Chấm thi môn Ngữ văn: Không còn chuyện đếm ý cho điểm, viết dài để tạo lợi thế

10/07/2025 06:40
Trần Văn Tâm

GDVN - Bài thi đánh giá năng lực không những quan trọng về nội dung mà còn quan trọng cách sáng tạo giải quyết vấn đề.

Trong các kỳ thi, môn Ngữ văn luôn được nhiều người quan tâm, chú ý và nhận được nhiều ý kiến. Điều này cũng dễ hiểu bởi môn Ngữ văn là môn khoa học xã hội, mở ra không gian đóng góp ý kiến từ những góc nhìn khác nhau.

Theo nhận định của nhiều giáo viên và chuyên gia, về cơ bản, đề thi năm nay đã đáp ứng được yêu cầu của một đề thi đánh giá năng lực, đồng thời đảm bảo đúng theo cấu trúc đề minh họa.

Nếu trước đây, nhiều giáo viên chấm bài theo cách “đếm ý” cho điểm, lấy độ dài làm thước đo kết quả thì với bài thi năng lực, giáo viên cần thay đổi tư duy. Quan trọng nhất là đánh giá được cách đọc, cách viết và cách giải quyết một vấn đề phù hợp với lứa tuổi và thuyết phục nhất có thể.

Là giáo viên Ngữ văn trung học phổ thông, người viết có đôi điều chia sẻ về đáp án, thang điểm môn Ngữ văn của Bộ.

Đáp án đề thi Ngữ văn năm nay có nhiều “lưu ý” so với đáp án đề thi minh họa nhằm đảm bảo đánh giá đúng năng lực học sinh. Vì thế, chấm điểm bài thi đánh giá năng lực là một việc khó, đòi hỏi giáo viên nắm chắc yêu cầu cần đạt của môn Ngữ văn, nhạy bén trước tình huống mới lạ.

Bên cạnh đó, giáo viên cần nghiên cứu thật kỹ đáp án, hướng dẫn chấm và quan trọng nhất là thay đổi tư duy chấm thi, từ chấm bài thi nội dung sang chấm bài thi năng lực.

18-nguvan-hinh-anh-0.jpg
18-nguvan-hinh-anh-1.jpg
d-a-3.jpg
Đáp án, thang điểm bài thi Ngữ văn (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018).

Đáp án, hướng dẫn chấm yêu cầu toàn diện

Đáp án có “lưu ý chung” nêu rõ yêu cầu toàn diện của bài thi đánh giá năng lực và yêu cầu giám khảo xem xét bài thi một cách toàn diện, chấm điểm khuyến khích cho những bài thi sáng tạo, có cá tính:

“1. Đáp án được xây dựng theo yêu cầu đánh giá năng lực nên giám khảo cần tập trung xem xét phương hướng và cách thức giải quyết vấn đề của thí sinh, chú ý đánh giá nội dung bài làm theo hướng mở, khuyến khích sáng tạo, tránh áp đặt.

2. Giám khảo tuân thủ Đáp án, không tự xây dựng đáp án khác. Đối với những bài làm có ý tưởng riêng và cách diễn đạt, triển khai khác với Đáp án, giám khảo cần xem xét tính thuyết phục của bài viết để chấm điểm hợp lí.

3. Khi chấm bài, giám khảo đánh giá bao quát cả nội dung và hình thức, phát hiện và chấm điểm đúng những bài viết có cá tính, sáng tạo, chân thực và trong sáng; đối với những câu trả lời sai hoặc không trả lời thì chấm điểm 0.”

Cụ thể hơn, khi đánh giá năng lực đọc hiểu:

“Giám khảo đánh giá bài làm của thí sinh theo các yêu cầu cần đạt về đọc hiểu truyện của Chương trình Ngữ văn 2018, cụ thể:

- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện ngắn hiện đại; đánh giá được vai trò của những chi tiết quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.

- Biết liên tưởng mở rộng vấn đề để hiểu sâu hơn văn bản được đọc.

Bài làm chỉ cần trả lời ngắn gọn, đúng yêu cầu trọng tâm của các câu hỏi đọc hiểu; chấp nhận cách trình bày gạch đầu dòng các ý cần nêu.”

