Học Quản lý và Phát triển Du lịch tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam có gì khác biệt?

07/07/2025 15:44
ĐÀO HIỀN

GDVN - Sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề mà còn được tiếp cận các xu hướng du lịch hiện đại.

Du lịch hiện đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng và đóng góp lớn vào GDP quốc gia. Cùng với xu hướng hội nhập và nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước, thị trường lao động đang đòi hỏi nguồn lao động lớn để làm việc trong lĩnh vực này.

Theo đó, ngành Quản lý và Phát triển Du lịch ngày càng thể hiện tiềm năng phát triển, thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh theo học.

Thị trường “khát” nhân lực

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung, Trưởng bộ môn Quản lý Du lịch và Lữ hành, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Tại Học viện, ngành Quản lý và Phát triển Du lịch đang là một trong những ngành học “hot”, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với những thí sinh đam mê khám phá, thích giao tiếp và mong muốn làm việc trong môi trường sáng tạo, giàu trải nghiệm.

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ và từng bước chuyển sang mục tiêu phát triển bền vững. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và 120-130 triệu lượt khách nội địa, mở ra “cơn khát nhân lực” chất lượng cao.

Với những lợi thế đó, sinh viên theo đuổi ngành học này sẽ có nhiều cơ hội việc làm tiềm năng. Cụ thể, các em có thể đảm nhận tốt các vị trí: Quản lý dịch vụ tại khách sạn, resort, homestay; Nhân viên chăm sóc khách hàng trong ngành dịch vụ – lữ hành hay khách sạn nhà hàng; Chuyên viên marketing du lịch hoặc tham gia hỗ trợ tổ chức các sự kiện, nhân viên hỗ trợ điều hành tại các công ty du lịch; Hướng dẫn viên…

Với lợi thế về sinh thái và nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đặc biệt xây dựng thêm các học phần theo hướng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng. Theo đó, người học sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận vị trí chuyên viên phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái; Chuyên viên tại sở văn hóa – thể thao và du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch; làm cán bộ quản lý hoặc điều phối dự án phát triển du lịch của tổ chức quốc tế/phi chính phủ hoặc khởi nghiệp với mô hình du lịch địa phương như farmstay, tour trải nghiệm, du lịch nông nghiệp

co-nhung.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung, Trưởng bộ môn Quản lý Du lịch và Lữ hành, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NVCC

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung, chương trình đào tạo ngành Quản lý và Phát triển Du lịch tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết, thực tiễn, công nghệ và kỹ năng. Với phương châm “học để làm, làm để học”, sinh viên sẽ được truyền dạy kiến thức chuyên môn và khả năng làm việc, thích nghi nhanh với thị trường lao động.

Bên cạnh khối kiến thức đại cương, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành, sinh viên sẽ được tăng cường các học phần kỹ năng, nghiệp vụ và chuyên môn. Chẳng hạn như học phần “Nghiệp vụ hướng dẫn và hoạt náo du lịch” giúp sinh viên luyện tập nghiệp vụ tổ chức, chuẩn bị hoạt động du lịch, hướng dẫn du lịch và các hoạt động hoạt náo trong hướng dẫn du lịch. Hay học phần “Kỹ năng tổ chức sự kiện” cung cấp các nội dung về lập kế hoạch tổ chức sự kiện và dự toán ngân sách, tổ chức, tính toán thời gian và danh sách khách mời, địa điểm, không gian tổ chức sự kiện…

Đối với học phần “Du lịch nông nghiệp và sinh thái” mang tính đặc thù của Học viện Nông Nghiệp Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho sinh viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn, làng nghề và hệ sinh thái nông nghiệp – nông thôn. Môn này giúp sinh viên lập kế hoạch kinh doanh và khởi nghiệp du lịch nông nghiệp và sinh thái, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp và sinh thái. Cũng như rèn luyện các kỹ năng tổ chức và quản lý du lịch, marketing, quản lý chất lượng dịch vụ, quản trị rủi ro trong du lịch nông nghiệp và sinh thái.

anh-2.jpg
Sinh viên tham gia học phần Thiết kế và điều hành tour tại Cố Đô Hoa Lư. Ảnh: NTCC

Ngoài ra, để người học có thể trau dồi kinh nghiệm và rèn luyện các kỹ năng, nhà trường đã triển tổ chức thực tập nghề nghiệp xen kẽ. Theo đó, 2 học phần thực tập giáo trình đợt 1 (4 tín chỉ) và đợt 2 (6 tín chỉ) chính là cơ hội để sinh viên bước ra khỏi giảng đường và hòa mình vào môi trường làm việc thực tế. Sinh viên sẽ được thực tập tại các doanh nghiệp du lịch, khu nghỉ dưỡng, công ty lữ hành, nhà hàng khách sạn tiêu chuẩn.

