Dù còn khó khăn nhưng nhiều CSGDĐH nỗ lực đưa tiếng Anh vào chương trình đại trà

22/07/2025 06:24
Mạnh Dũng

GDVN - Mặc dù gặp không ít khó khăn trong triển khai, nhiều CSGDĐH vẫn đang nỗ lực cải thiện tiếng Anh cho sinh viên chương trình đại trà.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người học và từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học như Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đặt ra những nhiệm vụ quan trọng cho mỗi cơ sở giáo dục đại học.

Trên thực tế, mặc dù gặp một số khó khăn, nhưng nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn đang nỗ lực đưa tiếng Anh vào chương trình đào tạo, đặc biệt là chương trình đại trà hướng tới đưa ngôn ngữ này sớm trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Để hội nhập quốc tế cần cải thiện tiếng Anh cho cả sinh viên chương trình đại trà

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng cho biết, nhằm xây dựng môi trường học thuật, nơi tiếng Anh không chỉ được học như một môn học, mà còn được sử dụng như công cụ để tiếp thu tri thức chuyên môn, trong những năm qua, một số chương trình đào tạo đại trà của nhà trường đã được triển khai giảng dạy hoàn toàn hoặc một phần bằng tiếng Anh.

Trong đó, các chương trình liên kết đào tạo và khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ của trường với các trường đại học uy tín ở nước ngoài như Hoa Kỳ, Úc, Anh, New Zealand,…đã tạo điều kiện để sinh viên được học tập trong môi trường chuẩn quốc tế, tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại.

Bên cạnh việc triển khai các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, để cải thiện tiếng Anh cho sinh viên, nhà trường cũng chú trọng đến việc mời giảng viên nước ngoài, đặc biệt là giảng viên bản ngữ đến trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn học thuật, tham gia xây dựng nội dung học phần, cố vấn chương trình và tổ chức các chuyên đề dành cho sinh viên.

Theo thầy Long, việc sinh viên được học tập và tương tác với giảng viên đến từ các quốc gia nói tiếng Anh không chỉ góp phần nâng cao kỹ năng ngôn ngữ, mà còn giúp các em phát triển tư duy phản biện, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa, cũng như tăng cường sự tự tin khi tham gia các hoạt động học thuật quốc tế. Đồng thời, nhà trường thường xuyên tổ chức các chương trình tọa đàm và hội thảo học thuật giữa giảng viên quốc tế và giảng viên nhà trường.

"Đây là những diễn đàn học thuật thiết thực, nơi các bên có thể trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, cập nhật xu hướng đào tạo ngôn ngữ hiện đại và cùng nhau nâng cao năng lực chuyên môn. Thông qua đó, đội ngũ giảng viên của nhà trường không chỉ được phát triển năng lực chuyên môn, mà còn được truyền cảm hứng để tham gia vào quá trình hội nhập giáo dục, thích ứng với những yêu cầu đổi mới trong giáo dục đại học hiện nay.

Cùng với đó, việc đầu tư và sử dụng giáo trình quốc tế, kết hợp với nguồn học liệu số phong phú bằng tiếng Anh nhằm giúp sinh viên tiếp cận các tài liệu học tập cập nhật, mang tính toàn cầu cũng đã được trường triển khai thực hiện. Từ đó, góp phần hình thành thói quen học tập, tư duy và nghiên cứu bằng tiếng Anh ngay trong môi trường đại học", thầy Long nhấn mạnh.

pgs-ts-nguyen-van-long-1287-5014.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Website trường

Còn tại Trường Đại học Hồng Đức, việc nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên nói chung và sinh viên học hệ đại trà nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong và ngoài nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để giúp sinh viên chương trình đại trà cải thiện năng lực tiếng Anh, nhà trường đã sử dụng giáo trình quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh đối với một số học phần kỹ thuật và công nghệ giúp sinh viên tiếp cận tri thức toàn cầu.

Đồng thời, trường hợp tác chặt chẽ với Văn phòng Tiếng Anh khu vực (RELO) của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội để tiếp nhận chuyên gia Fulbright, trợ giảng tiếng Anh đến trực tiếp giảng dạy cho sinh viên. Điều này không chỉ giúp sinh viên cải thiện khả năng ngôn ngữ, mà còn được tiếp xúc với phong cách học tập hiện đại, đa văn hóa.

Với mục tiêu xây dựng một môi trường học thuật đa ngôn ngữ, trong đó tiếng Anh giữ vai trò chủ đạo bên cạnh tiếng Việt, nhà trường đang mở rộng các học phần được giảng dạy theo hình thức song ngữ, đặc biệt trong các lĩnh vực như khoa học công nghệ, kinh tế và quản lý. Bên cạnh đó, trường cũng lên kế hoạch để triển khai giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh trong tương lai gần ở một số ngành đào tạo.

