Phó Chủ tịch QH gợi mở một số nhiệm vụ của Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới

08/07/2025 14:36
Mộc Hương (Tổng hợp)

GDVN-Những kết quả đã đạt trong 6 tháng đầu năm là tiền đề rất quan trọng, nhưng nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Sáng ngày 08/7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2025 họp thường lệ giữa năm 2025 (Kỳ họp thứ 25). Kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 8-10/7, dự kiến 16 báo cáo và 21 nghị quyết về các chính sách quan trọng liên quan phát triển kinh tế - xã hội sẽ được Hội đồng nhân dân thành phố quyết nghị tại kỳ họp.

Đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện nhiều lĩnh vực

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, trong những tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực còn nhiều biến động phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cả nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội.

z6782476553387209ff83a0615d16e92977729d3f7e3c0-175194118415275810023-90-0-850-1216-crop-1751941195996932336917.jpg
Bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: hanoi.gov.vn.

Song, bám sát chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, cùng với đó là sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Cả thành phố có 126 xã, phường đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và mở ra không gian phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

Thành phố đã sớm kiện toàn hệ thống chính trị tại các xã, phường mới; hướng dẫn tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã lần đầu theo đúng luật định, đảm bảo chính quyền mới vận hành thông suốt, hiệu quả ngay từ đầu. Đến nay, việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp trên địa bàn thành phố cơ bản đi vào hoạt động ổn định và bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Kinh tế - xã hội của Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả khả quan: tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GRDP của Thành phố đạt 7,63%, cao hơn cùng kỳ năm trước (năm trước tăng 6,13%) và cao hơn bình quân chung của cả nước (tăng 7,52%); các cân đối lớn được đảm bảo; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố là 392,2 ngàn tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước; môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 3,7 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ; khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội tăng cao, đạt 3.694 nghìn lượt người, trong đó, khách quốc tế đạt 2.636 nghìn lượt người, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Công tác quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; Chương trình xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được quan tâm; Các lĩnh vực văn hóa, y tế và tôn tạo di tích được đặc biệt quan tâm đầu tư; Giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu toàn quốc về chất lượng; Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chăm lo, đời sống Nhân dân được cải thiện, nâng lên.

Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, giải pháp để khắc phục triệt để, kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, nước thải, chất thải, kiểm soát ô nhiễm không khí… kiên quyết xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, từng bước hồi sinh các dòng sông, đặc biệt là sông Tô Lịch, phấn đấu các dòng sông trong nội đô “Sạch - Sáng”.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược như: Tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô năm 2024, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; triển khai kịp thời, hiệu quả 04 Nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị về đổi mới, cải cách, đột phá và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

“Có thể khẳng định, Thủ đô Hà Nội đạt được kết quả nêu trên là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, trong đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành ủy, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố; sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và sự ủng hộ của cử tri, Nhân dân Thủ đô và đặc biệt là sự chủ động, đồng hành, tham gia tích cực, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân thành phố và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố” - Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài khẳng định.

Tập trung lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để giám sát, chất vấn, giải trình

Nhấn mạnh những kết quả đạt được của Thủ đô Hà Nội trong 6 tháng đầu năm là tiền đề rất quan trọng, nhưng nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài gợi mở, nhấn mạnh một số nội dung sau:

Một là, tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ thảo luận, quyết nghị các nội dung quan trọng của 6 tháng cuối năm 2025 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách và đầu tư công 6 tháng đầu năm 2025 của thành phố; các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để thảo luận kỹ lưỡng, đặc biệt là phân tích, dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của thành phố đảm bảo sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao, trong đó cần đặc biệt quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng qua 04 Nghị quyết trụ cột đã được ban hành trong thời gian vừa qua, nhất là khi thành phố chuyển sang triển khai vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp từ ngày 01/7/2025.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ưu tiên dành cho thành phố (như Luật Thủ đô 2024, các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân khi thảo luận, xem xét các nghị quyết cần phải đặt trong tầm nhìn dài hạn, với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đồng thời, các nghị quyết phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm. Chính sách ban hành phải khả thi, phải giảm bớt thủ tục, phải thực sự đi vào cuộc sống. Hội đồng nhân dân cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát để đảm bảo chính sách thực sự đi vào cuộc sống, không nằm trên giấy.

Ba là, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Phải chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ phải xác định rõ vai trò, chức năng của mình. Các nội dung công việc phải được thực hiện một cách quyết liệt, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm.

Sự thành công của Luật Thủ đô, của chuyển đổi số, hay của bất kỳ chủ trương nào khác đều phụ thuộc vào con người, vào đội ngũ cán bộ. Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đề nghị mỗi vị đại biểu Hội đồng nhân dân, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần phát huy trí tuệ, bản lĩnh, liêm chính và tinh thần xây dựng, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm có thể nảy sinh trong quá trình xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục chủ động, tích cực, đổi mới hơn nữa, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Tập trung lựa chọn các lĩnh vực được Thành ủy tập trung chỉ đạo; những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri, dư luận quan tâm để giám sát, chất vấn, giải trình.

“Với tinh thần và quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025, chúng ta tin tưởng rằng, kỳ họp thứ 25 Hội đồng nhân dân thành phố sẽ hoàn thành tốt các nội dung và phát huy được trí tuệ, sự sáng tạo và tinh thần đổi mới của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân để quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố” - Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.

Một số nhiệm vụ trọng tâm để xứng đáng với vị trí, vai trò quan trọng của Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 25 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt, ngay sau thành công của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV - một kỳ họp được đánh giá là mang tính lịch sử.

screenshot-2025-07-08-142035.png
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Kỳ họp thứ 25 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Ảnh: kinhtedothi.vn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi sát sao và đánh giá rất cao những bước đi tiên phong, quyết liệt và hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong việc triển khai các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Một trong những thành tựu nổi bật và đáng ghi nhận nhất của Hà Nội trong thời gian qua chính là việc đi đầu cả nước trong công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Thành phố đã thể hiện quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt khi giảm từ 526 đơn vị hành chính xuống còn 126 đơn vị, giảm 76%.