Cuối cùng, việc hoàn thành khóa luận tốt nghiệp chính là cơ hội để sinh viên thể hiện năng lực cá nhân, tư duy sáng tạo và bản lĩnh nghề nghiệp. Theo chia sẻ từ cô Trang Nhung, sinh viên Khoa Du lịch và Ngoại ngữ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ được hướng dẫn tận tình từ đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm. Từ đó, các em có thể lựa chọn đề tài theo sở thích và định hướng nghề nghiệp.

“Kết quả khóa luận là một sản phẩm thể hiện chất riêng của mỗi bạn, đồng thời là hồ sơ năng lực nổi bật khi đi xin việc hoặc ứng tuyển học bổng sau đại học. Đây chính là bước đệm để sinh viên chuyển mình từ người học sang người làm, từng bước rèn sự tự tin, bản lĩnh và khác biệt”, cô Trang Nhung cho hay.

3.jpg
Sinh viên tham gia học phần Nghiệp vụ hướng dẫn và hoạt náo du lịch, Resort & Nha Hang Bản Đôn. Ảnh: NTCC

Em Vũ Quỳnh Anh – sinh viên khóa 67 ngành Quản lý và Phát triển Du lịch, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ rằng, chương trình đào tạo tại Học viện bám sát với thực tế, đặc biệt là các học phần mang tính thực hành cao như Đồ án du lịch.

Ở học phần này, sinh viên không chỉ được học lý thuyết mà còn trực tiếp thiết kế tour du lịch và triển khai như một sản phẩm thật, tạo nên trải nghiệm học tập sinh động, đáng nhớ và giàu giá trị thực tiễn.

Ngoài giờ học lý thuyết, các hoạt động ngoại khóa và các chuyến đi thực địa cũng đóng vai trò quan trọng giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nghề và rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp. Trong quá trình học, em được phát triển nhiều kỹ năng thiết yếu như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết minh, tổ chức tour cũng như xử lý tình huống trong thực tế.

Theo chia sẻ của nữ sinh, Học viện đã tạo điều kiện để sinh viên tham gia vào các câu lạc bộ chuyên ngành, hội thảo, tọa đàm cũng như các hoạt động học thuật. Qua đó giúp sinh viên không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn hình thành tư duy tổ chức và làm việc nhóm hiệu quả. Một số học phần được lồng ghép thực hành ngay từ năm đầu, giúp sinh viên tiếp cận công việc thực tế sớm hơn và giảm bỡ ngỡ khi đi làm sau tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, Quỳnh Anh cũng đánh giá cao sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp khi nhà trường thường xuyên phối hợp với các công ty du lịch – lữ hành, lưu trú trong việc tổ chức các kỳ thực tập chuyên ngành. Với sự hỗ trợ từ mạng lưới đối tác cũng như sự giới thiệu từ các giảng viên, sinh viên có cơ hội được thực hành tại đúng lĩnh vực mình học, trực tiếp tham gia vào quy trình vận hành và tích lũy kinh nghiệm quý báu.

Ngoài ra, Học viện cũng tổ chức các ngày hội việc làm, chương trình giao lưu nghề nghiệp và mời các doanh nghiệp đến phỏng vấn trực tiếp tại trường, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngay khi còn đang học tập tại trường.

4.png
Khoa Du lịch và Ngoại ngữ tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, ngoại khóa cho sinh viên. Ảnh: NVCC

Chương trình đào tạo “đặc biệt”, mang màu sắc riêng của Học viện

Ngành Quản lý và Phát triển Du lịch tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam được xây dựng trên nền tảng đào tạo tích hợp giữa kiến thức chuyên ngành, liên ngành và trải nghiệm thực tiễn, giúp sinh viên phát triển toàn diện và bắt nhịp với xu hướng nghề nghiệp hiện đại.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung, hiện nay, ba xu hướng nghề nghiệp mới đang mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho sinh viên ngành này.

Thứ nhất là du lịch nông nghiệp và sinh thái – một hướng đi đặc thù, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp xanh và xây dựng nông thôn mới. Sinh viên được học học phần “Du lịch nông nghiệp và sinh thái” giúp người học có thể làm việc tại các khu du lịch sinh thái, tổ chức phát triển nông thôn, hợp tác xã, hoặc tự thiết kế mô hình farmstay, tour trải nghiệm nông nghiệp.

Thứ hai là du lịch xanh và bền vững, gắn với trách nhiệm xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa và hỗ trợ sinh kế địa phương. Các học phần như “Du lịch bền vững và tiêu chuẩn dịch vụ du lịch”, “Sinh thái và môi trường”, “Nông nghiệp hiện đại”, “Kinh tế và Marketing du lịch” giúp sinh viên hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Thứ ba là khởi nghiệp và kinh doanh du lịch, với làn sóng “startup địa phương” ngày càng phát triển. Sinh viên được học môn “Khởi nghiệp và văn hóa kinh doanh”, được tham gia vườn ươm khởi nghiệp sinh viên và các cuộc thi sáng tạo, từ đó hình thành tư duy làm chủ và khả năng phát triển các ý tưởng du lịch vùng miền, làng nghề, văn hóa bản địa.

