Thu hút 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc là đòn bẩy để KHCN bứt phá

21/07/2025 06:39
Thúy Hiền

GDVN - Theo GS Chử Đức Trình, cần có một chính sách mang tính hệ thống, hỗ trợ không chỉ chuyên gia quốc tế mà cả nhân tài trong nước làm việc, cống hiến.

Một nội dung trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW (phiên họp thứ 3) là các Bộ/Ban/Ngành hoàn thành ngay trong tháng 8/2025 việc đảm bảo nguồn nhân lực, thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc.

Tiền đề để Việt Nam vươn mình trong lĩnh vực khoa học - công nghệ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Nghị quyết 57 đã tạo ra một luồng tư duy mới trong lao động, thể hiện rõ nét qua việc Việt Nam đã tận dụng tốt các lợi thế sẵn có, từ con người đến điều kiện phát triển để đạt được nhiều thành tựu kinh tế trong thời gian qua.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách là thu hút và phát huy hiệu quả đội ngũ nhân lực chất lượng cao, cả trong và ngoài nước, tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây không chỉ là mục tiêu ngắn hạn, mà còn là bước khởi đầu then chốt để tạo đà cho các chiến lược trung và dài hạn.

Nguồn lực tài năng, chất lượng cao nếu được nhìn nhận một cách toàn diện, không chỉ gói gọn trong giới nghiên cứu mà trải rộng ở nhiều lĩnh vực. Trước hết là những người làm khoa học như giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy và nghiên cứu tại các viện, trường trong và ngoài nước. Đây lực lượng đóng vai trò kiến tạo tri thức và dẫn dắt thế hệ kế tiếp. Bên cạnh đó là các chuyên gia công nghệ - những người có khả năng chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm cụ thể, góp phần trực tiếp vào sự vận hành và đổi mới của nền kinh tế.

Không thể thiếu trong hệ sinh thái nhân tài là những nhà quản trị giỏi, những người có tư duy chiến lược, kỹ năng tổ chức và điều phối nguồn lực để biến các ý tưởng, công trình thành hệ thống vận hành hiệu quả. Và đặc biệt, lực lượng doanh nhân, tài năng khởi nghiệp giữ vai trò kết nối thị trường, thương mại hóa sản phẩm, từ đó tạo ra sức lan tỏa và giá trị gia tăng cho toàn xã hội.

gs-chu-duc-trinh.png
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường.

“Nếu tận dụng tốt chủ trương lớn của Đảng, đồng thời có cơ chế khuyến khích, thu hút và trọng dụng người tài, nhất là đội ngũ đang hoạt động tại các nền khoa học tiên tiến thì Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tạo ra cú bứt phá về vị thế và diện mạo phát triển trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở việc “thu hút” cho đủ, mà là “dùng đúng” để phát huy tối đa năng lực từng cá nhân. Việc phát hiện, lựa chọn và bố trí người tài đúng vị trí - nơi họ có thể phát huy sở trường và đóng góp thực chất là bài toán đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, sự quyết liệt trong hành động và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Chỉ khi giải được bài toán nhân lực một cách bài bản và chiến lược, chúng ta mới có thể biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh thực sự.

Đây không phải là nhiệm vụ của riêng ngành khoa học - công nghệ hay giáo dục, mà là trách nhiệm chung của tất cả các lĩnh vực, từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu”, Giáo sư Chử Đức Trình nhận định.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc thu hút chuyên gia quốc tế và trí thức Việt kiều về làm việc tại Việt Nam không chỉ là chiến lược để làm giàu nguồn lực con người, mà còn là “đòn bẩy” then chốt giúp nâng tầm trình độ khoa học - công nghệ và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tri thức và công nghệ không còn bị giới hạn bởi biên giới địa lý. Việc mở rộng hợp tác, mời gọi những người đã được đào tạo và làm việc trong các nền khoa học tiên tiến quay trở lại cống hiến cho đất nước sẽ mang đến những tác động kép là vừa cập nhật xu thế phát triển của thế giới, vừa truyền cảm hứng và chuyển giao chuẩn mực quốc tế vào môi trường nghiên cứu và giáo dục trong nước.

