Sẽ có nhiều hệ lụy nếu hiểu "bằng trung học nghề có giá trị ngang bằng với bằng THPT"

14/07/2025 06:31
Tường San

GDVN -Việc ghi "ngang bằng" mà không kèm điều kiện sẽ gây nhầm lẫn về nội dung, dẫn đến lệch lạc trong chính sách tuyển sinh, tuyển dụng, công nhận văn bằng.

Điều 3 của Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) nêu: “Chương trình đào tạo trình độ trung học nghề để cấp bằng trung học nghề dành cho người học đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở. Bằng trung học nghề có giá trị ngang bằng với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.”

Tuy nhiên, việc diễn đạt “giá trị ngang bằng” của bằng trung học nghề và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đang gây ra nhiều băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng không nên sử dụng cách diễn đạt này bởi nội hàm, mục tiêu cũng như định hướng đào tạo, … giữa hai chương trình này vốn khác nhau.

Làm suy giảm giá trị thực chất của cả chương trình trung học phổ thông và trung học nghề

Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc ghi "bằng trung học nghề có giá trị ngang bằng với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông" là một cách diễn đạt thiếu chính xác về cả kỹ thuật pháp lý lẫn học thuật giáo dục. Trước hết, cần phân biệt rõ: giá trị bằng cấp không chỉ nằm ở tên gọi hay hình thức công nhận, mà phản ánh cả mục tiêu đào tạo, cấu trúc chương trình và chuẩn đầu ra.

Trong thực tế của quốc tế, hệ thống giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp thường được phân tách theo định hướng đào tạo: Trung học phổ thông (general upper secondary education) hướng đến phát triển năng lực học thuật nền tảng, phục vụ mục tiêu học tiếp lên bậc đại học, trong khi đó trung học nghề (vocational upper secondary education hoặc vocational high school) tích hợp đào tạo nghề với một phần học vấn phổ thông, nhằm chuẩn bị cho người học sớm tham gia thị trường lao động.

Cả hai loại hình này có thể được xếp ở cùng một trình độ trong Khung trình độ quốc gia (ví dụ: Level 4 EQF ở châu Âu), nhưng không bao giờ được đánh đồng là “tương đương” hay “ngang giá trị” theo nghĩa thay thế lẫn nhau. Nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Phần Lan đều sử dụng khái niệm tức là phân biệt về định hướng, nhưng đảm bảo cơ hội bình đẳng về học tiếp và phát triển nghề nghiệp.

Theo đó, Việt Nam có thể tham khảo cách viết rất chặt chẽ như Luật Giáo dục nghề nghiệp Trung Quốc sửa đổi (2022) tại Điều 53 có quy định:” Học sinh trường nghề được hưởng cơ hội bình đẳng với học sinh phổ thông cùng trình độ về học tập nâng cao, việc làm và phát triển nghề nghiệp”.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, ở Việt Nam, nếu bằng trung học nghề được thiết kế tích hợp đầy đủ chuẩn đầu ra học vấn phổ thông và năng lực nghề nghiệp thì có thể công nhận quyền học tiếp hoặc xét tuyển tương tự như tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng vẫn cần ghi rõ định hướng chương trình. Việc khẳng định "ngang bằng" mà không kèm điều kiện sẽ gây nhầm lẫn về nội dung, dẫn đến lệch lạc trong chính sách tuyển sinh, tuyển dụng và công nhận văn bằng quốc tế. Do vậy, quy định này cần được chỉnh lại.

z6097553076271-e8daf0ad96787b2503a70f546dbcdcea-7532.jpg
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Nguồn: giaoduc.net.vn.

Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để phân luồng nhưng không phân biệt, bảo đảm bình đẳng cơ hội mà không đánh đồng trình độ. Nếu chúng ta công nhận bằng trung học nghề là “tương đương” hoặc “ngang bằng” với bằng trung học phổ thông một cách máy móc, không kèm theo điều kiện cụ thể về chuẩn đầu ra sẽ dẫn tới hệ quả đánh đồng về trình độ học vấn. Điều này mâu thuẫn với bản chất của hai lộ trình đào tạo vốn rất khác nhau về định hướng và mục tiêu.