Và khi đánh giá năng lực viết:

“Giám khảo cần xem xét, đánh giá bài làm của thí sinh theo các yêu cầu cần đạt về viết văn nghị luận của Chương trình Ngữ văn 2018, cụ thể:

- Xác định, triển khai và làm sáng tỏ được vấn đề nghị luận theo một cấu trúc chặt chẽ, có mở đầu và kết thúc rõ ràng.

- Trình bày rõ được quan điểm và hệ thống các luận điểm phù hợp với bố cục đoạn văn hoặc bài văn nghị luận; bảo đảm yêu cầu cả về ý tưởng và hành văn.

- Lựa chọn được các thao tác nghị luận phù hợp; trình bày, sử dụng các lí lẽ xác đáng và bằng chứng thuyết phục.

- Thể hiện được ý tưởng cá nhân, có cách nhìn mang đậm cá tính.”

Các hướng dẫn này thể hiện một quan điểm chấm thi hiện đại, nhất quán từ phần đọc hiểu đến phần viết. Đó là chấp nhận các cách diễn đạt, triển khai khác với đáp án mẫu nhưng vẫn đảm bảo tính thuyết phục; xem xét cả nội dung và hình thức bài làm; chấm điểm những bài viết có phong cách riêng, sáng tạo, chân thực và trong sáng. Đây là hướng dẫn chấm tích cực, khuyến khích phát triển năng lực toàn diện của học sinh.

Phân bố điểm chi tiết, đánh giá đúng năng lực học sinh

Đánh giá năng lực còn thể hiện rõ nét qua cách phân bố điểm thành phần, đặc biệt trong câu viết đoạn và bài văn. Cơ cấu điểm không chỉ dành cho nội dung mà còn dành cho hình thức, sự sáng tạo và cách giải quyết vấn đề của học sinh.

Chẳng hạn, câu viết đoạn văn 2,0 điểm được phân bố như sau: “Xác định đúng vấn đề nghị luận; bảo đảm yêu cầu về hình thức, dung lượng”: 0,5 điểm; “Sáng tạo”: 0,25 điểm và yêu cầu nội dung nghị luận: 1,25 điểm. Tương tự, câu viết bài văn 4,0 điểm: “Xác định đúng vấn đề nghị luận, đảm bảo yêu cầu về dung lượng và sử dụng bằng chứng”: 1,0 điểm; “Sáng tạo”: 0,5 điểm và nội dung là 2,5 điểm.

Ngoài ra, trong từng phần nhỏ, cách phân bố điểm cũng rất chi tiết. Điều này để giám khảo ghi nhận những bài viết hiểu sâu và chính xác vấn đề. Chẳng hạn ở câu nghị luận xã hội, mục “giải thích được vấn đề nghị luận” chiếm 0,25 điểm. Nhưng hướng dẫn chấm yêu cầu “giải thích được hai cụm từ” (vùng trời quê hương, bầu trời Tổ quốc) được 0,25 điểm, hoặc “giải thích được một cụm từ” vẫn chấm 0,25 điểm. Điều này cho thấy có sự linh hoạt nhất định trong việc đánh giá mức độ hiểu của học sinh.

Tóm lại, hướng dẫn chấm chia nhỏ từng yêu cầu với các thang điểm nhỏ nhằm giúp giám khảo có cơ sở rõ ràng để chấm. Tuy nhiên, không nên “đếm ý” cho điểm, bởi đó không phải là bản chất của đánh giá năng lực, mà cách phân tích, giải quyết vấn đề, khả năng mở rộng vấn đề và rút ra bài học mới là bản chất.

Đáp án cũng có dành điểm cho những bài viết “Có những ý đột phá, vượt ra ngoài Đáp án nhưng có sức thuyết phục” hoặc “Có cách diễn đạt tinh tế, độc đáo”. Điểm mới này nhằm ghi nhận và khuyến khích khả năng thể hiện cá tính, cùng với khả năng sử dụng ngôn ngữ của học sinh.

Có thể nói, đáp án và những lưu ý hướng dẫn chấm phù hợp với định hướng đánh giá năng lực. Điều quan trọng nữa là giám khảo cần phát huy tối đa năng lực của mình để đánh giá đúng năng lực bài làm của học sinh, góp phần hoàn thành mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm