Trong một cuộc họp giao ban tại Sở mới đây, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu có chỉ đạo Phòng Học sinh, Sinh viên nghiên cứu, tham mưu phương án đề xuất cấm học sinh không được phép sử dụng điện thoại trong cả giờ chơi, giờ học, trừ những giờ học được giáo viên bộ môn cho phép.
Cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường: Có nhiều thứ lợi khác nhau
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Phan Thị Ánh Hoa hiện đang có con học lớp 10 Trường trung học phổ thông Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ sự đồng tình với mong muốn của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Chị Hoa kể, con trai có học lực giỏi. Tuy nhiên, em cũng không thể nào tránh khỏi các cám dỗ của game online. Có những hôm tối ở nhà, con trai của chị Hoa trốn ở trong phòng riêng chơi game 1 đến 2 tiếng. Ở trường, chị Hoa cũng đã từng nghe giáo viên phản ánh, con trai chị cũng hay chơi game online với bạn bè ở trong lớp.
Chính vì thế mà chị Phan Thị Ánh Hoa hoàn toàn ủng hộ với chủ trương cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trong trường học, và cho rằng đúng lý ra việc này phải làm từ rất lâu rồi.
Dù vậy, chị Hoa vẫn mong muốn rằng: “Trong trường hợp trường học áp dụng quy định này, thì cũng nên có một phương tiện phù hợp ở trường để học sinh có thể liên hệ với phụ huynh trong trường hợp cần thiết”.
Cũng đồng tình với quan điểm của chị Hoa, anh Hoàng Sơn (phụ huynh của Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3) cho rằng, đối với các em ở lứa tuổi học sinh, việc sử dụng điện thoại trong trường học mang lại lợi ích thì ít, nhưng nhiều khi hậu quả lại rất nhiều.
Theo anh Hoàng Sơn nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ với đề xuất này của Sở, kể cả cấm sử dụng điện thoại di động vào giờ ra chơi, vì giờ chơi mỗi em một cái điện thoại bấm, không chơi và giao tiếp với nhau được. Chưa kể, có điện thoại ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tập trung học của các em”.
Cũng theo anh Hoàng Sơn, bản thân con của anh đã lâu rồi không được mang điện thoại đến lớp, nhưng do chưa có quy định cấm nên nhiều bạn bè cùng lớp vẫn mang theo, khiến nhiều khi con của anh cảm thấy bị lạc lõng, không được bằng bạn bè. Do vậy mà anh Sơn hy vọng Sở sẽ sớm đưa chủ trương mới này thành hiện thực.
Còn anh Nguyễn Nhật Huy, phụ huynh ở phường Thạnh Mỹ Tây nêu quan điểm: “Có nhiều thứ lợi khác nhau khi cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường, trong đó cái lợi đầu tiên là học sinh trong giờ học các em sẽ tập trung chú ý nhiều hơn vào bài giảng của thầy cô.
“Hằng ngày, khi đến trường đón con, tôi thấy nhiều em la cà trong các hàng quán, mắt thì dán vào màn hình điện thoại chơi game online, nhắn tin chat chit với bạn bè không tốt cho mắt của các em”, anh Nhật Huy nhấn mạnh.
Có trường ủng hộ nhưng cũng có trường đề nghị cân nhắc kỹ
Nói về đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cô Nguyễn Thị Ánh Mai – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ ý kiến là hoàn toàn ủng hộ việc này, mong sớm triển khai vào thực tế.
Theo cô Nguyễn Thị Ánh Mai, nhà trường cũng đã đưa ra quy định không cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học (trừ những giờ học được giáo viên cho phép), nhưng lúc nào cũng vậy, lãnh đạo trường hay giám thị đi kiểm tra cũng phát hiện ra có học sinh lén lút sử dụng điện thoại trong giờ học.
Đối với việc cấm luôn cả việc học sinh sử dụng điện thoại vào giờ chơi, cô Nguyễn Thị Ánh Mai cho rằng, đã gọi là giờ chơi thì học sinh nên vui chơi, vận động, giao lưu bạn bè để cho đầu óc nghỉ ngơi, thư giãn sau giờ học căng thẳng.

“Nhiều học sinh có nhu cầu sử dụng điện thoại trong giờ chơi để tìm kiếm thông tin, nhưng theo tôi là không nhiều, chủ yếu vẫn là chat chit, liên hệ bạn bè”, cô Nguyễn Thị Ánh Mai cho hay.
Là một trường học đưa ra quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học từ năm học trước, Tiến sĩ Trần Nam Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ Thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, ban đầu, lúc mới thực hiện, học sinh cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng khi đó nhà trường vẫn quyết tâm làm, giải thích rõ cho các em hiểu thì học sinh cũng đồng ý thực hiện.
Theo Tiến sĩ Trần Nam Dũng: “Tại mỗi lớp học đều có hộc tủ cá nhân, đựng điện thoại của từng học sinh. Các em sẽ có chìa khóa riêng. Trường chỉ cấm sử dụng điện thoại trong giờ học, còn những khoảng thời còn lại thì các em được sử dụng bình thường”.
Tiến sĩ Trần Nam Dũng cho biết, từ khi thực hiện quy định này, số học sinh vi phạm không nhiều. Nếu học sinh nào vi phạm thì sẽ bị ghi số đầu bài, ảnh hưởng đến việc xếp loại hạnh kiểm. Tuy nhiên, trường vẫn luôn tạo cơ hội cho học sinh có cơ hội gỡ điểm rèn luyện nếu có lỡ vi phạm.
Đối với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Trần Nam Dũng nêu quan điểm: “Việc này cần nên cân nhắc kỹ lưỡng, nên chăng chỉ nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học trước. Làm thật nghiêm việc này trước cho hiệu quả đã rồi mới cấm hẳn việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học.”

Để có thể “học sinh không sử dụng điện thoại trong trường học” theo Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh – Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Võ Văn Kiệt, các trường cần tăng cường thiết kế, tạo ra nhiều sân chơi hấp dẫn cho học sinh vào các giờ chơi, tăng cường và tạo ra nhiều sân chơi về thể thao, văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò của các câu lạc bộ, đội nhóm, học thuật trong nhà trường.
Với các tiết học, Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh đề xuất cần đa dạng hóa các hoạt động giáo dục trong giờ học, ngày càng phong phú, hấp dẫn, để học sinh quên hẳn vai trò của điện thoại. Mỗi thầy cô cần biết phát huy, khơi gợi tiềm lực, kỹ năng để mỗi học sinh tự thể hiện và phát huy hết những kiến thức mà mình tiếp thu được.
“Việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường sẽ giúp học sinh năng động, tự tin hơn, phát triển hơn trên nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, đạo đức, trí lực, thẩm mỹ, giúp cho các em biết yêu thương bản thân, gia đình và cuộc sống hơn. Ngoài ra, việc này còn giúp cho ngăn ngừa tình trạng bạo lực tâm lý, thể chất, sức khỏe tinh thần khi sử dụng điện thoại quá liều lượng và không gian giới hạn cho phép”, Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh nêu ý kiến.
Đề xuất cần được xem xét cẩn thận
Là một chuyên gia về tâm lý học, Tiến sĩ Đào Lê Hòa An – Thành viên Ban tư vấn chính sách pháp luật về thanh thiếu nhi, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam lại cho rằng đề xuất này cần phải được xem xét cẩn thận.

Theo Tiến sĩ Đào Lê Hòa An, điện thoại thông minh ngày nay chính là một bước tiến của thời đại, có thể giúp cho các em học sinh kết nối với thế giới, học hỏi không giới hạn. Tuy nhiên, mọi bước tiến của công nghệ cần được đi kèm với năng lực sử dụng phù hợp, nhất là đối với học sinh khi các em đang ở lứa tuổi chưa hoàn thiện khả năng kiểm soát hành vi và cảm xúc.
Đối với học sinh, Tiến sĩ Đào Lê Hòa An cho rằng, cần có một hướng dẫn và giới hạn việc sử dụng điện thoại rất rõ ràng, và điều quan trọng không nằm ở việc “cấm hay không cấm”, mà cần xây dựng những giờ chơi thật hấp dẫn, đủ sức lôi cuốn học sinh tham gia, tạo thành thói quen cho học sinh rời xa điện thoại.
Sâu xa hơn, vị chuyên gia về tâm lý học mong muốn ngành giáo dục cần hướng đến việc xây dựng năng lực tự chủ cho học sinh trước điện thoại, không chỉ áp dụng trong trường học, mà ngay cả khi các em ở nhà hay là nơi công cộng.