Hiện tại, nhiều tỉnh, thành phố đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm học 2025-2026. Đáng chú ý, tại một số địa phương, nhiều trường trung học phổ thông thông báo mức điểm chuẩn khá thấp, thậm chí có trường điểm chuẩn chưa tới 5 điểm cho 3 môn (chỉ hơn 1,5 điểm/1 môn đã trúng tuyển).
Theo đó, tại tỉnh Quảng Ninh, theo ghi nhận của phóng viên, Trường Trung học phổ thông Bình Liêu có ngưỡng trúng tuyển là 4,6 điểm (cách tính điểm chuẩn = tổng 3 môn thi cộng lại), Trường Trung học phổ thông Đông Triều ngưỡng trúng tuyển là 5,5 điểm, Trường Trung học phổ thông Hải Đảo ngưỡng trúng tuyển là 6,6 điểm.
Đối chiếu với điểm chuẩn 2 năm trước đó (điểm chuẩn được tính = Toán x2 + Ngữ văn x2 + tiếng Anh), điểm chuẩn của các trường này cũng ở ngưỡng tương đối thấp.
Cụ thể, năm học 2023-2024, Trường Trung học phổ thông Bình Liêu điểm chuẩn là 9,5 điểm; năm học 2024-2025 điểm chuẩn của trường giảm còn 8,25 điểm.
Trường Trung học phổ thông Hải Đảo có điểm chuẩn năm học 2023-2024 dao động từ 6,75-16,75 điểm tùy nhóm đối tượng xét tuyển; năm học 2024-2025, điểm chuẩn của trường dao động từ 3,5-14,25 tùy nhóm đối tượng xét tuyển.
Còn đối với Trường Trung học phổ thông Đông Triều, điểm chuẩn 2 năm trước đó đều là 22 điểm.
Vì sao điểm trúng tuyển thấp?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đinh Quốc Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) thông tin: Năm nay, địa phương ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên phân bổ chỉ tiêu hơi vượt quá số lượng học sinh có nhu cầu học. Điều đó dẫn đến số lượng thí sinh thi vào không đủ so với chỉ tiêu được giao. Chính vì thế nhà trường hạ điểm chuẩn cũng là để tạo điều kiện cho các thí sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo.

