Hà Nội hỗ trợ bữa ăn bán trú cho HS tiểu học là chính sách đúng đắn, thiết thực

16/07/2025 07:07
Thu Trang

GDVN -Chính sách này không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất, mà còn thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Nhà nước đối với sự phát triển của thế hệ tương lai.

Tại kỳ họp thứ 25, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học, bắt đầu triển khai từ năm học 2025-2026. Như vậy, sẽ có khoảng 768.000 học sinh tiểu học ở Hà Nội, gồm cả công lập và tư thục được hỗ trợ 20.000-30.000 đồng bữa ăn trưa mỗi ngày từ năm học 2025-2026.

Theo tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, việc xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm thực hiện ý kiến gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 17/4/2025 và tiếp tục quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục, chính sách học đường, bảo đảm chất lượng dạy và học, tạo mọi điều kiện học tập tốt nhất cho trẻ em Thủ đô.

Chính sách thiết thực và mang tính nhân văn này nhận được sự đồng tình của các nhà trường, chuyên gia và phụ huynh học sinh.

Thể hiện sự quan tâm thiết thực, đúng mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, việc Hà Nội triển khai hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học bên cạnh chính sách miễn học phí, là một chủ trương rất ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và thành phố đối với thế hệ tương lai.

Đây là một chính sách thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho các gia đình, đặc biệt là những phụ huynh còn trẻ, thu nhập chưa cao, đang phải lo toan nhiều chi phí trong cuộc sống. Khi con em được hỗ trợ bữa ăn kịp thời, đầy đủ tại trường, phụ huynh có thể giảm bớt gánh nặng chi tiêu hằng ngày, yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống, đồng thời vẫn đảm bảo con em được chăm sóc chu đáo, đầy đủ dinh dưỡng.

Nhìn rộng hơn, chính sách hỗ trợ bữa ăn cho học sinh không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất, mà còn thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Nhà nước và xã hội đối với sự phát triển của thế hệ tương lai. Thể hiện tầm nhìn xa của thành phố khi đầu tư vào trẻ em ngay từ bậc tiểu học, bởi trẻ em được quan tâm, chăm sóc tốt sẽ có nền tảng thể chất, tinh thần vững chắc, là tiền đề cho sự phát triển trí tuệ, đạo đức, kỹ năng xã hội trong tương lai. Đây chính là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển con người toàn diện, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thủ đô và đất nước.

Đồng thời, chính sách này đặc biệt ý nghĩa với học sinh học 2 buổi/ngày, có nhu cầu bán trú cao. Trẻ không bị gián đoạn việc học, không phải mất thời gian di chuyển giữa buổi, vừa đảm bảo việc học tập liên tục, vừa duy trì nền nếp sinh hoạt ổn định.

Cũng theo thầy Lâm, để chính sách đạt hiệu quả cao, bên cạnh nỗ lực của các cấp quản lý, nhà trường cần có trách nhiệm trong tổ chức, triển khai và đảm bảo chất lượng, còn gia đình cũng cần quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng, ý thức tự phục vụ, tự lập cho con ngay từ nhỏ, phối hợp cùng nhà trường trong quản lý, chăm sóc, đảm bảo an toàn cho trẻ trong mọi hoạt động tại trường.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Về cơ sở vật chất, bếp ăn tại các nhà trường cần đảm bảo bếp một chiều, thớt thái đồ sống và đồ chín riêng, khay ăn, bát, thìa đều được rửa sạch sẽ, úp khô ráo, nhiều trường có tủ sấy bát, thìa, khay ăn.

Nhà trường cần kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến cũng như xây dựng thực đơn bảo đảm dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi. Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý, giám sát công tác tổ chức bán trú sẽ góp phần bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học được thực hiện một cách chặt chẽ, bài bản, hiệu quả, giúp phụ huynh yên tâm khi gửi gắm con em đến trường.

Mỗi trường có một cách làm khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu chung là mang đến cho học sinh những bữa ăn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ dinh dưỡng, giúp các em phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí tuệ. Bởi chăm lo dinh dưỡng cho học sinh không chỉ dừng lại ở việc các em ăn no hay đủ bữa, mà quan trọng hơn, đó là sự cân đối các nhóm chất, bảo đảm đủ dưỡng chất để trẻ có sức khỏe học tập, phát triển thể chất và tinh thần.

anh.jpg
Ảnh minh họa. Mộc Trà

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khoá XIII, quyết định này thể hiện rõ mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu. Với quan điểm để đảm bảo cơ hội được tiếp cận giáo dục bình đẳng, công bằng, "không để ai bị bỏ lại phía sau", việc hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học bên cạnh việc miễn học phí cho toàn bộ trẻ em, học sinh còn là thể hiện sự trách nhiệm, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.

