3 chuyên ngành đào tạo chương trình Công nghệ thông tin của PTIT có gì khác nhau?

15/07/2025 07:32
Trần Trang

GDVN - Chương trình Công nghệ thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia thành 3 chuyên ngành dựa trên mục tiêu đào tạo và vị trí việc làm.

Là một lĩnh vực rộng và đa dạng, ngành Công nghệ thông tin bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau. Khi đăng ký xét tuyển, không phải thí sinh nào cũng hiểu rõ nội dung đào tạo của từng chuyên ngành cũng như định hướng nghề nghiệp tương ứng trong tương lai.

Hiểu rõ về các chuyên ngành trong chương trình đào tạo Công nghệ thông tin

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương – Trưởng khoa, Khoa Công nghệ thông tin 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ, chương trình Công nghệ thông tin của Học viện được chia thành 3 chuyên ngành: Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu.

482972890-956111400019540-1538488254237486797-n.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương – Trưởng khoa, Khoa Công nghệ thông tin 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: NVCC.

Điểm khác biệt giữa 3 chuyên ngành ở mục tiêu, chuẩn đầu ra, kiến thức chuyên sâu, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp mà chương trình hướng tới.

Chuyên ngành Công nghệ phần mềm hướng đến đào tạo đội ngũ kỹ sư có năng lực toàn diện trong việc phân tích, thiết kế, phát triển, kiểm thử, vận hành và bảo trì các hệ thống phần mềm chất lượng cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ hiện đại.

Sinh viên tốt nghiệp cần đáp ứng đầy đủ chuẩn đầu ra về nền tảng toán học ứng dụng trong Công nghệ thông tin; kỹ năng lập trình và tư duy thuật toán; năng lực phân tích - thiết kế phần mềm; quản trị dự án công nghệ và đảm bảo chất lượng sản phẩm phần mềm.

Các bạn được trang bị kiến thức chuyên sâu về thuật toán và cấu trúc dữ liệu, các ngôn ngữ lập trình phổ biến như C++, Java, Python, SQL; phương pháp phát triển phần mềm theo mô hình Agile/Scrum; quản lý tiến độ và nguồn lực dự án phần mềm (PM); kiểm định - kiểm thử chất lượng phần mềm (QA).

Các vị trí nghề nghiệp phù hợp gồm chuyên viên phát triển phần mềm, kỹ sư phân tích - thiết kế hệ thống, chuyên gia kiểm thử phần mềm và kỹ sư triển khai - vận hành (DevOps).

Chuyên ngành Hệ thống thông tin đặt mục tiêu đào tạo kỹ sư có khả năng xây dựng, triển khai và quản trị hiệu quả các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động điều hành, phân tích và ra quyết định trong doanh nghiệp.

Sinh viên theo học chuyên ngành này cần làm chủ các khối kiến thức về toán học ứng dụng trong Công nghệ thông tin; phân tích nghiệp vụ; mô hình hóa quy trình kinh doanh (BPMN); triển khai và vận hành hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cũng như xử lý và khai thác dữ liệu.

Về kiến thức chuyên sâu, người học sẽ được rèn luyện kỹ năng trong thuật toán và cấu trúc dữ liệu; phân tích - thiết kế hệ thống; quản trị cơ sở dữ liệu; tích hợp các hệ thống thông tin; triển khai giải pháp ERP và công cụ phân tích kinh doanh (BI) hỗ trợ ra quyết định.

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư có thể đảm nhận các vai trò như chuyên viên phân tích nghiệp vụ, chuyên gia BPMN, kỹ sư triển khai ERP hay chuyên viên xử lý và phân tích dữ liệu.

Chuyên ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu chú trọng đào tạo kỹ sư có khả năng thiết kế, triển khai, giám sát, tối ưu hiệu suất và đảm bảo an ninh cho hệ thống mạng và hạ tầng truyền thông.

Người học cần đạt chuẩn đầu ra về toán học nền tảng cho Công nghệ thông tin, hiểu biết sâu sắc về giao thức mạng, thiết kế hạ tầng mạng, bảo mật hệ thống, công nghệ truyền thông số và xu hướng IoT.

Về chuyên môn, sinh viên được tiếp cận kiến thức về cấu trúc dữ liệu - thuật toán, kỹ năng cấu hình thiết bị mạng (Cisco, Juniper), giám sát hệ thống, thiết lập VPN, hệ thống phát hiện/ngăn chặn xâm nhập (IDS/IPS), tường lửa và bảo mật dữ liệu.