“Trí thức Việt kiều và các chuyên gia quốc tế không chỉ mang theo kiến thức hàn lâm mà còn đem về cả một hệ giá trị tích lũy từ những môi trường phát triển bao gồm cách tổ chức nghiên cứu, tác phong chuyên nghiệp, năng lực hợp tác liên ngành, tư duy phản biện và đặc biệt là kỹ năng làm việc trong các hệ sinh thái khoa học mở. Đây chính là những yếu tố mà Việt Nam còn thiếu và đang rất cần bổ sung nếu muốn vươn lên cạnh tranh trong cuộc chơi toàn cầu.

Có một câu nói là “đứng trên vai người khổng lồ”, tức là kế thừa những thành tựu mà người đi trước đã đạt được chính là cách ngắn nhất để thu hẹp khoảng cách. Khi có cơ hội học hỏi trực tiếp từ những chuyên gia đầu ngành đã từng làm việc tại các trung tâm khoa học, đại học hàng đầu thế giới, các nhà nghiên cứu và sinh viên Việt Nam sẽ rút ngắn được hàng năm, thậm chí hàng chục năm thử nghiệm và sai lầm trong quá trình tiếp cận cái mới.

Tuy nhiên, mời gọi là chưa đủ. Thách thức lớn nhất nằm ở việc xây dựng được một hệ sinh thái đủ sức hấp dẫn từ môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch, chính sách đãi ngộ cạnh tranh, đến cơ sở vật chất và không gian sáng tạo chuyên nghiệp. Việt Nam cần tạo ra cảm giác "được làm nghề" chứ không chỉ "được làm việc" cho những trí thức tài năng này. Đồng thời, yếu tố văn hoá, môi trường làm việc - một cộng đồng khoa học có tư duy cởi mở, cầu thị và sẵn sàng đổi mới cũng là điều kiện tiên quyết để giữ chân người tài”, Phó Giáo sư Trần Thiên Phúc cho hay.

pgs-tran-thien-phuc.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

Có thể nói, trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng, việc tận dụng “chất xám” từ bên ngoài để nâng cao nội lực bên trong không còn là lựa chọn mà là một yêu cầu tất yếu. Và để thành công, phải có chiến lược dài hạn, sự cam kết chính trị rõ ràng, cùng hành động nhất quán từ trung ương đến cơ sở, từ nhà nước đến doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.

Chính sách thu hút nhân tài không chỉ dừng lại ở mức lương

Cũng theo Phó Giáo sư Trần Thiên Phúc, để thu hút và giữ chân các chuyên gia quốc tế, trí thức Việt kiều về làm việc lâu dài tại Việt Nam, bên cạnh việc tạo ra môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, các chính sách hỗ trợ gia đình, nhà ở và thủ tục hành chính đi kèm cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Thực tế cho thấy, nhiều chuyên gia khi trở về nước không chỉ đi một mình mà còn đưa theo cả gia đình (vợ, con). Do đó, nếu chỉ dừng lại ở việc chi trả lương hay tạo điều kiện học thuật cho bản thân chuyên gia mà không quan tâm đến cuộc sống và điều kiện ổn định của gia đình họ thì sẽ rất khó để giữ chân đội ngũ này một cách bền vững.

Ngoài ra, một trong những rào cản lớn hiện nay là khung mức chi trả cho chuyên gia nước ngoài do Nhà nước quy định còn thấp và chưa tương xứng với mặt bằng thu nhập quốc tế. Nhiều trường đại học dù có đủ nguồn lực tài chính để trả lương cao hơn cũng không thể chi vượt khung, dẫn đến việc khó mời gọi chuyên gia có trình độ cao. Trong điều kiện đó, các cơ sở giáo dục đặc biệt là các trường đại học đang phải linh hoạt tìm những “con đường khác” để bù đắp như tạo điều kiện cho chuyên gia được chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học; sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để bổ trợ thu nhập hoặc hỗ trợ họ tiếp cận các nguồn tài trợ quốc tế.

Những chính sách như cấp nhà ở và tạo điều kiện học tập cho con em các chuyên gia tuy chưa phổ biến rộng rãi nhưng là hướng đi cần thiết để nâng mức độ hấp dẫn của môi trường học thuật Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong khi chờ đợi một hành lang pháp lý mới về chế độ đãi ngộ linh hoạt hơn cho chuyên gia, nhiều trường đại học đang chủ động xây dựng các mô hình thí điểm, trong đó đặt trọng tâm vào “trao quyền” cho người làm khoa học. Đây cũng là cách để Việt Nam chuyển từ tư duy “thu hút nhân tài” sang “giữ chân và phát triển nhân tài”, phù hợp với yêu cầu cạnh tranh toàn cầu hiện nay.

Dẫu vậy, cốt lõi của vấn đề vẫn là môi trường làm việc và cơ chế đãi ngộ thực chất, trong đó bao gồm mức lương cạnh tranh, thủ tục hành chính thông thoáng, quyền tự chủ học thuật và đặc biệt là điều kiện thuận lợi để tiếp cận, đăng ký, triển khai các đề tài nghiên cứu. Bởi đối với những người làm học thuật, được “sống với nghề”, được tự do sáng tạo và có một hệ sinh thái hỗ trợ hiệu quả mới là yếu tố quyết định để gắn bó dài lâu.

hcmut.png
Sinh viên đang thực hành tại Phòng thí nghiệm Công nghệ Vi sinh của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

Ngoài ra, việc mời giảng viên, chuyên gia quốc tế tham gia thỉnh giảng tại các trường đại học Việt Nam đang dần trở nên phổ biến, tuy nhiên hiện vẫn chủ yếu triển khai dưới hình thức thời vụ, theo từng học kỳ, do chưa có cơ chế chính thức cho hợp tác dài hạn.

“Tại nhiều trường, việc mời chuyên gia nước ngoài thường phục vụ hai mục tiêu chính là tham gia nghiên cứu khoa học và giảng dạy một số học phần chuyên sâu, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học cơ bản hoặc những chủ đề có tính cập nhật cao theo xu hướng quốc tế như AI, công nghệ vật liệu, năng lượng tái tạo…

Hiện tại, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có duy nhất 1 giảng viên cơ hữu là người nước ngoài, giảng dạy ngành Vật lý kỹ thuật. Ngoài ra, đối với các học phần liên quan đến tiếng Anh, nhà trường đã mời các giáo sư từ các trường đại học đối tác ở nước ngoài về giảng dạy tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ chỉ tham gia giảng dạy trong thời gian ngắn và không phải là giảng viên cơ hữu.

Do cơ chế hiện hành chưa thể ký hợp đồng dài hạn với giảng viên nước ngoài nên hình thức thỉnh giảng vẫn là lựa chọn chủ yếu. Nhà trường chủ động thích ứng, nhưng rõ ràng, nếu có chính sách ổn định, dài hạn thì việc giữ chân chuyên gia giỏi sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, thầy Phúc cho hay.

Còn Giáo sư Chử Đức Trình cho biết, để tháo gỡ phần nào những vướng mắc về khung chi trả của Nhà nước cũng như gia tăng thêm thu nhập cho giảng viên, nhà khoa học, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chủ động xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ gắn với hiệu quả công việc và sản phẩm đầu ra.

“Các khoản thu nhập được thiết kế theo cơ chế linh hoạt, có thể điều chỉnh theo vị trí, năng lực và đặc biệt là KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả). Đây được xem là một giải pháp “tự chủ trong khuôn khổ”, vừa đảm bảo đúng quy định, vừa tạo được sức hút với đội ngũ giảng viên trẻ, đặc biệt là người Việt Nam trở về từ nước ngoài.

Trên cơ sở đó, nếu cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đạt yêu cầu cam kết, nhà trường có thể xem xét điều chỉnh mức chi trả, thậm chí chấm dứt hợp đồng. Cơ chế này không chỉ giúp đảm bảo tính công bằng trong nội bộ, mà còn tạo động lực cạnh tranh lành mạnh và nâng cao hiệu suất lao động toàn hệ thống.

Hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã và đang thể hiện tinh thần rất cởi mở trong việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là về chính sách tài chính. Theo đó, các trường có thể được tạo điều kiện để chủ động xây dựng cơ chế chi trả phù hợp, đảm bảo nguyên tắc “đúng người, đúng việc, đúng hiệu quả”.

Đây chính là bước chuyển từ “xin - cho” sang “trao quyền - chịu trách nhiệm”, phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập hiện nay”, thầy Trình nhận định.

dh-cong-nghe.png
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hành tại phòng nghiên cứu. Ảnh tư liệu nhà trường từng cung cấp.

Tuy nhiên, để thực sự thu hút được các nhà khoa học tầm cỡ quốc tế, cần phải có những chính sách đột phá mang tính toàn hệ thống từ chủ trương của Đảng, quy định pháp lý của Nhà nước đến sự linh hoạt trong thực thi của từng cơ sở đào tạo.

