Trường nghề nêu sự khác biệt giữa giảng viên đồng cơ hữu so với cơ hữu, thỉnh giảng

16/07/2025 06:35
Mạnh Dũng

GDVN -Theo ThS Hoàng Ngọc Dũng, cơ quan có thẩm quyền cần quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với giảng viên đồng cơ hữu nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Việc trao quyền tự chủ và quy định về giảng viên đồng cơ hữu trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi đang được nhiều chuyên gia, lãnh đạo trường nghề kỳ vọng sẽ là bước chuyển mình mới cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp của nước ta.

Được trao quyền tự chủ là chìa khóa để trường nghề chuyển mình mạnh mẽ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Hoàng Ngọc Dũng - Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa cho hay, việc mở rộng quyền tự chủ trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi là một bước tiến lớn, mang tính đột phá đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng và yêu cầu về chất lượng đào tạo ngày càng cao.

Thầy Hoàng Ngọc Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa (tỉnh Khánh Hoà). Ảnh: NVCC.

Thầy Hoàng Ngọc Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa (tỉnh Khánh Hoà). Ảnh: NVCC.

Theo đó, việc cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ trong xác định chỉ tiêu, phương thức và thời điểm tuyển sinh sẽ tăng tính linh hoạt và chủ động, giúp trường nghề có thể nhanh chóng mở đợt tuyển sinh bổ sung, điều chỉnh phương án xét tuyển phù hợp với thị trường lao động và tình hình thực tế tại địa phương.

Đồng thời, về phương thức tuyển sinh, các trường có thể đa dạng hóa, kết hợp xét tuyển học bạ, phỏng vấn nghề nghiệp, tuyển sinh theo đơn đặt hàng doanh nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giúp thúc đẩy và đổi mới nội dung tuyển sinh để thu hút người học.

Cũng theo thầy Dũng, về công tác quản trị nội bộ và hành chính, dự thảo luật rút ngắn quy trình hành chính giúp trường nghề tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành. Thay vì mất hàng tháng để xin ý kiến phê duyệt của cấp trên, các trường có thể ra quyết định nhanh chóng, linh hoạt, từ đó kịp thời ứng phó với yêu cầu mới. Song song với đó, điều này cũng tăng tính chủ động trong quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất. Khi được giao quyền, trường nghề có thể chủ động tái đầu tư nguồn thu hợp lý theo nhu cầu thực tế đào tạo, thay vì chờ đợi phân bổ hoặc phê duyệt.

Đồng tình với quan điểm này, thầy Kiều Ngọc Lễ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang (tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, dự thảo luật mở rộng quyền tự chủ cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp linh hoạt hơn trong việc hoạch định lộ trình và kế hoạch tổ chức đào tạo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc đảm bảo và trao đổi nguồn giáo viên, giảng viên giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, mở rộng quyền tự chủ giúp trường nghề chủ động mời giảng viên thỉnh giảng từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, từ khu vực ngoài nhà nước và cả từ các doanh nghiệp ở địa phương. Khi có đủ điều kiện về giảng viên, các trường sẽ không cần phải xin ý kiến hay chờ đợi hướng dẫn từ các cơ quan quản lý trực tiếp về việc mời giảng viên thỉnh giảng. Điều này đồng nghĩa với việc rút ngắn đáng kể các thủ tục hành chính, giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động hiệu quả và linh hoạt hơn, đáp ứng nhanh chóng với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.

Thầy Kiều Ngọc Lễ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang (tỉnh Tuyên Quang). Ảnh website trường

Thầy Kiều Ngọc Lễ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang (tỉnh Tuyên Quang). Ảnh website trường

Bên cạnh việc trao quyền tự chủ, theo dự thảo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải công bố công khai mức học phí và các khoản thu dịch vụ khác cho cho từng năm học và toàn khóa; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để cấp học bổng hoặc hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời, bổ sung quy định về hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ và trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thiết lập, vận hành và đánh giá, nhấn mạnh yếu tố cải tiến liên tục và công khai cam kết chất lượng đào tạo, chỉ số hiệu quả hoạt động, kết quả tự đánh giá và kế hoạch cải tiến.

Theo quan điểm của thầy Hoàng Ngọc Dũng, dự thảo luật bổ sung các quy định nhằm công khai minh bạch tài chính, trách nhiệm hỗ trợ người học và bảo đảm chất lượng nội bộ là rất cần thiết và mang ý nghĩa kép, cả về quản trị nội bộ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp lẫn bảo vệ quyền lợi của người học.

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc công bố công khai mức học phí và các khoản thu dịch vụ khác giúp trường nghề tạo dựng niềm tin với xã hội, người học và phụ huynh, nhất là trong bối cảnh hiện nay có nhiều ý kiến liên quan đến học phí và chi phí đào tạo của các cơ sở giáo dục. Đồng thời, việc này cũng tạo nên một “chuẩn hành vi” để các cơ sở cùng hướng đến sự chuyên nghiệp và cạnh tranh lành mạnh.