Ngoài ra, sinh viên còn được rèn luyện kỹ năng nghề thông qua các học phần thực hành như “Tổ chức chương trình du lịch”, “Nghiệp vụ hướng dẫn” và các đợt thực tập thực tế, tạo nền tảng vững chắc để tự tin khởi nghiệp hoặc làm việc trong môi trường du lịch chuyên nghiệp, sáng tạo và bền vững.

5.jpg
Sinh viên được rèn luyện kỹ năng giao tiếp với du khách. Ảnh: NVCC

Trước những thay đổi nhanh chóng của ngành du lịch, đặc biệt là xu hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh và du lịch cộng đồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang chủ động xây dựng chiến lược dài hạn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Quản lý và Phát triển Du lịch.

Cụ thể, nhà trường thúc đẩy hợp tác quốc tế với nhiều trường đại học tại các quốc gia như Trung Quốc, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản…, nhằm tạo điều kiện trao đổi sinh viên và giảng viên, tiếp cận kiến thức và kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến. Đồng thời, mở rộng mạng lưới hợp tác với doanh nghiệp để tăng cơ hội thực tập, đào tạo tại doanh nghiệp và việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Các khóa học nghiệp vụ chuyên sâu về du lịch – lữ hành được tổ chức ngay tại doanh nghiệp, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng trong môi trường thực tế.

Bên cạnh đó, Học viện đẩy mạnh chuyển đổi số trong giảng dạy thông qua việc ứng dụng e-learning, video marketing và các công cụ số khác. Chương trình đào tạo cũng được thiết kế lại với việc tích hợp các học phần đồ án từ năm thứ nhất đến năm thứ tư, giúp sinh viên hình thành tư duy nghề nghiệp và kỹ năng giải quyết vấn đề theo tiến trình rõ ràng.

Đồng thời, Học viện cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng khách sạn thực hành dành riêng cho sinh viên các ngành về du lịch. Phát triển mô hình giáo dục trải nghiệm, du lịch nông nghiệp và tổ chức các câu lạc bộ nhằm tạo môi trường học tập linh hoạt, gần gũi với thực tiễn ngay trong khuôn viên rộng lớn của nhà trường.

7.jpg
Học viện Nông nghiệp Việt Nam ký kết hợp tác với các trường đại học nước ngoài để tăng cơ hội học bổng, trao đổi sinh viên, học tập nâng cao trình độ cho sinh viên. Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Đức Anh – cựu sinh viên khóa 65 ngành Quản lý và Phát triển Du lịch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện đang là nhân viên điều hành tour tại một công ty du lịch nội địa chia sẻ: “Những kiến thức tôi học được ở trường như thiết kế tour, chăm sóc khách hàng và quản trị dịch vụ đã trở thành nền tảng vững chắc giúp tôi áp dụng hiệu quả trong công việc hằng ngày.”

Theo anh Nguyễn Đức Anh, lĩnh vực du lịch hiện nay đang mở ra nhiều cơ hội mới, nhất là với xu hướng du lịch xanh, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm ngày càng được du khách quan tâm.

Để thích nghi với sự thay đổi liên tục của ngành du lịch và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ nhà tuyển dụng, sinh viên ngành Quản lý và Phát triển Du lịch cần chủ động trang bị cho mình một hệ thống kỹ năng toàn diện, bên cạnh kiến thức chuyên môn.

Trước hết, sinh viên cần thành thạo các công cụ công nghệ phục vụ cho ngành như phần mềm điều hành tour, hệ thống đặt chỗ (booking online), các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm du lịch, cũng như biết ứng dụng công cụ như video marketing, bản đồ số, trí tuệ nhân tạo trong truyền thông và thiết kế hành trình.

Thứ hai, rèn luyện khả năng diễn đạt rõ ràng, lắng nghe và xử lý tình huống linh hoạt với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Việc sử dụng tốt tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác như tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ giúp sinh viên mở rộng cơ hội nghề nghiệp, đặc biệt trong môi trường làm việc quốc tế hoặc phục vụ khách nước ngoài.

Trong bối cảnh xu hướng du lịch liên tục thay đổi – từ du lịch nghỉ dưỡng truyền thống đến du lịch trải nghiệm, du lịch xanh, cá nhân hóa sản phẩm, sinh viên cần biết quan sát, nắm bắt tâm lý khách hàng và điều chỉnh dịch vụ phù hợp.

Cuối cùng, hình thành tư duy đổi mới và tinh thần khởi nghiệp để tự phát triển các ý tưởng du lịch. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành mô hình du lịch cộng đồng, farmstay, homestay hay các tour trải nghiệm văn hóa bản địa.

“Việc trang bị đầy đủ các kỹ năng này không chỉ giúp sinh viên tự tin hơn khi bước vào thị trường lao động mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng thích nghi và phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch đầy năng động và tiềm năng”, anh Đức Anh cho hay.

ĐÀO HIỀN