Đề xuất giảng viên đồng cơ hữu được tính vào đội ngũ mở ngành mới của trường nghề

14/07/2025 06:22
Mạnh Dũng

GDVN - Theo ThS Nguyễn Việt Mười, dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi cần làm rõ khái niệm, điều kiện bổ nhiệm đối với vị trí giảng viên đồng cơ hữu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi với nhiều nội dung đổi mới quan trọng để lấy ý kiến.

Trong đó, một số điểm đáng chú ý là mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có giảng viên đồng cơ hữu đang thu hút sự quan tâm, cùng nhiều ý kiến góp ý từ các chuyên gia, lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Quyền tự chủ cần đi kèm với trách nhiệm giải trình

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Cao Văn Thích - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang cho biết, dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp với nội dung mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm tự chủ về tuyển sinh, đội ngũ giảng dạy và cắt giảm thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sáng tạo hơn trong chuyên môn, đạt hiệu quả cao trong quản trị và nâng cao năng lực cạnh tranh của trường nghề.

Khi được trao thêm quyền tự chủ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ chủ động trong công tác tuyển sinh, tuyển dụng, sử dụng giáo viên, phù hợp với các điều kiện và năng lực thực tế. Các trường có thể chủ động thuê chuyên gia, nghệ nhân để tham gia giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo thực hành kỹ năng, tay nghề của học viên.

Đồng thời, khi thủ tục hành chính được rút ngắn, tinh giản cũng giúp tăng hiệu quả điều hành, quản trị và giảm gánh nặng trong quá trình làm thủ tục, hồ sơ của trường nghề trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Song song với đó, trường nghề có thể chủ động hơn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động của xã hội.

sv-truong-nghe-an-giang-2735-4163-7201-1398.jpg
Học sinh Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang trong 1 tiết học thực hành. Ảnh: NTCC.

Đồng ý kiến với quan điểm trên, Thạc sĩ Nguyễn Việt Mười - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng cho rằng, việc mở rộng quyền tự chủ là xu thế tất yếu trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp đang chuyển mạnh theo hướng gắn với thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp. Với các trường công lập tự chủ một phần tài chính như Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng, chính sách tăng cường tự chủ mang lại nhiều lợi thế thiết thực cả về chuyên môn và quản trị cho nhà trường.

Về chuyên môn, tự chủ trong tuyển sinh cho phép nhà trường chủ động xác định chỉ tiêu, cơ cấu ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, linh hoạt trong việc mời giảng viên thỉnh giảng, chuyên gia tại doanh nghiệp có tay nghề thực tế, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là kỹ năng thực hành. Đồng thời, nhà trường cũng được chủ động hơn trong thiết kế chương trình đào tạo đặc thù, rút gọn thời lượng học nhưng vẫn đảm bảo chuẩn đầu ra theo năng lực thực tiễn của người học.

Về quản trị, dự thảo luật rút gọn thủ tục hành chính giúp bộ máy nhà trường vận hành hiệu quả, linh hoạt trong điều phối nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, tăng tính tự chủ tài chính, nhân sự, giảm phụ thuộc vào cơ quan cấp trên, tạo điều kiện để trường ra quyết định nhanh và phù hợp thực tiễn. Ngoài ra, việc khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy đội ngũ cán bộ, giảng viên phát triển năng lực gắn với trách nhiệm và chất lượng đầu ra của người học cũng sẽ được cải thiện.

Thầy Mười nhấn mạnh: “Quyền tự chủ không chỉ là công cụ quản trị, mà còn là đòn bẩy giúp giáo dục nghề nghiệp chuyển từ dạy những gì mình có sang dạy những gì thị trường cần, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và uy tín của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Bên cạnh việc trao quyền tự chủ, dự thảo cũng quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải công bố công khai mức học phí và các khoản thu dịch vụ khác cho cho từng năm học và toàn khóa; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để cấp học bổng hoặc hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời, bổ sung quy định về hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ và trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thiết lập, vận hành và đánh giá, nhấn mạnh yếu tố cải tiến liên tục và công khai cam kết chất lượng đào tạo, chỉ số hiệu quả hoạt động, kết quả tự đánh giá và kế hoạch cải tiến.