Các vị trí việc làm triển vọng bao gồm kỹ sư thiết kế mạng, quản trị viên hệ thống mạng, chuyên gia an toàn thông tin hay kỹ sư triển khai hạ tầng công nghệ cho doanh nghiệp.

486354830-1094042419432749-5997365774668924843-n.jpg
Sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tham gia cuộc thi về sản phẩm đổi mới sáng tạo. Ảnh: website nhà trường.

Vừa ra trường năm 2024, Nguyễn Quang Huy - cựu sinh viên lớp D19, chuyên ngành Hệ thống thông tin của ngành Công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ: "Tôi chọn ngành Công nghệ thông tin vì bản thân luôn hứng thú với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Ngay từ nhỏ, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với máy tính. Chính sự gần gũi ấy đã sớm hình thành trong tôi niềm yêu thích đặc biệt với công nghệ, và dần dần, nó trở thành động lực để tôi theo đuổi lĩnh vực này một cách nghiêm túc.

Khi bước vào đại học, tôi càng nhận ra mình đã đi đúng hướng. Các môn học trong chương trình được xây dựng khá hợp lý, có tính ứng dụng cao và phù hợp với nhu cầu phát triển của ngành. Trong số đó, tôi đặc biệt ấn tượng với môn Nhập môn Trí tuệ nhân tạo.

Đây không chỉ là một môn học thú vị mà còn là bước ngoặt quan trọng, mở ra cho tôi cánh cửa đến với thế giới của nghiên cứu khoa học. Nhờ nó, tôi bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi lĩnh vực AI - một mảnh đất mới mẻ nhưng vô cùng tiềm năng".

z6798225166213-215af122caa4842f43dece040e33456c.jpg
Nguyễn Quang Huy - cựu sinh viên chuyên ngành Hệ thống thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: NVCC.

Nhiều lợi thế trong đào tạo ngành Công nghệ thông tin

Chia sẻ về những thế mạnh trong đào tạo, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương cho biết: “Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được Chính phủ quy hoạch là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm về lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin.[1]

Để xứng đáng là trường trọng điểm, Học viện cần phải khẳng định bằng chất lượng đào tạo cùng uy tín xã hội đối với ngành học này".

Khoa Công nghệ Thông tin 1 đã được Học viện phê duyệt triển khai các gói học bổng giá trị, gồm các mức 500 triệu đồng, 250 triệu đồng và 100 triệu đồng mỗi suất.

Các suất học bổng này dành cho tân sinh viên đạt thành tích xuất sắc như: tham gia kỳ thi Olympic quốc tế, đoạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh và có kết quả nổi bật trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Những sinh viên có trình độ tiếng Anh tốt sẽ được tuyển chọn vào chương trình chất lượng cao. Đặc biệt, Học viện dành sự quan tâm đặc biệt đến Lớp tài năng – nơi được xây dựng nhằm đáp ứng các tiêu chí của ngành đào tạo trọng điểm.

Nhiều sinh viên từ lớp này đã gặt hái thành tích nổi bật tại các cuộc thi học thuật cấp quốc gia và quốc tế, giành học bổng sau đại học tại các trường nằm trong top 100 thế giới, làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu toàn cầu và không ít người đã khởi nghiệp thành công.

482354574-957332016564145-4200388686605220026-n.jpg
Sinh viên của Khoa Công nghệ thông tin 1 nhận học bổng sinh viên tài năng STP do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam trao tặng. Ảnh: website nhà trường.

Khoa Công nghệ thông tin 1 không chỉ xây dựng nên chính sách thu hút người học mà còn xây dựng nên chính sách thu hút người dạy để đảm bảo chất lượng và uy tín đào tạo.

“Khoa chú trọng tuyển dụng những giảng viên có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo tại các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, các giảng viên có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư không chỉ cần vững chuyên môn mà còn phải đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm, khả năng nghiên cứu khoa học, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và đặc biệt là tinh thần tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Bên cạnh đó, Khoa cũng được phép mời các chuyên gia quốc tế và các nhà quản lý, kỹ sư đến từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy, nhằm gắn kết đào tạo với thực tiễn. Học viện và Khoa luôn tạo điều kiện thuận lợi về thu nhập, cơ sở làm việc, chỗ ở và môi trường nghiên cứu để đội ngũ giảng viên có trình độ cao an tâm cống hiến.