Chương trình giáo dục trung học phổ thông thiên về học thuật, phát triển tư duy trừu tượng, chuẩn bị nền tảng để học lên cao trong khi đó, trung học nghề tập trung vào kỹ năng thực hành, hướng tới thị trường lao động. Do đó không thể xóa nhòa ranh giới chuyên môn giữa học thuật và nghề nghiệp. Nếu ranh giới này bị làm mờ đi bằng một tuyên bố pháp lý kiểu “hai bằng có giá trị ngang bằng” thì có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng.

Thứ nhất là, làm rối loạn hệ thống phân luồng. Khi mọi bằng cấp đều được coi như nhau, người học không còn động lực lựa chọn lộ trình phù hợp với năng lực và mục tiêu cá nhân. Việc phân luồng sau trung học cơ sở trở nên hình thức, thiếu hiệu lực định hướng.

Không chỉ thế còn tạo ra lệch lạc trong chính sách tuyển sinh và tuyển dụng bởi nếu các trường đại học, nhà tuyển dụng không phân biệt được đặc điểm giữa hai loại hình, sẽ xảy ra tình trạng lựa chọn sai người, sai chỗ – gây lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả đào tạo.

Thứ hai, khi nội dung và mục tiêu đào tạo khác nhau mà lại gán cùng giá trị, sẽ làm mất mục đích của Khung trình độ quốc gia. Nguy hiểm hơn, có thể làm cho xã hội sẽ hiểu sai rằng học nghề là “bản sao mờ” của trung học phổ thông, còn học trung học phổ thông là “cửa ngách” để né nghề. Cách hiểu đó làm triệt tiêu động lực học nghề nghiêm túc và làm suy giảm giá trị thực chất của cả hai lộ trình.

Do đó, cách tiếp cận đúng đắn không phải là đồng hóa hai loại hình, mà là công nhận giá trị khác biệt, nhưng thiết kế hệ thống mở để đảm bảo cơ hội bình đẳng. Điều cần nhấn mạnh là: Bằng trung học nghề có thể được công nhận đủ điều kiện học tiếp lên những trình độ cao hơn, nhưng không phải là bản sao của bằng trung học phổ thông. Hai lộ trình này cần được phân định rõ ràng nhưng bình đẳng về cơ hội phát triển.

“Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) cần thiết kế lại cách quy định về văn bằng trung học nghề bằng cách tách biệt giá trị sử dụng và điều kiện học tiếp. Bằng tốt nghiệp trung học nghề được công nhận đạt chuẩn học vấn phổ thông nếu chương trình đào tạo có tích hợp và đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, có cơ hội được học tiếp lên cao đẳng, đại học là quyền mở nhưng phải đi kèm điều kiện như thi tuyển đầu vào hoặc bổ sung học phần chuyển tiếp”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.

Thời gian đào tạo chương trình trung học nghề nên điều chỉnh thành 4 năm

Cùng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Lê Đông Phương – nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) bày tỏ, cách diễn đạt trong dự thảo là không chuẩn xác và có thể gây hiểu nhầm. Theo đó, cần làm rõ lại về bản chất, phạm vi và giới hạn áp dụng đối với bằng trung học nghề.

Theo phân tích của Tiến sĩ Lê Đông Phương, hiện tại trong dự thảo cũng chưa có một hình dung cụ thể, chi tiết về mô hình trung học nghề sẽ được triển khai như thế nào. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng chương trình này sẽ bao gồm hai hợp phần chính: một phần kiến thức văn hóa phổ thông và một phần kiến thức chuyên môn nghề nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc thời lượng dành cho phần văn hóa trung học phổ thông trong trung học nghề chắc chắn sẽ không thể tương đương với chương trình trung học phổ thông hiện hành. Vì vậy, việc ghi "bằng trung học nghề có giá trị ngang bằng với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông" là chưa phù hợp.

ts-le-dong-phuong-9219-3951-3669.jpg
Tiến sĩ Lê Đông Phương - nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Ngân Chi.