Thầy Tuấn cho hay, năm nay trường được giao 270 chỉ tiêu, nhưng nhà trường hiện mới tuyển được 248 học sinh, thiếu 22 học sinh so với chỉ tiêu được giao. Trong đó chỉ có 1 học sinh có mức điểm thấp nhất bằng với điểm chuẩn (4,6 điểm).
“Nguyên nhân là do phân vùng chỉ tiêu, nhà trường được giao nhiều chỉ tiêu hơn để tạo điều kiện cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường. Việc điểm chuẩn thấp là do bạn cuối cùng có điểm thấp, đó cũng là 1 bạn duy nhất. Còn học sinh điểm cao nhất trúng tuyển vào trường vẫn có bạn đạt 26 điểm.
Chính vì vậy, điều này không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Về cơ bản nhà trường muốn tạo điều kiện cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số để các em được học tập vì ở đó không có trường tư thục, chỉ có trường công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Liêu chia sẻ.
Tại Trường Trung học phổ thông Hải Đảo (Vân Đồn, Quảng Ninh), thầy Trần Văn Tân, hiệu trưởng nhà trường thông tin: Mức điểm chuẩn của trường phụ thuộc nhiều vào chỉ tiêu tuyển sinh.
“Nhà trường có năm được giao chỉ tiêu 8 lớp, có năm được giao 9 lớp. Khi số lượng chỉ tiêu đầu vào ít thì điểm chuẩn sẽ tăng. Còn 2 năm gần đây, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh của trường được giao tăng lên 10 lớp nên cần tuyển nhiều học sinh hơn. Khi số học sinh nhiều hơn thì điểm chuẩn sẽ giảm đi. Tuy nhiên, việc điểm chuẩn thấp cũng một phần do chất lượng giáo dục của từng khu vực. Có vùng chất lượng giáo dục cũng chưa tốt nên điểm đầu vào khá thấp.
Năm nay nhà trường được giao 450 chỉ tiêu, số lượng học sinh có điểm đầu vào thấp chủ yếu ở bản Sen - một xã đảo còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. Khu vực ấy có 17 học sinh dự thi, nhà trường lấy 15 chỉ tiêu.
Còn các học sinh ở khu vực trung tâm thì điểm đầu vào cao hơn. Những học sinh điểm ở top dưới khoảng 9,0 điểm có một vài học sinh còn đa số học sinh có mức điểm dao động từ 15-20 điểm”, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Như vậy có thể thấy nguyên nhân khiến điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 của một số trường thấp chủ yếu do nhu cầu vào lớp 10 của học sinh thấp hơn số lượng chỉ tiêu được giao. Thậm chí có những trường đã “gạn đục khơi trong”, hạ điểm chuẩn “vét” đến học sinh cuối cùng vẫn không tuyển sinh đủ chỉ tiêu được giao.
Đáng chú ý, số lượng học sinh có mức điểm thấp chủ yếu tập trung ở khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Điều đó cho thấy khoảng cách về chất lượng giáo dục của nhiều địa phương vẫn còn khá lớn giữa khu vực vùng sâu vùng xa với vùng trung tâm, đòi hỏi các trường cần không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.
Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy học
Khi chuẩn đầu vào trường trung học phổ thông thấp cũng là thách thức với nhà trường, để khắc phục thực trạng này, cần có giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục từ bậc trung học cơ sở. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giáo viên, cùng với việc kiểm tra – đánh giá sát với năng lực thực chất của học sinh là những bước đi cần thiết và cấp bách.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hải Đảo, nhìn chung chất lượng giáo dục ngoài đảo cũng không được như khu vực trung tâm. Các em học sinh ngoài đảo điều kiện sinh hoạt và học tập cũng khó khăn. Để di chuyển tới trường học, các em phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Nhà trường đã chuẩn bị chỗ nghỉ nội trú cho học sinh ở lại cả tuần, đảm bảo cho các em yên tâm học hành và từng bước nâng cao chất lượng.
“Nhìn chung những bạn có điểm đầu vào thấp 6,6 hoặc 9,0 điểm thì trong quá trình học tập nhận thức của các em cũng đuối hơn những bạn khác. Điều đó đòi hỏi thầy cô nhà trường cần quan tâm sát sao hơn với từng em. Bên cạnh đó bản thân các em cũng cần nỗ lực để theo kịp tiến độ chương trình”, thầy Tân nhấn mạnh.

Theo thông tin giới thiệu trên website, Trường Trung học phổ thông Hải Đảo có quy mô nhà trường gồm 27 lớp, 1.132 học sinh, trong đó: Khối 10 có 9 lớp với 413 học sinh; Khối 11 có 9 lớp với 374 học sinh; Khối 12 có 9 lớp với 345 học sinh.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường là 68 người, trong đó có 3 cán bộ quản lý, 56 giáo viên, 4 nhân viên, 5 hợp đồng lao động phục vụ, hỗ trợ (16 thạc sĩ, 46 đại học, 1 trung cấp, 3 người có cao cấp lý luận chính trị; 7 người có trung cấp lý luận chính trị).
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Liêu cho biết, việc mức điểm chuẩn thấp không phản ánh điểm số hay chất lượng của đại đa số học sinh mà chỉ có 1 vài trường hợp đặc biệt. Điều đó không ảnh hưởng quá lớn đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên với học sinh có điểm thấp cũng cần cố gắng rất nhiều để theo kịp tiến độ của các bạn.

Thầy Tuấn cho biết thêm, nhà trường cũng mới được đầu tư xây dựng nên vẫn đang thừa phòng học. Lộ trình trong vài năm tới là trường đảm bảo lấp đầy 18 lớp, tuy nhiên hiện tại nhà trường mới dự kiến năm tới có 16 lớp.
Theo thông tin giới thiệu trên website, giai đoạn từ năm 2007 đến nay, Trường Trung học phổ thông Bình Liêu giữ ổn định ở quy mô 15 lớp với trên 500 học sinh và 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên; dự kiến đến năm 2030, quy mô của nhà trường sẽ phát triển lên 18 lớp với trên 800 học sinh và 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Từ năm học 2023-2024, Trường Trung học phổ thông Bình Liêu chuyển ra địa điểm mới tại khu Bình Quân, thị trấn Bình Liêu với diện tích đất trên 20.000 m2, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt các yêu cầu về tổ chức các hoạt động giáo dục và phong trào.