VLU tiên phong tích hợp chứng chỉ quốc tế FIATA vào chương trình đào tạo Logistics

04/07/2025 16:01
Thu Trang

GDVN -Trường ĐH Văn Lang là một trong những đơn vị tiên phong triển khai tích hợp chứng chỉ FIATA vào CTĐT ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng.

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Logistics, một số cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đã có những bước điều chỉnh đáng chú ý trong chương trình đào tạo. Trong đó, Trường Đại học Văn Lang là một trong những đơn vị tiên phong triển khai tích hợp chứng chỉ FIATA – một chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế vào đào tạo chính quy ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng.

FIATA (Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế) là tổ chức chuyên ngành có uy tín toàn cầu, với hệ thống thành viên tại hơn 150 quốc gia. Chứng chỉ do tổ chức này cấp được công nhận trong lĩnh vực giao nhận, vận tải đa phương thức và quản lý chuỗi cung ứng tại nhiều thị trường lao động lớn. Việc tích hợp nội dung đào tạo FIATA vào chương trình cử nhân được xem là bước tiếp cận mới, góp phần chuẩn hóa năng lực người học theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc triển khai tích hợp chứng chỉ FIATA vào chương trình đào tạo là định hướng phù hợp với yêu cầu thị trường lao động hiện nay.
Việc triển khai tích hợp chứng chỉ FIATA vào chương trình đào tạo là định hướng phù hợp với yêu cầu thị trường lao động hiện nay.

Sinh viên theo học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng sẽ được tiếp cận các nội dung đào tạo theo khung chương trình FIATA trong thời gian học chính khóa. Nếu đáp ứng đủ yêu cầu đầu ra, người học có thể đồng thời nhận bằng cử nhân và chứng chỉ FIATA có giá trị toàn cầu. Mô hình đào tạo tích hợp này đã được triển khai từ năm 2023 cho chương trình đào tạo đặc biệt và từ năm 2024 cho chương trình đào tạo tiêu chuẩn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành – Trưởng Bộ môn Logistics, Trường Đại học Văn Lang – cho biết: “Việc triển khai tích hợp chứng chỉ FIATA vào chương trình đào tạo là định hướng phù hợp với yêu cầu thị trường lao động hiện nay, đồng thời cũng là cam kết của Trường Đại học Văn Lang trong việc đào tạo những cử nhân Logistics không chỉ giỏi kiến thức chuyên môn mà còn đạt chuẩn hành nghề quốc tế, sẵn sàng gia nhập vào thị trường lao động toàn cầu".

Chia sẻ về những giá trị nhận được khi chương trình học được tích hợp chứng chỉ có giá trị hành nghề toàn cầu, bạn Vũ Tuyết Ngân - sinh viên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cho biết: “Khi biết chương trình học được tích hợp chứng chỉ FIATA, em thật sự rất hào hứng. Đây là một chứng chỉ quốc tế có giá trị lớn trong ngành, giúp sinh viên ngành Logistics nâng cao cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Việc học đi đôi với chuẩn quốc tế như vậy khiến em cảm thấy yên tâm về chất lượng đào tạo và tương lai nghề nghiệp.”

Chương trình đào tạo ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Văn Lang có thời gian học 3,5 năm. Nội dung đào tạo được xây dựng cân đối giữa ba mảng cốt lõi: Vận hành chuỗi cung ứng, tối ưu hệ thống vận tải – kho bãi, ứng dụng công nghệ và hệ thống thông tin trong logistics.

Sinh viên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Trường Đại học Văn Lang nghiên cứu và phát triển robot thông minh phục vụ vận hành chuỗi cung ứng.
Sinh viên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Trường Đại học Văn Lang nghiên cứu và phát triển robot thông minh phục vụ vận hành chuỗi cung ứng.

Trong quá trình học, người học có thể lựa chọn một trong hai chuyên ngành phù hợp với định hướng cá nhân. Chuyên ngành Quản trị Logistics (Logistics Management) tập trung vào quản lý và tối ưu hóa các hoạt động vận tải, kho bãi, phân phối, và hậu cần trong chuỗi cung ứng, đào tạo các kỹ năng lập kế hoạch, vận hành, kiểm soát dòng chảy hàng hóa, thông tin và tài chính. Trong khi đó, Chuyên ngành Kỹ thuật Logistics (Logistics Engineering) chú trọng vào ứng dụng kỹ thuật, công nghệ và hệ thống thông tin để tối ưu hóa quy trình vận hành, thiết kế, phân tích, mô phỏng hệ thống logistics và chuỗi cung ứng.

vlu.png
Trường Đại học Văn Lang chủ trì tổ chức cuộc thi học thuật quốc tế SLOG Challenge - sân chơi chuyên môn dành cho sinh viên yêu thích lĩnh vực Logistics tại Việt Nam và Đông Nam Á

Cuộc thi học thuật SLOG Challenge do Bộ môn Logistics - Trường Đại học Văn Lang tổ chức, là sân chơi học thuật bổ ích dành cho sinh viên đam mê Logistics tại khu vực Đông Nam Á.

Với bước đi tiên phong này, sinh viên Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng của Trường Đại học Văn Lang sẽ nắm bắt lợi thế cạnh tranh vượt trội khi được đào tạo ứng dụng công nghệ vận hành hệ thống theo xu hướng 4.0, tự tin gia nhập thị trường lao động trong nước và quốc tế ngay sau khi tốt nghiệp.

Năm 2025, Trường Đại học Văn Lang dự kiến trao hơn 8.000 suất học bổng với tổng giá trị vượt 70 tỷ đồng dành cho tân sinh viên.
Năm 2025, Trường Đại học Văn Lang dự kiến trao hơn 8.000 suất học bổng với tổng giá trị vượt 70 tỷ đồng dành cho tân sinh viên.

Việc tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế vào chương trình cử nhân không chỉ góp phần gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, mà còn phản ánh xu hướng đổi mới giáo dục đại học theo hướng gắn kết chặt chẽ với yêu cầu của thị trường lao động và quá trình hội nhập quốc tế. Đây cũng là một trong những nội dung được khuyến nghị trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được phê duyệt tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng nhanh với thay đổi của công nghệ và môi trường làm việc toàn cầu.

Năm 2025, Trường Đại học Văn Lang dự kiến trao hơn 8.000 suất học bổng với tổng giá trị vượt 70 tỷ đồng dành cho tân sinh viên. Trong đó, nổi bật là học bổng Tech for Future – chính sách đặc biệt dành riêng cho khối ngành Công nghệ – Kỹ thuật, thể hiện cam kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng hành cùng chiến lược phát triển bền vững quốc gia.

Thu Trang