Ngoài ra, việc khuyến khích giảng viên tăng cường sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, kết nối học thuật với các đồng nghiệp quốc tế cũng được trường chú trọng. Trong tương lai gần, trường sẽ tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực dạy học bằng tiếng Anh, từ đó từng bước nâng tầm chất lượng đào tạo của nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh Website trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh Website trường

Chủ động đưa tiếng Anh vào chương trình đào tạo, trong đó có chương trình đại trà bằng nhiều hình thức cũng là việc được Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng trong nhiều năm nay.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc tổ chức các học phần tiếng Anh tăng cường cho sinh viên với thời lượng 12 tín chỉ (3 học phần) trong tất cả các chương trình đào tạo, nhà trường cũng tổ chức giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh trong hầu hết các chương trình đào tạo trong đó có chương trình đại trà. Theo đó, sinh viên được học một phần hoặc toàn bộ một số học phần bằng song ngữ Anh - Việt, có tổ chức kiểm tra, đánh giá.

Cũng theo thầy Thắng, việc đưa tiếng Anh vào chương trình đào tạo và trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường gặp không ít khó khăn. Cụ thể, vùng tuyển sinh của nhà trường trong những năm qua mặc dù đã mở rộng, nhưng đối tượng chủ yếu vẫn là học sinh vùng nông thôn có cơ hội được tiếp cận với tiếng Anh hạn chế, dẫn tới chất lượng đầu vào về tiếng Anh của sinh viên không cao và không đồng đều.

Cùng với đó, trong những năm gần đây, mặc dù giảng viên tiếng Anh của trường luôn “hoạt động hết công suất”, nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu học tiếng Anh trong trường, nhất là đối với số lượng lớn sinh viên không chuyên tiếng Anh.

Ngoài ra, một bộ phận giảng viên mặc dù có năng lực tiếng Anh tốt, nhưng chưa đủ tự tin trong việc giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh.

Từ thực tiễn trên, nhà trường đã xây dựng lộ trình nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên, tạo môi trường tiếp cận bình đẳng, rút ngắn khoảng cách về năng lực tiếng Anh của sinh viên trúng tuyển. Đồng thời, trường chú trọng tuyển những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để nâng cao chất lượng đầu vào.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, trường đã tuyển dụng thêm giảng viên dạy tiếng Anh đủ chuẩn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy ngày càng cao trong nhà trường.

Đặc biệt, việc thường xuyên khảo sát nhu cầu, có thêm chính sách hỗ trợ học tiếng Anh và bồi dưỡng năng lực giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh cho giảng viên của trường để từng bước nâng cao năng lực tiếng Anh học thuật cũng được trường đẩy mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh Website trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh Website trường

Loạt giải pháp gỡ khó để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Để nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc, tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ mới, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hoạt động dạy và học tiếng Anh tăng cường trong nhà trường, từng bước đưa tiếng Anh trở thành phương tiện cho các hoạt động học thuật trong trường học.

Thứ hai, thường xuyên rà soát, cập nhật các học phần tiếng Anh trong chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện các kỹ năng của người học, giúp người học có thể sử dụng được tiếng Anh linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động chuyên môn.

Thứ ba, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo cho giảng viên nhằm nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, nghiên cứu và hợp tác.

Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, trao đổi với các tổ chức quốc tế, tận dụng các nguồn lực để phát triển chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn, do là một trường đại học địa phương nên trong quá trình triển khai đưa tiếng Anh vào chương trình đại trà và từng bước đưa ngôn ngữ này trở thành ngôn ngữ thứ hai trong giảng dạy, nhà trường cũng đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, có thể kể đến như trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên không chuyên ngữ còn hạn chế, chưa đồng đều khiến việc tiếp nhận kiến thức học thuật bằng tiếng Anh gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, mặc dù đội ngũ giảng viên của trường có chuyên môn vững vàng, nhiều thầy cô được đào tạo ở nước ngoài và có năng lực tiếng Anh tốt, nhưng phần lớn vẫn chưa được đào tạo bài bản về phương pháp giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh. Đây là một thách thức lớn khi trường chuyển đổi từ giảng dạy đơn ngữ sang song ngữ hoặc toàn phần bằng tiếng Anh.