Một điểm đáng lưu ý khác là chính sách hỗ trợ cho gia đình của chuyên gia, trí thức nước ngoài. Đây là yếu tố có tính quyết định đến việc người tài có gắn bó lâu dài với Việt Nam hay không. Khi chuyên gia về nước làm việc, họ không chỉ quan tâm đến điều kiện học thuật cá nhân mà còn đặt nặng bài toán an cư cho cả gia đình. Việc hỗ trợ nhà ở, tạo điều kiện học tập cho con em, thậm chí là bố trí việc làm phù hợp cho vợ hoặc chồng của họ là những yếu tố rất cần được tính đến.

"Hiện nay, một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế trong thu hút nhân tài nhờ môi trường học thuật phong phú và năng động. Tuy nhiên, chính chi phí sinh hoạt cao và áp lực nhà ở cũng đang trở thành rào cản. Vì vậy, nếu có thêm chính sách nhà ở công vụ dành riêng cho chuyên gia, nhà khoa học, đi kèm với mạng lưới hỗ trợ hành chính - pháp lý - tài chính, sẽ là yếu tố cần thiết để giữ chân người tài.

Người làm khoa học cần được tập trung toàn tâm toàn ý cho chuyên môn. Những việc ngoài chuyên môn như thủ tục hành chính, tài chính, hậu cần,... cần có đội ngũ chuyên trách hỗ trợ. Chỉ khi ấy, môi trường làm việc mới thật sự chuyên nghiệp và có sức hấp dẫn lâu dài.

Điều quan trọng là các chính sách cũng cần mang tính hệ thống, không chỉ nhằm vào đội ngũ chuyên gia từ nước ngoài mà còn phục vụ chính lực lượng nhân tài trong nước - những người đang cống hiến thầm lặng trong các viện nghiên cứu, trường đại học cũng rất cần được tạo điều kiện sống và làm việc tương xứng với giá trị họ mang lại”, thầy Trình nhấn mạnh.

Cần một chính sách kiến tạo mang tính đột phá

Cũng theo Thông báo kết luận, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển, trọng dụng nhân tài, đặc biệt là chuyên gia đầu ngành phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; triển khai Chiến lược thu hút nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Hoàn thành trong tháng 9/2025.

Để đề án thực sự khả thi và hiệu quả, Giáo sư Chử Đức Trình cho rằng cần ưu tiên giải quyết ba nhóm vấn đề mang tính kiến tạo và đột phá cả về cơ chế, chính sách lẫn tư duy quản trị.

Một là xây dựng chiến lược trên nền tảng phân loại nhu cầu cụ thể của từng hệ thống. Cần một chính sách đóng vai trò “kiến tạo”, tạo khung cơ chế đủ linh hoạt để từng đơn vị, tổ chức tự phát hiện, lựa chọn và sử dụng nhân tài theo mục tiêu riêng của họ. Điều này đòi hỏi phải trao quyền tự chủ thực chất, đặc biệt với các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu công lập.

Hai là gỡ bỏ rào cản thể chế và thủ tục hành chính. Một rào cản phổ biến hiện nay khiến việc thu hút nhân tài kém hiệu quả chính là sự rườm rà trong thủ tục hành chính từ ký hợp đồng với người nước ngoài, bổ nhiệm chức danh khoa học, đến tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế…

Để khơi thông dòng chảy chất xám, cần mạnh dạn cắt bỏ các khâu trung gian không cần thiết, phân cấp rõ quyền hạn cho các đơn vị được trao nhiệm vụ sử dụng nhân tài, đặc biệt là trong các cơ sở tự chủ. Chính sách về tổ chức cán bộ cũng cần sửa đổi theo hướng trao quyền đi đôi với trách nhiệm, để người đứng đầu có thực quyền trong lựa chọn, bố trí, đãi ngộ và đánh giá nhân sự.

Ba là kết hợp thu hút ngắn hạn với chiến lược đào tạo, phát triển nội lực dài hạn. Việc thu hút chuyên gia, trí thức Việt kiều, nhân tài quốc tế là chiến lược quan trọng trong ngắn hạn nhưng không thể bền vững nếu thiếu một đội ngũ nhân lực nội tại có năng lực. Do đó, cần đặc biệt chú trọng phát hiện, bồi dưỡng nhân tài từ sớm, từ học sinh phổ thông, sinh viên đại học đến các nhà nghiên cứu trẻ. Những chính sách về học bổng, môi trường học thuật cạnh tranh, định hướng nghề nghiệp hoặc ươm mầm tài năng trong từng lĩnh vực cần được tích hợp chặt chẽ trong chiến lược này.

Thúy Hiền