Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến góp ý.
Đáng chú ý, Sở Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ thực hiện toàn bộ việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, tiếp nhận, điều động, biệt phái, thuyên chuyển, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động trong tất cả các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP.
Theo các trường học, việc giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc tuyển dụng sẽ có những điểm thuận lợi.
Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn, có hiểu biết sâu sát về ngành
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Bích San (phường Nam Định, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ, đây là một chủ trương hợp lý và thuận tiện nếu được triển khai bài bản, đúng người, đúng việc.
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp phụ trách công tác tuyển dụng giáo viên là tốt nhất vì đây là cơ quan chuyên môn, có hiểu biết sâu sát về ngành, về đội ngũ và thực tế của các cơ sở giáo dục. Hơn nữa, phần lớn cán bộ công tác tại sở đều từng là những giáo viên cốt cán, có nhiều năm giảng dạy, đạt nhiều thành tích trong nghề, nên có đủ kinh nghiệm và chuyên môn để đánh giá, lựa chọn giáo viên phù hợp.
Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác tuyển dụng giúp quá trình tuyển chọn được thực hiện sát với thực tế, lựa chọn được những giáo viên có năng lực, chuyên môn vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt.
Điều này góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong các cơ sở giáo dục, bởi “thầy giỏi thì mới có trò giỏi”. Khi đội ngũ giáo viên có chất lượng, các nhà trường mới có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Trước đây, công tác quản lý đội ngũ giáo viên do Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Tuy nhiên, theo cô Nguyệt, cấp huyện là đơn vị hành chính tổng hợp, nên việc nắm bắt sâu sát tình hình của từng cơ sở giáo dục tại các xã, phường còn hạn chế.
Do đó, đây là một bước đi đúng hướng, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, tránh chồng chéo, đồng thời đảm bảo công tác nhân sự diễn ra minh bạch, hiệu quả hơn.

Đồng quan điểm, thầy Hoàng Quang Cẩn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Ngo (xã La Lay, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ, việc giao Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác chuyên môn như tuyển dụng cán bộ, viên chức trong các nhà trường là bước đi phù hợp với ngành giáo dục trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong việc đảm bảo chuyên môn, đánh giá năng lực đội ngũ, sắp xếp nhân sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, sau sáp nhập, quy mô tỉnh lớn hơn, tình trạng thừa - thiếu giáo viên sẽ diễn ra cục bộ. Việc giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo quyền tuyển dụng sẽ giúp đảm bảo sự thống nhất và khái quát hơn trong điều tiết nguồn lực
Việc phân cấp rõ ràng chuyên môn do Sở Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm, hành chính do Ủy ban nhân dân xã quản lý chính là một bước tiến giúp nhà trường giảm áp lực thủ tục, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, đồng thời tạo điều kiện cho quản lý giáo dục ở cơ sở trở nên gần gũi, sát thực tế hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên một cách hợp lý, đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn toàn tỉnh.
Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, khi Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc này cũng sẽ đảm bảo tính chính xác, công khai, minh bạch, thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ.
Tuy nhiên, thầy Cẩn cũng băn khoăn, sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, địa bàn quản lý sẽ trở nên rộng hơn, nhiều xã cùng nằm trong một huyện, khiến phạm vi điều hành trải dài và phức tạp hơn.
Như tại tỉnh Quảng Trị được sáp nhập từ tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, số lượng trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng lên rất lớn, dễ dẫn đến tình trạng quá tải trong quản lý.
Bên cạnh những thuận lợi, cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là trong việc điều động, luân chuyển giáo viên cũng cần được quan tâm. Việc quản lý, bố trí nhân sự phù hợp giữa các trường, nhất là với những vùng khó khăn còn thiếu giáo viên là vấn đề thực tiễn cần được đặt ra.
Khối lượng công việc lớn có thể khiến công tác điều động, luân chuyển giáo viên tại các trường không kịp thời. Nếu Sở Giáo dục và Đào tạo không nắm bắt nhanh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động dạy học của các trường.
Việc điều động, luân chuyển kịp thời, hợp lý sẽ giúp cân đối đội ngũ, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên, đảm bảo cho các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy và quản lý.
Cần lắng nghe “tiếng nói” từ các cơ sở giáo dục
Theo lãnh đạo một số cơ sở giáo dục, điều quan trọng là có cơ chế phối hợp chặt chẽ để duy trì sự linh hoạt, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo được tính hệ thống và thống nhất trong công tác quản lý nhà giáo trên toàn tỉnh.
Theo thầy Cẩn, để việc tuyển dụng, điều động, luân chuyển giáo viên được diễn ra kịp thời, cần có sự phối hợp ăn ý giữa nhà trường với Sở Giáo dục và Đào tạo, trong đó trách nhiệm của người hiệu trưởng rất quan trọng.
Thực tế, tại những vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên còn thiếu cục bộ, nhất là một số môn đặc thù. Trước đây khi thực hiện chính quyền địa phương 3 cấp, việc tuyển dụng, bố trí giáo viên đôi khi chưa kịp thời. Nay khi giao nhiệm vụ tuyển dụng cho Sở Giáo dục và Đào tạo, khối lượng công việc càng lớn hơn, nên việc chủ động đề xuất kịp thời các nhu cầu về nhân lực là hết sức cần thiết.
Vì vậy, hiệu trưởng cần nắm bắt rõ thực trạng hiện tại của trường cũng như làm tốt trách nhiệm báo cáo, tham mưu, cung cấp thông tin thực tế về nhu cầu thiếu giáo viên, nhân viên để Sở có cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển dụng sát với tình hình.
Vị hiệu trưởng cũng gợi ý, để giải quyết bài toán khối lượng công việc quá tải, có thể ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quản lý, cơ quan cấp tỉnh sẽ có thể nắm được tình hình các trường ở xa mà không cần làm việc trực tiếp, đỡ vất vả mà vẫn hiệu quả.
Ngoài ra, thầy Cẩn cũng đề xuất, theo Điều 9 Thông tư 12/2025/TT-BGDĐT quy định thẩm quyền tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi từ ngày 01/7/2025 như sau: Thẩm quyền tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non, giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Theo đó, từ ngày 01/7/2025, sẽ có hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp xã được tổ chức theo chu kỳ 02 năm một lần, do Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức.
Tuy nhiên, ở cấp xã, một số nơi có ít cơ sở giáo dục nên việc thi giáo viên giỏi có lẽ sẽ hạn chế. Vì vậy theo thầy Cẩn nên xem xét vấn đề này.

Còn theo cô Lê Thị Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng (xã Tương Dương, tỉnh Nghệ An), việc giao quyền trực tiếp tuyển dụng giáo viên cho Sở Giáo dục và Đào tạo mang lại nhiều thuận lợi rõ rệt. Với năng lực chuyên môn và kinh nghiệm quản lý, các phòng, ban chuyên môn trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo có khả năng đưa ra đánh giá chính xác, toàn diện.
Tuy nhiên, là một trường ở vùng cao, bên cạnh việc tuyển dụng, cần có chính sách phù hợp để giữ chân giáo viên ở lại cống hiến lâu dài cho các vùng miền núi, đồng thời cũng cần có cơ chế luân chuyển thuận tiện, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên. Khi không thể yên tâm giảng dạy, chất lượng công việc bị ảnh hưởng, giáo viên sẽ có xu hướng rời bỏ vùng khó. Việc giữ chân đội ngũ này sẽ tiếp tục là thách thức lớn nếu không có những giải pháp toàn diện và bền vững.
Trong công tác tuyển dụng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Nhà trường là đơn vị trực tiếp sử dụng nhân sự, do đó nhu cầu về đội ngũ giáo viên, nhân viên phải được đề xuất từ chính các cơ sở giáo dục. Sở cần lắng nghe và nắm bắt kịp thời những nhu cầu này, ví dụ trường đang cần bao nhiêu giáo viên, ở bộ môn nào, cần nhân viên y tế, nhân viên phục vụ ở vị trí nào, từ đó xây dựng kế hoạch tuyển dụng phù hợp, sát thực tế.
Cũng theo cô Quang, khi Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý phạm vi quá rộng, ở giai đoạn đầu sẽ có đôi chút bỡ ngỡ khi các trường làm việc với sở. Với số lượng trường phổ thông đông đảo, Sở Giáo dục và Đào tạo cần sâu sát hơn với các đơn vị cơ sở, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa, cũng như có cơ chế quản lý linh hoạt, gần với thực tiễn, đồng thời phát triển thêm các công cụ hành chính công để quy trình được thuận tiện, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, để việc điều động, biệt phái giáo viên dưới sự quản lý chung của Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương được thực hiện hài hòa, các cấp cơ sở cần hiểu rõ đặc thù địa bàn và nhu cầu thực tế, do đó, ý kiến của họ sẽ giúp các quyết định điều động trở nên sát thực và hiệu quả hơn. Cùng với đó, cần đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa Sở và các nhà trường, để công tác tuyển dụng, bố trí giáo viên vừa kịp thời, vừa phù hợp, thực sự phục vụ tốt cho yêu cầu dạy học ở từng địa phương.