng Anh vẫn luôn được nhà trường chú trọng. Đơn cử, nhà trường đã đưa vào chương trình đào tạo các học phần tiếng Anh, đồng thời áp dụng chuẩn đầu ra là TOEIC, một chứng chỉ quốc tế từ hơn 10 năm trước. Đây là một bước đi đáng chú ý khi nhiều trường đại học ở thời điểm đó vẫn sử dụng chứng chỉ tiếng Anh nội bộ để xét đầu ra cho sinh viên. Nhờ vậy, năng lực tiếng Anh của sinh viên sau khi tốt nghiệp được xã hội đánh giá khá cao, dù phần lớn các học phần chuyên môn vẫn giảng dạy bằng tiếng Việt.

Bên cạnh đó, yêu cầu chuẩn tiếng Anh đối với giảng viên nhà trường cũng được đặt ra nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tri thức quốc tế, mở rộng tài liệu học thuật và tạo cơ hội học tập, nghiên cứu ở trình độ cao hơn tại nước ngoài. Nhờ vậy, hiện nay tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ tốt nghiệp từ nhiều cơ sở đào tạo trên thế giới của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng có xu hướng ngày càng tăng cao.
Phó Giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, tiếng Anh là công cụ quan trọng giúp sinh viên gia tăng cơ hội nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu công việc thực tiễn. Do đó, việc từng bước nâng cao trình độ tiếng Anh, kết hợp cung cấp kiến thức chuyên ngành bằng tiếng Anh là xu hướng cần thiết và phù hợp, đặc biệt với sinh viên ngành hàng hải, lĩnh vực thường xuyên tương tác với môi trường quốc tế.
Trước mắt, nhà trường chưa có đưa ra kế hoạch cụ thể để lồng ghép tiếng Anh vào chương trình đào tạo đại trà, tuy nhiên, theo xu thế chung, trường vẫn đang tích cực nghiên cứu và hướng đến xây dựng lộ trình tăng cường giảng dạy bằng tiếng Anh đối với các ngành có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ cao sau khi ra trường như các ngành liên quan đến lĩnh vực tàu biển, kinh tế biển, …
Đồng thời, việc tiếp tục mở rộng các học phần bằng tiếng Anh ở các chương trình nâng cao của nhà trường cũng đang được xem xét. Từ đó, góp phần nâng cao hơn nữa năng lực ngoại ngữ cho sinh viên trong quá trình học tập và hội nhập quốc tế.
Cùng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Vũ Việt Anh - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, từ nền tảng của chương trình tiên tiến, trường đại học nên “tiếng Anh hóa” dần trong những học phần của chương trình đào tạo chính quy đại trà.

Bởi, những học phần bằng tiếng Anh ngày càng có nhiều sẽ gia tăng cơ hội phát triển nhanh năng lực ngoại ngữ của sinh viên. Quỹ học liệu tiếng Anh phong phú sẽ là cơ hội cho sinh viên mạnh dạn trải nghiệm môi trường học thuật chuẩn quốc tế, tự tin mạnh dạn học tập, thi đua cùng tất cả các đồng bạn theo học ngành này ở trên toàn thế giới.
Xét một cách cụ thể, những chương trình hợp tác, trao đổi học thuật giữa cả giảng viên, sinh viên qua lại với nhiều đối tác cũng góp phần thúc đẩy tiềm năng thực hiện nhiệm vụ “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.
Hiện nay, Nhà trường đang từng bước xây dựng và thực thi lồng ghép tiếng Anh vào giảng dạy, học tập tại trường. Những chương trình workshop, thực tập trong khuôn khổ hợp tác với một số trường đại học thế giới cũng đang được triển khai bài bản, hệ thống tạo điều kiện cho sinh viên vừa rèn luyện năng lực tiếng Anh, vừa chủ động giao tiếp, kết nối liên hệ cho hoạt động sinh viên và cả giảng viên nhà trường trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế.