Hà Nội: Tỉ lệ học sinh học tư thục chưa đạt mục tiêu, làm gì để tạo đột phá?

15/07/2025 06:38
Mộc Trà

GDVN- Với nhiều thế mạnh huy động xã hội hóa, Hà Nội đã phát triển hệ thống CSGD đa dạng, song, tỉ lệ HS tư thục vẫn chưa đạt mục tiêu.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2019 về tăng cường huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 do Chính phủ ban hành, đã cho thấy có những chuyển biến tích cực của giáo dục tư thục trong hệ thống giáo dục nói chung.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt được như mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 35, thậm chí, ngay tại thành phố lớn như Hà Nội, cũng còn những tiêu chí chưa đạt.

gdvn-marrie-currie.jpg
Một giờ học tại trường tư thục trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Mộc Trà.

Tỉ lệ người học tư thục tại Hà Nội vẫn chưa đạt theo mục tiêu

Ngày 04/6/2019, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Mục tiêu của Nghị quyết số 35 là: Đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỉ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.

Đặc biệt, Nghị quyết số 35 đặt mục tiêu mở rộng số cơ sở cũng như số lượng người học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập đối với từng cấp học. Cụ thể:

Đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc có số trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh do di dân cơ học, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt tỉ lệ ít nhất là 20%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 25%; đến năm 2025, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt 25% với số trẻ em theo học đạt 30%.

Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các trường phổ thông ngoài công lập đạt lần lượt là 2,3% và 2,6%; đến năm 2025, tỉ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các cơ sở ngoài công lập là 2,7% và 3%.

Đối với giáo dục đại học, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đạt 28% và số sinh viên theo học đạt 18%; đến năm 2025, đạt tỉ lệ tương ứng là 30% và 22,5%.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt 35%; đến năm 2025, đạt tỉ lệ 40%.

screenshot-2025-07-11-110242.png
Tỉ lệ cơ sở giáo dục tư thục và người học tư thục trên cả nước vào năm học 2023-2024. (Số liệu: Theo thống kê giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai trên website từ ngày14-15/5/2025).

So với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 35, bên cạnh các tiêu chí khác, tỉ lệ trẻ mầm non ngoài công lập của cả nước là 21,7% đang thấp hơn mục tiêu năm 2025 (là 30%).

Ngày 12/9/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có Kế hoạch số 267/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Theo đó, thành phố sẽ đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục tư thục đạt tỉ lệ 21% số cơ sở và 14-16% số học sinh vào năm 2025.

Cụ thể: Đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc có số trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh do di dân cơ học, phấn đấu đến năm 2025, số cơ sở giáo dục mầm non tư thục đạt tỉ lệ 30%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 30%.

Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 13% và số học sinh theo học tại các trường phổ thông tư thục đạt 15%. Trong đó, tỉ lệ học sinh tư thục: cấp tiểu học 8%, trung học cơ sở 7%, trung học phổ thông 40% (riêng ở khu vực điều kiện khó khăn 30%).

Đối với giáo dục đại học: Nâng cao quy mô, chất lượng đào tạo của Trường Đại học Thủ đô theo Đề án Phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6743/QĐ-UBND ngày 31/12/2023; quy hoạch và đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở đào tạo của Trường đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục đạt tỉ lệ 50%.

Để hoàn thành các chỉ tiêu này, Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp gồm: Hoàn thiện thể chế; Cải thiện môi trường đầu tư; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập; Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục; Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông.

Theo Báo cáo số 192/BC-CTK ngày 02/7/2025 của Chi cục Thống kê thành phố Hà Nội về Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025:

Năm học 2024-2025, toàn thành phố Hà Nội có 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội với hơn 2,2 triệu học sinh (tăng 48 nghìn học sinh so với năm học trước), 70,2 nghìn lớp và 130 nghìn giáo viên.

Trong đó: Khối trường công lập có 2.310 trường (tăng 26 trường) với 1,9 triệu học sinh (tăng 38 nghìn học sinh), 51 nghìn lớp và 92 nghìn giáo viên; Khối trường tư thục có 604 trường (tăng 13 trường) với 333 nghìn học sinh (tăng 10 nghìn học sinh), gần 19,2 nghìn lớp và 38 nghìn giáo viên.

Như vậy, tỉ lệ các trường thuộc khối tư thục đạt 20,7%; người học thuộc khối tư thục đạt 15,1%.

screenshot-2025-07-07-133649.png
Tỉ lệ % cơ sở giáo dục ngoài công lập và người học ngoài công lập tại Hà Nội năm học 2024-2025 so với mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết số 35/NQ-CP và Kế hoạch số 267/KH-UBND của thành phố Hà Nội.

Như vậy, mặc dù tỉ lệ cơ sở giáo dục tư thục đã vượt mục tiêu của Nghị quyết số 35/NQ-CP và gần đạt được mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch số 267/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố; song, tỉ lệ người học tư thục vẫn chưa đạt được như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 35.

Vấn đề đặt ra, giáo dục tư thục ở Hà Nội đã và đang tận dụng tối ưu các tiềm năng lợi thế vốn có và khẳng định được thế mạnh hay chưa? Hay còn có những khó khăn nào trong xây dựng và triển khai chính sách cho giáo dục tư thục trong thực tiễn, cần được quan tâm nhiều hơn nữa?

