Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 82/CĐ-TTg ngày 4/6/2025 về tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong lĩnh vực xuất bản, giáo dục, sách giáo khoa giả, sách giáo khoa lậu cũng là vấn nạn cần có biện pháp ngăn chặn. Những sản phẩm không chính thống này ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, không chỉ là học sinh, nhà xuất bản mà còn cả những tác giả viết sách.
Sách giáo khoa giả gây tổn hại đến quyền tác giả
Nói về hệ lụy của sách giáo khoa giả, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Hùng - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên phần Địa lý sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, chia sẻ: "Sách giáo khoa giả ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục do chất lượng in ấn kém và nội dung có thể sai lệch.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đặc biệt chú trọng đến sức khỏe học sinh, như vấn đề về thị lực. Bởi vậy, từ việc phối màu, chọn giấy và kiểm soát độ lóa đều được thực hiện kỹ càng để đảm bảo sách dễ đọc, không gây hại mắt. Tuy nhiên, sách giáo khoa giả sẽ không đạt được yêu cầu hình thức này, chưa kể đến vấn đề mực in không đảm bảo cũng sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe học sinh.
Ngoài ra, trong phân môn Địa lý, yêu cầu nhiều hình ảnh trực quan sinh động. Sách giáo khoa giả với hình ảnh mờ nhòe sẽ làm giảm trải nghiệm học tập và cản trở việc tiếp thu kiến thức, phát triển năng lực của các em.
Bên cạnh đó, sách giả gây thiệt hại cho nhà xuất bản, làm suy giảm nguồn doanh thu cần thiết để duy trì và phát triển hoạt động. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác biên soạn, in ấn và hoàn thiện sách giáo khoa, cản trở nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo tính chuyên nghiệp trong quy trình xuất bản.
Đối với các tác giả, những người đã dành tâm huyết biên soạn sách, việc chứng kiến sản phẩm trí tuệ của mình bị sao chép và sử dụng công khai trên thị trường khiến chúng tôi không giấu nổi sự buồn bã. Hành vi này không chỉ dẫn đến tổn thất về mặt tài chính mà còn xâm phạm giá trị trí tuệ của cả tập thể biên soạn. Hơn nữa, sách lậu, in sai kiến thức còn tổn hại đến danh tiếng và uy tín của những người viết".
Còn dưới góc nhìn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa - Tổng chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, bộ sách Chân trời sáng tạo, hành vi làm giả sách giáo khoa là phi pháp, phi đạo đức gây tổn hại đến xã hội và quyền lợi của các bên liên quan như nhà xuất bản, tác giả và học sinh.
Sách giả thường được bán với giá thấp hơn so với sách chính hãng, nhắm đến tâm lý muốn tiết kiệm chi phí của một bộ phận người tiêu dùng, từ đó duy trì thị trường cho các sản phẩm này bất chấp chất lượng kém hơn rõ rệt.
Hệ lụy của tình trạng trên là gây thất thu thuế của Nhà nước do hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, làm tổn hại tài chính cho các doanh nghiệp xuất bản chân chính. Đồng thời tác động tiêu cực đến quyền lợi của các tác giả - những người đã dành tâm huyết và trí tuệ để tạo nên cuốn sách giáo khoa.
Việc sản xuất và lưu hành sách giả khiến những người viết sách không nhận được thù lao xứng đáng với công sức bỏ ra. Hơn nữa, khi sách giáo khoa giả bị sai lệch thông tin, như lỗi in ấn hoặc nội dung không chính xác, uy tín học thuật và danh tiếng của tác giả cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Đối với học sinh, sách giả không chỉ làm giảm chất lượng trải nghiệm học tập do chất lượng in ấn kém, như hình ảnh mờ nhòe hay giấy chất lượng thấp, mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn nếu nội dung bị sai lệch.
Ví dụ, các bảng biểu in lệch, thiếu chữ hoặc thông tin không đầy đủ dẫn đến sự hiểu sai kiến thức, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiếp thu và phát triển năng lực học tập của học sinh, từ đó làm suy giảm hiệu quả giáo dục.

