Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20 khóa X.
Theo ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Sở đã tiếp nhận, rà soát và báo cáo nội dung liên quan đến việc kiểm tra, giám sát việc dạy và học môn Lịch sử tại các trường có yếu tố quốc tế trên địa bàn thành phố.
Theo đó, hiện nay, tại các trường quốc tế trên địa bàn thành phố, môn Lịch sử không được tổ chức như một môn học độc lập, mà được tích hợp trong chương trình tiếng Việt và Việt Nam học.

Đây là chương trình giáo dục bắt buộc đối với học sinh Việt Nam đang theo học tại các trường quốc tế, theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ, Thông tư số 04/2020/TT-BGDĐT ngày 18/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với học sinh tiểu học: Chương trình tiếng Việt giúp học sinh hình thành và phát triển vốn từ vựng, các kỹ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp phù hợp với lứa tuổi, đồng thời tiếp cận kiến thức cơ bản về văn hóa và con người Việt Nam. Thời lượng không ít hơn 140 phút/tuần, áp dụng cho tất cả khối lớp.
Chương trình Việt Nam học (từ lớp 4 đến lớp 5): Cung cấp kiến thức cơ bản về các sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của Việt Nam; hiểu biết đơn giản về vị trí địa lý, lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo, khí hậu, sông núi, tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam. Qua đó, học sinh hình thành tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc. Thời lượng không ít hơn 70 phút/tuần.
Đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông: Chương trình Việt Nam học cung cấp kiến thức phổ thông, có hệ thống về lịch sử, địa lý, văn hóa và truyền thống Việt Nam; góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm và thái độ sống tích cực. Thời lượng không ít hơn 90 phút/tuần.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Sở cũng đã tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất hoạt động chuyên môn tại các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng quy định về nội dung giáo dục học sinh Việt Nam.
"Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra chuyên đề về nội dung giảng dạy môn Lịch sử, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục tư thục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Việt Nam học"- văn bản nêu rõ..