Cần đột phá về nhân sự từ trường tư tham gia xây dựng kế hoạch, thực thi chính sách phát triển giáo dục tư của thành phố

Có thể thấy rằng, những năm gần đây, tại Hà Nội, có khá nhiều trường phổ thông công lập được mở mới. Đặc biệt, nhiều trường trung học phổ thông công lập mới được thành lập, cũng như tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10.

Chẳng hạn, theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, kỳ thi lớp 10 công lập năm 2025 có 103.456 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Đây cũng chính là số thí sinh dự thi năm nay. Trong khi đó, số học sinh lớp 9 năm học 2024-2025 vào khoảng 127.000. Như vậy, khoảng 23.500 học sinh không thi lớp 10 công lập. Con số này có thể bao gồm các học sinh được tuyển thẳng, học sinh học trường tư, trường yếu tố quốc tế, học sinh học giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Với tổng chỉ tiêu công lập là 79.740, tỉ lệ học sinh trúng tuyển năm nay sẽ đạt khoảng 77,07%. Năm 2024, con số này là 72,3%. [1] Như vậy, tỉ lệ này đã tăng thêm 4,77% so với năm tuyển sinh trước.

Mặt khác, trong số 115 trường trung học phổ thông công lập của Hà Nội, có tới 92 trường giảm điểm chuẩn đầu vào lớp 10 so với năm 2024. Thống kê từ số liệu điểm chuẩn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, 92 trường trong tổng số 115 trường giảm điểm chuẩn đầu vào, tương đương với 80%. [2]

Chính điều này đã “rộng cửa” hơn cho các thí sinh muốn vào học tại các trường trung học phổ thông công lập. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đây sẽ trở thành thách thức cho các trường trung học phổ thông tư thục trong việc thu hút tuyển sinh.

Trong khi đó, Hà Nội cũng dành nhiều ưu tiên cho hệ thống các trường phổ thông công lập. Điều đó được thể hiện qua chủ trương xây dựng các trường công lập chất lượng cao, được đầu tư cơ sở vật chất lớn. Ngoài ra, không ít trường phổ thông công lập còn đưa ra những mô hình giáo dục mang tính "dịch vụ" bên cạnh chương trình đại trà, chẳng hạn, chương trình tiếng Anh IELTS, lớp liên kết quốc tế, chương trình song bằng... Những dịch vụ chất lượng cao không khác gì trường tư, cùng với việc được miễn học phí (các trường phổ thông công lập) hoặc mức thu học phí (với trường tự chủ, chất lượng cao) thấp hơn hẳn trường tư đã khiến các trường tư thục đứng trước cuộc cạnh tranh thiếu công bằng và tình hình tuyển sinh khó càng thêm khó.

Điều này dường như cũng đang có sự mâu thuẫn chủ trương của thành phố về phát triển hệ thống giáo dục tư thục, như đã đề ra tại Kế hoạch số 267/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 (là 40% học sinh học trung học phổ thông và 30% ở khu vực điều kiện khó khăn nói riêng). Tất cả những vấn đề này theo một số chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục là việc thực tế hiện nay, cán bộ, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đều xuất phát từ môi trường giáo dục công. Vì vậy, việc thực thi các chính sách, kế hoạch để trường tư phát triển bền vững, công bằng đang gây nhiều băn khoăn.

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), trong đó, có một nội dung được dư luận quan tâm là: 3 hình thức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài khu vực công, gồm Tiếp nhận vào công chức; Ký hợp đồng đối với doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, luật gia, luật sư giỏi, chuyên gia, nhà khoa học thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; Ký hợp đồng đối với nhân lực chất lượng cao để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ.

Với lợi thế là Thủ đô, Hà Nội hoàn toàn có lợi thế để huy động tốt hơn cho xã hội hóa giáo dục bằng việc thí điểm ký hợp đồng với các chuyên gia, doanh nhân làm nhiệm vụ của quản lý, lãnh đạo.

Việc này có cơ sở pháp lý là hai nghị quyết của Bộ Chính trị, cụ thể: Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục tư thục, đặc biệt là trong bối cảnh đổi mới và hội nhập. Nghị quyết số 66 tập trung vào hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý vững chắc, trong khi Nghị quyết số 68 khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, bao gồm cả giáo dục tư thục, vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Theo một chuyên gia giáo dục, Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW đã và đang mở ra nhiều cơ hội quan trọng cho hệ thống giáo dục tư thục.

Cụ thể, các Nghị quyết này có thể tạo ra hành lang pháp lý, chính sách khuyến khích xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình giáo dục và thu hút đầu tư vào giáo dục tư thục. Sự “mở đường” này giúp giáo dục tư thục không chỉ được công nhận vai trò, mà còn được tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển, nâng cao chất lượng và đóng góp vào hệ thống giáo dục chung.

Như vậy, thời gian tới, ngành giáo dục các địa phương (đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) có thể đi theo hướng để chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục tư thục tham gia vào việc xây dựng chính sách để thu hút người học và tăng tỉ lệ người học tư thục, giảm gánh nặng ngân sách, nâng cao chất lượng giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dantri.com.vn/giao-duc/hon-23500-hoc-sinh-ha-noi-khong-thi-lop-10-cong-lap-ty-le-do-cao-ky-luc-20250515160855829.htm

[2] https://dantri.com.vn/giao-duc/hon-34-so-truong-cong-lap-ha-noi-giam-diem-chuan-vao-lop-10-20250704144929911.htm

Mộc Trà