Học viện đồng thời khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các giảng viên công bố công trình khoa học, thực hiện các sáng chế, phát minh có giá trị ở tầm quốc gia và quốc tế. Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng được thúc đẩy theo hướng minh bạch, đúng pháp luật, nhằm lan tỏa giá trị khoa học vào đời sống và sản xuất” – thầy Phương cho biết.

Trưởng khoa cũng chỉ ra, ngoài chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên, Học viện có cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu của người học. Học viện đã đầu tư hệ thống máy chủ đồng bộ, có hiệu năng tính toán cao đáp ứng việc giải quyết các bài toán dữ liệu lớn. Dựa trên hệ thống máy chủ có hiệu năng tính toán cao, Học viện đã xây dựng nhiều lab nghiên cứu chuyên sâu đáp ứng yêu cầu của người học trong từng lĩnh vực cụ thể.

Lab thuật toán ứng dụng (D-Lab) dành cho những sinh viên đam mê phát triển thuật toán. Lab Học máy (Machine Learning) dành cho những sinh viên nghiên cứu chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo, Học máy, Big Data. Lab Công nghệ phần mềm thông minh (Smart Software Engineering) dành cho những sinh viên nghiên cứu chuyên sâu về phần mềm. Lab Vườn ươm tài năng dành cho các bạn sinh viên xuất sắc muốn học ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, làm việc trong các doanh nghiệp hàng đầu hoặc có ước mơ khởi nghiệp.

Với cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ tiên tiến, sinh viên ngành Công nghệ thông tin sẽ có đầy đủ nền tảng, tài nguyên đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp.

Học viện cũng có mạng lưới hợp tác với doanh nghiệp và quốc tế rộng lớn. Hiện tại, Học viện đã ký kết hợp tác chiến lược với trên 50 doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước và quốc tế như Samsung, Viettel, VNPT, FPT, Microsoft, NVIDIA, Google, Amazone.

Hàng năm, các doanh nghiệp đều cử các chuyên gia giỏi đến Học viện trực tiếp tham gia giảng dạy, tiếp nhận sinh viên Công nghệ thông tin đến doanh nghiệp thực tập theo chương trình Internship. Một số sinh viên xuất sắc được các doanh nghiệp cấp học bổng và nhận vào làm việc ngay từ năm thứ 3.

Học viện cũng đã thành lập hai văn phòng đại diện ở Hàn Quốc, Nhật Bản để thu hút các chuyên gia, học sinh quốc tế đến Việt Nam học tập và làm việc; ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và trao đổi sinh viên với 15 trường đại học từ Mỹ, Nga, Úc, Nhật Bản và châu Âu. Năm 2025, Học viện dự kiến cử trên 150 lượt sinh viên đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Học viện có chiến lược định hướng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất. Chiến lược khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được hình thành từ nguồn đầu tư của Học viện, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế.

Nhà trường đã đầu tư nguồn vốn cho Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thực hiện các đề tài của những sinh viên ưu tú, sáng tạo, biết nghĩ, biết làm, biết chấp nhận thách thức của khoa học công nghệ.

Các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cũng đã đầu tư và tài trợ kinh kinh phí cho các Lab nghiên cứu chuyên sâu tại Học viện. Lab Samsung, NVIDIA, Huwei, Naver được giảng viên phối hợp với các chuyên gia của doanh nghiệp hướng dẫn thực hiện những đề tài, dự án doanh nghiệp quan tâm giải quyết. Các trường đại học đối tác dành nhiều suất học bổng giá trị nhằm thu hút sinh viên ưu tú tham gia các chương trình đào tạo và nghiên cứu ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ.

Nhờ chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Học viện đã gặt hái nhiều thành tựu ấn tượng: hơn 100 cựu sinh viên hiện là nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn thế giới; trên 200 cựu sinh viên đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu; hơn 500 cựu sinh viên đã khởi nghiệp thành công và sở hữu doanh nghiệp có doanh thu lên đến hàng chục triệu USD.

Cựu sinh viên Nguyễn Quang Huy hiện đang làm trợ giảng tại Khoa Công nghệ thông tin 1 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Huy bày tỏ: "Trong tương lai, tôi hy vọng có thể trở thành một giảng viên trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu công nghệ và hỗ trợ các thế hệ sinh viên đi sau từng bước vững vàng hơn trên hành trình của họ".

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/quy-hoach-mang-luoi-co-so-gddh-den-2030-hinh-thanh-4-trung-tam-giao-duc-dh-lon-post249549.gd

Trần Trang