Trước những khó khăn trên, nhà trường đã chủ động triển khai nhiều giải pháp linh hoạt. Trong đó có việc khuyến khích giảng viên xây dựng đề cương chi tiết cho các học phần chuyên ngành bằng tiếng Anh. Đồng thời, ban hành chính sách ưu đãi về giờ dạy cho giảng viên. Cụ thể, giờ giảng của giảng viên cho những học phần tiếng Anh được tính gấp đôi so với các học phần khác, nhằm ghi nhận nỗ lực của giảng viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo.

hoi-thao-dh-hong-duc.jpg
Hội thảo khoa học: “Công nghệ trong dạy học ngoại ngữ cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức”. Ảnh website trường

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, bên cạnh việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng luôn chú trọng tạo ra môi trường giáo dục mang tính quốc tế hóa toàn diện, nhằm giúp sinh viên không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn có năng lực giao tiếp liên văn hóa, kỹ năng toàn cầu và tư duy hội nhập.

Ngoài việc thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học và tổ chức giáo dục quốc tế, trường cũng tổ chức các hoạt động liên văn hóa ngay tại nhà trường và các hoạt động giao lưu, trao đổi, hợp tác cùng sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam.

Về mặt định hướng nghề nghiệp, nhà trường kết nối với doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các đơn vị sử dụng lao động có yếu tố nước ngoài để tổ chức hội thảo hướng nghiệp, ngày hội việc làm, cũng như các buổi chia sẻ kỹ năng làm việc trong môi trường toàn cầu. Đồng thời, mời các chuyên gia, cựu sinh viên làm việc ở nước ngoài về chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng và giúp sinh viên cập nhật xu hướng của thị trường lao động quốc tế.

Những hoạt động trên không chỉ giúp sinh viên rèn luyện ngoại ngữ trong môi trường thực tiễn, mà còn hình thành tư duy mở, tinh thần cầu thị và khả năng thích ứng toàn cầu, từ đó nâng cao cơ hội học tập và khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập.

Sinh viên Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng trong một buổi tập huấn kỹ năng mềm bằng tiếng Anh. Ảnh website trường

Sinh viên Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng trong một buổi tập huấn kỹ năng mềm bằng tiếng Anh. Ảnh website trường

Thầy Long cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, năng lực sử dụng tiếng Anh không chỉ là một lợi thế, mà đã trở thành nền tảng thiết yếu để người học có thể tiếp cận tri thức quốc tế, học tập suốt đời và tham gia hiệu quả vào thị trường lao động khu vực và toàn cầu.

Để nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho người học một cách bền vững, thầy Long cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ từ cả phía cơ sở giáo dục, người học và các cấp quản lý.

Trước hết, ở cấp hệ thống, cần xây dựng một lộ trình phát triển năng lực tiếng Anh mang tính chiến lược, liên thông giữa các bậc học, từ phổ thông đến đại học và sau đại học. Chúng ta không nên chỉ dừng lại ở tiếng Anh để thi cử, mà cần hướng đến phát triển năng lực sử dụng tiếng Anh phục vụ học thuật, nghề nghiệp và đời sống thực tiễn. Muốn làm được điều này, chương trình giảng dạy tiếng Anh cần được cập nhật theo hướng thực tiễn, tăng tính ứng dụng, đồng thời tích hợp dạy ngôn ngữ với dạy nội dung (ví dụ như phương pháp CLIL – Content and Language Integrated Learning).

Các cơ sở giáo dục cần tăng cường cơ hội cho người học được tiếp xúc với môi trường học tập và làm việc bằng tiếng Anh, thông qua các hoạt động ngoại khóa, học liệu số, giao lưu quốc tế, hoặc hợp tác doanh nghiệp sử dụng tiếng Anh trong công việc. Môi trường học tập có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì và phát triển năng lực ngoại ngữ. Vì vậy, bản thân các trường đại học cũng cần xây dựng môi trường học thuật và sinh hoạt sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên, khuyến khích mạnh mẽ.

"Về phía người học, tôi cho rằng cần thay đổi nhận thức, bởi học tiếng Anh không phải chỉ để thi, mà còn là để tự mở rộng cơ hội cho chính mình. Tinh thần tự học, chủ động tiếp cận tài nguyên học tập mở, và không ngừng rèn luyện qua trải nghiệm thực tiễn là những yếu tố then chốt để xây dựng năng lực tiếng Anh thực chất.

Cuối cùng, cần có cơ chế ghi nhận và khuyến khích đối với những cá nhân và tập thể tiên phong trong việc sử dụng tiếng Anh vào học tập, nghiên cứu và làm việc. Đây sẽ là động lực thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ học tiếng Anh sang sử dụng tiếng Anh trong mọi lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam trong thời kỳ mới”, thầy Long bày tỏ.

Mạnh Dũng