Tiến sĩ Phương cho rằng, bằng trung học nghề nên được nhìn nhận là một loại hình văn bằng xác nhận người học đã hoàn thành một trình độ học vấn tương ứng với cấp trung học phổ thông, nhưng theo hướng nghề nghiệp chuyên sâu, có định hướng cụ thể. Do đó, người học tốt nghiệp trung học nghề nếu có nhu cầu học lên bậc cao học không thể “học gì cũng được”, mà cần tiếp tục theo đuổi các ngành học có liên quan đến chuyên môn nghề đã được đào tạo từ chương trình trung học nghề.

Đơn cử, một học sinh theo học trung học nghề ngành sửa chữa điện dân dụng không thể xét tuyển vào đại học thuộc lĩnh vực khoa học lý thuyết thuần túy, vì nền tảng kiến thức phổ thông không đủ để đảm bảo. Như vậy, trung học nghề hay kể cả trung học phổ thông đều có một lựa chọn định hướng tương lai rõ ràng cho người học, do đó cũng thể không thể gọi đây là những chương trình “cơ hội học tập mở rộng không giới hạn”.

Chính vì vậy, nếu không có giới hạn cụ thể, sẽ dễ dẫn đến tâm lý chạy theo chương trình trung học nghề chỉ vì cho rằng học dễ hơn trung học phổ thông mà vẫn có bằng “ngang giá trị”. Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

Đưa ra đề xuất đối với chương trình trung học nghề, Tiến sĩ Phương cho rằng, thời gian học trung học nghề nên kéo dài hơn thời gian học chương trình trung học phổ thông, tức ít nhất là 4 năm thay vì chỉ 3 năm như trong dự thảo. Điều này được nhìn nhận từ kinh nghiệm đã và đang thực hiện chương trình trung học nghề, trung học kỹ thuật như nhiều quốc gia trên thế giới đều cần khoảng thời gian dài hơn để học sinh có thể tích lũy đủ kiến thức phổ thông cốt lõi, đồng thời đạt được năng lực nghề nghiệp thực hành vững chắc.

“Nếu chương trình trung học nghề chỉ kéo dài 3 năm có thể dẫn đến tình trạng dở dang: học văn hóa không đủ sâu, học nghề cũng không thành thạo. Cuối cùng người học là chịu thiệt thòi nhất,” Tiến sĩ Phương nêu rõ.

Ngoài ra, việc xây dựng và thiết kế nội dung kiến thức văn hóa và kiến thức nghề trong chương trình trung học nghề là một nhiệm vụ phức tạp, không hề đơn giản. Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo vừa đáp ứng mục tiêu đào tạo nghề nghiệp, vừa phân biệt rõ ràng với chương trình trung học phổ thông để thể hiện được tính định hướng, mục tiêu của trung học nghề.

Không cần thiết phải tồn tại chương trình đào tạo trình độ trung cấp nếu có trung học nghề

Trước những băn khoăn về sự tồn tại và vai trò của chương trình đào tạo trình độ trung cấp nếu chương trình trung học nghề chính thức được ban hành, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, không cần thiết phải giữ lại trình độ trung cấp - vốn là khái niệm không thuộc về hệ thống giáo dục mà nó thuộc về phạm trù của vị trí việc làm tại nơi làm việc.

Nếu vẫn giữ “trình độ trung cấp” mà không làm rõ khái niệm, lộ trình học, và điều kiện công nhận, thì khi thiết kế lại Khung trình độ quốc gia sẽ vấp phải những câu hỏi không thể giải quyết rành mạch các vấn đề sau đây: Trình độ trung cấp là bậc 4 thì phải đạt chuẩn đầu ra gì? Nếu người học đã có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì học thêm nghề có khối lượng học tập đa dạng tối thiểu là bao nhiêu? Theo chuẩn nào? Có tương thích với chuẩn quốc tế, và nếu không đạt chuẩn nghề nghiệp rõ ràng, thì gọi đó là “trình độ” liệu có phù hợp?