Tăng mức phạt với các hành vi buôn bán, làm giả sách giáo khoa
Để hạn chế tình trạng sách giáo khoa giả, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Hùng cho rằng, cần áp dụng công nghệ in ấn tiên tiến, như tem chống giả hoặc mã QR truy xuất nguồn gốc, cho phép xác minh tính xác thực của sách và cung cấp quyền truy cập vào nội dung bổ sung, chẳng hạn như tài liệu mở rộng hoặc các bài học chuyên sâu.
Chỉ sách chính hãng mới có thể mang đến cho người học một thế giới tri thức đầy đủ, trọn vẹn, đảm bảo chất lượng giáo dục và trải nghiệm học tập tối ưu. Ngoài ra, việc số hóa và phát triển sách giáo khoa điện tử cũng là một giải pháp tiềm năng, giúp học sinh và giáo viên dễ dàng tiếp cận tài liệu chính thống mọi lúc, mọi nơi.
Mặc dù vậy, để giải quyết triệt để vấn đề, vẫn cần sự đồng lòng từ xã hội, bao gồm nhà trường, phụ huynh, học sinh và cơ quan quản lý. Toàn xã hội đều mong muốn học sinh được sử dụng sách chính hãng, đảm bảo chất lượng và giá trị tri thức
Về quyền tác giả, phải xác lập rõ ràng địa vị pháp lý và quyền lợi của từng thành viên trong nhóm biên soạn, dù sách giáo khoa là sản phẩm đặt hàng từ Nhà nước. Cơ chế minh bạch về thu nhập và sử dụng bản quyền là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của tác giả.
Các cơ quan chức năng cũng cần nâng mức xử phạt đối với các hành vi sản xuất, lưu hành sách giáo khoa giả, từ đó tạo sức răn đe đủ mạnh để hạn chế tối đa các hoạt động bất hợp pháp. Ngoài ra, xây dựng các quy định cụ thể về việc xử lý và bồi thường thiệt hại cho tác giả, nhà xuất bản khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm.
Kết hợp với công tác đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của sách chính hãng và quyền tác giả sẽ góp phần giảm thiểu vấn nạn sách giả, bảo vệ chất lượng giáo dục và giá trị trí tuệ của đội ngũ biên soạn.
Sách giáo khoa liên quan đến việc giáo dục cả một thế hệ, cho nên vấn đề đẩy lùi nạn sách giả càng cần phải làm một cách mạnh mẽ và triệt để với sự chung tay của toàn xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Hùng - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên phần Địa lý sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC. Thiết kế: Hồng Linh
Cùng bàn luận về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa đề xuất: "Các trường học có thể phối hợp với nhà xuất bản để kiểm soát chặt chẽ nguồn sách, đảm bảo cung cấp sách chính hãng đến tận tay học sinh.
Phụ huynh và học sinh cũng cần nâng cao ý thức, chọn mua sách từ các nguồn đáng tin cậy như nhà sách uy tín hoặc các kênh phân phối chính thức của nhà xuất bản, thay vì bị thu hút bởi những cuốn sách giá rẻ không rõ xuất xứ, vốn tiềm ẩn nguy cơ về chất lượng và nội dung sai lệch.
Việc số hóa, sử dụng sách giáo khoa điện tử cũng là một giải pháp để ngăn chặn sách giáo khoa giả nhưng việc sử dụng sách giáo khoa giấy vẫn cần thiết. Sách giấy tiện dụng, hỗ trợ tư duy tổ hợp và phù hợp với nhu cầu học tập. Do đó, việc duy trì sách giấy và sách điện tử có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập và hạn chế cơ hội cho sách giả len lỏi vào thị trường.
Đối với vấn đề bản quyền, các tác giả mong muốn cơ quan quản lý tăng cường biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của đội ngũ biên soạn sách giáo khoa. Khi phát hiện và xử lý các hành vi sản xuất, lưu hành sách giả, cần áp dụng các chế tài nghiêm khắc, bao gồm mức phạt đủ sức răn đe và bồi thường thỏa đáng cho tác giả và nhà xuất bản".