Bên cạnh đó, quy định trích học phí để cấp học bổng hoặc hỗ trợ người học khó khăn là một bước đi rất nhân văn, buộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đồng hành với người học, đặc biệt là những em thuộc diện chính sách, vùng sâu vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn. Sự hỗ trợ tài chính đúng lúc không chỉ giúp giữ chân người học, mà còn thể hiện trách nhiệm cộng đồng, nâng cao thương hiệu và hình ảnh của nhà trường.

Đặc biệt, việc thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, cùng với yêu cầu đánh giá, cải tiến liên tục và công khai kết quả là dấu hiệu cho thấy giáo dục nghề nghiệp đang từng bước tiệm cận các mô hình kiểm định chất lượng của quốc tế. Bởi trường nghề buộc phải xây dựng các chỉ số hiệu quả hoạt động cụ thể như: tỷ lệ có việc làm, mức lương khởi điểm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đúng hạn, mức độ hài lòng của doanh nghiệp,... Từ đó, toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ chuyển từ “dạy gì có sẵn” sang “dạy điều xã hội cần”.

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Hoàng Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Y tế Hải Phòng cho rằng, việc công khai mức học phí là yếu tố then chốt, giúp người học chủ động nắm bắt được tổng kinh phí cần thiết cho khóa học. Sự minh bạch này cho phép học viên so sánh học phí giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác nhau, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp với tài chính của người học.

Cùng với đó, công khai học phí cũng góp phần quan trọng vào việc đảm bảo tính minh bạch trong toàn bộ quá trình đào tạo. Tất cả các khoản thu học phí từ học sinh, sinh viên đều phải được hạch toán và tuân thủ các quy định chung về thu, chi, đảm bảo sự rõ ràng và đúng pháp luật.

Về trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để cấp học bổng hoặc hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn, việc ấn định một phần từ nguồn thu học phí để cấp học bổng theo dự thảo luật sẽ tạo sự đồng bộ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tránh mỗi trường, mỗi nơi làm một kiểu. Điều này cùng đồng nghĩa rằng, khi các trường đưa ra mức học phí cao hơn, quyền lợi về học bổng của các em học sinh cũng sẽ được đảm bảo cao hơn, tạo động lực lớn và khuyến khích học tập cho học sinh.

Cần ban hành Thông tư hướng dẫn riêng về giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu

Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 19, Chương IV, dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) nêu rõ: "Giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu là người đã được tuyển dụng ở một cơ quan, đơn vị không phải Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, được cơ sở giáo dục nghề nghiệp bổ nhiệm để đảm nhiệm chức danh giảng dạy các ngành, nghề chuyên môn đặc thù nếu đáp ứng chuẩn nghề nghiệp".

Đánh giá về nội dung này trong dự thảo luật, Thạc sĩ Hoàng Văn Hùng cho rằng, việc bổ sung khái niệm giảng viên đồng cơ hữu là hợp lý, giúp huy động nguồn nhân lực giảng dạy của trường nghề.

Tuy nhiên, khái niệm giảng viên đồng cơ hữu vẫn còn chưa rõ ràng về bổ nhiệm, phân công dẫn tới việc trường nghề gặp khó khăn nếu không có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, dự thảo luật cần làm rõ và chi tiết hơn đối với vị trí này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc sử dụng lao động.

Thầy Hùng cũng kỳ vọng rằng, nếu được công nhận là giảng viên đồng cơ hữu, chức danh này nên được tính vào chỉ tiêu tuyển sinh khi trường nghề mở ngành mới tạo điều kiện cho giảng viên đồng hành và hỗ trợ cùng nhà trường trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, việc tính số lượng, tỷ lệ chỉ tiêu cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng thời nên có tiêu chí kiểm định, đánh giá cụ thể đảm bảo công khai, minh bạch.

gv-sv-cao-dang-y-te-hp.jpg
Giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng trong một tiết dạy. Ảnh website trường

Còn theo thầy Kiều Ngọc Lễ, việc quy định chức danh giảng viên đồng cơ hữu trong dự thảo luật góp phần giúp trường nghề giải được bài toán thiếu giảng viên giảng dạy. Bởi nếu muốn sử dụng giảng viên thỉnh giảng, trường nghề phải căn cứ dựa trên số lượng ngành nghề hiện đang đào tạo. Tuy nhiên, đa số những người có đủ tiêu chuẩn để làm giảng viên thỉnh giảng lại đang làm việc ở các cơ quan khác, dẫn đến có khả năng xung đột về sử dụng lao động.

Do đó, nếu giảng viên từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác đạt đủ tiêu chuẩn về các điều kiện giảng dạy theo quy định, có thể tham gia giảng dạy sau khi đã hoàn thành thời gian quy định tại cơ sở của họ và có sự cam kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thì hoàn toàn có thể để cơ sở giáo dục nghề nghiệp ký hợp đồng với giảng viên đồng cơ hữu cùng các điều kiện đi kèm cụ thể, rõ ràng.

Trong khi đó, thầy Hoàng Ngọc Dũng đánh giá cao việc dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi đã chính thức hóa khái niệm “giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu”, bởi bài toán nhân lực giảng dạy đang diễn ra phổ biến tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt với những ngành nghề đặc thù gắn liền với công nghệ mới hoặc thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và dễ áp dụng trong kiểm tra – đánh giá, theo quan điểm của thầy Dũng vị trí giảng viên đồng cơ hữu cần được quy định rõ và cụ thể hóa một số nội dung như:

Thứ nhất, khái niệm “giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu” cần được quy định rõ là người đang làm việc chính thức tại một cơ quan, đơn vị ngoài hệ thống nhà trường giáo dục nghề nghiệp, nhưng được cơ sở giáo dục nghề nghiệp bổ nhiệm để tham gia giảng dạy các ngành nghề chuyên môn đặc thù, khi người đó đáp ứng chuẩn trình độ, kỹ năng, năng lực giảng dạy theo quy định.

Điểm khác biệt của giảng viên đồng cơ hữu là không làm việc toàn thời gian, nhưng có cam kết rõ ràng và lâu dài về chuyên môn, khác với giảng viên thỉnh giảng mang tính thời vụ hoặc ngắn hạn.

Thứ hai, cần làm rõ về phân công, bổ nhiệm, và trách nhiệm.

Về phân công và bổ nhiệm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có quy trình tuyển chọn minh bạch và ra quyết định bổ nhiệm chính thức người đồng cơ hữu vào vị trí giảng viên, giáo viên của trường. Quá trình bổ nhiệm phải đi kèm với hồ sơ năng lực đầy đủ (văn bằng, kinh nghiệm thực tế, kỹ năng sư phạm), cam kết về thời gian giảng dạy trong năm học. Đồng thời, cần mô tả vị trí công việc rõ ràng: thời lượng, hình thức tham gia (lý thuyết, thực hành, hướng dẫn thực tập), trách nhiệm trong kiểm tra, đánh giá, cố vấn nghề nghiệp,…

Về trách nhiệm, giảng viên đồng cơ hữu chịu sự quản lý chuyên môn trực tiếp của nhà trường, kể cả khi đang làm việc tại đơn vị ngoài. Song song với đó, phải tham gia đánh giá học sinh, hỗ trợ kiểm định chất lượng, phối hợp xây dựng giáo trình, cải tiến chương trình nếu được phân công. Trường hợp người đồng cơ hữu đến từ doanh nghiệp, cần có quy định về bảo mật thông tin sản xuất, kinh doanh, tránh xung đột lợi ích.

Thứ ba, giảng viên đồng cơ hữu có thể được tính chỉ tiêu tuyển sinh khi trường nghề mở ngành mới, nhưng cần quy định rõ và có giới hạn để đảm bảo chất lượng.

Cụ thể, giảng viên đồng cơ hữu được tính chỉ tiêu tuyển sinh khi có quyết định bổ nhiệm hợp pháp, có cam kết giảng dạy cụ thể đảm bảo tối thiểu về thời lượng năm học. Đồng thời, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chuyên môn và kỹ năng sư phạm.

Cùng với đó, tỷ lệ tính vào tổng giảng viên khi mở ngành nên được khống chế (ví dụ không vượt quá 30% tổng số giảng viên của ngành). Đối với các ngành mang tính thực hành cao, việc sử dụng giảng viên từ doanh nghiệp đồng cơ hữu là rất thiết thực, nhưng cần đảm bảo sự ổn định về mặt đội ngũ lâu dài.

Thầy Dũng cũng nhấn mạnh: “Việc quy định rõ ràng về giảng viên đồng cơ hữu là một bước mở quan trọng để kết nối nhà trường với doanh nghiệp, cập nhật công nghệ mới vào đào tạo và giải quyết bài toán thiếu hụt giảng viên có tay nghề cao trong giai đoạn chuyển đổi số và phát triển ngành nghề mới. Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tế hiệu quả, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành Thông tư hướng dẫn riêng về giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu (tương tự như hướng dẫn về hợp đồng khoán chuyên môn, giảng viên thỉnh giảng). Song song với đó, nên có mẫu hợp đồng mẫu và hướng dẫn hồ sơ công nhận để các trường áp dụng thống nhất. Ngoài ra, cần quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với giảng viên đồng cơ hữu nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo".

Mạnh Dũng