Tuy nhiên, hiện nay có vấn đề là các trường văn hóa nghệ thuật theo thói quen gọi là các trình độ đào tạo là trung cấp (trong khi ở các quốc gia khác như Hàn Quốc gọi là Trung học chuyên nghiệp (specialized high school). Thuật ngữ “trung cấp” nên loại bỏ để đảm bảo việc công nhận văn bằng cho người học ở các trường này muốn du học lên học cao hơn sẽ gặp khó khăn vì các quốc gia khác không có loại trình độ này trong hệ thống giáo dục...

nghe-1676288411639491496956-1.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Chính phủ.

Mặt khác, nếu bỏ chương trình đào tạo trình độ trung cấp trong khi còn hàng trăm trường trung cấp đang tồn tại, Tiến sĩ Vinh cho rằng có hai hướng để giải quyết tình trạng này. Một là những trường đảm bảo tiêu chuẩn thành lập trường cao đẳng thì tạo điều kiện để đầu tư và nâng cấp. Còn lại, những trường trung cấp không đạt chuẩn để thành lập trường cao đẳng thì thành lập thành trường trung học nghề.

Như vậy, cần có giai đoạn chuyển tiếp sau khi dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực, và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quy định lộ trình để chấm dứt đào tạo hệ trung cấp.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, khái niệm "trung cấp" từ nhiều năm qua tại Việt Nam đã bị hiểu và sử dụng một cách thiếu chuẩn xác. Bởi, trên thế giới, các khái niệm sơ cấp, trung cấp vốn dĩ không phải là cấp đào tạo trong hệ thống giáo dục, mà chỉ là cách phân loại trình độ tay nghề do người sử dụng lao động đánh giá đối với người lao động. Tuy nhiên, tại Việt Nam, một phần do cách phân chia và vận hành về mặt quản lý nhà nước, khái niệm "trình độ trung cấp" đã bị sử dụng như một cấp đào tạo chính thức.

“Thực tế, thế giới không dùng khái niệm ‘chương trình đào tạo trình độ trung cấp’ như chúng ta. Ở nhiều nước, chỉ có ‘trung học nghề’, ‘trung học kỹ thuật’ hoặc ‘đào tạo nghề’ theo các hình thức khác nhau,” ông Phương nói.

Hơn nữa, Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) cũng nêu rõ: “Chương trình đào tạo trình độ trung cấp để cấp bằng trung cấp dành cho người đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương.” Điều này càng làm rõ sự không hợp lý đối với việc tồn tại của hệ trung cấp. Bởi, nếu người học đã tốt nghiệp trung học phổ thông, họ hoàn toàn có thể đăng ký học chương trình đào tạo trình độ cao đẳng trong khoảng thời gian tương đương (2 năm).

Đặc biệt, nếu đồng thời tồn tại cả hai loại hình: chương trình đào tạo trình độ trung cấp sau lớp 9 (hiện hành), và chương trình đào tạo trình độ trung cấp sau lớp 12 (như trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), thì sẽ gây rối loạn trong cách hiểu của xã hội và doanh nghiệp sử dụng lao động bởi không biết đánh giá bằng trung cấp theo chuẩn nào, chất lượng ra sao, và mức độ khác biệt giữa hai nhóm đối tượng này sau khi tốt nghiệp.

Chính vì vậy, theo Tiến sĩ Phương, để đơn giản hóa hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đồng thời tạo sự minh bạch, thống nhất trong toàn xã hội, cần xóa bỏ hệ đào tạo trình độ trung cấp như hiện nay. Những trường trung cấp đang hoạt động nên chuyển đổi sang mô hình trung học nghề hoặc trung học kỹ thuật. Đây sẽ là bước cải cách cần thiết để làm rõ cấu trúc hệ thống, nâng cao chất lượng đào tạo và khắc phục tình trạng chồng chéo, khó phân biệt như hiện nay.

Tường San