“Con số này vượt xa mục tiêu từ 60-70% mà Trung ương đề ra, cho thấy sự nỗ lực phi thường và tinh thần trách nhiệm của Thủ đô” - Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh biểu dương.

Bên cạnh đó, quá trình sắp xếp đã được triển khai một cách bài bản, khoa học, tạo được sự đồng thuận cao trong cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương. Qua giám sát và thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện tại các đơn vị mới đã đi vào vận hành thông suốt, hiệu quả, không gây đứt gãy, gián đoạn hay tạo độ trễ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Điều này khẳng định năng lực tổ chức thực tiễn và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của thành phố.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị Thủ đô đã được thực hiện một cách nghiêm túc, chủ động, tạo được sự đồng thuận cao trong cử tri và nhân dân, xứng đáng là hình mẫu để các địa phương khác học tập, noi theo” - Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp với những xung đột địa chính trị khó lường, tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước, Hà Nội vẫn vững vàng vượt qua thách thức, đạt được những kết quả phát triển kinh tế - xã hội hết sức tích cực.

Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của thành phố ước đạt 7,63% - 7,69%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng của cả nước (7,2%)… Các chỉ số về thu hút đầu tư xã hội cũng ghi nhận những kết quả rất tích cực, cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của Thủ đô ngày càng hấp dẫn…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tầm nhìn và sự quyết liệt của Hà Nội trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện các quy hoạch lớn. Việc triển khai hiệu quả Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng, khơi thông các nguồn lực và tạo đà cho sự phát triển đột phá.

Công tác quy hoạch đã được đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị được đầu tư mạnh mẽ với nhiều dự án, công trình trọng điểm.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, việc Quốc hội phân cấp cho thành phố thẩm quyền quyết định các dự án cầu vượt sông Hồng - vốn trước đây là công trình quan trọng quốc gia - là minh chứng cho sự tin tưởng của Trung ương và tạo điều kiện để Hà Nội chủ động hơn trong phát triển hạ tầng giao thông kết nối.

Với những thành tựu trên, vị thế của Thủ đô không chỉ là nơi thực thi mà còn là nơi tiên phong, đi đầu và là hình mẫu trong việc hiện thực hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước…

Trong những thành tựu chung của thành phố, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, không thể không nhắc đến sự đóng góp quan trọng, trách nhiệm và hiệu quả của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hội đồng nhân dân thành phố đã thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, bám sát các chủ trương của Trung ương và Thành ủy, kịp thời thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn.

screenshot-2025-07-08-142145.png
Kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 (Kỳ họp thứ 25) của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Ảnh: kinhtedothi.vn.

Qua 25 kỳ họp thường lệ và 15 kỳ họp chuyên đề, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành 339 nghị quyết, trong đó có nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết, kịp thời tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển. Đặc biệt, việc ban hành 11 nghị quyết ngay trước thời điểm triển khai mô hình chính quyền đô thị hai cấp đã thể hiện sự chủ động và trách nhiệm cao, đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra trơn tru.

Hoạt động giám sát, chất vấn và giải trình tiếp tục là điểm sáng với cách làm đổi mới, khoa học, quyết liệt. Nội dung giám sát luôn tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, được cử tri và nhân dân quan tâm. Việc triển khai hiệu quả Đề án số 15 về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần đưa hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày càng chuyên nghiệp, thực chất.

“Hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục là điểm sáng, là hình mẫu tiêu biểu cho các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sự lan tỏa về tinh thần đổi mới, thực chất, hiệu quả từ Quốc hội đến Hội đồng nhân dân thành phố đã tạo ra một sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy sự phát triển chung” - Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực và kết quả mà Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và nhân dân Thủ đô đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Để xứng đáng với vị trí, vai trò quan trọng của Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh và gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó:

Thứ nhất, cần tạo ra các giải pháp đột phá để tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực và đổi mới mô hình tăng trưởng. Thành phố cần tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công các đột phá chiến lược; tháo gỡ triệt để các ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Cần xây dựng một bản sắc kinh tế mới dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm những không gian phát triển mới. Chủ động ban hành các cơ chế, chính sách để khai thác hiệu quả Luật Thủ đô và cụ thể hóa các quy hoạch chung, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng.

Thứ hai, tập trung nguồn lực tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh và hiện đại. Cần đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các quy hoạch, thiết kế đô thị, gắn quy hoạch với kế hoạch triển khai cụ thể. Trong đó, đặc biệt chú trọng các dự án lớn như quy hoạch hai bờ sông Hồng, khu vực Tây Hồ Tây. Quyết liệt giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như: tình trạng ngập úng cục bộ; cải tạo các khu chung cư cũ; khai thác hiệu quả không gian ngầm, tạo lập thêm không gian công cộng… Về giao thông, cần sớm triển khai đầu tư xây dựng các cây cầu lớn, các tuyến đường vành đai, các tuyến đường sắt đô thị, sân bay…

Thứ ba, tiếp tục rà soát, hoàn tất công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và vận hành thông suốt từ thành phố đến cơ sở. Đặc biệt quan tâm đến việc bố trí đội ngũ cán bộ phù hợp sau sắp xếp. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm gián đoạn, chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cần khuyến khích và bảo vệ những cán bộ có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thứ tư, triển khai hiệu quả các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; đồng thời, tập trung chỉ đạo, chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng và công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Mộc Hương (Tổng hợp)