Đặc biệt, chủ trương này góp phần đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, bất kể hoàn cảnh gia đình đều có cơ hội tiếp cận bữa ăn đầy đủ, chất lượng như nhau, đồng thời giảm áp lực tài chính cho các gia đình có con trong độ tuổi đến trường, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Với học sinh, một bữa trưa đầy đủ dưỡng chất tại trường không chỉ giúp trẻ phát triển thể chất mà còn tăng khả năng tiếp thu bài học, tạo nền tảng cho phát triển trí tuệ và nhân cách.

Điều này giúp nâng cao thể lực, trí lực và sự tập trung của các em, góp phần vào sự phát triển toàn diện. Chế độ ăn uống cân bằng, khoa học tại trường giúp hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng hoặc thừa cân, béo phì ở trẻ em.

Chị Vũ Thanh Thuý, phụ huynh của em Nguyễn Thái sơn, học sinh Trường Tiểu học Tam Hiệp (xã Đại Thanh, Hà Nội) chia sẻ: “Dưới góc nhìn là một phụ huynh, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú thể hiện sự quan tâm thiết thực của thành phố đối với người dân.

Từ năm học này, ngoài việc miễn học phí, con sẽ được hỗ trợ bữa trưa, áp lực kinh tế lên chúng tôi được vơi đi rất nhiều. Các con sẽ được ăn, ngủ đúng giờ dưới sự giám sát của giáo viên phụ trách.

Bữa ăn trưa ở trường không chỉ là chuyện ăn uống, dinh dưỡng, sức khỏe mà còn là một phần của hoạt động giáo dục toàn diện tại trường”.

Để bữa ăn bán trú của học sinh ngày càng nâng cao chất lượng, phụ huynh học sinh có thể cùng tham gia vào giám sát bữa ăn học đường, đảm bảo an toàn cho học sinh khi ăn tại trường.

Em Nguyễn Thái sơn, học sinh Trường Tiểu học Tam Hiệp (xã Đại Thanh, Hà Nội). Ảnh: NVCC
Em Nguyễn Thái sơn, học sinh Trường Tiểu học Tam Hiệp (xã Đại Thanh, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Làm tốt hơn nữa trong bảo đảm cơ sở vật chất bếp ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm

Cùng với chất lượng giáo dục, chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh là vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm.

Theo cô An, khi đã ban hành một chính sách đúng đắn và nhân văn như vậy, điều quan trọng là phải thực hiện sao cho hiệu quả, bảo đảm chất lượng bữa ăn.

Bữa ăn không chỉ cần đầy đủ dưỡng chất mà còn phải tuyệt đối an toàn, vệ sinh. Chủ trương đã rất tốt, thì những người thực hiện càng phải có trách nhiệm để biến chính sách ấy thành hiện thực đúng nghĩa, đem lại lợi ích thiết thực cho học sinh.

Để làm được điều đó, cần quản lý chặt chẽ, giám sát, kiểm tra thường xuyên, nghiêm túc để mỗi bữa ăn đến tay học sinh thực sự là những bữa ăn an toàn, đủ dinh dưỡng, góp phần nâng cao thể lực, trí tuệ cho các em, xây dựng niềm tin của phụ huynh và toàn xã hội vào các chính sách chăm lo thế hệ tương lai của Nhà nước.

Trong đó, các trường chú ý lựa chọn những đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín, chất lượng, đủ cơ sở pháp lý, đáng tin cậy để kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm hoặc suất ăn ngay từ đầu vào, hướng tới mục tiêu vì bữa ăn an toàn, chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Việc làm tốt công tác tổ chức ăn bán trú cho học sinh sẽ góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trong các trường học, thực hiện tốt các mục tiêu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non và học sinh, hạn chế tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và béo phì, đảm bảo học sinh có sức khỏe tốt, phát triển toàn diện cả về trí lực và thể lực khi bước vào năm học mới.

Thu Trang