Đánh giá về vấn đề này, thầy Nguyễn Việt Mười cho hay, việc quy định công khai học phí, hỗ trợ người học khó khăn và thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm và hướng đến chất lượng thực chất.

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc công khai học phí và các khoản thu giúp các trường minh bạch tài chính, tạo niềm tin cho xã hội và thuận lợi trong quản lý tài chính. Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ cũng giúp cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động kiểm soát, cải tiến liên tục cũng như tự đánh giá hiệu quả hoạt động đào tạo. Ngoài ra, việc cam kết công khai chất lượng đào tạo, chỉ số hiệu quả, kết quả tự đánh giá của trường nghề sẽ giúp thay đổi tư duy từ đào tạo theo năng lực có sẵn sang đào tạo theo chuẩn đầu ra.

Còn đối với người học, việc nắm rõ học phí toàn khóa giúp học sinh, phụ huynh chủ động kế hoạch tài chính, đặc biệt với gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Đồng thời, người học sẽ được tiếp cận chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, minh bạch về chuẩn đầu ra, cơ hội việc làm, khả năng học tập tiếp theo. Đặc biệt, điều này cũng tạo cơ sở lựa chọn ngành nghề, cơ sở đào tạo phù hợp năng lực và điều kiện, đúng với tinh thần “người học là trung tâm”.

Cũng theo thầy Mười, các quy định mới trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi không chỉ nâng cao năng lực quản trị của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người học, tạo nền tảng cho một hệ thống giáo dục nghề nghiệp minh bạch và hiệu quả.

Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền nên xây dựng khung chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) toàn ngành và quy định cơ chế giám sát học phí nhằm đảm bảo tính tự chủ và công bằng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

thay-muoi-cao-dang-nghe-soc-trang.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Việt Mười - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng. (Ảnh NVCC)

Cùng chung ý kiến, thầy Cao Văn Thích cho rằng, việc công bố công khai mức học phí và các khoản thu dịch vụ khác cho cho từng năm học và toàn khóa trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng về mặt pháp lý.

Thứ nhất, việc này giúp ngăn ngừa tình trạng lạm thu bởi phụ huynh, người học có thể biết trước mức học phí và lựa chọn cơ sở phù hợp với khả năng tài chính của gia đình.

Thứ hai, việc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trích một phần nguồn thu học phí để cấp học bổng hoặc hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, thể hiện trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo cũng như sự công bằng trong học tập.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang nhấn mạnh, trong hệ thống giáo dục, trong đó giáo dục nghề nghiệp, việc công khai cam kết chất lượng đào tạo có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này thể hiện trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong việc đảm bảo và cải tiến chất lượng, giúp học sinh, sinh viên có thể lựa chọn chương trình học phù hợp với nhu cầu. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để xã hội (phụ huynh, nhà tuyển dụng,...) đánh giá uy tín và năng lực đào tạo của nhà trường.

Ngoài ra, khi công khai cam kết, chính các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt buộc phải liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo để đạt hoặc vượt những tiêu chuẩn đã được công bố. Đây cũng là căn cứ để những tổ chức kiểm định chất lượng đánh giá mức độ thực hiện và độ tin cậy của các cam kết đã đưa ra.

Kiến nghị cho phép giảng viên đồng cơ hữu được tính vào đội ngũ mở ngành

Điểm b, Khoản 2, Điều 19, Chương IV, dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: "Giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu là người đã được tuyển dụng ở một cơ quan, đơn vị không phải Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, được cơ sở giáo dục nghề nghiệp bổ nhiệm để đảm nhiệm chức danh giảng dạy các ngành, nghề chuyên môn đặc thù nếu đáp ứng chuẩn nghề nghiệp".

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo cần quy định cụ thể hơn về khái niệm, vị trí của giảng viên đồng cơ hữu, nhất là việc vị trí này có được kê khai vào đội ngũ giảng viên khi mở ngành mới hay không?

Bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Triệu Sỹ Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ cho rằng, quy định giảng viên đồng cơ hữu trong dự thảo luật là hợp lý và mang tới nhiều thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giải quyết vấn đề về tuyển dụng cũng như đội ngũ giảng dạy.

Bởi trên thực tế, nếu muốn mở thêm mã ngành nghề mới hoặc tăng quy mô đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hay đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý.

Do đó, nếu giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật và cam kết với trường nghề, thì hoàn toàn có thể để cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp, ký hợp đồng với đội ngũ này. Từ đó, việc triển khai mở ngành nghề mới cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ thuận lợi hơn. Thêm vào đó, việc quy định chức danh giảng viên đồng cơ hữu trong luật cũng góp phần cải thiện đội ngũ nhân sự của trường nghề.

Điều đó tạo điều kiện cho giảng viên cơ hữu ở đơn vị khác thiếu tiết dạy có thể hỗ trợ hoặc phối hợp với nhà trường trong công tác giảng dạy. Từ đó, giúp tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên, cũng như góp phần giải quyết được bài toán về đội ngũ giảng dạy của trường nghề. Đối với giáo dục nghề nghiệp chúng ta nên đổi mới theo hướng mở, mềm dẻo và linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ giảng viên, giáo viên giảng dạy.

Thạc sĩ Triệu Sỹ Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ. Ảnh NVCC

Thạc sĩ Triệu Sỹ Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ. Ảnh NVCC

Thầy Trường cho rằng, giảng viên đồng cơ hữu có thể được sử dụng để tính chỉ tiêu tuyển sinh khi mở ngành nghề mới. Từ đó, giảng viên đồng cơ hữu có thể cùng hỗ trợ, chia sẻ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, cũng cần bảo đảm rằng giảng viên đồng cơ hữu không nên bị ràng buộc quá nhiều về thủ tục pháp lý khi hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác. Đồng thời, nên có biên bản thỏa thuận, cam kết cụ thể giữa trường nghề và vị trí chức danh này.

Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỳ vọng rằng, Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi sẽ bổ sung thêm cơ chế mới mang tính mở nhiều hơn. Đồng thời, nên học tập, tham khảo mô hình giáo dục nghề nghiệp ở các quốc gia phát triển. Từ đó, có thể xây dựng luật dựa trên những điều kiện phù hợp với tình hình thực tế của giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

truong-trung-cap-nghia-lo-yb.jpg
Giáo viên Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ trong giờ dạy. Ảnh website nhà trường

Còn theo thầy Nguyễn Việt Mười, giảng viên đồng cơ hữu là cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Việc bổ sung khái niệm giảng viên đồng cơ hữu là hướng đi đúng đắn, giúp huy động nguồn nhân lực chất lượng cao từ doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, dự thảo cần làm rõ hơn khái niệm và điều kiện bổ nhiệm đối với vị trí chức danh này.

Cụ thể, giảng viên đồng cơ hữu nên được quy định rõ là người đang làm việc chính thức ngoài nhà trường, nhưng có chuyên môn phù hợp và đạt chuẩn giảng viên giáo dục nghề nghiệp. Song song với đó, phải có hợp đồng cộng tác dài hạn hoặc theo học kỳ, học phần, kèm quy định rõ nhiệm vụ và thời gian giảng dạy.

Thêm vào đó, về nhiệm vụ và trách nhiệm của giảng viên đồng cơ hữu. Dự thảo nên quy định khối lượng giảng dạy tối thiểu (ví dụ 80 tiết/năm) để đảm bảo trách nhiệm thực chất. Đồng thời, có tham gia các hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp như: thiết kế chương trình, giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kỹ năng nghề.

Đặc biệt, cần cho phép giảng viên đồng cơ hữu được tính vào đội ngũ mở ngành nhưng giới hạn tỷ lệ (ví dụ không quá 30–40%). Mặt khác, cũng cần bổ sung cơ chế kiểm định hoặc đánh giá năng lực định kỳ cho vị trí này để đảm bảo không hình thức hóa.

Mạnh Dũng