Không còn công đoàn cơ sở ở trường công, vậy Ban Thanh tra nhân dân có giải tán?

07/07/2025 06:40
Trần Văn Tâm

GDVN - Nếu công đoàn trong trường học không còn thì Ban Thanh tra nhân dân cũng giải tán là phù hợp với chủ trương tinh giản bộ máy.

Trong bối cảnh đất nước sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các trường công lập cũng sắp xếp lại bộ máy cho gọn gàng, tập trung vào nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo học sinh.

Theo Công văn số 4133/TLĐ-ToC ngày 23/5/2025 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn công đoàn cơ sở như sau: “Thời gian dừng thu đoàn phí, kinh phí công đoàn đối với đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương ngân sách nhà nước, lực lượng vũ trang (không thuộc đối tượng tập hợp của Công đoàn Việt Nam) từ ngày 01/6/2025.” Điều này đồng nghĩa với việc công đoàn cơ sở trong trường học công lập sẽ không còn nữa.

Vậy, liệu Ban Thanh tra nhân dân cũng giải tán hay vẫn tiếp tục hoạt động là điều nhiều giáo viên băn khoăn. Câu hỏi này cần xem xét mối quan hệ giữa Công đoàn và Ban Thanh tra nhân dân theo các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 (Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022, do Quốc hội ban hành).

Mối quan hệ giữa Ban Thanh tra nhân dân và Công đoàn

Thứ nhất, điều kiện để thành lập Ban Thanh tra nhân dân được quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, như sau: “Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị do hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bầu gồm từ 03 đến 09 thành viên theo đề nghị của Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị.”

Theo người viết, nếu không có Ban Chấp hành Công đoàn đề nghị thì sẽ không có quá trình bầu cử và không thể thành lập Ban Thanh tra nhân dân.

Thứ hai, Công đoàn trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân hoạt động. Theo đó, khoản 1 Điều 62 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quy định rất rõ ràng: “Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị do Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động”.

Hơn nữa, khoản 2 Điều 62 cũng thể hiện rõ: “Căn cứ vào nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình công tác theo từng quý, 06 tháng và hằng năm”.

Có thể hiểu, Điều 62 khẳng định Công đoàn là cấp trực tiếp chỉ đạo, định hướng mọi hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Nếu Công đoàn không còn thì Ban Thanh tra nhân dân không còn chủ thể chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động một cách đúng luật.

to-kiem-phieu-bau-ban-ttnd.jpg
Công tác kiểm phiếu bầu thanh tra nhân dân trong trường học. (Ảnh minh họa do tác giả cung cấp)

Thứ ba, Công đoàn có trách nhiệm bảo đảm và hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Điều 63 quy định chi tiết:

“a) Giới thiệu nhân sự để hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bầu làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân; công nhận kết quả bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân; đề nghị cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân; tổ chức cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân để bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên;

b) Hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác; xem xét báo cáo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; tham gia hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân khi xét thấy cần thiết;

c) Xem xét, giải quyết kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân gửi đến người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc cấp có thẩm quyền;

d) Vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan, đơn vị phối hợp và tích cực hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân;

đ) Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân;

e) Thực hiện các nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị không tổ chức Ban Thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật.”

Có thể hiểu, Công đoàn vừa có trách nhiệm chỉ đạo vừa có trách nhiệm hỗ trợ về mặt nhân sự, tài chính và chuyên môn cho Ban Thanh tra nhân dân. Nếu Công đoàn không tồn tại nữa thì mọi sự hỗ trợ sẽ bị chấm dứt, Ban Thanh tra nhân dân không có phương hướng hoạt động.

Không còn Ban Thanh tra nhân dân phù hợp với bối cảnh hiện nay

Ban Thanh tra nhân dân trong trường học không chuyên trách, không được đào tạo chuyên môn, chủ yếu được hỗ trợ từ Công đoàn trường và tự nghiên cứu các văn bản chỉ đạo nên chất lượng hoạt động chưa cao.

Các thành viên Ban Thanh tra nhân dân trong trường học công lập thường là giáo viên kiêm nhiệm.

Nếu Công đoàn cơ sở trong trường học không còn thì Ban Thanh tra nhân dân cũng giải tán là phù hợp với chủ trương tinh giản bộ máy.

Trong bối cảnh dạy học chương trình mới, giáo viên có nhiệm vụ giáo dục và đào tạo học sinh thành những con người có phẩm chất và kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu là một thách thức không nhỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh trường học thiếu giáo viên như hiện nay, nếu Ban Thanh tra nhân dân giải tán thì Trưởng Ban không còn được giảm định mức giờ dạy 2 tiết/tuần, giáo viên có thể tăng thêm giờ dạy góp phần giảm bớt tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay.

Quan trọng là không còn mất thời gian để họp hành và làm hồ sơ sổ sách. Điều này giúp giáo viên dồn hết sức lực cho công tác chuyên môn chính của mình, nâng cao chất lượng giáo dục.

Hơn nữa, Ban Thanh tra nhân dân là một tổ chức có cơ cấu riêng (Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Ủy viên) và có quy chế làm việc riêng. Giải thể Ban Thanh tra nhân dân góp phần làm cho bộ máy trong nhà trường tinh gọn hơn, loại bỏ một đầu mối quản lý, tránh được hiện tượng hoạt động chồng chéo. Đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính, giấy tờ, báo cáo; dù không nhiều nhưng nếu không chi trả cho các hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cũng góp phần tiết kiệm ngân sách chung.

Cùng với đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 đã có các quy định rõ ràng về quyền giám sát của người dân và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc công khai, giải quyết kiến nghị; việc giải thể Ban Thanh tra nhân dân trong trường học công lập thực tế cũng không ảnh hưởng đến việc giám sát hoạt động của hiệu trưởng, các bộ phận chuyên môn trong nhà trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm