Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có các bài viết nêu lên việc, tổ chức tên "Trường Quản trị doanh nghiệp Việt Nam" nhiều lần dùng cụm từ "Nhà trường" trên website, điều này dễ gây ra nhầm lẫn cho đối tượng tìm hiểu rằng đây là cơ sở giáo dục.
Người tìm hiểu "loạn" vì không biết đâu là cơ sở giáo dục thực sự
Trao đổi với phóng viên liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cơ quan quản lý cần bổ sung thêm các quy định trong việc đặt tên gọi của các tổ chức.
Nếu vẫn để tồn tại hình thức đặt tên có chữ "trường" dù tổ chức đó không phải là cơ sở giáo dục sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn danh xưng trường học. Đối tượng tiếp cận, tìm hiểu sẽ khó phân biệt được đâu là cơ sở giáo dục chính thống, thậm chí nếu xảy ra những rắc rối về pháp lý của văn bằng, chứng chỉ cũng khó có cơ quan nào đảm bảo được quyền lợi.

Đại biểu Trịnh Tú Anh nhấn mạnh thêm: "Chỉ tính riêng với hệ thống mạng lưới trường học chính thống hiện đang hoạt động trong nước cũng là một con số rất lớn, người có nhu cầu tìm hiểu cũng không thể nào điểm mặt hết được tên các trường. Vì thế, nếu có thêm một tổ chức nào đó trong tên gọi có gắn chữ "trường" khiến người có nhu cầu tìm hiểu nhầm lẫn đó là một cơ sở giáo dục cũng là điều không thể tránh khỏi.
Một người dân bình thường nếu không am hiểu tường tận về hệ thống cơ sở giáo dục thì việc để khẳng định chắc chắn đó có phải là một trường học chính thống hay không chỉ có thể bằng cách là tự đi xác minh. Đó là việc khảo sát trực tiếp về cơ sở vật chất, đội ngũ lãnh đạo, giáo viên hoặc thậm chí là xem được giấy phép hoạt động với pháp nhân chính thức của tổ chức đó là gì. Trên thực tế, để xác minh được các yếu tố này thực tế mất rất nhiều thời gian, chưa kể không phải tổ chức nào cũng sẵn sàng hợp tác cung cấp minh chứng.
Vì thế, đa phần các đối tượng tìm hiểu về một cơ sở giáo dục hoặc tổ chức nào đó là dựa trên các thông tin đăng tải trên website hoặc các trang mạng xã hội. Nếu trên đó nhiều lần nhắc đến cụm từ "Nhà trường", cộng thêm việc tư vấn ở đó cũng nói đó là "Nhà trường" thì rất dễ khiến người tìm hiểu nghĩ đó là trường học thực sự.
Việc không minh bạch khi quảng bá, giới thiệu với đối tượng tiếp cận rằng tổ chức của mình có phải là cơ sở giáo dục chính thống hay không không chỉ làm mất thời gian cho người tìm hiểu mà còn khiến tên gọi nhà trường trong hệ thống các cơ sở giáo dục bị xáo trộn. Người tìm hiểu không biết đâu là trường học thực sự và đâu là các tổ chức "tự xưng" hay gắn mác "nhà trường".
Qua đó, Đại biểu Trịnh Tú Anh cho rằng, cơ quan quản lý giáo dục, đặc biệt là đơn vị quản lý giáo dục ở các địa phương nơi đặt trụ sở của các tổ chức tự xưng "nhà trường" cần có sự rà soát và kiểm tra sau khi có thông tin người dân hoặc báo chí phản ánh.
Vị đại biểu này cho rằng, khi xác định đúng có việc tổ chức tự xưng "nhà trường" thì cần có các biện pháp yêu cầu điều chỉnh thông tin trên website để đảm bảo việc thông tin minh bạch, chính xác.
Cần có phương án kiểm soát các tổ chức tự xưng "nhà trường"
Cùng quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư Trần Hậu - Uỷ viên Hội đồng tư vấn về Khoa học - giáo dục và Môi trường (nay là Hội đồng tư vấn về Khoa học công nghệ và Chuyển đổi số) thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, việc các tổ chức không phải là cơ sở giáo dục nhưng tự xưng là "nhà trường" gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của các trường học chính thống đã được cấp phép và tuân thủ theo pháp luật.
Đồng thời, việc này dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh, nhất là có rất nhiều tổ chức trong nước đang thực hiện việc tuyển sinh, đào tạo và cấp chứng chỉ cho người học. Bên cạnh đó, trong trường hợp gặp các vấn đề về pháp lý liên quan đến các văn bằng, chứng chỉ đó thì người chịu thiệt thòi đầu tiên vẫn là các học viên. Bởi lẽ, họ chỉ biết đến các tổ chức tự xưng mà không được làm thủ tục trực tiếp với các cơ sở giáo dục đứng pháp nhân để cấp văn bằng, chứng chỉ.

Qua đó, Phó Giáo sư Trần Hậu đưa ra lời khuyên: "Những đối tượng có nhu cầu tìm hiểu để thi và cấp chứng chỉ thì cần tìm đến những cơ sở có sự công khai, rõ ràng về pháp nhân của họ.
Đồng thời, người tìm hiểu cũng nên có sự kiểm tra, xác thực về việc tổ chức đó có phải là cơ sở giáo dục chính thống hay không để tránh việc vướng vào những phiền hà về pháp lý sau này.
Nếu tổ chức đó giới thiệu là "nhà trường" thì người tìm hiểu có thể yêu cầu họ cung cấp các báo cáo về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và hình ảnh lớp học thực tế. Chắc chắn hơn có thể đề nghị họ cung cấp văn bản pháp lý hoặc giấy phép hoạt động thể hiện rõ đó là cơ sở giáo dục chính thống, đường link tra cứu tên của tổ chức đó trên hệ thống danh sách cơ sở giáo dục.
Đối với các tổ chức có chiêu sinh các khóa học, nếu con dấu, chữ ký trên các văn bằng, chứng chỉ không giống hoặc trùng với tên gọi "trường" được quảng bá thì người học cũng nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đóng tiền tham gia khóa học".
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (nay là Vụ Học sinh, sinh viên), Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, giáo dục là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì thế, các cơ sở giáo dục chính thống phải có quyết định thành lập, giấy phép hoạt động và chỉ khi đó mới được phép sử dụng tên gọi như “trường”, “học viện”, “viện đào tạo” trong tên gọi chính thức.
Việc các cơ sở cố tình thực hiện không đúng, đánh tráo khái niệm dẫn tới gây nhầm lẫn cho người học là cần xử lý nghiêm, tránh việc lợi dụng để tạo dựng hình ảnh như một cơ sở đào tạo chính thống.
"Để có thể được công nhận là một cơ sở giáo dục phải trải qua nhiều khâu thẩm định, cấp phép và nhiều yêu cầu khắt khe, không hề dễ dàng. Vì thế mới cần có sự phân biệt rạch ròi giữa các cơ sở giáo dục chính thống và các tổ chức khác. Qua đó, việc một số tổ chức tùy tiện sử dụng tên gọi có gắn chữ "trường" hay dùng các từ ngữ dễ gây nhầm lẫn đó là trường học cần được kiểm tra và có phương án xử lý", Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh cho hay.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh, việc báo chí nêu ra các trường hợp về tổ chức tự xưng "nhà trường" là cần thiết để giúp người dân có cái nhìn tổng quan hơn khi có nhu cầu tìm hiểu. Bên cạnh đó, người dân cũng nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi đóng tiền để tham gia thi và lấy chứng chỉ.
Qua đó, Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh cũng cho rằng, việc vẫn còn tồn tại các tổ chức không phải là cơ sở giáo dục nhưng tự xưng "nhà trường" và có dùng từ ngữ dễ gây nhầm lẫn với trường học thực sự cho thấy vẫn còn một số "lỗ hổng" rất lớn của công tác quản lý trong việc kiểm soát cách đặt tên gọi có gắn với chữ "trường".
"Để tránh việc hỗn loạn danh xưng trường học như hiện nay, trước hết các cơ quan quản lý giáo dục cũng nên có sự rà soát và chấn chỉnh với các tổ chức tự xưng "nhà trường".
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh, bổ sung các quy định để khống chế, kiểm soát các tổ chức, đơn vị có cách đặt tên rõ ràng, phân định rõ với các cơ sở giáo dục chính thống là điều cần được các cơ quan quản lý lưu tâm", Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh nhấn mạnh.